NGẪM VỀ NGÀY CỦA CHA


Nguyễn Thơ Sinh

Ngó qua ngó lại, Ngày Hiền Phụ năm nay lại về. Xin được gởi đến những ông bố lời chúc mừng Father’s Day bởi công lao dưỡng dục những đứa con của mình. Vâng. Làm cha, ý nghĩa và trách nhiệm của hai tiếng ấy thật cao cả đáng quý biết bao nhiêu. Vâng. Hẳn thế. Không có những người cha, xã hội này nhất định sẽ không thể là xã hội như chúng ta đang thấy.Hiển nhiên, chuyện trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng, những chàng trai đến tuổi lập thân, tình yêu đến, gặp được người khiến trái tim mình rung động, xúc cảm như mạch nước ngầm được lưỡi cuốc bổ vập vào. Điều phải đến đã đến. Nghĩa chung thân trở thành cánh đồng nơi người chồng vắt sức không tiếc sức trên cánh đồng màu mỡ phì nhiêu đó, cộng với sự hy sinh tần tảo vô bờ của người vợ, một gia đình đầm ấm chính thức hình thành (khi trong nhà có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ em vang lên).Nhiều người mới thoạt nghe câu ca dao “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” có chút khựng lại. Họ hỏi: Tại sao có chuyện hơi ngược đời. Rồi được người khác cắt nghĩa, họ vỡ lẽ: Hóa ra chỉ khi một đứa trẻ chính thức chào đời người đàn ông mới trở thành ông bố. Và khi nào thằng cháu nội hay đứa cháu ngoại ra đời người đàn ông mới chính thức lên chức ông nội (hay ông ngoại).Dòng tộc và mạch huyết thống là điều kỳ diệu trong cuộc sống. Cứ thế, những thế hệ được tiếp nối. Văn hóa làng xã. Sức kéo và bắp thịt, con trâu nhẫn nại trên cánh đồng không thôi chưa đủ, phải có người cầm cày, biết vỡ đất, biết cất nhà, biết đào giếng, biết quai đê… Cứ thế, vị trí vai trò người cha trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà người ta vẫn bảo “sảy cha, còn chú” hoặc “nó lú nhưng chú nó khôn” khẳng định một chân lý khá hiển nhiên – Mạch huyết thống không chỉ để lưu truyền gia phả, song nó là một thứ nguyên tắc được đặt lên hàng quan trọng cao nhất:– Trong ba tội bất hiếu của người đàn ông, không có con nối dõi là tội bất hiếu lớn nhất – Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Rồi vì quan niệm trọng nam khinh nữ, huyết thống chỉ tính đến khi họ nội được duy trì. Thế là khái niệm “một trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai” trở thành cái cối đá, ghì cổ nhiều ông bố kém may mắn không có con trai nối dõi.

Nhắc lại chuyện này để thấy “làm cha” có nhiều cảnh ngộ éo le, nhiều thứ lắt nhắt nhiêu khê, những sự cố trái khoáy ngoài tầm kiểm soát. Làm cha trước tiên phải thực hiện được trách nhiệm “tề gia”. Một dạo nhiều việc người cha làm nghiễm nhiên đúng, con cái nghiễm nhiên chấp nhận, nhà phải có nóc, thế là hình ảnh vị trí người cha với tiếng nói đầy quyền lực bỗng trở thành lời phán quyết chung cuộc.

Cuộc sống cứ thế trôi đi…

Chó đá sang sông. Biển hóa nương dâu. Hình ảnh người cha vẫn thế, song bao chuyện xoay quanh vị trí vai trò ông bố chứng kiến những đổi thay lớn theo năm tháng. Tất nhiên ta không luận chuyện tốt xấu. Chỉ nói đến những yếu tố xã hội thay đổi. Có con trai hay không có không còn quan trọng nữa. Con gái cũng được. Chẳng sao cả. Cứ có con là có đóng góp cho xã hội rồi.

Với người Việt tha phương chúng ta, sự hy sinh của người cha (và người mẹ) là sự hy sinh lớn lao. Thuở ban đầu, nhiều ông bố bỏ lại vợ hiền con dại lặn lội những quãng đường rừng rú, những chuyến tàu lênh đênh trên biển vượt biên. Cuộc sống mù mịt nơi xứ người những ngày đầu bỡ ngỡ. Những năm thập niên 80, 90 liên lạc điện thoại giữa hai bên mới thật nhiêu khê khó khăn. Thông tin không chỉ nhỏ giọt song còn bị ém nhẹm, giấu giếm vì nhiều lý do khác nhau. Những ông bố quần quật cày, làm không biết mệt, tranh thủ gởi từng đồng về cho người thân, không hề nghĩ đến những khó khăn vất vả nơi xứ người.

Giữa lúc đó nhiều chuyện bên nhà xảy ra. Bên này những ông bố cày trong hãng, làm nhà hàng, nấu ăn, rửa chén, tít tắp ngoài khơi sơn giàn khoan dầu, lênh đênh trên biển cắt gân sò (scallop) trời lạnh hai bàn tay tê cóng, làm ca 12 giờ, quên ăn quên ngủ, những ông bố vùi vào sự mệt nhọc của bản thân, share phòng, giải khuây bằng Marlboro và Budweiser, những ông bố mới ngoài hai mươi, nhớ vợ thương con bên nhà…

Mòn mỏi mong đợi làm giấy bảo lãnh vợ con, tiền tốn, thời gian eo hẹp, ngày đó phí giấy tờ đâu có rẻ. Tốn thời gian đi lại, phải xin nghỉ, chờ đợi, sốt ruột. Nhiều câu chuyện bên nhà nghe xong mất ngủ cả đêm. Vợ bị tai nạn xe cộ. Con ốm đi bệnh viện nằm cả tháng. Giật thót khi gặp cơn ác mộng. Nào là trong mơ thấy vợ con đi phỏng vấn bị từ chối. Rồi nằm mơ thấy con bị bắt cóc. Hoặc những câu chuyện không thể nào tin được.

Một câu chuyện đau lòng khi người vợ nghẹn ngào gọi phone qua, bảo: Xin lỗi anh, em không thể giấu anh được nữa vì em không thể nào chịu đựng nổi. Có chuyện gì em cứ nói thẳng. Rào đón ấp úng chi vậy, anh sốt ruột. Thằng lớn chết rồi! Sao? Em nói giỡn chuyện gì kỳ cục vậy? Không. Con mất được nửa năm rồi. Sao không ai nói gì với anh hết trơn vậy! Nhà sợ anh lo nên bắt em giấu anh! Em điên rồi hay sao? Vợ chồng mình có bao giờ giấu nhau chuyện gì… Sao lần này em nỡ lòng nào giấu anh, hả. Em thương anh, thương con, em cố gắng không để anh biết vì em sợ anh phẫn chí. Vậy tại sao con chết? Con té giếng. Trời ơi, sao em không ngó chừng con, hả. Đã dặn ba đổ bê tông nắp giếng rồi làm sao thằng nhỏ té giếng được? Em đưa con về thăm ngoại. Trời ơi… Dưới đó giếng đâu có ai có đậy nắp… Em xin lỗi anh… Em gặp mẹ, mừng quá, em vào bếp với mẹ có mấy phút… Con mình theo mấy đứa con chị Ba đi chơi. Tới chừng biết con té giếng kiếm được người lặn kiếm con đã quá muộn. Vậy là con chết thiệt rồi hả… Dạ… Đừng buồn em nha, anh… Trời ơi… Con trai tôi. Được hai thằng, mất một thằng.

Đêm đó bạn đi làm về không nói gì. Nó bước đi như cái xác không hồn. Khuôn mặt tái xạm. Vía thoát xác. Nó nhìn trừng trừng vào một khoảng không xa xôi vô định. Mấy thằng bạn share phòng không thằng nào dám hỏi: Ê, có chuyện gì vậy mày? Bốn thằng bạn độc thân, hai thằng đã có vợ, có con bên nhà, nháy mắt nhìn nhau. Chắc nó đang buồn bực chuyện gì nên mới vậy. Từ từ nó sẽ nói chuyện. Hóa ra họ đã quen với thứ ngôn ngữ thầm lặng ấy. Nhất định bên nhà có chuyện gì rồi. Bình thường thằng này nó cừ lắm, đâu dễ dàng bị khuất phục…

Cầm lon bia đưa bạn. Không thấy phản ứng gì. Nó ngồi im như tượng đá. Đôi mắt nhìn ra cột đèn vàng vọt phía bên kia dãy chung cư. Mấy thân cọ lá vô tình cỡn lên khi cơn gió hiếm hoi thổi qua. Bạn ngồi xuống. Không nói gì cả. Chỉ đưa tay lên bóp vai, thứ ngôn ngữ của xúc cảm dạng sơ khai thuần khiết nhất. Cái bóp vai như muốn nói: Thôi, đừng để bụng nữa. Chuyện tồi tệ đến đâu ít nhất cũng đã xảy ra. Điều mình có thể làm là chấp nhận nó. Nhiều thứ phải lo lắm. Còn trẻ mà. Rừng còn xanh, lo gì không có củi đốt.

Bên trong căn hộ đầy vỏ bia và bao thuốc lá. Mùi mồ hôi từ những đôi giày, đôi vớ nặng đến nỗi gián phải sợ! Tiếng diễn viên lồng tiếng thuyết minh cho mấy bộ phim Hồng Kông vọng ra từ cái TV 16-inch. Cái bóp vai vẫn nằm nguyên đó. Sao bữa nay lạ quá. Thằng bạn rõ ràng không còn là nó nữa.

Trời muộn. Gió lồng lộng thổi về đêm trên ban công căn hộ tầng II. Bạn ngồi đó. Lon bia bỏ không hờ hững. Cầm lon bia vô, đổi lon khác lạnh hơn ra. Bạn vẫn ngồi bất động. Đốt thuốc nhưng không hút, điếu Marlboro tự cháy, rụi lúc nào không hay. Bầu trời chi chít những vì sao lấp lánh. Muốn sẻ san, muốn chia sớt, nhưng không biết làm cách nào. Đàn ông mà, không chịu cạy miệng, ai biết được bên trong nó đang nghĩ gì. Thôi. Đành chịu. Hy vọng cứ ngồi xuống, hiện diện bên cạnh nó cũng đã đủ trọn nghĩa trọn tình.

Đến Mỹ. Tập tành với những ngày lễ, những phong tục, những điều mới lạ. Father’s Day đến. Mình là bố. Vợ con ở xa. Mỗi lần Father’s Day về, mấy thằng đực rựa cũng bày trò, cũng đốt lò nướng barbeque, cũng ỏm tỏi bia bọt, cũng nhặng xị crawfish hay sườn bò Đại Hàn. Tiền cước gọi phone mắc khủng khiếp, đã vậy nói chuyện âm thanh bị khựng, cứ hả hả, hả hả… hoài. Người nói chưa kịp dứt câu người nghe đã hỏi lại, cuối cùng câu chuyện nói mãi không dứt khúc, vậy mà vẫn phải gọi về cho vợ.

Ngày đoàn tụ đến. Mừng vui những tủi hờn xúc động. Đứa trẻ lúc cha đi vẫn còn nằm sấp ngửa, nay mặc bộ đồ vét ngó bộ bảnh chọe oai cóc tía. Ba đó con, chào ba đi. Thằng nhỏ nhìn tía nó như người lạ. Nó thấy tía giống mấy chú đạp xích lô, kéo ba gác bên nhà. Ba ẵm thằng nhóc lên. Nó chòi đạp, đòi tuột xuống. Má ơi… chú này… Ba con đó. Kêu ba đi. Không. (Thằng nhỏ lắc đầu kiên quyết). Kệ nó em, từ từ con sẽ quen…

Những hình ảnh đó, tình cảm lắng sâu khi người cha thực sự ngửi thấy mùi da thịt của con mình. Đó. Nó là máu huyết của mình đó. Nhìn kỹ, nó cũng giống tía nó, đâu phải đồ bỏ. Chuyến bay dài. Hai mẹ con mệt nhừ. Thằng nhỏ không chịu nhìn cha, nhưng thấy cái máy bay ba nó mang ra phi trường làm quà đôi mắt hau háu không giấu giếm. Của con đó! Cảm ơn ba đi con. Thằng nhỏ lắc đầu. Khôn lỏi nha. Quà thì lấy mà cám ơn thì không nói. Nó giống mình y chang hồi nhỏ, cũng láu cá vàn trời. Thôi kệ. Từ từ nó sẽ quen.

Đưa mẹ con thằng nhỏ về căn apartment riêng. Anh em bạn cả tuần trước giúp dọn nhà. Còn góp chút đỉnh tiền ra thrift store mua bàn ghế cũ. TV và đồ điện thì mua mới, lỡ hư vẫn còn receipt mang ra đổi. Bữa cơm đoàn tụ cũng là bữa cơm giới thiệu nhà-thuê mới. Tiệc rôm rả. Ai cũng vui cho người may mắn, còn phần mình, nỗi niềm riêng tư chỉ biết ôm lại một mình.

Cứ thế. Cuốn lịch từ từ mỏng dần. Phải đưa con đăng ký học. Tiếng Anh của bố hơn con chút xíu. Nói chuyện với cô giáo mỏi tay luôn! Rồi cũng xong. Rồi bố đưa con đi McDonald ăn hamburger. Thằng nhỏ ăn đồ Mỹ không quen, bố phải mua chicken nuggets nó mới chịu ăn. Nhìn con ăn mà bố thấy ngon. Vợ cũng vậy, chỉ ăn được khoai tây chiên, lắc đầu nguây nguẩy khi đưa cái hamburger lên cắn dị ứng với ketchup và mù-tạt vàng. Vậy mà hai tháng sau, thằng nhỏ đi học, ăn đồ Mỹ ở trường quen miệng, chiều cuối tuần đòi bố chở đi McDonald ăn hamburger.

Vâng. Ngày tháng trôi qua. Sinh nhật của con bố làm tiệc xôm tụ biết bao. Rồi vỡ kế hoạch. Con sắp có em rồi đó. Là sao hả ba? Tức là nhà mình sẽ có thêm thành viên mới. Tức mẹ có bầu rồi sinh em bé hả ba? Thì đại khái như vậy đó! Sao ba mẹ không hỏi ý kiến con trước! Trời đất? Còn có vụ này nữa hả. Rồi phải cười giả lả, đánh trống lảng: Mẹ thấy con không có bạn chơi, nên mẹ muốn con có em, chơi chung cho đỡ buồn!

Vậy mà tới giờ thằng nhỏ đã sắp sửa vào đại học.

Rồi nó dẫn bạn gái về.

Còn thằng em (qua Mỹ mới sanh) cũng đã sắp học xong high school, giỏi copumter khủng khiếp, hứa với ba sau này sẽ trở thành kỹ sư điện toán giỏi, mua nhà lớn cho ba má ở. Nghe mà mát ruột, mát gan…

Câu chuyện của anh bạn có thằng con té giếng chết (cuối cùng) càng nghe càng thấy ấm lòng với những tin tốt. Đổ vỡ tang thương buổi đầu như vết thương ký ức đã liền vết sẹo. Vợ qua. Bốn năm, sinh thêm hai đứa, một boy, một girl. Hồi đó nghe tin đứa con đầu té giếng chết, anh bạn như người mất trí cả tuần. Sau đó cả tháng sau mới hồi lại từ từ… Nay cây lại đâm chồi, cành lại nảy lộc, lại đơm hoa kết trái. Chúc mừng anh chị… Cả ba đứa đều học giỏi, đứa nào cũng ngoan, cũng nói được tiếng Việt, hèn gì ba nó tăng ca không biết mệt.

Vâng. Father’s day. Ngày hiền phụ. Dẫu vừa bước qua cái ngày thấm đẫm tình yêu thương đấy vẫn xin chúc mừng những ông bố. Những câu chuyện cũ mới… Mong thay thời vất vả của chúng ta đã qua, đời con cháu chúng ta sẽ khác, sẽ mát mặt hơn, đỡ vất vả hơn, đúng với câu: Con hơn cha là nhà có phúc!

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts