Ngọc Mai
Epochtimes – Gần đây trên mặt báo nổi lên vụ việc Bắc Kinh trấn áp “gã khổng lồ gọi xe” Didi, ứng dụng được ví như “Uber Trung Quốc”. Ứng dụng này bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng smartphone vì cáo buộc “thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng”.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng động thái này các nhà chức trách có thể nói là có chủ đích. Đằng sau hành động trấn áp Didi có bối cảnh chính phủ [nhúng tay vào] rất sâu.
Cuộc thanh trừng Didi Travel của ĐCSTQ là cuộc thẩm tra an ninh công cộng đầu tiên do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc tiến hành kể từ khi các biện pháp rà soát an ninh mạng được chính quyền đưa ra vào tháng 6 năm ngoái có hiệu lực.
Ngay sau khi Didi bị thanh trừng, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài bình luận vào ngày 5/7, nói rằng: Không một gã khổng lồ Internet nào được phép trở thành siêu cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người dân Trung Quốc, chi tiết hơn nhà nước, càng không thể để mặc cho họ được quyền sử dụng những dữ liệu đó một cách tùy ý. Bài báo được ngoại giới giải thích là ĐCSTQ có thể tùy ý sử dụng thông tin cá nhân của người Trung Quốc.
Bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Bắc Kinh, cổ phiếu của gã khổng lồ gọi xe Didi đã giảm tới 25% trong giao dịch trước giờ mở cửa vào ngày 6/7, giá trị thị trường bốc hơi hơn 140 tỷ nhân dân tệ.
Thanh trừng Didi, ĐCSTQ “giết gà dọa khỉ”?
Về việc Didi bị chính quyền “sờ gáy” không lâu sau khi được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, nhà quan sát Hoa Pha (Hua Po) của Thời báo Bắc Kinh nói với phóng viên Epochtimes: “Sau khi Didi được niêm yết tại Hoa Kỳ, nó bất ngờ bị cơ quan quản lý thanh trừng. Giá trị thị trường chứng khoán của công ty đã giảm mạnh, gây ra sự cố đáng kể, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Tại thời điểm này, các cơ quan quản lý đã thực hiện một động thái rất xấu xa, có thể nói là có chủ ý”.
Ông phân tích, có thể có một số lý do khiến các cơ quan quản lý thực hiện cuộc thanh trừng như vậy: Thứ nhất, các nhà chức trách tin rằng Didi đã thu thập rất nhiều thông tin cá nhân và khi công ty này đến Hoa Kỳ. Rất nhiều tin tức có thể bị tiết lộ tới nước Mỹ.
Thứ hai, cơ quan chức năng đã dùng chiêu “giết gà dọa khỉ” và cảnh báo các công ty khác. Bởi vì các công ty Internet thu thập thông tin cá nhân và ẩn chứa rủi ro rất lớn, nhất là đối với các quan chức. Ví dụ, cách đây hai năm, khi quẹt thẻ trên đường cao tốc, màn hình lớn cho thấy số dư trong thẻ của một cán bộ lãnh đạo của ĐCSTQ cao tới 10 triệu [nhân dân tệ], thông tin cá nhân của cán bộ cấp cao bị lộ, rất nguy hiểm cho các lãnh đạo.
Năm ngoái, Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã liên tiếp thông qua “Đạo luật Khiến công ty nước ngoài chịu trách nhiệm” [The Holding Foreign Companies Accountable Act]. Đạo luật này yêu cầu các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ phải tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Hoa Kỳ nếu không sẽ bị hủy niêm yết.
Mặc dù dự luật nhắm vào tất cả các công ty nước ngoài, nhưng các công ty Trung Quốc hiện chiếm hơn 90% các công ty niêm yết mà các cơ quan quản lý của Mỹ chưa có được tài liệu kiểm toán hiệu quả. Với lý do “bí mật nhà nước và bảo mật thông tin”, ĐCSTQ cấm các công ty Trung Quốc phân phối bản thảo kiểm toán và các hồ sơ khác cho các tổ chức hoặc cá nhân ở nước ngoài mà không được chính quyền cho phép.
Didi vừa niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vài ngày đã bị cơ quan quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc gỡ xuống, điều này trực tiếp khiến giá cổ phiếu của công ty giảm mạnh và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Một số công ty luật ở Hoa Kỳ gần đây tuyên bố họ sẽ khởi xướng vụ kiện tập thể đối với Didi để thu hồi các khoản lỗ, thay mặt cho các nhà đầu tư.
Đằng sau Didi có thể có bối cảnh chính trị
Theo nền tảng dữ liệu tư nhân của Trung Quốc CVS Investment Data, kể từ năm 2015, tổng cộng gần 20 nhà đầu tư nhà nước đã đầu tư vào Didi. Bao gồm các đại gia thuộc “đội tuyển quốc gia” như Bank of Communications, China Merchants Bank, Poly Capital, China Life v.v
Trong giai đoạn quan trọng, Didi đã được giúp đỡ bởi các ngân hàng, công ty bảo hiểm, môi giới và vốn công nghiệp do ĐCSTQ kiểm soát, và cuối cùng đã giành được độc quyền trên thị trường.
Gần đây, một số phương tiện truyền thông phân tích rằng các cổ đông của Didi là con ông cháu cha của “phe Giang Trạch Dân”. Và cuộc thanh trừng bất ngờ của Didi, báo hiệu cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt khác giữa Tập và Giang.
Về vấn đề này, Hoa Pha suy đoán rằng sau lưng Didi có thể có bối cảnh chính trị rất sâu, những người này có thể chuyển tài sản và rửa tiền thông qua việc niêm yết công ty tại Hoa Kỳ.
Ông nói “Việc vận hành khối tài sản kếch xù của ĐCSTQ không phải là một lớp găng tay trắng, mà là nhiều lớp găng tay trắng. Bên trong có rất nhiều điều mờ ám. Đối với người bình thường thì không thể biết được chuyện bên trong”.
Ngày 6/7, Thời báo Hoàn cầu đã đăng một bài viết bình luận “Các công ty Internet Trung Quốc cần bù đắp các khoản nợ hợp quy”. Bài báo cho rằng đợt rà soát bảo mật này đã mở ra bức màn về quản trị bảo mật dữ liệu của Trung Quốc và cũng động chạm đến Internet của Trung Quốc ở mức độ sâu nhất.
Ông Hoa tin rằng, môi trường kinh doanh hiện nay ở Trung Quốc đang rất khẩn trương. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng luôn đóng chặt cửa, điều này chính là bắt cóc nền kinh tế và không muốn nguồn vốn chảy ra ngoài.