Tờ Wall Street Journal đã đăng một bài xã luận vào hôm thứ Năm (ngày 1/7), nói rằng nhìn lại 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chúng ta sẽ thấy được một điều, về đối nội thì ĐCSTQ không ngừng đàn áp người dân trong nước, về đối ngoại thì nó vẫn luôn đe dọa bắt nạt các nước khác, chủ nghĩa dân tộc cuồng tín mà ĐCSTQ nhào nặn đã thành mối nguy hiểm đối với tự do và dân chủ toàn cầu, trang bài bình luận trên trang Epoch Times.
Theo bài xã luận thì “Nếu năm đó Tưởng Giới Thạch đánh bại Mao Trạch Đông, tình hình Trung Quốc sẽ như thế nào? Nền dân chủ và thịnh vượng của Đài Loan chính là bằng chứng tốt nhất cho giả thuyết phi thực tế này”.
ĐCSTQ đã kỷ niệm 100 năm thành lập vào ngày 1/7, nhưng đó không phải là thời khắc đáng mừng. ĐCSTQ luôn duy trì sự kiểm soát quyền lực bằng nắm đấm sắt, và giờ đây nó gây ra mối đe dọa lớn đối với tự do và dân chủ toàn cầu.
Bài xã luận cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Mong mọi người lưu ý rằng chúng tôi đang đề cập đến đảng ĐCSTQ, chứ không phải người dân Trung Quốc. Hai cái này vốn không giống nhau. 95 triệu đảng viên nắm trong tay đặc quyền cai trị bằng cách đe dọa bắt giữ và loại bỏ những người bất đồng chính kiến để thống trị 1,4 tỷ dân Trung Quốc”.
Lãnh đạo đảng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần lặp lại lời của Mao Trạch Đông rằng: “Đảng, chính phủ, quân sự, dân sự, quần chúng, cả đông tây nam bắc và trung tâm, đảng chính là lãnh đạo của hết thảy”.
Thiếu tính hợp pháp dân chủ, ĐCSTQ duy trì quyền lực bằng cách giết người
Bài xã luận nhắc nhở độc giả rằng một trong những sự kiện quan trọng nhất không bao giờ được quên chính là lịch sử giết người của ĐCSTQ.
Trong những năm 1930, người của ĐCSTQ rút lui đến Diên An để bảo toàn thực lực, mặc cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đang liều mình chiến đấu chống Nhật trong Thế chiến thứ hai. Sau khi Chiến tranh chống Nhật kết thúc, quân đội Quốc Dân đảng bị tổn thất nặng nề, ĐCSTQ lập tức tập trung lại phát động cuộc nội chiến với Quốc Dân đảng, kết quả Mao Trạch Đông đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến năm 1949. Giống như tất cả những người Cộng sản khác, Mao đã ra tay thanh trừng những người bất đồng chính kiến và hoàn toàn kiểm soát được tình hình.
Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, người dân Trung Quốc đã phải trải qua mấy chục năm đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới. Đại Nhảy Vọt của ĐCSTQ đã dẫn đến nạn đói lớn. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông đã dung túng cho Hồng vệ binh mặc sức làm càn, và tất cả những ai bị nghi ngờ là phần tử không trung thành với Đảng hay những người bị liệt vào giai cấp tư sản đều không thể tránh khỏi kiếp nạn. Dưới thời Mao Trạch Đông, mấy triệu người dân thành thị đã bị đày đến nông thôn, không ai biết rốt cuộc có bao nhiêu người Trung Quốc đã chết một cách bất bình thường.
Sau khi Mao Trạch Đông chết đi, Đặng Tiểu Bình đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực và bắt đầu cải cách thị trường tự do, giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Trong phút chốc, kiểm soát xã hội và chính trị của Trung Quốc đã được nới lỏng, nhưng đảng chưa bao giờ từ bỏ quyền lực. Năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh đàn áp hoạt động dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn; ĐCSTQ đến nay vẫn tiến hành kiểm duyệt công cụ tìm kiếm đối với cụm từ Thiên An Môn, và các công ty công nghệ phương Tây cũng đã ngầm chấp thuận hành vi này của ĐCSTQ.
Bài xã luận nhấn mạnh: “Do thiếu tính hợp pháp dân chủ, ĐCSTQ dựa vào sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và sự thịnh vượng kinh tế để duy trì quyền lực”.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đây là nguồn gốc của niềm tự hào dân tộc, nhưng sự phát triển kinh tế là được hưởng lợi từ hệ thống thương mại thế giới mở, chứ không phải nhờ sự lãnh đạo của ĐCSTQ như trong tuyên truyền của nó.
Báo cáo cho hay, “Thủ đoạn kiểm soát cuối cùng của ĐCSTQ là duy trì nỗi sợ hãi. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, khả năng chịu đựng bất đồng chính kiến của chính phủ (ĐCSTQ) đều thấp hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Mao Trạch Đông. ĐCSTQ sử dụng các công cụ giám sát của nhà nước để bóp nghẹt bất kỳ tiếng nói bất đồng nào thách thức đường lối của đảng”.
Ví dụ, tất cả những người tiết lộ sự thật sớm nhất về đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc đều bị bắt giữ, và những bí mật về đại dịch đến nay vẫn đang bị che đậy.
Hệ thống tín dụng xã hội mới của Bắc Kinh sẽ cung cấp các đặc quyền dựa trên việc tuân thủ các kế hoạch của quốc gia, đó là định nghĩa của George Orwell, nhà văn nổi tiếng với tác phẩm “Trại súc vật” và “Một chín tám tư” bài xích tính độc tài của nhà nước nói chung và chủ nghĩa Stalin nói riêng. Các trại cải tạo và lao động của ĐCSTQ dành cho người Duy Ngô Nhĩ và việc phủ nhận lời hứa tự trị của Hồng Kông trong các Hiệp ước quốc tế đều cho thấy ĐCSTQ sợ hãi người dân của nó đến mức nào.
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, Trung Quốc đã nổ ra xung đột với Ấn Độ ở biên giới và tự ý xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Sáng kiến ”Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ đã đặt các nước nghèo phải gánh một khoản nợ lớn, ngoài ra ĐCSTQ cũng đã có nhiều hành vi trộm cắp trực tuyến với tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ
Theo bài viết, “Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là ĐCSTQ đang cố gắng xuất khẩu một hệ thống kiểm duyệt sang các nước tự do. Chỉ vì Úc yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus COVID-19, bởi nó có nguồn gốc từ Vũ Hán, ĐCSTQ ngay lập tức đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống lại Úc. ĐCSTQ còn yêu cầu các thực thể nước ngoài bịt miệng Đài Loan và Hồng Kông, nếu không nó sẽ trừng phạt kinh tế với các thực thể này. Chiến lược này đã rất hiệu quả đối với Disney và NBA”.
Bài xã luận cho rằng rủi ro về đối ngoại mà ĐCSTQ đang phải đối mặt là tất cả các hành vi nói trên đều đang tạo ra một cuộc phản công mang tính toàn cầu. “Các cường quốc phương Tây đã cấm Huawei tham gia vào mạng viễn thông. Làm thế nào để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc là mặt trận và trung tâm của các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của Liên minh G7. Mặc dù thị trường Trung Quốc rất lớn, các công ty phương Tây ngày càng cảnh giác hơn về những rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc. Lưỡng đảng Hoa Kỳ hiện đều đã nhất trí nhìn nhận rằng ĐCSTQ đang tìm kiếm sự thống trị trong khu vực và thậm chí là sự thống trị trên toàn cầu”.
Theo bài viết, “Đối với ĐCSTQ cầm quyền, rủi ro lớn nhất là đến từ bên trong: dân số đang già đi nhanh chóng, hàng chục triệu người vẫn đang trong tình trạng nghèo đói, tồn đọng nợ lớn, sự kiểm soát chính trị đã cản trở nhiều cải cách kinh tế và kỳ vọng vào sự thịnh vượng tiếp tục của người dân”.
Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, bài viết đã đặt nghi vấn rằng nếu Tưởng Giới Thạch năm xưa đánh bại Mao Trạch Đông, tình hình Trung Quốc ngày nay sẽ như thế nào, và “Nền dân chủ và thịnh vượng của Đài Loan đã cung cấp bằng chứng tốt nhất cho cái giả thuyết phi thực tế này”.
Eo biển Đài Loan đã được công nhận là khu vực dễ nổ ra chiến tranh nhất. Trong bài phát biểu vào ngày 1/7, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sẽ thống nhất Đài Loan.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN vào cuối tháng 6 rằng Đài Loan sẽ không chấp nhận thống nhất với ĐCSTQ, tình hình ở Hồng Kông cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền của Đài Loan và bảo vệ nền dân chủ nói tiếng Trung duy nhất trên thế giới này”.
Ông nói: “Đài Loan đã là một quốc gia dân chủ. Khi đại đa số người dân nói không với một điều gì, không một nhà lãnh đạo chính trị nào lại bỏ qua tiếng nói của người dân”.
Ông Ngô cũng nói rằng Đài Loan “cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.