Tin thế giới sáng thứ Tư

Phi cơ do thám Mỹ giảm hoạt động trên Biển Đông, chuyển sang biển Hoa Đông

Thụy My

image.png
Máy bay do thám Mỹ RQ-4 Global Hawk do Không Quân Mỹ công bố ngày 20/06/2019. AFP – HANDOUT

Theo South China Morning Post hôm nay 06/07/2021, Hoa Kỳ đã tiến hành 36 phi vụ thám sát trên Biển Đông trong tháng Sáu, chỉ bằng phân nửa so với tháng Năm. Một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng Washington đang tạm thời chuyển trọng tâm về biển Hoa Đông, với sự gia tăng đáng kể các chuyến bay do thám tại đây.

Trong số các phi cơ do thám cỡ lớn được gởi đến biển Hoa Đông, có máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3B, phi cơ thám sát điện tử RC-135U, máy bay trinh sát biển không người lái MQ-4C, drone trinh sát RQ-4.

Tổ chức South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông/SCSPI) cho biết hôm 03/06 một chiếc RC-135U cất cánh từ một căn cứ ở Okinawa đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Một phi cơ chống tàu ngầm P-8A của Hải quân Mỹ cũng từ Okinawa bay xuyên qua eo biển Đài Loan từ bắc chí nam, lần đầu tiên kể từ khi loại phi cơ này được triển khai tại Tây Thái Bình Dương.

Think tank này còn ghi nhận lần đầu tiên một phi cơ vận tải chiến thuật cỡ lớn C-17A đã đưa ba thượng nghị sĩ Mỹ đến Đài Loan hôm 06/06 thay vì phi cơ dân sự như thường lệ, và cho rằng điều này đã gây căng thẳng tại eo biển. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên án « hành động khiêu khích chính trị rất xấu xa » và một ngày sau quân đội Trung Quốc tập trận đổ bộ tại bờ biển miền đông nam.

Nhật báo có trụ sở tại Hồng Kông nhắc lại hồi tháng trước, một tuần sau khi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận tại Biển Đông, Bắc Kinh đã điều số lượng kỷ lục 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan.

Hoạt động quân sự Mỹ giảm hẳn trên Biển Đông được cho là do Nga tập trận quy mô ngoài khơi Hawai hồi tháng Sáu, thu hút một phần lực lượng trính sát của Mỹ. Các quan chức Nga nói rằng đây là cuộc tập trận lớn nhất tại Thái Bình Dương kể từ thời chiến tranh lạnh.

Pháp, Đức, Trung Quốc kêu gọi nắm lấy cơ hội về thỏa thuận nguyên tử Iran

Thụy My

image.png
Lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở miền nam Iran trong quá trình xây dựng, ngày 20/08/2010. ATTA KENARE AFP/File

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến hôm 05/07/2021 đã kêu gọi « nắm lấy cơ hội về một thỏa thuận nguyên tử với Iran ».

Reuters dẫn nguồn từ điện Elysée cho biết cả ba nhà lãnh đạo đều đồng ý là cơ hội đang mở ra, cần phải nắm lấy và hành động vì ổn định và hòa bình khu vực.

Hãng tin AFP trích tuyên bố của ngoại trưởng Đức Heiko Maas, tin rằng cuộc đàm phán hiện nay với Iran nhằm cứu vãn hiệp ước nguyên tử có thể đạt được kết quả « trong những tuần lễ tới », tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.

Hoa Kỳ và Iran từ tháng Tư đã bắt đầu các cuộc thương lượng gián tiếp tại Vienna để cố gắng thúc đẩy trở tại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tức thỏa thuận nguyên tử Iran ký tại Vienna năm 2015, nhưng năm 2018 chính quyền Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này.

JCPOA được ký kết giữa Iran và năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc) cộng với Đức.

Quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, chiến lược chống Covid-19, thương mại quốc tế, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh thái cũng là các đề tài được ông Macron, bà Merkel và ông Tập thảo luận.

Iran : Nhà máy điện nguyên tử Bouchehr hoạt động trở lại
Trong khi đó tại Teheran, Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran (OIEA) hôm qua cho biết nhà máy điện nguyên tử duy nhất của nước này đã hoạt động trở lại, hai tuần sau khi phải đóng cửa do trục trặc kỹ thuật trong lúc nhiều thành phố liên tục bị cúp điện.

Nhà máy Bouchehr được trang bị lò phản ứng 1.000 MW do Nga sản xuất. Các quốc gia vùng Vịnh luôn lo lắng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy này.

Hồng Kông bắt giữ 9 người, gồm 6 học sinh cấp hai bị cáo buộc “âm mưu khủng bố”

Minh Anh

image.png
Một chiếc mặt nạ Guy Fawkes được đặt bên cạnh những vật chứng trong một cuộc họp báo sau khi cơ quan an ninh quốc gia của cảnh sát Hồng Kông bắt giữ 9 người mà họ nghi là khủng bố, ngày 06/07/2021. REUTERS – TYRONE SIU

Cảnh sát Hồng Kông ngày 06/07/2021 thông báo bắt giữ 9 người, trong đó có 6 học sinh cấp hai trong khuôn khổ một cuộc điều tra chống khủng bố.  

Theo AFP, tổng cộng có năm người đàn ông và bốn phụ nữ, tuổi từ 15 -39 đã bị bắt hôm thứ Hai, 05/7. Theo như giải thích của ông Steve Li, lãnh đạo đơn vị cảnh sát chuyên trách thực thi Luật An ninh Quốc gia, trước giới báo chí, những người này đã tìm cách chế tạo bom bằng chất nổ TATP từ chất acetone peroxide, một loại chất dễ cháy nổ, nhằm tiến hành hoạt động khủng bố.

Vẫn theo lời cảnh sát Hồng Kông, chín người này thuộc một nhóm đòi độc lập tự xưng là « Returning Valiant ». Trong số ba người lớn bị bắt, có một người lái taxi, hai người kia làm việc ở một đại học và một trường cấp hai.

Các điểm tấn công của nhóm người này là một trong số các đoạn đường hầm nối Hồng Kông với Hoa Lục, hệ thống đường sắt hay các tòa án, với mục tiêu sau cùng là gây ra « những thiệt hại tối đa cho xã hội ».

Tại hiện trường, cảnh sát Hồng Kông đã tịch thu một lượng nhỏ chất nổ, các loại hóa chất để chế tạo TATP, điện thoại di động, thẻ SIM, một hướng dẫn cách đặt bom, bản đồ để rời thành phố cũng như là số tiền 90.000 đô la Hồng Kông. Các tài khoản ngân hàng trị giá khoản 600 ngàn đô la Hồng Kông cũng bị phong tỏa.

AFP nhắc lại, năm 2019, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có đã diễn ra, đôi khi biến thành bạo động, nhằm phản đối Bắc Kinh can dự vào đời sống chính trị Hồng Kông cũng như việc chính quyền đặc khu đi theo các chính sách hà khắc, bóp nghẹt các quyền tự do mà người dân Hồng Kông được hưởng cho đến ngày nay.

Dự luật về bảo vệ đời sống riêng tư : Các hãng Internet lớn dọa rời Hồng Kông
Trong một thư gởi ghi ngày 25/06/2021, nhưng chỉ được công bố tuần này, Asia Internet Coalition – tập hợp các hãng Google, Facebook, Twitter, LinkedIn và Apple đã kêu gọi các cơ quan lập pháp Hồng Kông thay đổi các dự luật liên quan đến bảo vệ đời tư và phát tán các dữ liệu cá nhân (được gọi là doxing) vì các đề xuất sửa đổi này có thể được diễn giải một cách quá rộng dãi, làm cho các hãng internet và nhân viên của họ có nguy cơ bị coi là phạm luật. Theo dự luật này, việc tìm kiếm, tập hợp, tổng kết hoặc đăng lại các thông tin sẵn có trên mạng và không bị bảo hộ cũng có thể bị coi là một hành vi bất hợp pháp.

Các hãng internet này đe dọa rằng « cách thức duy nhất để tránh trừng phạt, cho các hãng công nghệ, có lẽ là ngừng đầu tư và cung cấp các dịch vụ ở Hồng Kông. Điều này có thể gây ra những hụt hẫng cho các doanh nghiệp cũng như người sử dụng ở Hồng Kông, đồng thời tạo ra những rào cản mới cho thương mại. »

Trước những lời đe dọa từ các hãng Internet, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm nay, đã lên tiếng phản bác khi biện minh rằng dự luật chỉ nhắm vào « cách thực hiện doxing bất hợp pháp ».

Covid-19: Anh Quốc thông báo kế hoạch dỡ bỏ những hạn chế dịch tễ cuối cùng

Minh Anh

image.png
Thủ tướng Anh Boris Johnson (G) trong cuộc họp báo về nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, Luân Đôn, ngày 05/07/2021. REUTERS – POOL

Thứ Hai, 05/07/2021, thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch chi tiết cho việc dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, cụ thể là từ ngày 19/07/2021, người dân Anh sẽ được tự do hoàn toàn. Điều gây lo ngại là thông báo này được đưa ra vào lúc số ca nhiễm biến thể Delta tại Anh, cứ sau một khoảng thời gian là 9 ngày, thì lại tăng gấp đôi.

Từ Luân Đôn, thông tín viên đài RFI, Claire Digiacomi giải thích :

« Tìm lại cuộc sống như trước đây bằng cách dựa vào việc tiêm phòng chủng và ý thức của người dân Anh, đây chính là cuộc đánh cược của thủ tướng Boris Johnson. Ông khẳng định, hầu hết tất cả các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/07.

Như vậy, không còn phải làm việc từ xa, không còn hạn chế số người tham dự các sự kiện lớn, các vũ trường được mở cửa trở lại… Và nhất là, không còn bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian kín hay trên các phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, Vương Quốc Anh có nhiều khả năng có đến 50 ngàn ca nhiễm thường nhật mới từ đây trong vòng hai tuần. Nhưng với thủ tướng Anh, mở cửa lại chính là lúc này hoặc là không bao giờ cả.

Ông nói : “Nếu chúng ta không mở cửa lại hoàn toàn trong những tuần sắp tới, trong khi mà chúng ta sẽ có thuận lợi là mùa hè đang đến và những kỳ nghỉ, nếu không thì đến khi nào chúng ta mới có thể quay trở lại bình thường được ? Nếu chúng ta cứ hoãn nữa, như vậy sẽ lại rơi vào mùa đông, đó chính là lúc virus sẽ có lợi thế, và như vậy có thể sẽ chẳng bao giờ mở cửa trong năm nay… “

Boris Johnson trông cậy vào việc tiêm chủng, vốn dĩ đã làm giảm hẳn số ca nhập viện và tử vong. Nhưng thông báo này của ông gây chia rẽ trong dân chúng và giới chính khách. Phe Công Đảng đối lập tố cáo đó là những biện pháp « nguy hiểm ». Và một số nhà khoa học lo ngại cho sự xuất hiện những biến thể mới bởi vì virus lây lan rất nhanh.  

Thủ tướng Anh khẳng định đại dịch còn lâu mới kết thúc nên cần phải sống chung với virus. »

Du khách Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ lại được phép vào Đức

Chính quyền Berlin hôm qua, 05/07/2021, thông báo dỡ bỏ các lệnh cấm nhập cảnh do dịch bệnh Covid-19 đối với công dân năm nước, trong đó có Anh Quốc, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Biện pháp này do Viện Giám sát Dịch tễ Robert-Koch (RKI) ban hành cũng liên quan đến Nga và Nepal. Việc dỡ bỏ các hạn chế có hiệu lực chính thức từ ngày thứ Tư 07/07/2021.Mỹ viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vac-xin chống Covid-19

Hoa Kỳ ngày 06/07/2021gửi tặng Việt Nam 2 triệu liều vac-xin Moderna. JOEL SAGET AFP/File
Thụy My
Hoa Kỳ hôm nay 06/07/2021 gởi tặng Việt Nam hai triệu liều vac-xin chống Covid-19, trong lúc Việt Nam ghi nhận số ca dương tính kỷ lục trong hai ngày liên tiếp, hầu hết là tại thành phố Saigon

Reuters dẫn nguồn từ bộ Y Tế cho biết, đến trưa hôm nay theo giờ Việt Nam, đã phát hiện thêm 1.029 trường hợp dương tính trong ngày, hầu hết tại thành phốSaigon. Đây là ngày thứ hai số người bị lây nhiễm virus corona vượt quá con số 1.000.

Chuyến hàng vac-xin Moderna, là một phần trong số 80 triệu liều mà tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ viện trợ cho các nước, sẽ đến Việt Nam vào cuối tuần này. Một viên chức Nhà Trắng giấu tên cho AFP biết như trên, và nói thêm, đây chỉ là khởi đầu cho đợt vac-xin gởi đến Đông Nam Á.

Một triệu liều vac-xin đã được đưa đến Malaysia hôm qua, và tuần trước

Nhà Trắng thông báo bốn triệu liều khác sắp được giao cho Indonesia. Các nước khác trong khu vực trong danh sách chờ nhận vac-xin của Mỹ là Cam Bốt, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan.

Theo AFP, Việt Nam, nước láng giềng của Trung Quốc có 97 triệu dân ban đầu được coi là mô hình chống dịch tốt nhờ biện pháp truy vết, cách ly. Tổng cộng có khoảng 21.000 ca dương tính, theo số liệu chính phủ, nhưng chỉ có 90 trường hợp tử vong. Tuy nhiên tỉ lệ tiêm chủng rất thấp và số lượng người bị Covid đã tăng rất nhanh trong những tuần lễ vừa qua.

Một viên chức chính quyền Biden khẳng định, việc viện trợ vac-xin cho Việt Nam, nằm trong chiến lược nhằm « chấm dứt đại dịch ở mọi nơi », chứ không phải « ngoại giao vac-xin » để đối phó với Trung Quốc và Nga. Viên chức này nhấn mạnh Mỹ chia sẻ vac-xin mà không kèm theo điều kiện nào.

Hồi tháng Sáu, Trung Quốc đã gởi 500.000 liều vac-xin Sinopharm sang Việt Nam, nhưng chỉ để tiêm chủng cho công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và người Việt qua lại Trung Quốc.

Related posts