Trung Quốc đã cáo buộc các nhà ngoại giao châu Âu áp đặt các điều kiện tiên quyết “không thể chấp nhận được” cho một chuyến thăm đến Tân Cương.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu đã cáo buộc cơ quan ngoại giao của khối này là “đạo đức giả” sau khi họ nhấn mạnh rằng sẽ làm sáng tỏ những lo ngại về lao động cưỡng bức tại khu vực Tân Cương.
Tuyên bố của phái bộ Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc đã gửi lời mời Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đến thăm Tân Cương và hai bên thường xuyên liên lạc với nhau.”
“Trung Quốc cũng đã nhiều lần mời các nhà ngoại giao của EU và các nước thành viên đến thăm Tân Cương. Tuy nhiên, chuyến đi đã không được thực hiện do những điều kiện tiên quyết do phía EU đặt ra, mà bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào cũng không thể chấp nhận được”.
Trung Quốc đã bị cáo buộc giam giữ một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trung tâm “đào tạo lại”, nơi họ bị tẩy não, tra tấn và lao động cưỡng bức.
Hoa Kỳ đã mô tả các chính sách của Bắc Kinh là “tội diệt chủng” và một số Quốc hội trên thế giới cũng đã thông qua các động thái tương tự.
Từ lâu, Trung Quốc đã bác bỏ các lời tố cáo và bảo vệ các chính sách của mình, nói rằng nó được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan, quản lý căng thẳng sắc tộc và giảm đói nghèo ở khu vực giàu tài nguyên này.
Bắc Kinh cũng nói rằng các nhà phê bình được hoan nghênh đến thăm khu vực và đã sắp xếp các chuyến tham quan cho các nhà ngoại giao và truyền thông nước ngoài. Theo Bắc Kinh, hơn 1.200 nhà ngoại giao từ các quốc gia – bao gồm Saudi Arabia, Algeria, Ai Cập và Nga – đã đến thăm khu vực kể từ năm 2019.
Nhưng các nhà phê bình nói rằng các chuyến tham quan nói trên đều được ĐCSTQ “đạo diễn” và đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc cho phép một cuộc điều tra độc lập.
Tuyên bố của phái bộ Trung Quốc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cơ quan Đối ngoại châu Âu, cơ quan chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cho biết khối kiên quyết duy trì “lập trường vững chắc” về nhân quyền ở Tân Cương và sẽ đưa ra các quy tắc thẩm định mới để đảm bảo các công ty châu Âu phải xác định và chỉ ra được liệu có tồn tại lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ hay không.
Trong khi đó, trang web truyền thông Pháp Mediapart, trích dẫn các nguồn tin, báo cáo rằng các công tố viên địa phương đã mở cuộc điều tra đối với bốn tập đoàn thời trang – Uniqlo France, một đơn vị của Japan’s Fast Retailing; Inditex, chủ sở hữu của Zara; SMCP và Skechers của Pháp – bị nghi ngờ trục lợi từ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Vào tháng 2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bình đã cáo buộc EU “cố gắng can thiệp vào chủ quyền tư pháp của Trung Quốc” sau khi yêu cầu gặp một số người bị giam cầm trong cuộc đàn áp ở Tân Cương.
Hôm thứ Sáu, ông này đã phủ nhận những tuyên bố về lao động cưỡng bức ở Tân Cương, mà theo ông là “những lời dối trá được ngụy tạo bởi một số ít các nhà hoạt động chống Trung Quốc ở một số rất ít quốc gia như Mỹ”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và EU ngày càng căng thẳng vào tháng 5 sau khi Brussels áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên mà khối này đã thông qua kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Bắc Kinh đã rất tức giận và đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nhà nghiên cứu, tổ chức tư vấn, chính trị gia châu Âu và ủy ban nhân quyền của nghị viện châu Âu, khiến Nghị viện châu Âu đóng băng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa hai bên.
Các nguồn tin cho biết các đảng phái chính trị trong Nghị viện châu Âu hiện đang soạn thảo các văn bản cho một nghị quyết về Hồng Kông để đáp lại cuộc đàn áp của chính quyền thành phố này đối với tờ Apple Daily, tờ báo bị buộc phải đóng cửa vào tuần trước, trong khi một số biên tập viên của tờ báo này đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia của thành phố.
Tiến Minh (theo SCMP)