Thêm 909 ca COVID-19
Bộ Y tế sáng 14/7 ghi nhận 909 ca dương tính COVID-19, gồm 905 ca trong nước và 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
909 ca mắc từ số 34501-35409. Trong đó, 905 ca ghi nhận tại: TP.HCM 666 ca, Đồng Nai 80, Khánh Hòa 44, Bến Tre 43, Bà Rịa – Vũng Tàu 19, Phú Yên 18, Vĩnh Long 17, Ninh Thuận và Tây Ninh mỗi nơi 4, Kiên Giang, Huế, An Giang và Bắc Ninh mỗi nơi 2, Sóc Trăng và Bình Định mỗi nơi một.
Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 35.409 ca mắc COVID-19, trong đó, 33.460 ca ghi nhận trong nước và 1.949 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 31.890 ca, trong đó có 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Phú Yên thông tin bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại nhà riêng
Dantri – Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, trong ngày 13/7, tỉnh này ghi nhận một trường hợp mắc COVID-19 tử vong tại nhà riêng.
Đó là BN33716 (sinh năm 1953) trú TP. Tuy Hòa, Phú Yên. Trường hợp này là F1 của BN27448. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, hai chân yếu đi lại khó khăn, được BN27448 chăm sóc hàng ngày.
Đến sáng ngày 11/7, BN27448 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được đưa vào Bệnh viện dã chiến điều trị.
“Vì BN33716 mắc bệnh mạn tính, đi lại khó khăn, cần có người chăm sóc đặc biệt nên không thể vào khu cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà, được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” – Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên nêu.
Cũng theo báo cáo trên, hàng ngày có ông T. (người thân BN33716) mang cơm sang phục vụ bệnh nhân BN33716.
Đến sáng 13/7, ông T. mang cơm qua trước nhà BN33716 thì thấy người này đã tử vong nên liên hệ cho Trạm y tế Phường 7 (TP. Tuy Hòa) báo cáo tình hình.
Lúc này BN33716 cũng có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19. Địa phương đã tiến hành mai táng theo quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế công bố ca tử vong do COVID-19 thứ 131, 132
Dantri – Tối 13/7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo 2 ca tử vong do COVID-19 số 131 và 132 ở Sài Gòn và An Giang. Trong ngày, Bộ Y tế công bố 7 ca tử vong.
Ca tử vong thứ 131 là BN2983 nữ, 65 tuổi, người nhập cảnh tại An Giang. Bệnh nhân tử vong vào đêm 1/7. Nguyên tử vong là viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp tiến triển do nhiễm SARS-CoV-2, sốc nhiễm trùng, xuất huyết não trên bệnh nhân tăng huyết áp – đái tháo đường (bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 4 lần).
Ca tử vong thứ 132 là BN17165, nữ 77 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, gãy cổ xương đùi cũ đã phẫu thuật.
Nguyên nhân tử vong sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng ARDS do nhiễm COVID-19 trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, gãy cổ xương đùi cũ.
Như vậy, đến nay Việt Nam có 132 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong đó riêng đợt dịch thứ 4 có 97 ca tử vong.
Sài Gòn khẩn cấp triển khai thí điểm cách ly, điều trị F0 và F1 tại nhà
Dantri – Sau khi được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chấp thuận, ngành y tế TP.HCM đã có công văn hướng dẫn thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0 và F1 tại nhà.
Công văn khẩn được GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế, ký ngày 13/7 về việc: “Triển khai biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay”, nêu rõ các quy định liên quan đến thí điểm cách ly, điều trị F0 và F1 tại nhà.
Đối với trường hợp F0 là ca bệnh dương tính với COVID-19 không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm.
Nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày 14 và ngày 21.
Thành phố sẽ triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không có triệu chứng. Việc thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1. Người cách ly sẽ tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với những trường hợp F0, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.
Phương án cách ly F1 tại nhà sẽ được triển khai tại khu vực nguy cơ rất cao. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà không được phép ra ngoài. Người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực phòng riêng (nếu có thể), có đồ dùng cá nhân riêng, ăn uống riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần F1 sử dụng.
Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà theo đúng quy định để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Trong trường hợp F1 tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với các khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt mật độ bằng cách ra các khu cách ly tập trung. Thành phố sẽ bố trí cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà cách ly F1 và thực hiện theo dõi, giám sát hàng ngày.
Đối với các F1 ở khu vực có nguy cơ rất cao, không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà, có ca F1 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư nghèo, khu ký túc xá thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7 thay vì 14 ngày như trước đây.
Nếu kết quả âm tính có thể xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú và giao y tế địa phương theo dõi như trường hợp F1 cách ly tại nhà.
Những khu vực nguy cơ cao khi cách ly F1 tại nhà không yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe và có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại chung cư, tập thể nếu có phòng riêng, khép kín. Nhưng nếu xuất hiện F0 thì phải đưa toàn bộ những người trong nhà đi cách ly tập trung. Trường hợp tất cả những người trong nhà đều là F1 thì xem xét cách ly tất cả các thành viên không yêu cầu phải có phòng riêng. Quy định trên cũng áp dụng đối với khu vực nguy cơ thấp khi cách ly F1 tại nhà.
“Nếu dịch vẫn tăng, TP sẽ phong tỏa với biện pháp mạnh hơn”
Tuoitre – Chiều 13/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự báo tình hình dịch sau 15 ngày giãn cách xã hội, ông Phan Văn Mãi – phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – cho biết dự báo sẽ có 3 tình huống.
Thứ nhất là TP kiểm soát được dịch COVID-19, lúc này sẽ xem xét lại việc việc thực hiện chỉ thị 16, có thể là 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.
Tình huống thứ 2 là chúng ta chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16+ ở một số địa bàn.
Tình huống 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát; TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.
Nhiều nhà máy ở Khu công nghệ cao tạm dừng sản xuất
VnExpress – Nhiều nhà máy ở Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất khi nơi đây ghi nhận hơn 750 ca nhiễm.
Cụ thể, từ hôm nay Công ty TNHH điện tử Samsung cho hơn 7.000 công nhân tạm nghỉ theo chế độ ngày phép hàng năm để nhà máy sắp xếp, bố trí lao động ăn ở tại nơi làm việc. Đợt dịch này, Samsung ghi nhận một số ca nhiễm.
Nhà máy Nidec Việt Nam đã dừng sản xuất gần một tuần khi phát hiện ca nhiễm. Công ty bố trí phương án ăn ở tại nơi làm việc cho hơn 4.000 công nhân. Hiện, 150 người sinh sống ở các khu vực phong tỏa được công ty bố trí ở tại các khách sạn, nhà nghỉ gần Khu công nghệ cao.
Các nhà máy khác thuộc Tập đoàn Nidec như Nidec Servo, Nidec Copal với tổng gần 4.000 công nhân hiện chỉ sản xuất một ca, số lượng công nhân giảm còn khoảng 35% so với trước. Hai doanh nghiệp đã có phương án vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, chờ thẩm định.
Một số nhà máy quy mô trên 8.000 công nhân như Intel, Jabil không bố trí được cho tất cả lao động ở lại đã thu hẹp sản xuất. Công ty thuê khách sạn, nhà nghỉ gần nơi làm việc cho công nhân; tổ chức xe đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết với số ca nhiễm nhiều, khu công nghệ cao có điều chỉnh liên quan phong tỏa và cách ly. Do đó, các doanh nghiệp sớm có phương án phòng chống dịch, sắp xếp chỗ ăn ở cho công nhân, kế hoạch sản xuất để Ban quản lý đánh giá. Những nhà máy đủ điều kiện sẽ tiếp tục vận hành, còn không phải dừng 15 ngày.
Hôm nay, UBND TP. Thủ Đức yêu cầu từ 0h ngày 15/7, các nhà máy chỉ được sản xuất khi bố trí công nhân ăn ở tại chỗ, quản lý chặt chẽ, tổ chức xe đưa đón, không để lao động tự ý rời doanh nghiệp.
Khu công nghệ cao được thành lập cách đây 19 năm, nằm ở phía Đông TP.HCM, có 85 doanh nghiệp với hơn 45.000 công nhân. Năm 2020, giá trị sản xuất của doanh nghiệp đạt gần 21 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.
Trong đợt bùng phát lần thứ tư, dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy ở Khu công nghệ cao. Trong đó, Nidec Sankyo với hơn 4.000 công nhân ghi nhận gần 600 ca nhiễm, dừng hoạt động từ ngày 3/7. Hiện, 20 nhà máy ở đây có phương án vừa sản xuất, vừa cách ly. Đây cũng là nơi vừa được thành phố chọn để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho một số lao động.
TP.HCM hiện có 1,6 triệu công nhân làm việc tại các nhà máy. Riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao hơn 320.000 lao động.