Đại chiến 2 gia tộc LG và Samsung

Mộc Trà

Ông Koo In-hwoi và Lee Byung-chull.

Sở dĩ gọi là “các vì sao”, vì chữ Samsung trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “ba ngôi sao”, còn nguyên gốc của chữ “G” trong LG có nghĩa là “Goldstar” – “ngôi sao vàng”. Đây được coi là 2 đại diện ưu tú, 2 ngôi sao sáng bậc nhất trên bầu trời Hàn Quốc. 2 gia tộc LG và Samsung trong suốt 3 thập kỷ đã từng là bạn, là thông gia rồi trở thành những đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng. Và chỉ mới gần đây, “thỏa thuận ngừng chiến” giữa 2 gia tộc mới xuất hiện.

Họ vốn là đồng hương, bạn học, thông gia, và là những người cùng chí hướng…

2 nhà sáng lập Byung-chull và In-hwoi của Samsung và LG là những đồng hương ở tỉnh Gyeongsang và từng có mối quan hệ bạn bè khá thân thiết, họ còn học tiểu học cùng nhau. Khi trưởng thành, họ còn trở thành thông gia khi con gái thứ hai của ông Byung-chull kết hôn với con trai thứ ba của ông In-hwoi. Sau khi kết hôn, con trai của ông In-hwoi đã về làm cho Samsung.

Vào năm 1938, Lee Byung-chull lập ra một công ty thương mại ở quê hương ông, đặt tên là Samsung. Tuy nhiên, sau chiến tranh với Nhật Bản, ông Lee gần như mất tất cả. Với số vốn ít ỏi còn lại, ông lập ra một công ty tinh luyện đường mang tên Sugar BC.

Trong khi đó, nhà sáng lập LG, Koo In-hwoi cũng sinh ra tại Gyeongsang. Sau khi thành công tương đối ở việc kinh doanh hàng khô và nhập khẩu, ông mở công ty mỹ phẩm Luk Hai – chuyên sản xuất kem “Lucky” vào năm 1947.

Đến năm 1958, sau những thành công nhất định trong công việc kinh doanh hàng khô và mỹ phẩm, ông Koo In-hwoi tiếp tục thành lập Goldstar – tiền thân của LG Electronics. Goldstar nổi tiếng với chiếc A-501, thiết bị radio gia đình đầu tiên của Hàn Quốc. Có thể nhận thấy, LG đã đi trước Samsung một bước khi tiến vào thị trường điện tử.

… rồi trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt trên thương trường

Với vị thế là người đi trước đón đầu trong lĩnh vực điện tử, LG đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ và nhờ vậy, họ đã phát triển rất nhanh chóng. Rạn nứt bắt đầu nảy sinh khi nhà sáng lập Samsung cũng nhận thấy được tiềm năng lớn và quyết định dấn thân vào lĩnh vực này.

Trước khi bắt tay vào lĩnh vực mới, nhà sáng lập của Samsung đã đến gặp ông thông gia Koo để thông báo kế hoạch này. Do trước đó họ từng có cam kết ngầm không bao giờ nhảy vào lĩnh vực của nhau nên ông Koo đón nhận thông tin này với một thái độ không mấy dễ chịu, thậm chí đã lớn tiếng quát mắng vị thông gia. Ngược lại, ông Lee cũng bất ngờ trước phản ứng của ông Koo và bỏ về.

Kể từ đó, hai vị CEO của LG và Samsung không bao giờ thân thiết trở lại nữa. Ngay sau sự việc đó, con trai của ông Koo (và cũng là con rể của ông Lee) nhanh chóng rời khỏi Samsung.

Hai tập đoàn này luôn rượt đuổi nhau không ngừng trên thị trường quốc tế …Cả 2 luôn dùng mọi cách để có thể vượt qua nhau, thường xuyên tuyên bố sản phẩm mới với những sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, điện thoại thông minh và cạnh tranh xem ai bán được nhiều sản phẩm mới hơn hay ai đánh cắp bí mật công nghệ của bên còn lại. 

Một công viên ở tỉnh tỉnh Gyeongsang – quê hương của 2 nhà sáng lập LG và Samsung. 

Cuộc đấu trí giữa Samsung và LG hiện giờ không chỉ dừng lại ở việc “xưng vương” ở Hàn Quốc, mà là cả ở châu Á và trên toàn thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung có phần “nhỉnh hơn” khi là chaebol lớn nhất Hàn Quốc, ước tính doanh thu của họ chiếm tới 17% tổng GDP Hàn Quốc. Còn LG hiện đứng thứ 4 trong top 5 chaebol của Hàn Quốc.

Mối quan hệ lên tới mức căng thẳng cực điểm vào năm 2014, tại hội chợ công nghệ diễn ra ở Berlin, Đức, Samsung đã buộc tội giám đốc mảng thiết bị gia đình của LG phá huỷ hàng loạt máy giặt cao cấp của hãng được trưng bày tại đây với mức giá 2.700 USD mỗi chiếc.

Phía Samsung chỉ ra tên đích danh của lãnh đạo LG là ông Jo Seong-jin. Tuy vậy thông qua người phát ngôn, ông Jo từ chối lời buộc tội này và khẳng định máy giặt hỏng là do Samsung thiết kế cửa lồng giặt quá yếu. Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thoả.

“Những kẻ đánh nhau thì thường giống nhau”

Gia đình của ông Koo rất tôn sùng Nho giáo – tôn giáo truyền thống của Triều Tiên. Điều này khiến cho văn hóa doanh nghiệp của LG bị cho là “cổ hủ” so với các chaebol khác. Ví dụ điển hình là việc LG tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “trao ngôi cho con trưởng”.

Trong khi đó, Samsung lại tuân thủ theo văn hoá “cân nhắc tất cả các lựa chọn rồi mới đi đến quyết định”.

Minh chứng rõ ràng nhất cho văn hóa này là lựa chọn kế nhiệm của nhà sáng lập Samsung: Ông lựa chọn con trai thứ ba – Lee Kun-Hee làm người kế nghiệp. Và thật may mắn, chính quyết định này đã mang vinh quang về cho Samsung.

Nhưng ngoài sự khác biệt nho nhỏ về truyền thống gia đình nói trên, thì người ta nhận thấy có sự giống nhau kỳ lạ giữa 2 gia tộc này. Đó là:

Tuân thủ triết lý “chất lượng trên số lượng”

LG là người đi tiên phong trong việc tuân thủ triết lý “chất lượng trên số lượng”. Dưới thời kỳ cai trị của thế hệ thứ 2 là ông Koo Cha-kyung, triết lý này càng trở lên mạnh mẽ. Thậm chí, vị chủ tịch này còn trực tiếp thuyết giảng triết lý này tới đông đảo người tiêu dùng.

Samsung cũng không hề kém cạnh. Chủ tịch Lee Kun-Hee đã nhanh chóng “học hỏi” và mang thông điệp này tới người tiêu dùng. Hơn nữa, Samsung còn biết cách để làm cho người khác chú ý tới mình hơn. Cụ thể, trong một buổi nói chuyện với truyền thông, chủ tịch Lee gọi các thiếu sót trên sản phẩm là “các khối u”. Đến năm 1995, ông Lee thậm chí còn không ngần ngại ra lệnh tiêu hủy 150.000 mẫu điện thoại di động lỗi ngay trước cửa nhà máy để thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình.

Tham vọng và không ngừng bứt phá

Lịch sử Samsung ghi nhận cột mốc quan trọng vào năm 1983 khi chủ tịch công ty Lee Byung-chull tuyên bố họ sẽ tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Rất nhiều người cho rằng đây là hành động quá “liều lĩnh” trong bối cảnh các ông lớn Nhật Bản như NEC, Toshiba và Hitachi là những tên tuổi số 1 thế giới về chip nhớ. Ngay cả các tập đoàn lớn của Mỹ như Motorola, Texas Instruments hay National Semiconductor cũng phải chịu cúi đầu trước Nhật Bản.

Người dân đi ngang qua logo của Samsung Electronics tại tòa nhà Seocho của công ty ở Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 30/7/2020.
 

Tuy nhiên, với những thành tựu gồm sản xuất thành công chip nhớ DRAM 64KB, 256KB và RAM 4MB… Samsung đã lần lượt vượt qua các đối thủ và trở thành nhà sản xuất chip nhớ số 1 thế giới, và cho đến nay họ vẫn vững vàng trên ngôi vị này.

Trong khi đó, dù chỉ bước sau Samsung 1 bước trong cuộc đua chip bán dẫn nhưng may mắn đã không mỉm cười với LG. Tới năm 1997, trong khuôn khổ chương trình tái cơ cấu do chính phủ Hàn Quốc, LG buộc phải bán lại mảng chip bán dẫn của mình cho Hyundai. Và như vậy, họ đã mất đi vũ khí quan trọng để đối đầu với Samsung.

Ngoài chip bán dẫn, LG và Samsung còn rượt đuổi nhau trong cuộc đua thiết kế màn hình tivi và điện thoại di động.

Dù Samsung là người tiến quân ra thị trường Mỹ và châu Âu trước nhưng LG mới là người đạt được thành tựu “khủng” với siêu phẩm “điện thoại socola” vào năm 2005. Sản phẩm này đã rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. 

Tuy nhiên, với sự tập trung cao độ và đặc biệt đổi mới không ngừng nghỉ về thiết kế, Samsung đã trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới (thống kê năm 2006) và LG khiêm tốn nằm ở vị trí thứ 5. 

Từ xa xưa người Hàn Quốc đã có câu: “Những kẻ đánh nhau thì thường giống nhau”. Với trường hợp của LG và Samsung cũng vậy.

Giữa năm 2015, Samsung và LG đã tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt tất cả tranh chấp về mặt pháp lý để mang lại không khí hoà bình cho cả 2. “Cả hai công ty nói họ đang kết thúc tranh chấp để tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Hai bên sẽ giải quyết những bất đồng “thông qua hội thoại và hợp tác thay vì những hành động pháp lý”. Dường như, cả LG và Samsung đều cảm thấy rằng họ “kiệt sức” với cuộc “đại chiến” kéo dài hơn 1/3 thế kỷ này.

Mộc Trà

Related posts