Tổ chức Y Tế Thế Giới lo ngại về phòng dịch ở một số trận đấu của EURO
Anh Vũ
Giải vô địch bóng đá châu Âu đang diễn ra ngày càng sôi động, không khí cuồng nhiệt của bóng đá dường như đang trở lại các khán đài sân vận động. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), hôm qua, 22/06/2021, tỏ lo ngại do các biện pháp hạn chế phòng dịch ở một số nước chủ nhà EURO-2020 đang bị buông lỏng khiến các ca nhiễm virus corona có dấu hiệu bùng phát ở bên ngoài một số sân đấu.
Trong một thông báo viết tay gửi cho AFP, giám đốc điều hành WHO tại châu Âu, ông Robb Butler, cho biết : « Trong một vài thành phố chủ nhà, các ca nhiễm Covid-19 đang tăng quanh những khu vực diễn ra các trận đấu ».
Đại diện của WHO tại châu Âu kêu các thành phố chủ nhà có tình trạng lây nhiễm tăng phải nhanh chóng tầm soát, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Tại Đan Mạch, chính quyền hôm qua thông báo phát hiện 29 ca nhiễm mới có liên quan đến các trận cầu của EURO tại thủ đô Copenhagen. Ngoài ra, một thành phố chủ nhà khác là Saint Petersburg của Nga cũng ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng trong những ngày qua. Tại Roma, Ý, chính quyền bảo đảm không có ca nhiễm nào liên quan đến các trận đấu.
Trong vòng bảng, ngoài sân Budapest của Hungary được phép đón 67 ngàn khán giả vào sân (100% sức chứa), còn lại ở 10 sân khác, số khán giả vào xem được ấn định giới hạn từ 20 đến 30% sức chứa của sân vận động. Nhưng đặc biệt, bên ngoài các sân thi đấu, các khu cổ động viên (Fan Zone) hay các quán bar, số lượng người hâm mộ tập trung xem bóng đá ngày càng đông hơn, khó kiểm soát.
Hôm qua, mặc dù đang lo đối phó với biến thể virus Delta, nhưng trước sức ép của Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (UEFA), chính quyền Anh Quốc đã quyết định cho phép sân Wembley của Luân Đôn được tăng số lượng khán giả vào sân xem 2 trận bán kết và chung kết EURO lên hơn 60 nghìn người, tức khoảng 75% sức chứa của sân. Hiện ở vòng bảng, sân vận động này chỉ được phép đón 22.500 khán giả.
Dù tình hình dịch tại châu Âu có chiều hướng được cải thiện, số ca nhiễm và tử vong từ hơn một tháng nay đã giảm rõ rệt, nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế y tế, Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn không ngừng kêu gọi thận trọng, đồng thời liên tục theo dõi và đưa ra các khuyến cáo riêng cho EURO 2020.
Covid-19: Biến chủng Delta đe dọa nhiều nước chống dịch tốt
Thụy My
Biến chủng Delta của virus corona đang đe dọa nhiều nước từng có nỗ lực chống dịch tốt. Thủ tướng Israel cảnh báo « một đợt lây nhiễm mới », Úc cấm cư dân Sydney ra khỏi thành phố kể từ hôm nay 23/06/2021, Bồ Đào Nha có thể đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ tư và biến chủng này cũng là nguy cơ lớn nhất cho việc dập dịch tại Mỹ.
Tại Israel, quốc gia có đến 55% dân chúng được tiêm chủng hai mũi vac-xin chống Covid-19, thủ tướng Naftali Bennett lên tiếng cảnh báo sau khi số ca bị nhiễm biến chủng Delta tăng vọt do bị lây từ hành khách nhập cảnh. Hôm thứ Hai 21/06, có đến 125 ca dương tính mới, trong khi nhiều tuần lễ trước đó mỗi ngày chỉ có vài trường hợp. Trên 1.000 người tại khu Binyamina phía bắc Tel Aviv đã bị cách ly. Ông Bennett kêu gọi chích ngừa càng sớm càng tốt cho trẻ em từ 12 tuổi.
Ở Úc, hầu hết trong số 5 triệu cư dân Sydney bị cấm rời khỏi thành phố kể từ hôm nay 23/06, sau khi phát hiện một ổ dịch với biến chủng Delta ở Bondi Beach. Bộ trưởng Y Tế bang New South Wales yêu cầu dân chúng không mất cảnh giác trước « biến chủng nguy hiểm nhất » của virus corona.Úc là nước lâu nay phong tỏa nghiêm ngặt, và theo AFP, người bị nhiễm biến chủng Delta đầu tiên là một tài xế làm việc cho công ty hàng không.
Còn tại châu Âu, Bồ Đào Nha một lần nữa lại ở tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ bùng phát một đợt dịch thứ tư. Biến chủng Delta hiện chiếm đến 60% các trường hợp dương tính. Số ca nhiễm mới hàng ngày vượt quá 1.100, trong khi cách đây một tháng rưỡi là khoảng 300.
Mỹ không đạt mục tiêu tiêm chủng đã ấn định
Tại Hoa Kỳ, chuyên gia Anthony Fauci trong cuộc họp báo hôm 22/06 nhấn mạnh biến chủng Delta là mối đe dọa lớn nhất cho nỗ lực diệt trừ Covid-19 của Mỹ. Cũng trong hôm qua, Nhà Trắng nhìn nhận chính quyền Biden không đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% người trưởng thành ở Mỹ trước ngày 04/07.
Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :
Điều phối viên phụ trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, Jeff Zients, ca ngợi là từ khi Joe Biden đắc cử, các trường hợp bị nhiễm virus corona và số tử vong đã giảm trên 90%. Tuy nhiên, ông Zients cũng nhìn nhận cần có nhiều thời gian hơn dự kiến để tiêm chủng được 70% người trưởng thành tại Mỹ.
Ông nói : « Trên cơ sở ước lượng của chúng tôi, mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho 70% người trên 27 tuổi, đến dịp nghỉ lễ cuối tuần 04/07 sẽ đạt được. Nhưng nước Mỹ còn phải nỗ lực hơn nữa để tiêm chủng cho lớp thanh niên từ 18 đến 26 tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có thêm vài tuần lễ nữa để tất cả người Mỹ trưởng thành nhận được liều đầu tiên, kể cả lứa tuổi 18 đến 26 ».
Và để thúc giục thanh niên đi chích ngừa, bác sĩ Fauci nhắc nhở sự nguy hiểm của biến chủng Delta. Giám đốc viện quốc gia về bệnh nhiễm nhấn mạnh, « đó là mối đe dọa lớn nhất cho nỗ lực diệt trừ virus, nhưng có thể được vac-xin ngăn chận ».
Hơn 40 nước kêu gọi Bắc Kinh để quan sát viên độc lập vào Tân Cương
Trọng Thành
Nhân quyền bị chà đạp nghiêm trọng tại vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc, là nội dung chính tuyên bố chung của hơn 40 quốc gia hôm qua, 22/06/2021, tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Trong ngày thứ 2 kỳ họp thứ 47 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, 44 nước trong đó có Hoa Kỳ và Pháp, đã ra tuyên bố chung bày tỏ « quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền tại khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cuơng ». Đại sứ Canada tại Liên Hiệp Quốc Leslie Norton, thay mặt nhóm, đọc tuyên bố, khẳng định : « nhiều báo cáo đáng tin cậy cho biết hơn một triệu người đang bị giam cầm một cách võ đoán tại Tân Cương » và « các quyền tự do căn bản và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ » bị khống chế, người Duy Ngô Nhĩ cùng nhiều sắc tộc thiểu số khác bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức mở cửa cho phép « các quan sát viên độc lập, bao gồm cả Cao Ủy Nhân Quyền, vào Tân Cương », đồng thời « chấm dứt việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ, và thành viên các cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi khác ».
Đại sứ Canada, nước đưa ra sáng kiến kêu gọi này, nhấn mạnh là nhiều báo cáo cho thấy « các hành động tra tấn, hay đối xử ác độc, phi nhân tính và chà đạp phẩm giá con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục, bạo lực kỳ thị giới, cưỡng bức con cái rời khỏi cha mẹ ». Sau khi tuyên bố của nhóm 44 quốc gia được công bố, tổng thư ký tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Agnès Callamard, khẳng định tuyên bố này « gửi đi một thông điệp quan trọng đến chính quyền Trung Quốc, để cho thấy là Bắc Kinh sẽ không thể thoát khỏi sự kiểm soát quốc tế », đồng thời kêu gọi các thành viên Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thiết lập một cơ chế điều tra quốc tế độc lập. Bên cạnh Tân Cương, nhóm 44 nước cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Tây Tạng và Hồng Kông.
Belarus đứng đầu nhóm nước ủng hộ Trung Quốc
Theo AFP, nhóm quốc gia ủng hộ Trung Quốc ngay lập tức đã phản ứng với một tuyên bố chung do Belarus chủ trì, với sự tham gia của 64 quốc gia. Tuyên bố chung nói trên nhấn mạnh là Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng là « các vấn đề nội bộ của Trung Quốc ».
Về phần mình, báo chí Nhà nước Trung Quốc loan tin có đến tổng cộng hơn 90 nước ủng hộ Bắc Kinh, ngoài tuyên bố chung của nhóm 64 nước nói trên, còn có tuyên bố chung của 6 quốc gia vùng Vịnh, và hơn 20 nước dự kiến sẽ có các phát biểu riêng. Hội Đồng Nhân Quyền sẽ họp đến ngày 13/07.
« Hủy diệt văn hóa bản địa » : Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên … lên án Canada
Vẫn theo AFP, trước khi đại sứ Canada đọc tuyên bố, đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đọc tuyên bố chung, thay mặt cho nhóm các quốc gia Nga, Belarus, Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Sri Lanka, tố cáo « tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền của các cộng đồng bản địa ở Canada ». Tuyên bố do Trung Quốc chủ trì yêu cầu điều tra về tình trạng của hơn 150.000 trẻ em người bản địa ở Canada bị cưỡng bức rời cha mẹ trong khoảng thời gian từ 1830 đến 1990.
Bác bỏ tố cáo của Trung Quốc, thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định tại nước này, đã có một ủy ban « Sự thật và Hòa giải » để giải quyết vấn đề. Thủ tướng Canada thừa nhận « con đường hòa giải là lâu dài », nhưng Canada đang đi theo hướng này. Ủy ban Sự thật và Hòa giải Canada đã thừa nhận « sự hủy diệt văn hóa » thực sự đối với các cộng đồng bản địa Canada. Người đứng đầu chính phủ Canada chất vấn ngược lại: Bắc Kinh đã lập ra một cơ chế tương tự hay không ?
Hội nghị về Libya tại Đức : Bầu cử, rút quân đội nước ngoài là trọng tâm
Trọng Thành
Một năm rưỡi sau hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Libya, nước Đức hôm nay, 23/06/2021, tổ chức hội nghị thứ hai. Tổ chức bầu cử vào cuối năm và rút hết các lực lượng nước ngoài khỏi Libya là mục tiêu chính. 10 năm sau khi chế độ Kadhafi bị lật đổ, với hội nghị quốc tế này, triển vọng một nước Libya hòa bình và ổn định đang trở lại, nhưng khó khăn chồng chất.
Tham gia hội nghị quốc tế lần này có tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, dự kiến sẽ phát biểu qua mạng. Đại diện của Hoa Kỳ là ngoại trưởng Antony Blinken có mặt tại chỗ, cùng đại diện nhiều quốc gia chủ yếu tham gia vào xung đột Libya. Điểm khác biệt quan trọng lần này là đại diện các bên xung đột người Libya cũng tham gia hội nghị.
Phát biểu ngay trước khi hội nghị khai mạc, ngoại trưởng Mỹ khẳng định : « Thỏa thuận ngừng bắn ngày 23/10/2020 phải được thực thi đầy đủ, bao gồm cả việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Libya ». Một số tiến bộ đạt được trong những tháng gần đây, với thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền được quốc tế công nhận, có trụ sở tại Tripoli, và các lực lượng ở miền đông Libya của tướng Khalifa Haftar. Một chính phủ liên hiệp giữa hai thế lực đối địch đã được lập ra. Việc khai thác dầu lửa đã được nối lại. Tuy nhiên, trở ngại hàng đầu trong hiện tại là cam kết triệt thoái các lực lượng nước ngoài đã không trở thành hiện thực, bất chấp các hứa hẹn.
Reuters hôm qua, 22/06, dẫn lời đặc phái viên Mỹ về Libya, ông Richard Norland, hôm 21/02, ngay trước thềm hội nghị, theo đó Hoa Kỳ đã đàm phán với một số tác nhân chủ chốt trong xung đột Libya, để thảo luận về việc rút một số đơn vị quân đội nước ngoài trước cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội.
Hồi tháng 12/2020, Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 20.000 lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài tại Libya, chủ yếu là các lực lượng Nga thuộc công ty tư nhân Wagner, người Tchad, người Sudan hay Syria. Hàng trăm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tại quốc gia này, theo thỏa thuận song phương với chính phủ tiền nhiệm Libya ở Tripoli.
Chính phủ chuyển tiếp Libya, với người đứng đầu là thủ tướng Abdelhamid Dbeibah, hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội và tổng thống đúng kỳ hạn, vào ngày 24/12/2021. Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ về quyết tâm thực sự của chính quyền chuyển tiếp. Nhiều chính trị gia Libya cáo buộc thủ tướng Abdelhamid Dbeibah mưu đồ bám giữ quyền lực.
Libya đã thành lập được chính phủ liên hiệp, nhưng tướng Khalifa Haftar vẫn tiếp tục duy trì quân đội riêng. Các lực lượng quân sự miền Đông của tướng Haftar hôm 20/06 tuyên bố đóng cửa biên giới với Algérie, lập « khu vực quân sự », cấm đi lại trên nhiều vùng rộng lớn ven biên giới. Hồi năm ngoái, lực lượng của tướng Haftar đã không thành công trong việc tiến chiếm thủ đô Tripoli, sau một chiến dịch quân sự 14 tháng.