Hồi 2019, cựu Ngoại trưởng Mỹ – Mike Pompeo đã gây “thương nhớ” cho hàng tỷ phụ nữ trên thế giới vì đăng ảnh khoe cảnh ông đang xắn tay rửa chén để vợ rảnh rang đánh bài. Trong khi đó, có lẽ phu nhân ông và những người bạn chơi bài của bà ta đều vừa nhìn các bình luận vừa nghĩ “Bình thường mà ta!”
Jeff Bezos và Bill Gates – hai tỷ phú giàu nhất nhì thế giới, thường rửa chén sau mỗi bữa ăn tối của gia đình! – Ðó là thông tin “nóng” nhất ở mạng xã hội Việt và báo chí trong nước sau khi có tin hai vị tỷ phú này chính thức “mồ côi” vợ, “thất nghiệp” rửa chén (đều có “kinh nghiệm” trên 25 năm) cho cựu hiền thê. Trong khi đó, rất nhiều quý ông “Việt kiều” đang ở cùng “bầu trời” với hai ông tỷ phú lại nhún vai, lắc đầu trước sự “nóng” của “đồng hương” ở quê nhà, họ nói “Bình thường mà ta!”
Ðiều đó cho thấy, rất nhiều khi, sự bất bình thường đối với nơi/người này lại trở thành sự bình thường với nơi/người khác.
Tại sao chuyện đàn ông rửa chén lại có thể thành “chủ đề» ở Việt Nam? Ðơn giản vì ở xứ này, nhiều bà vợ có thể lấy làm «tự hào, ngạo nghễ» nếu có một ông chồng biết rửa chén, dầu ảnh rửa không sạch, hoặc một vài năm ảnh rửa chỉ vài lần, đó là lúc vợ đi… đẻ. Bởi vì ở Việt Nam, có nhiều bà, nhiều mợ vẫn còn «kỳ thị» với «những loại phụ nữ» thích nhờ vả đàn ông. Hôm rồi nè, chính tai tôi được nghe 2 bà hàng xóm phê phán một cặp kia, vì bất cứ thứ gì cô nàng cũng gọi “anh ơi”, và bất cứ khi nào nghe “anh ơi” thì chàng trai vẫn sẵn sàng chiều lòng người đẹp. Hai bà hàng xóm của tôi cho rằng người phụ nữ kia là què là liệt, khi bắt người đàn ông của họ mở cửa xe, lấy đồ ăn, cột giày, khoan tường, khiêng đồ, bỏ rác… Còn người đàn ông kia chắc chắn là một kẻ… bất hiếu – vì dại gái, vì “chắc gì nó làm vậy cho má nó, mà đi hầu hạ gái”!
Tôi không ít lần đọc hay nghe được những lời nói đầy “kỳ thị” tương tự, không chỉ từ 2 bà hàng xóm có tuổi, có quá khứ ít được yêu thương mà còn từ nhiều người khác trên mạng xã hội. Trong đó có các cô gái trẻ tuổi, lẫn các chàng trai có học thức. Buồn lắm, biết bao giờ người Việt ta nhận ra, việc phái mạnh cư xử tốt, đỡ đần cho phái yếu là một việc “Bình thường mà ta!”? Chắc là lâu lắm…
Hồi tháng 4-2021, có cậu học trò đang học lớp 4, ở Cần Thơ bỗng dưng nổi tiếng khắp cả nước, được chánh quyền sở tại và các nhà hảo tâm tặng quà, bằng khen. Thông qua nhiều tờ báo uy tín trong nước, tôi còn biết cậu đã làm nhân dân cả nước “ấm lòng”, “sụt sùi”, không cầm được nước mắt cảm động, khi họ biết được gia cảnh của cậu. Nhiều người đã khen ngợi cậu kiểu như “thằng đó nghèo mà học giỏi, học giỏi mà lại còn lễ phép”…
“Bình thường mà ta!” là tiếng lòng lẫn tiếng… miệng của nhiều người khi nghe qua câu chuyện trên. Họ không hiểu tại sao việc cám ơn người ta giúp mình lại trở thành “hiện tượng”? Tại sao nhà nghèo học giỏi lại là chuyện lạ, khi hơn nửa dân số VN là nghèo? Tại sao học trò nghèo, học giỏi, biết làm việc tốt lại khiến dư luận “ấm lòng”, “sụt sùi” cảm động? Bộ nhà giàu, học dốt, làm việc thiện thì không khiến người ta ấm lòng?
Còn tôi thì nghĩ, nếu mỗi lần cám ơn người khác mà được tặng quà, nhận giấy khen thì nhà của người Sài Gòn phải có phòng riêng để đựng mấy thứ đó, vì việc tử tế và đàng hoàng ở xứ này nó “Bình thường mà ta!”
Ngày 8-6-2021, một video trở thành “hiện tượng” trên mạng xã hội Việt Nam vì quay lại cảnh một chàng trai đã tặng cái áo mưa cho một gia đình ba người đang trên một chiếc xe máy, dừng đèn đỏ giữa trời giông tố của Sài Gòn. Sau khi xem clip, nhiều người dùng mạng xã hội đã nói “Bình thường mà ta!”. Rồi họ cũng kể lại những dịp bản thân từng được người Sài Gòn không quen biết giúp đỡ, chia sẻ khi gặp khó khăn trên đường, khi thì can xăng khi xe “đói bụng”, khi thì được đưa tới tận nơi muốn đến lúc hỏi đường người không quen, hôm thì chai nước/ổ bánh mì miễn phí lúc lỡ đường…
Các bài viết về sự tử tế mà người Sài Gòn dành cho nhau, chỉ cần gõ sương sương vào khung “tìm kiếm” của Google thì ra cả đống. Bởi vậy, người bạn tôi – là con-em của phụ huynh nhà “phố cổ” (Hà Nội) thứ thiệt – thường hay hỏi tôi rằng: “Sao dân Sài Gòn rảnh vậy?” Tôi chỉ biết nhìn nó đầy khinh bỉ, rồi nói: «Bình thường mà ta!»
Cách đây mấy bữa, cư dân mạng còn chụp được cái bảng mới toanh, ghi: hỏi đường 5000 đồng một lần, không hỏi “chùa” – xuất xứ thì nghe qua chắc ai cũng đoán được. Không biết người bạn con-ông-cháu-cha của tôi có buồn không? Chứ tôi buồn lắm! Chẳng biết bao giờ tất cả người Việt, bên kia lẫn bên này vĩ tuyến thôi cái kiểu nhìn nhau và hỏi “biết bố mày là ai không?” và cùng coi việc tử tế với nhau là chuyện “Bình thường mà ta!”?
Mới vừa rồi, có một bảng tin bị “delay” tận 5 tháng nhưng vẫn gây chú ý cho dân tình. Cụ thể là ngày 8-6-2021, Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đăng 2 hình ảnh kèm câu chuyện về việc hai vị Trung sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ – tên là Searcy và De Freitas – đã được Bộ Hải quân Mỹ tặng Huân chương khen thưởng và vinh danh trong một buổi lễ do đã cùng ứng cứu nhiều người Việt trên một chiếc thuyền bị lật, hô hấp nhân tạo và cứu một bé trai 10 tuổi bị bất tỉnh. Khi hai chàng này đang nghỉ phép và du hí ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang hồi đầu tháng 1 năm nay.
Việc thấy người gặp nạn đưa tay cứu giúp là lẽ “Bình thường mà ta!”, không chỉ Thủy quân Lục chiến mà một du khách bình thường cũng nên làm và đáng vinh danh.
Cách đây không lâu, tại Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Mạnh – người cứu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư – đã trở thành người hùng của hàng triệu dân Việt và được nhận bằng khen bất ngờ của Thủ tướng Việt Nam vì hành động cứu người của mình. Chuyện đáng chú ý ở đây là báo trong nước, kênh truyền thông được coi là “nhanh nhạy nhất thế giới” lại chỉ đăng tin hai chàng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã cứu người, sau khi Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đăng. Dầu 2 Trung sĩ trên đã cứu người Việt, trên lãnh thổ Việt Nam, ở ngay một khu du lịch nổi tiếng nhất nhì Việt Nam cách đây 5 tháng trời. Liệu có sự định hướng gì chăng? Nếu sự việc xảy ra với một chiếc thuyền bị lật ở bãi biển nào đó ở California, nạn nhân là người lớn và trẻ em của “Mỹ đế”, người ứng cứu là hai chàng “bộ đội cụ hồ” hoặc “công an nhân dân Việt Nam” (dẫu biết là khó xảy ra) thì báo chí “phe ta” sẽ “lên đồng” cỡ nào? Trang nhất các báo sẽ giật “tít” ra sao? Ðó là điều ai cũng có thể tưởng tượng ra…
Tôi cũng có sự tò mò về phản ứng của cư dân mạng Mỹ, họ ngoài tôn trọng và vinh danh 2 chàng Trung sĩ kia thì có đem 2 chàng biến thành “tượng đài” để kể lể công lao, để tự hào, để ngạo nghễ như cách cư dân mạng Việt hay làm, mỗi khi có dịp, chăng? Và cũng như trên, chúng ta thử tưởng tượng mọi việc bằng cách đổi… quốc tịch cho nạn nhân và người hùng ở trên xem! Thôi, tôi không dám tưởng tượng nữa. Rất nhiều khi đọc bình luận “lên gân” của cư dân mạng Việt Nam, tôi thấy xấu hổ quá chừng vì mình cũng là một hạt cát ở trỏng.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính: “Chiến thắng này là kết quả của tinh thần đoàn kết, đấu pháp, chiến thuật hợp lý, trình độ kỹ thuật cá nhân, bản lĩnh, ý chí, nghị lực và tinh thần thể thao cao thượng, được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và là ý chí vươn lên mạnh mẽ qua các thời kỳ của con người Việt Nam ở từng lĩnh vực.” – Từ laodong.vn
Cầu thủ Trọng Hoàng trả lời FIFA: “Chúng tôi mang sứ mệnh của cả dân tộc” – Từ Zingnews.vn
Bố mẹ cầu thủ tuyển Việt Nam: “Thương các con vất vả, nhưng hãy vượt mọi khó khăn vì nhiệm vụ Tổ quốc” – Từ kenh14.vn
…
Có người nhìn đó mà nhắc lại sự kiện hồi 2018, khi đội banh Pháp vừa đoạt chức vô địch Cúp bóng đá thế giới 2018, từ Matxcơva trở về. Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân ra tận bậc thềm điện Elysées để đón tiếp huấn luyện viên và các tuyển thủ của đội nhưng chỉ khen “Ðội bóng này thật đẹp vì các bạn rất đoàn kết.” Suốt 90 phút ông tổng thống chẳng thèm nhắc gì về niềm tự hào dân tộc, vị thế quốc gia hay công lao của đảng phái chính trị nào mà làm nên thành công đó. Dẫu đây là một trận đấu được cả thế giới ngưỡng mộ. Các cầu thủ cũng không lên báo nói bản sắc dân tộc Pháp, vị thế nước Pháp, nền văn minh nước Pháp có được hôm nay là do… họ. Thật là đáng tiếc, phải không các nhà báo… Pháp? Tại không ai thèm tự hào dân tộc, lấy gì họ dám tự hào? Cư dân mạng Pháp lúc đó thế nào nhỉ?
Buồn lắm! Chẳng biết bao giờ dân Việt thôi lên đồng? Biết coi việc chiến thắng một trận banh ở vòng loại là chuyện “Bình thường mà ta!”? Khi nào báo chí Việt làm đúng nhiệm vụ của những tòa soạn đích thực thay vì làm báo theo định hướng, kích động lòng tự hào vô bổ cho dân chúng?
Khi nào những ngài thủ tướng “đáng kính” của nước Việt có những hành động và lời nói thật sự đáng kính trọng mà không phải bỏ vô ngoặc kép?