Từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và chưa có dấu hiệu chững lại, các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá theo từng ngày. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng rau củ quả ở chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ tại TP.HCM “leo thang” chóng mặt. Thế nhưng các hộ nông dân trồng rau ở H.Hóc Môn lại đang “kêu cứu”.
Người dân mua hàng tại các chợ truyền thống, cửa hàng “nóng mặt” khi giá cả tăng đột biến nhưng chất lượng không đảm bảo như trước dịch. Anh Nguyễn Hoài Tâm (26 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cho biết giá rau củ quả bắt đầu tăng từ khi khu vực Q.Gò Vấp bị phong tỏa. Đến nay khi các chợ đầu mối ngưng hoạt động thì các mặt hàng này liên tục tăng.
“Trước kia đi chợ mua rau, bắp cải chỉ 20.000 đồng/kg thì nay có chỗ bán tới 40.000 đồng. Nhưng giờ không còn nhiều nguồn mua nên chịu, vì mình cũng đang cần”, anh Tâm nói với báo Thanh Niên.
Những tưởng mặt hàng rau củ quả tăng giá do khan hiếm nguồn cung ứng, tuy nhiên tại các vườn rau thuộc H.Hóc Môn, người nông dân lại điêu đứng vì không có nguồn tiêu thụ rau.
Ngày 8/7, PV ghi nhận vườn rau muống thuộc ấp Thới Tam Thôn, xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM) của bà Trần Thị Quyên (38 tuổi, quê Hà Nam). Đây là thời điểm thu hoạch gần 1,4 hecta rau muống nhưng lượng thương lái vào mua chỉ lác đác vài người khiến bà Quyên rầu rĩ.
“Lúc trước tôi bán 3.000 đồng/kg nhưng bán được 300kg mỗi ngày, nhưng hiện nay giá 4.000 đồng/kg thì bán chỉ được khoảng trăm ký. Vậy có giá để làm gì! Giờ mình không dám mua phân bón vì không đủ tiền bù lỗ. Rau nào quá lứa thì bán tháo hoặc phải cắt bỏ để ra lứa khác”, bà Quyên chia sẻ.
Tôi làm hơn 10 năm nay dù có thất mùa cũng không khốn đốn như bây giờ
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Phương (40 tuổi, quê Thanh Hóa) canh tác rau muống với diện tích khoảng 1,3 hecta tại cánh đồng thuộc ấp Trung Đông 2, xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) với sản lượng vài tấn mỗi ngày nhưng không tiêu thụ được.Ông Phương cho biết tình hình đã kéo dài gần 1 tháng nay, gia đình ông cũng liên tục phải cắt bỏ cả chục tấn rau muống quá lứa vì không có thương lái đến mua.
Ông Phương giải thích rằng do bạn hàng chủ yếu nằm tại chợ đầu mối, chợ tự phát và từ ngoài tỉnh đến mua. Việc ngừng chợ đầu mối khiến “mối lái” không đến đặt mua, rau dư cũng phải tốn công cắt bỏ.
“Ngày thường tôi bán khoảng 700 – 800 ký mỗi ngày, nhưng nay bán được khoảng 1/3 là cao. Chừng đó chỉ đủ vốn. Tôi làm hơn 10 năm nay dù có thất mùa cũng không khốn đốn như bây giờ”, ông Phương tâm sự.
Vì sao thực phẩm không thiếu, người dân Sài Gòn vẫn khó mua?
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, thành phố không thiếu hàng, thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba lần thông thường. Nhưng thực tế, các kệ hàng trong siêu thị đã trống trơn từ sáng sớm ngày 8/7.
Một trong những lý do của nghịch lý “hàng nhiều” nhưng “kệ vẫn trống”, chính là sức mua của người dân, đặc biệt với hàng thực phẩm, rau củ quả tươi quá lớn. Tâm lý mua hàng tích trữ trước thời điểm giãn cách xã hội khiến các siêu thị hoạt động hết công suất, liên tục đưa hàng lên kệ nhưng vẫn không đủ bán.
Mặt khác, việc ba chợ đầu mối lớn và hơn 100 chợ truyền thống bán lẻ phải tạm đóng cửa để phòng chống COVID-19, đã gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân Sài Gòn.
Nhưng lý do lớn nhất khiến nguồn hàng dù nhiều mà không tới được các điểm bán, là việc lưu thông từ các kho hàng nằm ngoài TP.HCM vào thành phố đang gặp khó khăn.
Theo thống kê của Sở Công Thương, ngày 8/7, tổng lượng hàng về thành phố đạt 2.100 tấn, giảm hơn 34% so với ngày trước đó. Chia sẻ với VnExpress, các hệ thống siêu thị mua hàng trực tiếp từ nông trại, hợp tác xã để phân phối cho biết, việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào thành phố, đang khiến chuỗi cung ứng chậm lại và tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp cung ứng hàng, họ cũng đang gặp khó khăn tương tự. Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt có trang trại trứng tại Tiền Giang, cung cấp mỗi ngày khoảng 1 triệu quả cho TP.HCM. Song ông Trương Vĩnh Thiện, Tổng giám đốc Công ty cho biết, đang vướng trong khâu vận chuyển từ Tiền Giang về TP.HCM.
Hiện Tiền Giang yêu cầu tài xế chở hàng phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính. Quy định này, theo ông đang gây khó cho doanh nghiệp trong phân phối thực phẩm.