Từ kiểu tóc đầu đinh đến ‘ý tưởng sáng tạo’ – Tamar Lê

Thành thật mà nói, cứ nhìn khuôn mặt và kiểu tóc ‘đầu đinh’ của nhà lãnh đạo độc tài Bắc Hàn Kim Jong-un, tôi thấy ghét làm sao. Thế mà lúc ra đường, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều người trong giới trẻ hiện nay lại theo ‘kiểu tóc đầu đinh’ này.

Lúc đầu, khi đi phố Melbourne, tôi thấy nhiều bạn trẻ đeo bông tai trên mũi, tóc đầu đinh, cạo nửa đầu, nhuộm màu xanh, đỏ, tím vàng, và quần jean rách rưới thảm thương… Cái ấn tượng đầu tiên là ‘ngỡ ngàng’, ‘khó chịu’, ‘nên tránh xa’… nhưng thật ra đây cũng là trào lưu mới trong xã hội, cơn gió mát về trang phục, và hiện thực của dòng đời.

Suy đi nghĩ lại, thì thấy mình cổ lỗ sĩ, lạc hậu thật, chỉ biết quạu kọ vô duyên với trào lưu xã hội mà trong đó có phảng phất triết lý sáng tạo. Chắc bạn cười khi nghe tôi nói như vậy… hehehe.

GS Chomsky, người có ảnh hưởng lớn trong lý thuyết ngôn ngữ học cho rằng ‘concept of creativity’ (ý niệm sáng tạo) là bản chất của con người. Nếu bạn bắt đầu học tiếng Đức hay tiếng Do Thái, hay bất kỳ tiếng nước nào trên thế giới, bạn thấy mình phải hàng chục năm nhọc nhằn dùi mài kinh sử học cơ cấu phức tạp ngữ pháp, mà nhiều nhà ngữ học dồn sức và kiến thực để diễn tả… nhưng vẫn chưa hiểu thấu đáo được, vậy mà mấy em bé trước khi lên sáu, đã thông thái thâu nhận được trong kiến thức tiềm thức (innate knowledge) của mình.

Theo Chomsky, đó là vì khả năng sáng tạo năng động, mà chỉ có ở loài người. Trong ngành nhân chủng học và xã hội học, ‘ý niệm sáng tạo’ phản ánh sự uyển chuyển linh động trong chiều hướng tiến triển của xã hội. Theo nhà xã hội học Tom Burns, “Creativity is a universal activity, essential in an evolutionary perspective, to adaptation and sustainability.” (Tạm dịch: Sáng tạo là một hoạt động phổ biến, cần thiết trong quan điểm tiến hóa, để thích nghi và bền vững.)

Trong văn chương thì rộng rãi và tích cực hơn. Ngày xưa, thầy cô dạy về Thơ Đường luật với một hệ thống quy tắc phức tạp. Ngày nay khi đọc thơ, thường thấy cách diễn đạt phóng khoáng và rất ‘sáng tạo’, lúc hai chữ, lúc năm chữ, lúc bảy chữ, lúc cả câu thật là dài, không theo vần điệu ép buộc, nhưng thấy cũng hay hay.

Trong lãnh vực âm nhạc, ngày xưa khi nghe mấy bài nhạc, tâm hồn xúc động như Mây Lang Thang, đôi lúc buồn hơn cả Mùa Thu Chết hay cô đơn nhìn tuyết rơi trong Tombe La Neige… Bây giờ lại có bài nhạc với tiếng chó sủa woof woof như trong bài “Who Let The Dogs Out” performed by the Bahamian group Baha Men, rồi Rap music. Lúc đầu nghe không chịu được, nhưng bây giờ thì thấy nhớ nhớ thương thương.

Fashion thay đổi, ca nhạc, kiểu tóc, văn chương cũng thay đổi, hy vọng tâm trí con người cũng vậy, không ai được quyền đứng trên sân khấu cao rồi oai phong chỉ phán đường đi nước bước hay mạ lỵ người đời… Đây chỉ là một hướng nhìn, một ấn tượng, chỉ có vậy thôi. Như  một đồng nghiệp nói: “Literacy is too serious to be taken seriously.” (Văn học thì quá nghiêm trọng để bị đối xử nghiêm ngặt).

Thầy tôi có lần nói: “Great minds discuss ideas. Average minds discuss events. Small minds discuss people.” (Tạm dịch: Những tư tưởng lớn thảo luận về các ý tưởng. Tâm trí trung bình thảo luận các sự kiện. Trí óc nhỏ nhoi ‘nói về’ người khác)

Related posts