Làm Bạn Với Cây

Huy Lâm  

image.png

Trong tiếng Anh có cụm từ “người ôm cây” (tree hugger) thường dùng để chế diễu một người nào đó vì quá quan tâm đến việc bảo vệ cây cối, động vật và những gì khác thuộc về thiên nhiên để tránh khỏi bị ô nhiễm và các mối đe dọa huỷ hoại. Còn nghĩa bóng của nó là để ám chỉ một kẻ mơ mộng hão huyền, sống xa rời với cuộc sống thực tế. Nói chung thì ý nghĩa của cụm từ này không có gì là tốt đẹp, mang nhiều tính cách tiêu cực, và thậm chí có người còn cho đó là một lời xúc phạm nếu như có ai gọi mình như vậy.

Trong khi chúng ta đang cố thoát ra khỏi trận đại dịch – và cùng lúc là mang theo trên mình những vết tích của lo lắng và buồn bã còn sót lại sau hơn một năm sống cách biệt, những căng thẳng khi đang trên đường trở lại với cuộc sống mới, và những lo ngại về sự choáng ngợp một lần nữa bởi nhịp sống bận rộn. Vậy, điều mà ta cần vào lúc này là một người bạn thật vững vàng, mạnh mẽ mà ta có thể tin cậy để dựa vào. Và cây chính là người bạn cần thiết đó.

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ cây. Chúng biết cách sống sao để có thể tồn tại trong những năm khắc nghiệt và phát triển vươn lên trong những năm tốt đẹp. Chúng có thể chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc biết nhìn xa trông rộng, tránh sự hời hợt nhất thời. Cây chính là bậc thầy về khả năng phục hồi, biết cách chịu đựng sống qua thời gian không được chăm sóc vào mỗi mùa đông và rồi nở hoa lại vào mỗi mùa xuân. Cây là loài hào phóng – biết chia sẻ chất dinh dưỡng với các loại cây cối và thực vật khác, đồng thời cung cấp không khí sạch và bóng mát cho tất cả chúng ta. Một điều chắc chắn là chúng biết cách sống theo từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau.

Cây còn được cho là loài thông minh và biết hoà đồng với chung quanh.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ cho thấy cây có các mạng lưới xã hội rất năng động và hoạt động trên một nguyên tắc căn bản: sự hòa hợp. Cây là hiện thân của lòng vị tha không chỉ vì chúng cung cấp cơ sở vật chất cho con người mà còn tỏ ra có lòng vị tha đối với chính đồng loại của chúng.

Trong một mạng lưới rộng lớn của những rễ cây đan nhau chằng chịt đâm sâu dưới lòng đất, cây biết nói chuyện, trông coi, chăm sóc lẫn nhau và thích nghi với môi trường chung quanh để cùng giúp nhau phát triển vươn lên.

Khi cây mọc trong một khu rừng, chúng phát triển các nhánh theo hướng để có thể giúp những cây khác cũng nhận được ánh sáng mặt trời. Nói cách khác, cây biết nhường nhau.

Nếu một cây bị bệnh, những cây khác giúp chăm sóc cho cây đó khỏe mạnh trở lại bằng cách gửi chất dinh dưỡng cho nó qua mạng rễ ngầm của chúng. Các cây cùng chia sẻ với nhau tính miễn dịch, chất dinh dưỡng, nước và dung dịch đường đặc biệt.

Cây còn có thể cảnh báo cho nhau về mối hiểm nguy sắp sửa đến bằng cách gửi đi những tín hiệu điện qua một mạng lưới riêng của chúng. 

Cây còn có khả năng khêu dậy trong lòng chúng ta cái cảm giác thú vị bất ngờ. Đây có lẽ là liều thuốc giải hoàn hảo cho cái cảm giác rầu rĩ của nhiều người vào lúc này – như một cách chữa bệnh vậy. Kết quả nghiên cứu cho thấy cảm giác thú vị bất ngờ làm giảm căng thẳng, lo lắng và viêm nhiễm. Nó có thể cải thiện các mối quan hệ của chúng ta, khiến ta cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn và có nhiều khả năng giúp đỡ người khác hơn, biếtthương người hơn và bớt tính tham lam.

Các nhà nghiên cứu đã phân loại cảm giác này và xếp nó thuộc về giác quan thứ sáu. Có lẽ nhiều người trong chúng ta trước đây cũng từng có cảm giác thú vị bất ngờ khi đứng trước một khung cảnh thiên nhiên hoang dã – như nhìn ngắm các vì sao trên trời, cảnh hoàng hôn cuối ngày, núi non hùng vĩ, hoặc biển mênh mông.

Có nhiều giống cây có thể sống tới nhiều trăm hoặc nhiều ngàn năm. Đem so sánh với đời cây, đời người thật quá ngắn ngủi. Đứng cạnh cây, ta bỗng trở nên nhỏ bé và có cảm giác như được che chở.

Nếu biết hoà mình vào cùng với cây, cuộc sống dường như đơn giản hơn, và ta cảm thấy thể chất mình khoẻ hơn và cảm xúc vui vẻ phấn chấn hơn mà không cần phải có bất kỳ nỗ lực gì khác. Cây thì lúc nào cũng ở quanh chúng ta và luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay đón tiếp.

Vậy thì tại sao ta lại không làm bạn với cây chứ. Không phải lúc nào ta cũng có thể tìm được một ngọn núi hay một bãi biển hoặc cảnh hoàng hôn ở ngay gần bên mình – đó là chưa kể được đi bộ trong rừng (mặc dù những cảnh thiên nhiên này đều có thể mang đến cái cảm giác thú vị bất ngờ). Nhưng hầu như lúc nào ta cũng có thể tìm được ít nhất một cây nào ở đâu đó gần nơi ta ở. Và cây mang đến nhiều cơ hội để ta có thể trải nghiệm cái cảm giác bất ngờ thú vị đó. Ta có thể cảm nhận và biết ơn cái sần sùi của vỏ cây, cái vươn dài của cành cây hay bóng của những tàn lá in trên bầu trời; ta có thể nhìn ngắm hoạt động của những sinh vật mà cây nuôi dưỡng; chiêm ngưỡng sự có mặt của cây trên mặt đất. Khi ta thật sự trở thành một người bạn của cây, ta sẽ quay lại nhiều lần cái nơi gặp gỡ ấy – để thu nạp thêm cảm giác thú vị bất ngờ và hưởng thêm những lợi ích sức khoẻ và tinh thần mà cây đem lại.

Có nhà sinh thái học kể rằng sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về cây và tới một lúc nào không hay cây trở thành bạn của cô một cách thật tự nhiên. Nhưng nhà sinh thái học này nhìn nhận rằng cô cũng tỏ ra có sự thiên vị trong tình bạn đó.

Hầu như mỗi ngày, nhà sinh thái học bỏ ra hai tiếng leo bộ lên ngọn núi sau nhà. Khi lên đến tận trên cao đó, cô dừng lại trước một cây thông linh sam già cao tới hơn 30 mét, với cành của nó soải rộng ra và trĩu xuống gần tới mặt đất – cô vỗ nhè nhẹ vào lớp vỏ và thăm hỏi: “Chào bạn, bạn có khoẻ không?” Nhưng cái cây thân thiết nhất đối với cô thì ở khúc đường mòn phía dưới núi: đó là cây thông giống ponderosa cũng cao gần bằng cây kia. Mỗi khi đi ngang qua, cô luôn dừng lại và hỏi thăm nó, và đôi khi đứng dựa người vào thân nó, hít thật sâu vào lồng ngực mùi thơm từ cây toả ra.

Cô cho biết hai cây này đã có mặt ở đó từ rất lâu, chung sống hoà bình với nhau trong khi thế giới của chúng ta ngày càng trở nên náo loạn. Cây thì luôn vững vàng và dễ đoán. Cô còn tâm sự thêm là những lần gặp gỡ đó là những khoảnh khắc quan trọng và luôn khiếncô cảm thấy sảng khoái hơn.

Vậy thì làm thế nào để trở thành bạn của cây? Lời khuyên là bắt đầu bằng cách chọn ra một cây. Không cần phải thật đẹp hay thật lớn mà điều quan trọng là có thể tới được gần nó. Một khi đã chọn được cây rồi thì tới ngồi xuống bên cạnh nó. Hãy thử hít thở thật sâu vài lần, vận dụng tất cả ngũ giác và để ý xem điều gì đã lôi cuốn sự chú ý của mình. Và đừng quên trở lại thăm bạn cây thường xuyên. Điều này sẽ giúp bồi đắp thêm ý nghĩa là ta thuộc về một cái gì đó lớn hơn chính bản thân mình.

Người ta thường nói sự liên tục duy nhất trong đời sống là thay đổi, và đó là điều không thể tránh khỏi. Trái đất nơi chúng ta sống có bốn mùa, và mỗi mùa có những nét riêng biệt của nó. Đối với hầu hết chúng ta, thu và đông buộc chúng ta phải ở trong nhà và dành nhiều thời gian cho chính chúng ta. Xuân và hạ cho phép chúng ta được trở ra sinh hoạt bên ngoài trời, mang lại cảm giác như được nạp thêm năng lượng và hy vọng vươn lên cùng với những khởi đầu mới. Mỗi mùa mang đến những quà tặng của riêng nó. Cây, giống như người, cũng phải sống qua các chu kỳ thay đổi đi kèm với sự thay đổi của mùa màng. Cây là biểu tượng của sự kiên cường vì biết cách uốn nghiêng theo chiều gió, nhưng luôn vững vàng trong bão tố, và nhờ vậy cây vẫn tiếp tục phát triển và vươn lên cho dù có phong ba đến đâu. Cây dạy cho chúng ta bài học này rằng để có thể tồn tại chúng ta phải biết thích nghi với những thay đổi.

Cây không thể xê dịch để đuổi theo những gì chúng muốn hoặc bỏ chạy khỏi những gì đang làm tổn thương chúng. Thay vào đó, mỗi ngày cây vẫn cứ lặng lẽ mọc về phía mặt trời và cắm rễ sâu xuống lòng đất. Cây dạy cho chúng ta thêm một bài học về tính kiên nhẫn.

Triết gia Herman Hesse đã cho ta thấy khía cạnh triết lý của cây khi ông viết: “Rừng cây là chỗ trú ẩn an toàn. Khi ta biết lắng nghe cây… thì đó là nhà. Đó là hạnh phúc.”

Huy Lâm

Related posts