Hồng Kông: Một năm Luật An ninh Quốc gia làm biến đổi diện mạo hệ thống tư pháp

Anh Vũ

image.png
Một năm sau khi Luật An ninh Quốc gia do Trung Quốc áp đặt có hiệu lực từ ngày 30/06/2020, Hồng Kông đã mất dần những thuộc tính căn bản của một thành phố tự do và tiến dần đến một chế độ toàn trị. Bertha WANG AFP

Ngày 30/06 /2020, Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông. Trong vòng một năm thực thi bộ luật hà khắc này, vùng đất thuộc địa cũ của Anh Quốc – được trả về cho Trung Quốc năm 1997 dưới quy chế đặc khu hành chính – đã mất dần những thuộc tính căn bản của một thành phố tự do và tiến dần đến một chế độ toàn trị.

Từ khi bộ Luật An ninh Quốc gia được Trung Quốc cho áp dụng, tại Hồng Kông không còn mấy ai nhắc tới cụm từ, « một đất nước hai chế độ », quy chế mà Bắc Kinh cam kết duy trì cho vùng đất thuộc địa cũ của Anh này đến năm 2047. Tức là bảo đảm không có thay đổi gì về thể chế xã hội và các quyền cơ bản của người dân Hồng Kông, trong 50 năm từ 1997. Thế nhưng chỉ trong vòng một năm thực thi bộ Luật An ninh Quốc gia, diện mạo đời sống chính trị xã hội ở đặc khu hành chính này đã biến đổi căn bản. Đặc biệt, nền tảng hệ thống tư pháp đã ăn sâu ở Hồng Kông từ hơn một thế kỷ dưới sự bảo trợ của Anh Quốc, đang bị phá vỡ dần.

Khác với tư pháp của Hoa lục hoạt động theo chỉ đạo của đảng Cộng Sản, Hồng Kông vẫn có một hệ thống pháp luật hoạt động tương đối độc lập với hành pháp, các quyền tự do cơ bản được tôn trọng trong các vụ xét xử. Nhưng từ khi có Luật An ninh Quốc gia do chính quyền trung ương Bắc Kinh trực tiếp ban hành, không thông qua hệ thống lập pháp của đặc khu hành chính, giới thẩm phán Hồng Kông cho rằng các vụ xét xử giờ không còn tuân thủ các quyền hiến định, nguyên tắc suy đoán vô tội không còn được tôn trọng, quyền được tại ngoại hầu tra bị xóa bỏ đối với các bị cáo liên quan đến an ninh quốc gia dù đó là hành vi bất bạo động. Các luật sư bào chữa trong các vụ án như vậy cảm thấy bị tước bỏ phương tiện bảo vệ các bị cáo, không thể bào chữa cho các thân chủ của mình trong các vụ án bị ghép vào tội an ninh quốc gia.

Theo chính quyền Hồng Kông, đã có 114 người bị bắt vì phạm Luật An ninh Quốc gia, trong đó có 64 người bị truy tố để đưa ra xét xử trước tòa án. Thí dụ điển hình nhất cho thấy hiện trạng pháp lý đang thay đổi nhanh chóng của đặc khu hành chính Hồng Kông, đó là phiên tòa xét xử bị cáo đầu tiên theo Luật An ninh Quốc gia, bị bắt ngay sau ngày ban hành luật 01/07/2020, đã diễn ra không có bồi thẩm đoàn, chỉ có ba thẩm phán được chọn riêng, theo quy định của Luật An ninh Quốc gia mới cho những vụ án đặc biệt. Trong khi đó bồi thẩm đoàn trong các tòa án là nền tảng bảo đảm cho tính công minh của hệ thống pháp lý vẫn tồn tại ở Hồng Kông từ 176 năm nay.

Giới chuyên gia về hiến pháp đã cảnh báo hệ thống tư pháp của Hồng Kông đang bị đe dọa, khi chính quyền Bắc Kinh đang thao túng tòa án, nắm quyền phán quyết trong các vụ xử liên quan đến an ninh.

Trong một bài báo hồi tháng 5 vừa qua, Johannes Chan, giáo sư luật công thuộc Đại Học Hồng Kông đã nhận định: « Nếu tư pháp không còn mạnh và chú ý bảo vệ các quyền cơ bản của con người, thì Nhà nước pháp quyền cũng sẽ không có ».

Chính quyền tại Hồng Kông cũng như Bắc Kinh đều đồng thanh khẳng định Luật An ninh Quốc gia đã thành công trong việc tái lập ổn định trật tự ở thành phố. Thế nhưng giới quan sát thì cho rằng, bộ luật mới này đã phá vỡ bức « tường lửa » luật pháp giữa Hồng Kông và Trung Hoa đại lục. Bộ luật đã thay đổi căn bản khung cảnh chính trị và pháp lý, lái Hồng Kông về hướng một thể chế toàn trị.

Giờ đây với Luật An ninh Quốc gia, Bắc Kinh còn tạo ra những thẩm quyền đặc biệt can thiệp vào Hồng Kông bằng cánh gán ghép vào các vụ việc những cụm từ an ninh quốc gia. Giới luật gia còn lo ngại môi trường tư pháp ở Hồng Kông sẽ còn tồi tệ hơn nữa với những quy định chỉ định thẩm phán, quan tòa sắp tới đây.

Trong một bài viết trên nhật báo Le Monde hôm nay, thông tín viên Florence de Changy tại Hồng Kông cho biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, lãnh đạo ngành an ninh Lí Gia Siêu (John Lee), giờ là nhân vật số 2 của chính quyền đặc khu, hoan hỷ khẳng định « ngày càng đông đảo dân chúng ủng hộ Luật An ninh Quốc gia » với bằng chứng ông đưa ra là cơ quan an ninh Hồng Kông đã nhận được hơn 100 nghìn cuộc gọi qua đường dây nóng tố giác người vi phạm an ninh quốc gia.

Chẳng lẽ người Hồng Kông giờ đây lại hài lòng sống trong một xã hội theo mô hình chế độ  « công an trị » với thói quen mới theo dõi và nghi kỵ nhau ?

Related posts