Tin thế giới sáng thứ Sáu

Covid-19: Chính phủ Pháp muốn hành động nhanh để chặn đợt dịch mới

Thanh Phương

image.png
Một điểm tiêm chủng trong Trung tâm thương mại Westfield Rosny 2, Rosny-sous-Bois, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 26/06/2021 © RFI/Tiếng Việt

Chính phủ Pháp dự trù ban hành những biện pháp mới ngay từ tuần tới để tránh đợt dịch Covid thứ tư do sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus Delta.

Theo hãng tin AFP, vào thứ Hai tuần tới, 12/07/2021, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng cố vấn dịch tễ để quyết định về các biện pháp mới, nhất là về việc bắt buộc nhân viên y tế chích ngừa Covid-19 và mở rộng việc sử dụng chứng nhận y tế. Hội đồng cũng có thể ban hành trở lại các biện pháp hạn chế mới đối với một số vùng, hay đối với các biên giới. Sau đó, tổng thống Pháp sẽ ngỏ lời với dân Pháp vào trước ngày Quốc khánh 14/07.

Sau vài tuần tình hình dịch bệnh tạm ổn, chính phủ Pháp đang rất lo ngại về sự bùng phát mạnh trở lại virus corona, chủ yếu do biến thể Delta, xuất phát từ Ấn Độ và lây lan rất nhanh. Theo lời phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal sau cuộc họp Hội đồng bộ trưởng hôm qua, biến thể Delta hiện chiếm hơn 40% số ca nhiễm mới ở Pháp. Ông Attal cho biết tỷ lệ lây nhiễm hiện đang tăng trở lại ở 11 vùng, đặc biệt là vùng Provence-Alpes-Côte-d’Azur và vùng Ile-de-France (vùng Paris). Tình hình dịch bệnh cũng đang xấu đi nhanh chóng ở hai lãnh thổ hải ngoại của Pháp La Réunion và Martinique. Tính trên toàn quốc, số ca nhiễm mới mỗi ngày hôm qua đã vượt trở lại qua ngưỡng 4.000 ca lần đầu tiên từ gần một tháng qua.

Trước tình hình này, phát ngôn viên chính phủ nhắc lại cách duy nhất để đưa nước Pháp « thoát ra khỏi đường hầm » là đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng. Chính phủ Pháp hiện lo ngại vì thấy nhịp độ chích ngừa Covid-19 đang chậm lại. Theo Tổng cục Y tế, tính đến hôm qua, 52,1% dân Pháp, tức 35,1 triệu người, đã được tiêm liều thứ nhất. Mục tiêu mà chính phủ đề ra là đến cuối tháng 8, 40 triệu dân Pháp sẽ được chích mũi đầu tiên và 35 triệu người được tiêm chủng xong, tức là 2 phần 3 số người lớn.

Hôm nay, quốc vụ khanh đặc trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune khuyến cáo dân Pháp không nên đi nghỉ hè ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng không cấm đi đến hai nước này. Theo ông, tốt hơn là nên nghỉ hè ở Pháp hay đến những nước khác.


Covid: Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo không nên dỡ bỏ hẳn các biện pháp chống dịch

Thụy My

image.png
Sinh viên rời khách sạn, nơi họ bị cách ly nhiều ngày sau khi bị xét nghiệm dương tính Covid-19, tại Palma de Mallorca, Tây Ban Nha, ngày 30/06/2021. REUTERS – ENRIQUE CALVO

Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc dỡ bỏ các quy định hạn chế đã khiến nhiều người không còn tôn trọng những biện pháp căn bản để chống dịch. Hậu quả là số ca dương tính tăng lên tại tất cả các châu lục, và đặc biệt ở châu Âu. Trong lúc thế giới đã vượt ngưỡng 4 triệu người chết vì Covid hôm qua 07/07/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại phải lên tiếng cảnh báo là từ bỏ quá nhanh các biện pháp chống dịch sẽ mang lại hậu quả nặng nề.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :

Trong số các nước thông báo có nhiều ca dương tính mới, có Brazil, Ấn Độ và Colombia. Tuy nhiên châu Âu cũng không tránh khỏi, với thêm 33% trường hợp lây nhiễm trong vòng một tuần lễ, thậm chí tại Anh tỉ lệ này lên đến 67%.

Thế nên những sự kiện tập hợp hàng trăm, hàng ngàn người như trong giải bóng đá châu Âu khiến Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo lắng. Người phụ trách các hoạt động khẩn cấp của tổ chức này, ông Mike Ryan, cho rằng một số người đến cuối mùa hè sẽ phải hối hận.

Ông nói : « Các vụ lây nhiễm sẽ gia tăng, bởi vì không phải tất cả mọi người đều đã tiêm chủng, tỉ lệ chích ngừa quá thấp. Và chúng ta cũng vẫn không chắc chắn rằng vac-xin sẽ giúp những người đã được tiêm không bị lây nhiễm tiếp. Vì vậy ý tưởng tất cả đều đã được bảo vệ, rằng bây giờ đến lúc hội hè, quay lại với tình trạng bình thường, là ý nghĩ hết sức nguy hiểm ».

Nguy cơ là kịch bản mùa hè 2020 tái diễn, với việc người dân ít cảnh giác hơn, tụ tập nhiều hơn. Và một đợt dịch mới mà hậu quả chỉ đến sau kỳ nghỉ hè mới thấy rõ, dưới tác động của biến chủng Delta – sắp tới sẽ thống trị ở khắp nơi trên thế giới. Tại châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới chờ đợi biến chủng này sẽ chiếm đến 90% từ nay cho đến cuối tháng Tám.

Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Tập đoàn quân sự Miến Điện “đã phạm tội ác chống nhân loại”

Thanh Phương

image.png
Sinh viên Miến Điện biểu tình ngày 07/07/2021 tại Rangoon chống cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, ngày 01/02/2021. AP

Hôm 07/07/2021, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện « đã phạm những tội ác chống nhân loại » kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02, đồng thời ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt « cơn ác mộng » này.

Theo hãng tin AFP, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Tom Andrews đã lên án « những vụ tấn công toàn diện và mang tính hệ thống của tập đoàn quân sự nhắm vào người dân Miến Điện, những hành động có thể xem là tội ác chống nhân loại ». Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cũng chỉ trích cộng đồng quốc tế « đã không thể làm những gì cần làm để chấm dứt tình trạng này ».

Ông Tom Andrews cảnh báo : «  Một số người dân Miến Điện đã hết hy vọng nhận được sự yểm trợ của quốc tế, cho nên họ đã thành lập các lực lượng tự vệ và tiến hành những hoạt động phá hoại, còn những người khác thì dường như đã tấn công vào các cộng sự viên và các quan chức của tập đoàn quân sự ».

Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện yêu cầu cộng đồng quốc tế cắt đứt các nguồn thu nhập của tập đoàn quân sự để chấm dứt « chế độ khủng bố » này.

Về phần Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet hôm qua nhận định rằng diễn tiến tình hình chính trị tại Miến Điện ngày càng trầm trọng và « gây nhiều nguy cơ cho khu vực ».

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, gần 900 người đã bị giết và khoảng 200.000 người đã phải chạy lánh nạn sau các vụ bố ráp của quân đội, trong đó hàng ngàn người đang tỵ nạn tại các nước láng  giềng. Ngoài ra, ít nhất 5.200 người đã bị bắt giữ một cách tùy tiện, trong đó có hơn 90 phóng viên.

Trong khi đó, cũng theo hãng tin AFP, tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy đang rút ra khỏi thị trường Miến Điện, với việc bán chi nhánh của tập đoàn này cho một công ty bị nghi là có liên hệ với chính quyền quân sự. Theo lời tổng giám đốc Sigve Brekke, « tình hình tại Miến Điện trong những tháng qua đã trở nên ngày càng khó khăn cho Telenor, vì những lý do về an ninh đối với nhân viên, về việc phải tuân thủ các quy định ».

Kể từ sau cuộc đảo chính 01/02, các công ty quốc tế làm ăn ở Miến Điện chịu áp lực ngày càng mạnh của các tổ chức nhân quyền yêu cầu họ phải rút khỏi một quốc gia mà quân đội kiểm soát phần lớn hệ thống kinh tế.

Iran tổ chức cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Afghanistan và phe Taliban

Thanh Phương

image.png
Binh sĩ Afghanistan tại một điểm kiểm soát ở tỉnh Badghis, miền tây bắc, xa lộ dẫn đến chiến tuyến với quân Taliban. Ảnh chụp ngày 07/07/2021. AP – Mirwis Omari

Hôm 07/07/2021, tại thủ đô Teheran, Iran đã tổ chức cuộc gặp giữa một phái đoàn của chính phủ Afghanistan với phe Taliban, để cố làm trung gian hòa giải giữa hai bên, vào lúc quân Taliban đang chiếm ngày càng nhiều lãnh thổ, tranh thủ lúc quân Mỹ đang triệt thoái.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :

Iran, quốc gia có đa số dân là người Hồi Giáo hệ phái Shia, hiện rất lo ngại về diễn tiến tình hình ở Afghanistan. Tranh thủ lúc quân Mỹ đang nhanh chóng rút khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đẩy mạnh tấn công trên toàn quốc, đặc biệt là tại các vùng biên giới với Iran.

Teheran đã tổ chức cuộc gặp này giữa các đại diện của chính phủ Afghanistan và của phe Taliban vào lúc cuộc đàm phán giữa hai bên dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ tại Qatar đã không đạt được kết quả nào.

Từ hai năm qua, Iran đã lập các mối quan hệ với lực lượng Taliban mặc dù họ là những người Hồi Giáo theo hệ phái Sunni thù nghịch với người Hồi Giáo hệ phái Shia. Nhưng Iran, hiện đã có hơn 2 triệu người lao động hoặc người tị nạn Afghanistan, lo ngại một làn sóng tị nạn mới. Teheran cũng quan ngại về số phận của cộng đồng nói tiếng Ba Tư mà đa số theo hệ phái Hồi Giáo Shia, sống tại miền bắc Afghanistan.

Iran vẫn tuyên bố ủng hộ việc thành lập một chính phủ bao gồm mọi thành phần ở Afghanistan, trong đó đặc biệt có cả phe Taliban. Cuôc gặp do Teheran tổ chức diễn ra vào lúc quân Taliban chiếm ngày càng nhiều lãnh thổ từ tay quân chính phủ Kabul.

Trung Quốc quấy nhiễu dự án khí đốt của Malaysia trên Biển Đông

Thụy My

image.png
Máy bay của Không quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông. Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015. LT. JONATHAN PFAFF / US NAVY / AFP

Các tàu tuần duyên Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động khai thác một mỏ khí đốt của Malaysia, và các chiến đấu cơ Trung Quốc đồng thời xâm nhập không phận của nước này. Trang web Energy Voice hôm nay 08/07/2021 dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết như trên.

Đây là lần thứ ba trong vòng 18 tháng qua các tàu tuần duyên Trung Quốc quấy nhiễu việc khai thác dầu khí của Malaysia. AMTI nhận định, sự kiện này thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh ngăn trở các hoạt động dầu khí của các quốc gia láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Và việc xâm nhập không phận cũng không phải là tình cờ, mà chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng leo thang gây áp lực lên các nước yêu sách chủ quyền Biển Đông để họ phải lùi bước.

Energy Voice trích nhận xét của chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS, cho dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế và duy trì quan hệ thân thiện với Malaysia, nhằm buộc Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận khai thác chung, tuần duyên Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực qua việc quấy nhiễu các giàn khoan, tàu tiếp liệu và tàu thăm dò của Malaysia.

Căng thẳng gần đây nhất diễn ra tại mỏ khí đốt Kasawari thuộc lô SK316 ở ngoài khơi Sarawak, tại EEZ của Malaysia trên Biển Đông, do Petronas Carigali, chi nhánh của tập đoàn Petronas khai thác. Ngày 01/06, Bắc Kinh điều 16 chiến đấu cơ bay theo đội hình chiến thuật để áp sát vị trí chuẩn bị đặt giàn khoan, và phớt lờ những cảnh báo của Malaysia. Bộ Ngoại Giao Malaysia sau đó đã triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Song song đó, theo AMTI, các tàu tuần duyên Trung Quốc còn quấy rối các hoạt động ở mỏ Kasawari suốt từ đầu tháng Sáu đến ít nhất là ngày 05/07, bất chấp sự hiện diện của Hải quân hoàng gia Malaysia và mỏ khí này nằm cách vùng duyên hải Trung Quốc đến hơn 1.000 kilomet.

Kể từ 2013, tuần duyên Trung Quốc liên tục xuất hiện tại bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Đối với Việt Nam, Bắc Kinh gây áp lực khiến Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng với Repsol tại lô 06-01, Bãi Tư Chính năm 2018. Đến năm 2019, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Địa Chất 8 đến quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại EEZ của Việt Nam, và năm 2020 cho các tàu quân sự cỡ lớn đến đe dọa khu vực mỏ khí của Việt Nam ở lô 06-01, khiến Rosneft Vietnam phải hủy hợp đồng khoan với Noble Corporation.

Related posts