Tại sao các nhà ngoại giao Trung Quốc lại thường xuyên mắc sai lầm?

Vũ Dương

Phóng viên chính trị cấp cao người Mỹ Peter Martin đã đăng một bài báo có tiêu đề “Bầy sói Trung Quốc” trên tạp chí The Wire China vào Chủ nhật (20/6), và phân tích lý do tại sao các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người đáng lẽ phải quan tâm nhất đến danh tiếng của đất nước, lại liên tục làm giảm uy tín của đất nước theo những cách khác nhau.

Bài báo cũng trình bày chi tiết những quan điểm cốt lõi trong cuốn sách năm 2021 của Peter Martin “Quân đội Nhân dân Trung Quốc: Câu chuyện bên trong cuộc tìm kiếm sức mạnh toàn cầu”.

Ông Martin sử dụng một sự kiện quốc tế nổi tiếng vào năm 2018 làm phần giới thiệu. Vào thời điểm đó, bốn nhà ngoại giao Trung Quốc đã lao vào văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Quốc đảo Papua New Guinea, Rimbink Pato, cố gắng sửa lại từ ngữ trong thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh APEC vào phút cuối. Cuối cùng, các nhân viên an ninh phải đuổi các quan chức Trung Quốc đi và cử cảnh sát đến canh cửa.

Ông Martin chỉ ra rằng khi Hội nghị thượng đỉnh được triệu tập, ĐCSTQ đã thâm nhập Papua New Guinea trong một thời gian dài, đầu tư rất nhiều vào đất nước này và nắm được 1/4 số nợ nước ngoài của Papua New Guinea. Các phương tiện truyền thông địa phương cũng đã đưa tin về “tốc độ phát triển nhanh chóng” của quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, do hành vi vượt quá giới hạn của các quan chức ngoại giao Trung Quốc, một hành động ngoại giao “dễ dàng chiến thắng”, lại biến thành một “kết cục bi thảm”, các quan chức Papua New Guinea tin rằng quá trình đàm phán là “sự bắt nạt” của Trung Quốc. Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh APEC năm đó lần đầu tiên kết thúc mà không có thông cáo chung.

Ông Martin chỉ ra rằng thất bại này chỉ là một trong hàng loạt những thất bại ngoại giao mà Trung Quốc gặp phải trong vài tháng đó. Hai tháng trước, đặc phái viên của ĐCSTQ đã rút khỏi Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương ở Nauru vì người chủ trì từ chối cho ông ta phát biểu trước thủ tướng của một nước khác.

Ông Martin viết: “Tổng thống Nauru mô tả nhà ngoại giao Trung Quốc là người ‘rất thô lỗ’ và “ác bá”.

Những sự cố tương tự không phải là hiếm. Bài báo sử dụng Đại sứ của Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Dân Hải làm ví dụ.

Ông viết: “Chỉ trong hai năm, Quế Dân Hải đã bị Bộ Ngoại giao Thụy Điển triệu tập hơn 40 lần, và ba chính đảng ở nước này yêu cầu trục xuất ông. Ông này nói với Đài Phát thanh công cộng Thụy Điển mà không hề giấu giếm rằng: ‘Bạn bè đến với rượu ngon, sài lang đến với súng ngắn”’.

Tại sao các quan chức Ngoại giao Trung Quốc liên tục làm mất hình ảnh của đất nước?

Ông Martin nói rằng mặc dù những màn biểu diễn hung hăng này đã giành được sự khen ngợi ở Trung Quốc, nhưng chúng đã làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc trong việc thể hiện mình là một cường quốc hòa bình, và truyền thông nước ngoài bắt đầu gọi đó là “ngoại giao chiến lang”. Ông chỉ ra rằng sau khi bùng phát dịch COVID-19, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở nên hiếu chiến hơn và tung ra một cuộc phản kích nhằm chống lại tuyên bố rằng “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus”.

Ông viết: “Thay vì có được bạn bè, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở thành biểu tượng của mối đe dọa do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tại sao những người đáng nhẽ phải quan tâm đến danh tiếng của đất nước họ lại luôn hành động theo cách rõ ràng là hủy hoại nó?”.

Ông Martin tin rằng hành vi “hung hăng và thậm chí kỳ quặc” của các nhà ngoại giao Trung Quốc trong mắt thế giới là hoàn toàn hợp lý ở Trung Quốc. Để hiểu lý do của điều này, cần phải hiểu hệ thống chính trị của ĐCSTQ ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của các nhà ngoại giao khi Trung Quốc được thành lập.

Ông chỉ ra rằng nền tảng ngoại giao của ĐCSTQ được thiết lập bởi Chu Ân Lai, và mô hình của nó là “Quân đội Giải phóng Nhân dân”.

Peter Martin cho biết khi Chu Ân Lai được lệnh thành lập phái bộ ngoại giao của ĐCSTQ, ông đã từ bỏ những cựu nhân viên ngoại giao Quốc dân Đảng giàu kinh nghiệm hơn đang ở lại Đại lục và tổ chức lại phái đoàn ngoại giao mới với “sinh viên đã tốt nghiệp, cựu chiến binh và nông dân cách mạng”. Trong số họ, “nhiều người không nói được ngoại ngữ, và một số thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy người nước ngoài”.

Ông chỉ ra rằng trong mắt công chúng Trung Quốc vào thời điểm đó, “ngoại giao thường gắn liền với sự yếu kém và khuất phục trước các cường quốc nước ngoài”. Do đó, ĐCSTQ “sẽ không bao giờ cho phép các nhà ngoại giao của mình thể hiện sự yếu kém”.

Chu Ân Lai sử dụng cái gọi là Quân Giải phóng Nhân dân làm hình mẫu cho các nhà ngoại giao, yêu cầu họ suy nghĩ và hành động giống như “Quân Giải phóng Nhân dân trong trang phục thường dân”.

“Khi cần, họ sẽ tỏ ra hiếu chiến và có kỷ luật. Theo bản năng, họ tuân thủ hệ thống phân cấp và báo cáo với cấp trên của họ những gì họ đã làm. Khi cần thiết, họ sẽ thông báo cho nhau”, Peter Martin viết.

“Quan trọng nhất, ý tưởng làm việc giống như một ‘đội quân áo vải’ nhấn mạnh thực tế rằng lòng trung thành đầu tiên của các nhà ngoại giao Trung Quốc luôn hướng về ĐCSTQ”.

Bài báo dẫn lời ông Cao Chí Khải, cựu phiên dịch của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Ông Cao Chí Khải nói: “Họ áp dụng hình thức kỷ luật đối với Bộ Ngoại giao như đối với quân đội”, “Áp lực vô cùng, mọi người đều nhìn người khác”.

Peter Martin chỉ ra rằng những thực hành này vẫn đang được thực hiện trong hơn 70 năm. Sau các cuộc cách mạng, nạn đói, cải cách tư bản chủ nghĩa, và nỗ lực trở thành một cường quốc ngày nay, cách tiếp cận do Chu Ân Lai đề ra vẫn tiếp tục phát triển.

Một nhà ngoại giao giấu tên của Trung Quốc nói với tác giả: “Chúng tôi rất khác biệt so với các nước khác”. “Điều bất thường ở chúng tôi là chúng tôi có một nền văn hóa mạnh mẽ kéo dài từ năm 1949”.

Ông Martin chỉ ra rằng các nhà ngoại giao của ĐCSTQ “sợ tỏ ra yếu thế trước các nhà lãnh đạo đảng và công chúng Trung Quốc”. Điều này khiến họ quá chú ý đến những chiến thắng chiến thuật nhỏ, mà bỏ qua bức tranh lớn. Điều này cũng khiến họ lặp lại một cách đơn điệu những điều cần nói chính thức, họ không thể tùy cơ ứng biến và điều chỉnh phương pháp trò chuyện cho các đối tượng khác nhau.

ĐCSTQ cuối cùng sẽ hạn chế sự phát triển của quốc gia

Sự bất thường của các nhà ngoại giao TQ trong cộng đồng quốc tế phản ánh chính xác những khiếm khuyết của chế độ chuyên quyền của ĐCSTQ.

“Hệ thống chính trị của ĐCSTQ đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với hiệu quả hoạt động của các nhà ngoại giao. Rốt cuộc, hệ thống này tốt hơn trong việc trấn áp những người chỉ trích hơn là thuyết phục những người khác”, Peter Martin viết.

“Hệ thống này hoạt động đặc biệt kém khi tình hình chính trị ở Bắc Kinh căng thẳng, khi các nhà ngoại giao ĐCSTQ quan tâm nhiều hơn đến việc  bảo đảm rằng họ không bị cáo buộc là không trung thành, hơn là nâng cao danh tiếng của đất nước họ”.

Kết quả là, các đại sứ của ĐCSTQ đã sử dụng một giọng điệu ngạo mạn hơn và thậm chí hiếu chiến hơn để chứng minh lòng trung thành của họ với lãnh đạo ĐCSTQ.

“Đây là lý do tại sao chính hệ thống của Trung Quốc lại cản trở sự phát triển của đất nước”. Peter Martin viết, “kiêu ngạo nhưng mong manh, mạnh mẽ nhưng không an toàn. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc báo trước Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia như thế nào”.

Related posts