Minh Anh
Ngày 11/05/2021, sau khi bị hoãn gần một tháng, Bắc Kinh cho công bố dữ liệu về cuộc điều tra dân số hàng năm mới nhất, theo đó Trung Quốc tính đến năm 2020 có 1,411 tỷ dân. Số trẻ được sinh ra trong năm 2020 giảm mất 20% so với năm 2019. Kết quả này khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng, bởi vì dân số đông còn là « một công cụ địa chiến lược » hiệu quả trong cuộc đọ sức với Washington.
Theo nhận định của bà Isabelle Feng, chuyên gia về Luật trường đại học Bruxelles trên nhật báo Le Monde (số đôi 20-21/06/2021), ít nhất có ba dấu hiệu cho thấy rõ nỗi lo lắng của chính quyền Bắc Kinh về hiện tượng dân số giảm.
Dấu hiệu đầu tiên là vào ngày 18/01/2021. Ông Ninh Kế Triết (Ning Jizhe), giám đốc Văn Phòng Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc (BNS) cho công bố số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2020 mà không thông báo dữ liệu dân số. Đây là một điểm bất thường.
Thứ hai, khi được hỏi, ông Ninh cam kết số liệu sẽ được công bố vào trung tuần tháng Tư, nhưng cuối cùng bị hoãn đến giữa tháng 5. Sau cùng, 20 ngày sau khi công bố số liệu, Ban Thường Vụ Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc vội vã quyết định cho phép các gia đình được quyền có thêm đứa con thứ ba.
Chuyên gia Feng đưa ra hai vấn đề :Thứ nhất, với nguồn nhân lực dồi dào và các phương tiện giám sát điện tử dầy đặc, làm thế nào Bắc Kinh lại khó khăn đưa ra số liệu vì những lý do kỹ thuật ? Thứ hai, có một sự chênh lệch lớn về số trẻ được sinh ra trong năm 2020, giữa số liệu do BNS công bố (là 12 triệu) và con số hộ tịch mới do bộ Công An cung cấp ngày 08/02 (10,3 triệu). Làm thế nào mà hai định chế lớn lại có thể đếm lệch số trẻ sơ sinh đến gần hai triệu ?
Về mặt lý thuyết, với số liệu mới này, Bắc Kinh lẽ ra phải phấn khởi vì mục tiêu đặt ra đã có kết quả. Từ bốn thập niên qua, chính quyền Trung Quốc áp đặt một chính sách hà khắc « một con duy nhất » nhằm giảm tỷ lệ sinh nở bằng đủ mọi cách (phạt tiền nặng, sa thải, cưỡng ép phá thai và triệt sản, hay tịch biên tài sản…). Quan chức Trung Quốc còn tìm cách giảm thiểu tỷ lệ sinh nở để trưng bày thành tích, thăng quan tiến chức.
Vậy tại sao lần này, Bắc Kinh lại vội vã nâng số liệu tỷ lệ sinh nở ? Nhìn từ phương Tây, Trung Quốc có một nỗi ám ảnh, lo sợ « trở nên già trước khi giàu ». Hoa Kỳ và Nhật Bản, tuy cũng có « chạm » một tỷ lệ lão hóa tương tự, nhưng lại có mức thu nhập bình quân đầu người lần lượt ở mức là 29 ngàn và 39 ngàn đô la, trong khi Trung Quốc hiện nay chỉ vừa tới ngưỡng 10 ngàn đô la/người.
Nhưng với Trung Quốc, các vấn đề xã hội có liên quan đến dân số như chế độ hưu bổng, thất nghiệp, bong bóng địa ốc, khan hiếm thực phẩm, không có bảo hiểm xã hội… hiếm khi là một vấn đề khiến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phải « mất ăn mất ngủ » như tại nhiều nước dân chủ.
Trong chiều dài lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, dân số trước tiên là những đồng tiền để « mặc cả » trên trường địa chính trị. Cái thời mà Trung Quốc « sẵn sàng hy sinh 300 triệu người dân cho thắng lợi của cách mạng thế giới » như Mao Trạch Đông tuyên bố đã qua. Những người kế nhiệm Mao cho thấy một gương mặt « nhân bản » hơn nhưng với cùng một thái độ « vô sỉ » khi thường xuyên tuyên bố « nhân danh 1,4 tỷ người dân Trung Quốc ».
Liệu có nhà đầu tư hay một hãng đa quốc gia nào dám đối xử trịch thượng với 1,4 tỷ người tiêu thụ ? Sự hấp dẫn của thị trường tiêu thụ nội địa bao la này cho phép Bắc Kinh áp đặt luật chơi : Từ việc Airbus, Siemens, phải chấp nhận chuyển giao công nghệ, cho đến việc Apple hay Facebook phải quy phục chiếc kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh…
Như ông Lương Kiến Chương (Liang Jianzhang) giáo sư trường School of Economics, đại học Bắc Kinh từng nói, dân số sẽ là yếu tố mang tính quyết định trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Chỉ có điều, trong khi Trung Quốc già cỗi đang mất dần giá trị lá bài trao đổi, thì Hoa Kỳ, theo truyền thống mở cửa cho di dân, luôn thu hút nhiều người trẻ tuổi trên toàn cầu.
Câu hỏi đặt ra, phải chăng dân số giảm sẽ là gót chân « Achille » của chế độ chuyên chế đỏ ? Thế nên, một điều chắc chắc là, chuyện sinh nở của phụ nữ Trung Quốc vẫn luôn là chuyện của Đảng, như nhận định của The Economist !