“Thay đổi” hay “đổi”?

Du Uyên

Mới đây, có một clip quay lại cảnh người phụ nữ vừa bị ông chồng cũ đấm gãy sóng mũi, sau khi đấm thì ông này còn cầm dao “truy sát” vị “cựu phu nhân” của mình, rất may nàng thoát chết. Điều lạ là, cư dân mạng Việt phê phán người đàn ông vũ phu kia thì ít mà chỉ trích người phụ nữ (đã bị đánh) rất nhiều. Lý do rất khó hiểu: người chồng cũ kia là chồng thứ 4 của người phụ nữ đó.

Hai người phụ nữ áo đỏ chạy xe đạp đi làm buổi sáng, ở New York và ở Việt Nam – Từ Facebook Le Huyen Thanh

Dầu pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm người đã ly hôn được phép kết hôn nhiều lần khác, nếu họ không gây hại cho ai, không lấy một lúc 2 chồng. Và cũng không có pháp luật nước nào cho phép người ta đấm và dùng dao truy sát một người khác, huống chi là vợ cũ. Nhưng đa số các bình luận chỉ trích người bị hại theo kiểu “người phụ nữ này lăng loàn lắm mới có 4 chồng”, “chúc cho người chồng thứ 5 của chị giữ được chân chị cho đàn ông khác bớt khổ”, “gớm, không có lửa thì nàm sao có khói?”… bên cạnh đó cũng có một số ít bình luận bênh vực kẻ yếu. Hạ hồi của chuyện này thì chờ pháp luật “ra tay”, vì người đàn ông trên đang bị kiện. Chúng ta hãy nói về tâm lý của số đông cư dân mạng Việt hiện nay, tại sao có những lời cắn đắng như vậy với một nạn nhân bị bạo hành và nó lại chiếm số đông trong các diễn đàn? Ðó có phải là tư tưởng cổ hủ đã ăn sâu vào tiềm thức của cái xã hội hiện đại không ra hiện đại, phong kiến không ra phong kiến hiện nay tại Việt Nam? – Ðàn ông năm thê bảy thiếp vẫn được cho là đào hoa, phong lưu. Ðàn bà nhiều đời chồng vẫn là loại trắc nết, lăng loàn, điếm đàng. Hay đó chỉ là một “khát vọng” khoe khoang, tự bào chữa với cả thế giới về bản thân: tôi không lăng loàn, tôi không nhiều chồng… tôi đánh phụ nữ là có lý do, không nên đánh phụ nữ – dầu chỉ một nhành hoa mà hãy kèm theo chiếc bình… của chủ nhân các lời bình luận?

Vậy, nhiều chồng thì đã sao? Chẳng lẽ cứ ôm hoài một cuộc hôn nhân kém hạnh phúc? Hoặc nếu đã ly hôn thì phải “lập đền thờ trinh tiết”, ở vậy suốt đời mới là một phụ nữ tốt? Và “chỉ cần có lý do” là chúng ta có thể lao vào giết nhau, ai nhiều cơ bắp hơn thì người đó thắng? Vậy pháp luật sanh ra để làm gì?

“Mẹ tôi thích sưu tầm ly, còn ba tôi thì luôn tức giận mỗi lần bà mang thêm một cái ly mới về. Xin giới thiệu, đây là bạn trai mới của mẹ tôi, chú ấy đóng luôn cái kệ để bà trưng bày bộ sưu tập của mình.”

Một người con đã đăng hai tấm hình lên mạng xã hội với lời kể như vậy sau cuộc ly hôn của ba má mình, câu chuyện này cũng đang rất “hot” trên mạng xã hội, vì nó rất đúng với tinh thần của câu nói “Nếu không thay đổi được người ấy, bạn hãy đổi luôn người ấy cho rồi…” – If you can’t change the man/girl, change the man/girl – cũng đang rất được nhiều người trẻ trên các mạng xã hội toàn thế giới “trọng dụng”, nhắc đi nhắc lại. Chỉ khác là, cả người con lẫn các bạn trẻ ở khắp thế giới (trong đó có nhiều cư dân mạng Việt Nam) đều vui vẻ đón nhận câu chuyện, khen ngợi người mẹ dũng cảm thay đổi, chúc bà hạnh phúc với lựa chọn mới của mình.

Có gì khác nhau ở một người phụ nữ nước ngoài và một người phụ nữ trong nước vậy các cư dân mạng Việt Nam ơi?

“Nếu không thay đổi được người ấy, bạn hãy đổi luôn người ấy cho rồi…” – Theo tôi, nó đúng trong nhiều sự việc, không chỉ trong tình yêu, hôn nhân. Như ở câu chuyện trên, nếu không thay đổi được cư dân mạng (về cái nhìn với phụ nữ Việt), thì chúng ta đổi… quốc tịch cư dân mạng. Thử mang video ghi lại cảnh người phụ nữ bị chồng cũ hành hung lên các trang mạng nước ngoài, xem họ bình luận ra sao? Có ai “đào” hết ba đời tông ti họ hàng, “quá khứ vị lai” của người bị hại lên và phê phán hay không? Tôi tin là không. Một người bạn thân của tôi ở Tân Gia Ba – Singapore từ nhỏ, từng “than thở” với tôi:

“Lướt mạng bên này (Singapore) chán ngắt vì dân nó chỉ chửi… chính quyền. Chứ có “drama” gì xảy ra, họ đi bênh nạn nhân xong thấy thủ phạm tội quá thì… bênh luôn. Không thấy “thám tử” nào đào bới, bươi móc thân thế người ta ra rồi chửi như ở Việt Nam.”

Và vì không thay đổi được cư dân mạng xứ “giãy chết”, bạn tôi đã đổi qua “hóng drama” ở cõi mạng Việt Nam. Dầu luôn mắt “hóng” chuyện trên mạng Việt Nam, luôn miệng than thèm đồ ăn Việt, luôn tay nấu món Việt ăn, nhưng khi tôi hỏi nó “có suy nghĩ sẽ về Việt Nam ở luôn hay không?”, nó đã hét vô mặt tôi (qua video call): “Ðiên hả bà nội! Về chơi thì được, chứ ở bên đây chửi… chính quyền quen rồi.”

Quả tình, nhiều khi nói chuyện với bản, nghe gia đình bản được chính phủ hỗ trợ mùa dịch ra sao, con bản được chính phủ cho tiền thế nào, tôi đã đôi lần có ý định manh nha đổi… bạn. Vì cứ mỗi lần hỏi: “Chính phủ tốt vậy sao dân bển chửi hoài vậy?” Nó lại trả lời: “Tốt mới chịu nghe chửi đó!” Trong khi bản thân mình vừa nghe bạn nói vừa nhìn tivi trông cho tiền cứu trợ mà chính phủ Việt Nam hứa từ 2020 “rớt” xuống, vừa phải cầm điện thoại nhận tin nhắn “spam” kêu gọi “mua vải từ Bắc Giang” rồi tin nhắn kêu gọi “góp tiền vào quỹ vaccine” từ “chú phỉnh” gửi mình mỗi bữa. Vừa uất ức vừa tụng niệm “tuyệt-đối-không-có-quyền-chửi”. Vì chửi là “không yêu nước”, là “ba que”, là “phản động”… Cho dầu sự việc đó là đúng, là thật như vàng.

Hôm rồi, có Facebooker Hoàng Mạnh Hà (một nhà báo trong nước) viết bài tố cáo “Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Phường 9, Tân Bình cướp công của người dân”. Cụ thể là kể về việc làm của anh và hàng xóm – cùng là cư dân của chung cư The Useful, nơi đã bị phong tỏa vào ngày 16-6-2021 do có ca nhiễm cúm Vũ Hán. Tại thấy trong chung cư cũng còn không ít gia đình khó khăn, một số cư dân có lòng hảo tâm đã lên group hô hào mở “gian hàng 0 đồng” để hỗ trợ nhau trong những ngày không khác gì bị giam lỏng, “nội bất xuất-ngoại bất nhập” này. Lấy “khẩu hiệu” quen thuộc với dân Sài Gòn lâu nay: Ai cần đến lấy, ai dư góp dzô.

Không thay đổi được sự khó chịu của chồng với bộ sưu tập ly của mình, cô ấy đổi chồng – Từ Facebook

Chỉ trong vài ngày, số tiền quyên góp đã hơn năm chục triệu đồng. Người tốt ở bên trong và ở bên ngoài chung cư đà cùng hỗ trợ nhau tìm mua nhu yếu phẩm, thức ăn cần thiết… chuyển vào trong chung cư. Anh Hà viết “Phải nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, chương trình do cư dân tự tổ chức, tự góp tiền, tự đi chợ và tự kêu gọi bạn bè ở ngoài ủng hộ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 9, Quận Tân Bình không hề cho chúng tôi một cọng rau nào, cũng chẳng hỏi thăm động viên gì.”

Ấy thế mà sáng 24-6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 9, Quận Tân Bình, đem xuống một cái băng rôn (bandroll) in rất chuyên nghiệp, đề nghị ban hậu cần “Gian hàng 0 đồng” của chung cư treo lên, với nội dung:

“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 9, Quận Tân Bình
Ban quản lý chung cư Useful và các mạnh thường quân
Chương trình gian hàng 0 đồng hỗ trợ người dân
Tại điểm phong tỏa chung cư Useful”

Ðại ý là gì thì chắc hẳn ai cũng hiểu?

Nhưng không chỉ cái băng rôn, anh Hoàng Mạnh Hà viết: “Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy một Fanpage trên Facebook có tên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 9, Quận Tân Bình, công khai nói rằng cơ quan này đã hỗ trợ “kinh phí và hiện vật” cho cư dân tại chung cư của chúng tôi. Kèm theo bài viết là rất nhiều hình ảnh chôm chỉa từ hoạt động của bà con cư dân chúng tôi, không hề có bóng dáng người nào của cơ quan này”.

Anh Hà nói thêm: “Tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 9, Quận Tân Bình, đã lỡ in băng rôn với nội dung tốt đẹp như thế thì hãy mau chóng đưa đến chung cư 100 triệu để ủng hộ, rồi đề nghị cư dân ở đây cho treo băng rôn lên. Chỉ có cách làm như vậy mới hợp thức hoá được nội dung mà các ông bà đã soạn ra và cho in.

Xin nói rõ một chút. Ở trên băng rôn có ghi tên Ban Quản lý Chung cư The Useful. Nhưng thực tế là Ban Quản lý chung cư không hề biết việc này. Mấy ngày nay vợ chồng anh Giám đốc Công ty Quản lý toà nhà cũng hoạt động hết công suất chung với anh em nhóm hậu cần Gian hàng 0 đồng”.

Diễn biến vụ “cướp công” – Từ Facebook

Kèm theo những bài viết “vạch tội” của anh đều có hình ảnh xác thực và kèm “link” một bài ở báo Thanh Niên đã đưa trước khi cái băng rôn được đưa đến (kể về lòng tốt của cư dân chung cư này với nhau) để chứng minh lời anh tố là có thiệt, chính xác trăm phần trăm. Và tuy nói thật, có bằng chứng xác đáng nhưng cuối mỗi bài viết anh đều có câu kêu gọi: “Xin mọi người comment lịch sự, không đi chệch vấn đề, không suy diễn.

Cư dân mạng lần này bình luận “không đi chệch vấn đề” như vụ người phụ nữ bị chồng cũ đánh ở đầu bài. Nhưng rất tiếc, với một sự việc như vậy, người ta khó lòng lịch sự với kẻ “cướp công” được, vì có rất nhiều sự việc tương tự đã xảy ra nhưng đâu phải ai cũng dám lên tiếng. Nhưng các cư dân mạng vẫn rất tôn trọng “chủ nhà” mà không ai buông lời tục tĩu.

Vậy mà, đời không như là mơ, có lẽ đối với những kẻ “cướp công” hoặc tác giả bài viết, những lời phê phán kiểu như: “trơ trẽn”, “tráo trở”, “định mượn hoa cúng Phật hay gì”, “chắc nghĩ dân lành không dám nói, mà chắc không dám nói thật!”… là “không lịch sự” và “đã đi chệch vấn đề”. Nên chiều ngày 25-6-2021, anh Hoàng Mạnh Hà đã có thông báo mới trên trang cá nhân của mình:

“Vụ chiếc băng rôn, tôi viết phản ánh về vụ việc cụ thể, chuyện nào ra chuyện đó. Tuy nhiên, nhiều người vào comment suy diễn đi xa câu chuyện và lạc đề. Do vậy, tôi xin gỡ các bài viết này.”

Cái bài viết biến mất trên trang cá nhân của anh Hà với nhiều đồn đoán của cư dân mạng về “áp lực” từ ai đó dành cho “kẻ bốc phốt mình”, hoặc những trách vấn kiểu như “Ðã “chuyện nào ra chuyện đó” thì sao lại gỡ bài?”, hoặc những lời cám ơn/ cổ động  dành cho anh Hà như “Không sao anh. Anh thông tin vậy đầy đủ rồi”, “Không sao, có trang khác đã đăng lại rồi.”… Trong khi đó, khi tôi viết bài này – sáng ngày 26-6-2021, bài viết “kể công” trên trang mạng xã hội có tên “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 9, Quận Tân Bình” vẫn còn, bình luận bị khóa nhưng các lượt “share” về thì toàn những lời nặng nề hơn các bình luận mà tôi kể ở trên.

Tôi hỏi nhỏ bạn bên Tân Gia Ba: “Chuyện này bên Sing thì sao, dân chắc chửi tới nóc ha?”

Nó trả lời: “Bên đây làm sao xảy ra chuyện này được mà chửi, chị hai?”

Ừ ha, ở cái xứ gì mà tiền thì chính phủ hỗ trợ, vaccine thì chính phủ phát, bệnh thì chính phủ lo, chửi thì chính phủ nghe (không áp lực, không xóa bài/xóa bình luận)…  làm sao xảy ra mấy câu chuyện linh tinh và hoang đường như trên được?

Thấy tôi có vẻ đượm buồn vì những nỗi gato (ghen ăn tức ở) chần vần trong dạ, cô bạn thương cảm mà an ủi: Thôi, hơi đâu buồn, không thay đổi được chính quyền thì thử đổi… chính quyền coi sao?

DU

Related posts