Hiệp định Đầu tư Trung – Âu bế tắc: Việt Nam có lợi nếu Liên Âu sớm phê chuẩn EVIPA

Trọng Thành

Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ngày 12/02/2020, Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận đầu tư EVIPE với Việt Nam. Để có hiệu lực EVIPA phải được 27 quốc gia thành viên Liên Âu thông qua. FREDERICK FLORIN / AFP

Trong thời gian gần đây Bắc Kinh nỗ lực ký kết nhiều hiệp định thương mại để thu hút đầu tư, đặc biệt đáng chú ý là Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI / AGI) với Liên Âu. Tuy nhiên, Hiệp định CAI đã bị Nghị Viện Châu Âu đình chỉ tiến trình phê chuẩn, ngày 20/05/2021. Lý do trực tiếp là vì Trung Quốc áp đặt các trừng phạt nhằm vào nhiều thành viên cấp cao của EU, để trả đũa các trừng phạt của Liên Âu về các xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Việc Hiệp định Đầu tư quan trọng Trung – Âu nói trên gặp bế tắc mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư. Vì sao Việt Nam là quốc gia có thể hưởng lợi, và trong những điều kiện nào Việt Nam có thể thu hút được đầu tư châu Âu ?

***

1/ Ý nghĩa của Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) với Trung Quốc ?
Các đầu tư trực tiếp nước ngoài của Liên Âu vào Trung Quốc là hơn 140 tỉ đô la trong vòng 20 năm trở lại đây. Đầu tư từ phía Trung Quốc vào Liên Âu là khoảng 120 tỉ euro. Đối với Liên Âu, các đầu tư châu Âu vào Trung Quốc là « tương đối ít so với quy mô và tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc ». Theo Ủy Ban Châu Âu, thỏa thuận CAI là một thỏa thuận « có tham vọng chưa từng thấy » mà Bắc Kinh ký kết với một vùng lãnh thổ. Thỏa thuận này cho phép các nhà đầu tư của Liên Âu được hưởng « các điều kiện cạnh tranh công bằng hơn » tại thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng, với 1,4 tỉ dân cư này. Liên Âu và Trung Quốc hy vọng hợp tác để cùng phát triển trong bối cảnh Trung Quốc vượt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại số một của EU, kể từ đầu năm 2021.

Hiệp định Đầu tư quan trọng Trung – Âu hứa hẹn tạo một sân chơi bình đẳng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc và châu Âu tại hai thị trường khổng lồ này. Hiệp định CAI sẽ giúp các nhà đầu tư EU tiếp cận hàng loạt các lĩnh vực tiềm năng của thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như phương tiện giao thông (đặc biệt là xe điện), giao thông hàng không, hàng hải, viễn thông, tin học, nghiên cứu và phát triển các nguồn tài nguyên sinh học (lĩnh vực mà Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa cho đầu tư nước ngoài), xây dựng, dịch vụ tài chính, bệnh viện tư nhân tại các đô thị lớn, các dịch vụ về môi trường… Hiệp định CAI cũng thúc đẩy các doanh nghiệp tại Trung Quốc nâng cao các tiêu chuẩn về phương diện phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, khí hậu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tóm lại, CAI là một cơ hội lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh thế đối đầu gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, các bất đồng gay gắt trong lĩnh vực nhân quyền Âu – Trung, đặc biệt về các xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương, bị giới bảo vệ nhân quyền và một bộ phận chính giới châu Âu lên án, đã khiến Hiệp định này bị đình chỉ phê chuẩn.

2/ Vì sao nói Việt Nam là quốc gia có thể hưởng lợi từ đầu tư châu Âu trong bối cảnh Hiệp định Đầu tư Toàn diện Liên Âu – Trung Quốc bế tắc ?
Đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này, với tiêu đề, « Vietnam to gain as EU-China investment pact stalls » (09/07/2021), nêu bật một số lý do chính khiến Việt Nam có thể trở thành điểm đến của các đầu tư châu Âu. Thứ nhất là kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Thứ hai là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên Âu đang trên đường cải thiện đáng kể. Thứ ba là đầu tư hiện tại của châu Âu vào Việt Nam chưa xứng với các tiềm năng của các nước EU, thứ tư là môi trường đầu tư Việt Nam có xu hướng trở nên « an toàn hơn » cho các nhà đầu tư.

Theo DW, Việt Nam được coi là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong thập kỷ qua, và cũng là nước được hưởng lợi nhiều, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, kể từ năm 2018, với việc nhiều công ty Mỹ và Nhật Bản di chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ông Lê Anh Tuấn, phụ trách bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế Dragon Capital, tương tự như với nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ và Nhật Bản, doanh nghiệp châu Âu có thể tìm đến Việt Nam như một địa điểm an toàn hàng đầu trong bối cảnh có nhiều rủi ro « chiến tranh thương mại » Mỹ – Trung.

Trong quan hệ thương mại với Liên Âu, Việt Nam có lợi thế với tư cách là đối tác lớn thứ 15 của Liên Âu, với tổng trao đổi hàng hóa song phương trị giá 43,2 tỉ euro năm 2020, EU trở thành thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Chỉ riêng trong quý đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu trị giá 10 tỉ đô la, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nước Liên Âu còn nhiều tiềm năng để đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu của EU, trong năm 2019, tổng vốn đầu tư của các nước Liên Âu vào Việt Nam vào thời điểm đó là 6,1 tỷ Euro. Con số quá ít so với hơn 60 tỷ USD tổng đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo trung tâm Dragon Capital, trong sáu tháng đầu năm nay, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm đến hai phần ba trong tổng số 15,3 tỉ đô la vốn đầu tư vào Việt Nam. Pháp, Đức và Luxembourg hiện lần lượt là các nhà đầu tư lớn thứ 16, 17 và 18 tại Việt Nam.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam dường như đang trở nên « an toàn hơn » trong con mắt giới đầu tư châu Âu. Một báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam công bố vào tháng 2 cho thấy các doanh nghiệp châu Âu có mức độ tin tưởng cao vào thị trường này, với 48% mô tả hoạt động kinh doanh của họ là « xuất sắc » hoặc « tốt », tỉ lệ gia tăng đáng kể so với 2020.

Nhóm chuyên gia thuộc công ty VCI Legal, chuyên về luật kinh doanh quốc tế, có trụ sở tại Việt Nam, trên trang mạng Lexology, cũng ghi nhận hai lý do chính khiến Việt Nam trở thành là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu hiện nay (bài « EU’s Suspension of the Comprehensive Agreement on Investment with China – Vietnam as an alternative investment destination ») : điểm đến an toàn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và việc Việt Nam tham gia vào hàng loạt các thỏa thuận thương mại (như các hiệp định với châu Âu EVFTA / EVIPA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP).

3/ Làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế này ?
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, học giả thuộc chương trình nghiên cứu về Việt Nam, tại Viện ISEAS–Yusof Ishak institute, Singapore, được đài Đức DW dẫn lời, cho dù tiềm năng là lớn, nhưng để Việt Nam thu hút được các đầu tư từ châu Âu, Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều, bởi « còn nhiều thách thức ».

Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EU-Vietnam Investment Protection Agreement – EVIPA), đã được thông qua ở cấp Liên Âu, cùng với Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam – Liên Âu. Tuy nhiên, theo luật pháp châu Âu, Thỏa thuận này còn phải được tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh là « Nếu việc phê chuẩn được tiến hành mau lẹ và thỏa thuận sớm có hiệu lực, thì Việt Nam có cơ hội thu hút được nhiều đầu tư từ Liên Âu, ngược lại, nếu như thỏa thuận cũng bị tắc nghẽn như Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện Trung – Âu, thì Việt Nam cũng sẽ mất đi cơ hội quý giá này ».

Ngay sau khi Nghị Viện Châu Âu đình chỉ tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã tiếp tục hối thúc nhiều quốc gia thành viên châu Âu (như Ý, Đức, Rumani…) nhanh chóng phê chuẩn Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư EVIPA. Theo Phòng Thương mại Việt Pháp, cho đến nay, mới chỉ có 4 quốc gia châu Âu phê chuẩn EVIPA (gồm Hungary, Litva, Rumani và Thụy Điển). Tuy nhiên, để có thể được hưởng lợi đầu tư từ Liên Âu, theo ông Lê Hồng Hiệp, một điều cũng rất quan trọng là tân chính phủ Việt Nam, dưới quyền của thủ tướng Phạm Minh Chính, người được đảng Cộng Sản cầm quyền bầu chọn vào cương vị này từ tháng 3/2021, phải thúc đẩy các cải cách có lợi cho doanh nghiệp.

Related posts