Du Uyên
Tháng 3 năm 2020, lần đầu tiên nhiều nước ở phương Tây chọn cách phong tỏa, giãn cách xã hội, kêu gọi người dân ở nhà, tránh gặp nhau nhằm ngăn lây cúm Vũ Hán. Có bài báo trên BBC nói về “Sáu mặt hàng bán chạy trong thời bệnh dịch” ở mấy xứ giãy chết. Đứng đầu không phải là đồ ăn mà là “Xe đạp và dụng cụ tập thể dục”.
Lúc đó, ở Việt Nam, người người nhà nhà cũng hoang mang lo lắng vì khi không bị “nhốt” trong nhà. Người người, nhà nhà lo trữ đồ ăn… Vì lệnh giãn cách mà nhiều chợ “chồm hổm”, những người bán hàng rong bị cấm bán, vì vậy mà có nhiều hình ảnh, video ghi lại cô bán rau, chú bán cải… bị xe của “phường” ‘dí’, bắt vì bán “chui”, bán kiểu “đánh du kích”, trốn tìm với lực lượng chức năng… Cảnh đường phố vắng tanh được chia sẻ kèm các bài viết tỏ vẻ xót xa, đau đớn…. Cảnh người Sài Gòn chìa tay ra giúp đỡ nhau bằng tiền, thực phẩm, không quên “giải cứu” nông sản cho các tỉnh. Tôi nhớ lúc đó, Sài Gòn đang “giải cứu” thanh long đỏ và dưa hấu. Món “bánh mì thanh long đỏ” cũng được sanh ra, gây “mưa gió” từ thời điểm này với những bài viết mang đậm tánh ca ngợi sự hào hiệp, lá rách đùm lá nát của thị dân…
Một năm rưỡi trôi qua, hơn nửa năm 2021 rồi. Cúm Vũ Hán vẫn còn. Thứ báo chí, dân tình ở Mỹ và phương Tây bàn luận bây giờ không còn là “Sáu mặt hàng bán chạy trong thời bệnh dịch” mà là về vaccine, tái lập kinh tế… Các bài báo nói về việc chích vaccine ở phương Tây và Mỹ cũng được đưa lên: Nào là dân Mỹ «cứng đầu», thừa mứa vaccine mà không chịu chích. Chính quyền các tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ đang dùng đủ mọi cách từ tặng tiền, xổ số đến đăng quảng cáo… để «năn nỉ», «dụ dỗ» (chứ không ép buộc) người dân đi tiêm vaccine. Ở Châu Âu cũng vậy, người ta nói với nhau đổi ảnh đại diện trên mạng xã hội thông báo đã chích để những người chưa chích ngừa cũng “theo chân”…
“Những hành động không có não:
“1. Giăng dây công viên, không cho dân đến sinh hoạt.
- Cấm dân tắm biển để tránh dịch.
- Xịt Cloramin B ngoài đường để diệt vi rút.
- Dồn dân chúng vào cái gọi là “cách ly tập trung” khiến cho lây nhiễm chéo, biến khỏe mạnh, không nhiễm thành có nhiễm.
- Bắt trẻ con vào “trại tập trung”.
- Dùng cần cẩu để bắt phụ nữ vào “trại tập trung”.
- Nhốt F0, không có triệu chứng vào bệnh viện rồi sau đó tuyên bố “chữa khỏi Covid-19”.
- “Ðánh sập” (phong tỏa, giăng dây thậm chí là dẹp tiệm) cơ sở y tế khi có một F0 đến khám.
- Cấm chợ, cấm đường…
- Ðiều kiện cách ly F1 tại nhà: nhà riêng, phòng biệt lập, dùng nhà vệ sinh riêng…”
Sài Gòn lúc này, người dân lại nhận “lệnh” cách ly lần thứ n. Những thứ bán chạy nhất, thiếu thốn nhất ở Việt Nam lần giãn cách này vẫn là thực phẩm (và… tiền mua thực phẩm). Chứ không phải “Xe đạp và dụng cụ tập thể dục”, “dụng cụng/đồ chơi ngoài trời và trong nhà” hay “vật dụng trong nhà và đồ làm vườn”, “sách và tiểu thuyết”, “hàng điện tử”, “cà phê”… những món này khi không dịch đã là “xa xỉ phẩm” đối với đại đa số dân Việt rồi. Người dân trong nước giờ đây, mỗi người vẫn mang nỗi khổ riêng liên quan đến đồ ăn. Người có tiền hay không vẫn phải giành nhau mua đồ ăn ở siêu thị, vì tất cả các khu chợ chồm hổm, tự phát bị buộc đóng cửa, nhiều chợ lớn/chợ đầu mối cũng bị giăng dây vì người nhiễm bệnh từng ghé mua đồ… Những người buôn gánh bán bưng càng khổ sở vì lệnh cấm. Vì vậy, dân buôn rất nhiều nơi lặp lại kiểu buôn bán “du kích” như hồi giãn cách năm ngoái, kẻ bán – người mua lén lén lút lút giống như đi ăn trộm vậy, dọn ra-dẹp vô lia chia, hoặc đóng cửa he hé, ai mua gì thì bán đó. Người có tiền nhìn vô thì thấy trò này vui, thấy “thiếu ý thức”, thấy “sai phạm”, thấy “nguy hiểm”… Chứ người trong cuộc mới hiểu người trong… kẹt, có lẽ những người bán chẳng vui chút nào, vì cuộc sống mà thôi. Người mua cũng vậy, sợ đi siêu thị chen chúc, dễ nhiễm bệnh hơn. Nhiều nơi đi ra đi vô siêu thị thì bị bắt khai báo y tế rồi đóng cái mộc vô tay y như là mộc kiểm dịch cho… heo, bò, gà khi chuẩn bị giết – Người ta chán, chọn mua những nơi bán “du kích” như vầy. Thương cho người bán lẫn người mua.
Người Sài Gòn thì sao, cũng như năm trước? Kẻ văn hay (chụp) ảnh tốt thì vẫn đăng bài xót xa đường vắng, người thưa nơi phố thị, sự “bị thương” của Sài Gòn. Kẻ có lòng tốt thì kêu gọi giúp nhau nấu nướng, phát quà cho người khó khăn hơn. Và, Sài Gòn vẫn như vậy, vừa chống dịch, vừa giúp nhau, vừa giải cứu “nông sản”, hàng xuất cảng bị “kẹt” cho các tỉnh. Lần này là khoai lang, đồ biển… (đáng lý còn vải nữa nhưng chính quyền phía Bắc Giang không cho phép dùng hai chữ «giải cứu» cho món này, tôi không dám ghi vô).Xem thêm: “Người tốt nên ở nhà”
Bởi vậy, khi những người bạn “xa xứ” ở khắp nơi trên thế giới viết trên mạng xã hội về việc mình được chính phủ chích vaccine ra sao, được quan tâm thế nào… như:
Anh Ðình Ðại, ở Phú Lãng Sa – Pháp viết: “Chính thức nhận passport Covid sau mũi Pfizer thứ nhì. Tổ chức cũng vẫn tuyệt vời như cũ. Nhanh, gọn, thoáng, an toàn và nhân viên thì niềm nở, dễ thương. Là một công dân vô danh, bình thường, mình đã được chích loại thuốc tốt nhất, đắt nhất bằng cả sự quan tâm chu đáo và tổ chức trong điều kiện an toàn, lịch sự. Mình sẽ không cám ơn chính phủ Pháp vì đó là việc đương nhiên mà một chính phủ phải làm.
Nhưng mình phải cảm ơn tất cả những người Pháp, đã đón nhận mình từ khi chỉ là một người tị nạn vô tổ quốc và vô sản thật sự, cho đến khi mình trở thành một công dân của đất nước này. Ðất nước không đòi hỏi mình phải “rưng rưng” khi hát quốc ca, phải biết ơn cá nhân hay một Ðảng nào. Ðất nước vĩ đại này chỉ đơn giản đã cho mình được làm người với đầy đủ mọi phẩm chất cần thiết cho dù bao năm qua mình cũng chỉ canh cánh một lòng nghĩ về một quê hương, một Ðất nước ở một nơi xa lắm: Việt Nam. (Nghĩ mà xót thương cho hoàn cảnh thiếu thuốc chích, và khi có thuốc thì lại phải ùn ùn chèn nhau để được chích)”
Huỳnh Dũng, ở Mỹ: “Gói hỗ trợ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh ở Việt Nam sao rồi? Bên Mỹ nhà hàng chay quy mô 40 người thuộc dạng nhỏ của mẹ tôi, chính phủ xuống “rót” (tiền) một lần 40,000 USD. Còn lương cho nhân viên “rót” kiểu nhân viên. Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng có 5,000 USD thôi. Ðó là rót cho doanh nghiệp. Còn người dân ở bên Mỹ, truyền thông nói “rót” cho mỗi người 1,200 USD là người dân nhận được không lệch 1 xu, lệch thử coi, nó kiện bỏ… bú luôn. Ở Việt Nam, báo đài nói hoài mà sao thấy người ta chờ hơn 1 năm mốc mỏ chưa thấy xu nào? Không thấy khoe rần rần như bên này!”
Thì trong khi đó, dân Sài Gòn lại thở dài, hô “Sài Gòn vất vả… quen rồi.” – Như một đạo diễn ở VN – Nguyễn Quang Dũng viết:
“Sài Gòn Vất Vả Quen Rồi! Ðúng không Sài Gòn?
Sài Gòn hoa lệ nhất VN ấy. Nhưng vất vả quen rồi, vất vả ngay cả lúc phồn vinh.
…
Sài Gòn sẽ vượt qua với tinh thần quen vất vả và sự chia sẻ nhé!
….
Sài Gòn sẽ ổn!
Yêu Sài Gòn!” Hết trích – giữa những phần (…) tôi có lượt bớt vì bài viết của tác giả Nguyễn Quang Dũng hơi dài.
Tôi biết tác giả viết với ý tốt, những người đồng tình và chia sẻ bài viết trên cũng với ý tốt. Quả tình là “Sài Gòn hoa lệ nhất VN ấy. Nhưng vất vả quen rồi, vất vả ngay cả lúc phồn vinh.” như tác giả nói. Nhưng tôi hoàn toàn không muốn điều này trở thành “truyền thống” đối với người Sài Gòn, đâu có ai muốn “vất vả” và không hề có ai muốn “quen vất vả” như Sài Gòn hiện nay! Thị dân tương trợ nhau vì vui, vì tình, vì nghĩa chứ không hề muốn tương trợ nhau vì “vất vả” và “vất vả” vì phải tương trợ nhau trong lẻ loi, mệt mỏi. Ðó là niềm vui chứ không phải nghĩa vụ của dân Sài Gòn.
Ngoài ra, tôi không hiểu sao, trên mạng xã hội trong nước, những nhân sĩ trí thức (đa số là “đồng hương” của tôi – dân Sài Gòn) lại rộ lên phong trào “khoe” số tiền đã quyên góp vào “quỹ vaccine” của chính phủ, ngoài ra còn kêu gọi nhau đừng «khoe» là đã chích vaccine lên mạng xã hội (với lý do là sẽ gây tủi thân cho người chưa chích). Trong những người “khoe” và “kêu gọi” đó, có nhiều người tôi quen biết và kính trọng. Tôi không biết là nên… nghe họ hay tin vào cảm thụ của riêng mình?
Vì tôi thấy việc Sài Gòn quen với sự “vất vả”, việc “khoe” số tiền đã quyên góp vào “quỹ vaccine” của chính phủ, cũng như việc kêu gọi nhau đừng “khoe” là đã chích vaccine lên mạng xã hội (với lý do là sẽ gây tủi hổ cho người chưa chích) ở trên đều là những thứ cho thấy sự yếu kém của chính quyền hiện nay, sự nhu nhược/chịu bị bóc lột của người dân Việt nói chung và người dân Sài Gòn nói riêng, chứ nó không hề nói lên chút “nhân văn”, tình người, sự tử tế, tốt bụng… nào hết á!
Ví dụ như ngay lúc này, dịch bệnh đột nhiên biến mất, ai là những người đầu tiên lên báo nhận công về mình, ăn mừng “thắng lợi”? Người dân, truyền thông sẽ buộc phải cám ơn ai? Lúc đó, trong các dòng “giật tít” đầy ngạo nghễ trên báo trong nước, có chữ nào dành cho người dân, nhà hảo tâm, thị dân và cho sự “vất vả” của Sài Gòn hay không? Hoặc tiếp tục “Thu thuế cũng như “vặt lông vịt”, đừng để kêu toáng lên.”
Du Uyên