1.314 ca COVID-19 mới trong 24 giờ
VnExpress – Bộ Y tế tối 8/7 ghi nhận 645 ca dương tính COVID-19. Như vậy trong ngày 8/7, Việt Nam ghi nhận 1.314 ca mới, gồm 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1.307 ca ghi nhận trong nước, ở 25 tỉnh thành, nhiều nhất tại TP.HCM (915).
Hậu Giang lần đầu ghi nhận ca nhiễm, là tỉnh thứ 57 xuất hiện Covid-19, cũng là tỉnh cuối cùng trong số 19 tỉnh thành ở miền Nam ghi nhận ca nhiễm.
Ngày 8/7 cũng đánh dấu ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao nhất kể từ đầu dịch (1.307). Ngày cao thứ hai là 5/7 (1.089), ngày cao thứ ba là 6/7 (1.019).
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 9.066, Bắc Giang 5.687, Bắc Ninh 1.636, Bình Dương 1.053, Hà Nội 488 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 53 ca ở Bệnh viện K), Đồng Tháp 438, Phú Yên 339, Hưng Yên 148, Quảng Ngãi 147, Khánh Hòa 100, Vĩnh Long 57, Tây Ninh 16, Bình Thuận 15, Cà Mau 12, Bình Phước 10, Kiên Giang 3, Bến Tre 2, Hậu Giang một.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 20.866, ghi nhận ở 57 tỉnh thành.
Thêm 425 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 9/7 ghi nhận 425 ca dương tính COVID-19, gồm 423 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
425 ca mới từ số 24386-24810. Trong đó, 423 ca ghi nhận tại: TP.HCM (350), Long An (37), Đồng Nai (15), Phú Yên (6), An Giang (5), Khánh Hòa (4), Bắc Ninh (3), Vĩnh Phúc (1), Gia Lai (1), Bạc Liêu (1). Trong số này, 377 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 9.416, Bắc Ninh 1.639, Phú Yên 345, Long An 274, Đồng Nai 105, Khánh Hòa 104, Vĩnh Phúc 98, An Giang 62, Gia Lai 8, Bạc Liêu 7.
Sài Gòn chính thức thí điểm cho cách ly F1 tại nhà
Tuoitre – Ngày 8/7, theo UBND TP.HCM, hiện tình hình dịch COVID-19 ở TP đang diễn biến phức tạp, chủng virus lây nhiễm nhanh. Số lượng F1 lớn gây quá tải các cơ sở cách ly y tế hiện có.
Nhằm chủ động phòng dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cùng các đơn vị liên quan triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly tại nhà cho trường hợp F1 trên toàn TP.
Các trường hợp F1 cách ly tại nhà được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, thứ 7, thứ 14, thứ 20 và thứ 28 kể từ khi bắt đầu cách ly. Hoặc ít nhất 2 lần vào thời điểm ngày thứ 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly đối với F1 đã cách ly tập trung đủ 14 ngày có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính trước khi chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về nhà.
COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ‘cầu cứu’
Tenphong – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNT) cho biết, Hội có hơn 10.000 hội viên, đang quản lý điều hành hàng chục nghìn doanh nghiệp trên cả nước, với trên 3 triệu người lao động.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, tới 98% hội viên có quy mô nhỏ và vừa. Hơn một năm rưỡi qua, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Theo anh Hồng Anh, đợt dịch lần thứ tư đang diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp hội viên đã đến giới hạn của sức chịu đựng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi, nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Nếu tình hình như vậy tiếp tục, chắc chắn đa số doanh nghiệp này sẽ bị đẩy vào tình trạng trạng phá sản, người lao động mất việc làm hàng loạt, dẫn đến mất ổn định xã hội.
Do vậy, trong văn bản “cầu cứu” gửi Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm có hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hứa tiêm Sinopharm cho người TQ
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/7 “hoan nghênh” Mỹ, Nhật và các nước đã tài trợ vaccine cho Việt Nam, đồng thời khẳng định thực hiện đúng kế hoạch khai triển tiêm vaccine mà Trung Quốc tài trợ cho công dân nước này theo đề nghị của Bắc Kinh.
Cụ thể, trong cuộc họp báo ngày 8/7, VnExpress cho biết, khi được yêu cầu bình luận về thông tin chính phủ Mỹ, Nhật sẽ hỗ trợ 3 triệu liều vaccine Moderna và AstraZeneca cho Việt Nam.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine để cùng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Theo đại diện của Bộ Ngoại giao, Việt Nam cho tới nay đã tiếp nhận 4 loại vaccine, bao gồm 4,4 triệu liều AstraZeneca thông qua chương trình COVAX tự mua và được Nhật Bản trao tặng, 2.000 liều Sputnik V do Nga tặng, 500.000 liều Vero Cell của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ và gần 100.000 liều Pfizer của Mỹ.
Bà Hằng cho biết 2 triệu liều vaccine Moderna của Mỹ cũng sẽ đến Việt Nam trong tuần này.
Trước đó, hôm 21/6, Toà Bạch Ốc công bố kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều vaccine Covid-19 tiếp theo cho toàn thế giới, trong đó có 41 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới, mà Việt Nam là một trong số các nước sẽ được nhận số vaccine này. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong danh sách những nước sẽ được Mỹ gửi trực tiếp 14 triệu liều vaccine còn lại sau đó.
Trước câu hỏi truyền thông Trung Quốc gần đây đưa tin nói rằng Việt Nam đã không sử dụng đúng như thống nhất ban đầu về kế hoạch sử dụng 500.000 liều vắc-xin Sinopharm mà Trung Quốc tài trợ hôm 20/6.
Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Số vaccine này sẽ được Việt Nam triển khai sử dụng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính Phủ ngày 26/2/2021 về việc mua và sử dụng vaccine phòng chống Covid-19”, đồng thời cho biết Việt Nam sẽ tiêm vaccine cho công dân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam “trên cơ sở đề nghị của phía Trung Quốc”.
Vào ngày 20/6, khi tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm và 502.400 bơm kim tiêm chủng dùng 1 lần từ Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam cho biết quá trình đàm phán giữa hai bên đã thống nhất sẽ tiêm số vaccine này cho 3 nhóm đối tượng bao gồm: Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại Trung Quốc; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với Trung Quốc.