Tình Cảm Qua Thời Đại Dịch

Huy Lâm

image.png

Vào giai đoạn đầu khi trận đại dịch bắt đầu hoành hành mạnh, biện pháp đóng cửa được ban hành buộc mọi người phải ở trong nhà, sự đi lại bị hạn chế tối đa khiến các cặp vợ chồng dành hầu hết thời gian trong ngày bên nhau dưới một mái nhà, là điều họ chưa từng phải trải qua trước đó. Nhiều người tin rằng với tình trạng này kéo dài thì thế nào tỷ lệ ly hôn và những chuyện xào xáo trong gia đình cũng sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, với những số liệu thu thập gần đây cho thấy điều ngược lại, và quan hệ tình cảm giữa các cặp vợ chồng nói chung tốt đẹp hơn so với trước thời đại dịch.

Một điều chắc chắn là khi cuộc sống có quá nhiều thay đổi sẽ tạo ra tình trạng căng thẳng trong gia đình, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng không quen với cuộc sống bị cô lập với xã hội bên ngoài hoặc đang gặp khó khăn tài chính do bị mất việc làm hay vì một lý do nào đó. Trong một cuộc thăm dò của Đại học Monmouth bao gồm 556 người Mỹ được thực hiện vào khoảng thời gian đầu đại dịch, có 26% người tham gia cảm thấy mối quan hệ vợ chồng của họ làm tăng mức độ căng thẳng trong các sinh hoạt hằng ngày. Đối với những mối quan hệ đã có sẵn rạn nứt, trận đại dịch còn khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng đã có sẵn mối quan hệ bền chặt và thông hiểu nhau, tình cảm của họ lại càng trở nên thắm thiết hơn.

Theo kết quả khảo sát có tên 2020 American Family Survey bao gồm 3,000 người trưởng thành ở Mỹ, được thực hiện hàng năm bởi Trung tâm Nghiên cứu về Bầu cử và Dân chủ tại Đại học Brigham Young, tỷ lệ các cặp vợ chồng cho biết hôn nhân của họ gặp rắc rối giảm từ 40% năm 2019 xuống còn 29% năm 2020. Trong số các đàn ông và phụ nữ đã lập gia đình tuổi từ 18 tới 55, 58% cho biết trận đại dịch đã khiến họ biết ơn người phối ngẫu của họ nhiều hơn, và 51% nói rằng cuộc sống hôn nhân của họ được thắt chặt hơn trước.

Trong khi những phúc trình ban đầu cho thấy trận đại dịch sẽ khiến cho con số trường hợp ly dị tăng cao, các số liệu thu thập từ tiểu bang trong năm 2020 lại cho thấy tỷ lệ ly dị đã giảm, tới 21% tại Missouri và 36% tại New Hampshire. Con số các cặp vợ chồng mới cưới trong năm 2020 cũng giảm, có thể là vì nhiều người muốn hoãn lại đám cưới cho tới khi họ có thể cùng chung vui ngày hạnh phúc của họ với gia đình và bạn bè.

Thêm một tin vui nữa, kết quả một cuộc thăm dò vào tháng Một đầu năm của Đại học Monmouth cho thấy trong số những người hiện đang có quan hệ tình cảm, cứ 10 người thì có 7 cho biết họ cảm thấy rất hài lòng với mối quan hệ hiện có, tăng hơn 10 điểm so với những cuộc khảo sát trước đó. Chỉ có 10% người trả lời tin rằng trận đại dịch đã gây ra cãi cọ thường xuyên hơn, trong khi 16% cho biết họ cãi nhau ít hơn. Với những gì chúng ta đã phải trải qua trong hơn một năm qua, đây là điều rất đáng mừng. Những thử thách trên vẫn thường được cho là nguyên do gây đổ vỡ tình cảm thì nay lại khiến cho tình cảm bền chặt hơn. Đây là bài học chúng ta cần nên ghi nhớ.

Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu liên quan đến tâm lý xã hội cho thấy những gì chúng ta đạt được bằng nỗ lực của chính mình thì chúng ta mới biết quý trọng những thứ đó hơn. Một cuộc nghiên cứu thực hiện năm 2014 nhằm khảo sát cuộc sống hôn nhân của 795 cặp vợ chồng mới lấy nhau lần đầu thấy rằng mức độ hài lòng về mối quan hệ của họ cao hơn và ít gặp tình trạng ly hôn hơn khi cả hai người dành nhiều thời gian và năng lực và nếu cần thì có hành động ngay để cải thiện mối quan hệ của họ.

Các cặp vợ chồng đã phải cố gắng hết mình để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong năm qua và điều này đã giúp cho mối quan hệ của họ được thắt chặt hơn. Trên thực tế, gần một phần ba số người trả lời trong cuộc thăm dò của Đại học Monmouth nghĩ rằng mối quan hệ của họ trở nên tốt đẹp hơn, và hơn một nửa cho biết mối quan hệ không thay đổi – đây là một thành quả rất đáng khích lệ mặc dù trong hoàn cảnh của đại dịch. Chỉ có 12% nghĩ rằng mối quan hệ của họ trở nên xấu hơn.

Trong khi mọi người đang mong mỏi chờ đợi cuộc sống trở lại bình thường, điều hết sức tự nhiên mà ai cũng tự hỏi là mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng rồi đây sẽ ra sao. Mỗi khi cuộc sống có những biến chuyển thì một điều chắc chắn là sẽ đưa đến những thay đổi, có thể là khó khăn, nhưng những biến chuyển đó cũng mang lại cho các cặp vợ chồng một thử thách mới mà họ có thể nương tựa lẫn nhau để cùng vượt qua. Mặc dù ai cũng muốn con đường đưa chúng ta trở lại cuộc sống bình thường được suôn sẻ và dễ dàng, nhưng khó khăn và cố gắng để vượt qua là những trải nghiệm giúp cho cuộc sống cá nhân được dạn dày và thăng tiến, và nhờ vậy mà mối quan hệ được phát triển tốt đẹp hơn.

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, cùng nhau đương đầu với khó khăn có thể khiến cho vợ chồng đôi khi nản lòng, nhưng trải nghiệm này có thể giúp tình cảm của họ trở nên nồng nàn hơn, gần gũi hơn và gắn bó hơn. Trong lúc đại dịch, khi các cặp vợ chồng cùng chung vai trải qua những thử thách, từ những việc lặt vặt như tìm mua một cuộn giấy vệ sinh hay một chiếc mặt nạ khi hàng khan hiếm cho đến việc quan trọng hơn là được chích ngừa, thì điều này giúp cho tinh thần của họ kiên cường hơn và chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách kế tiếp.

Cách giải thích trên cho thấy làn sóng ly dị sau đại dịch khó có thể xảy ra. Một nửa số cặp vợ chồng trong cuộc thăm dò nghĩ rằng mối quan hệ của họ sau thời đại dịch sẽ bền vững hơn. Nói chung, người ta thường hay quên rằng các mối quan hệ tình cảm có khả năng phục hồi rất mạnh. Các cặp vợ chồng có thể sống hạnh phúc bên nhau trong một thời gian dài không hẳn vì họ biết tránh né khó khăn mà vì khi gặp thử thách, họ biết chịu đựng và cùng nắm tay dắt nhau vượt qua, và nhờ vậy mối quan hệ của họ ngày càng được củng cố thêm.

Các cặp vợ chồng khi đã hiểu được điều đó thì họ không còn coi mối quan hệ của họ là điều tự nhiên đến nữa mà là thứ họ phải cật lực xây dựng và bảo vệ thì mới lâu bền được. Nay họ đã thấy được tầm quan trọng của việc dành thời gian quý báu cho nhau và nương tựa vào nhau, nhất là vào những lúc khó khăn. Giá trị của mối quan hệ bền vững chưa bao giờ biểu hiện một cách rõ ràng như trong thời gian đại dịch vừa qua.

Với những ai vẫn còn đang tìm kiếm một người bạn tình, kinh nghiệm sống qua thời đại dịch sẽ thay đổi những ưu tiên của họ. Thay vì coi chuyện hẹn hò như một trò chơi nhằm tìm những thú vui ngắn hạn và quen biết qua đường, thì nay người ta muốn tìm một người bạn tình ổn định, cam kết và tin cậy, người mà họ muốn xây dựng một mối quan hệ lâu bền. Trong tương lai, việc tìm kiếm một người bạn tình sẽ đặt nặng đến khía cạnh chất lượng hơn là số lượng, thực tế hơn là sự hời hợt bề ngoài.

Theo các số liệu thu thập của trang mạng hẹn hò OkCupid vào tháng Tư 2020, sau mấy tuần đầu tiên của tình trạng đóng cửa, số người sử dụng OkCupid để tìm mối quan hệ lâu dài tăng 5% và số người tìm sự quen biết vui nhất thời giảm 20%. Tương tự vậy, kết quả cuộc khảo sát bao gồm 5,000 người độc thân ở Mỹ của trang mạng Match.com cho thấy đại dịch đã khiến những người đang hẹn hò “sống chậm lại và thiên về các hành động được chứng minh là hỗ trợ các mối quan hệ lâu dài,” với 6 trong 10 người nói rằng họ dự tính dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về người bạn tình của họ. Một vài dự tính khác nữa như chú trọng ít hơn tới sự hấp dẫn về thể chất và nhiều hơn tới những cuộc trò chuyện giữ hai người mang nhiều ý nghĩa, và có chủ đích hơn, thực tâm hơn trong các cuộc hẹn hò.

Khi đưa ra những dự đoán tương lai về quan hệ tình cảm, người ta thường hay chú trọng nhiều tới các điểm tiêu cực và tỏ ra hoài nghi khi hoàn cảnh cuộc sống không được thuận lợi. Tuy nhiên, điều thực tế, như đã trình bày ở trên, quan hệ tình cảm của con người vững vàng hơn chúng ta tưởng. Mỗi khi cuộc sống gặp phải thử thách, cho dù khó khăn cách mấy, con người vẫn luôn tìm được lối thoát để vượt qua. Quan hệ tình cảm trải qua thời đại dịch cũng giống như vàng được thử qua lửa, và điều đáng mừng cho chúng ta, kết quả vàng thật nhiều hơn là vàng giả.

Huy Lâm

Related posts