Tin thế giới sáng thứ Sáu

Vì sao Mỹ chọn Đức làm đồng minh số một ở châu Âu?

Trọng Nghĩa

image.png
Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đón tiếp tại Berlin ông Joe Biden, trên cương vị phó tổng thống Mỹ, ngày 01/02/2013. AP – Markus Schreiber

Ý nghĩa của cuộc tiếp xúc tại Washington vào hôm nay, 15/07/2021 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel được cho là vượt quá khuôn khổ một cuộc gặp song phương. Khi chọn nữ thủ tướng Đức là lãnh đạo châu Âu đầu tiên được ông tiếp đón tại Nhà Trắng từ khi nhậm chức, tổng thống Mỹ đương nhiệm như muốn cho thấy rằng Berlin chính là đối tác số một của Washington tại châu Âu.

Câu hỏi đặt ra là vì sao mà ông Biden lại đưa Đức lên vị trí “đối tác châu Âu” số một mà không chọn Pháp như người tiền nhiệm Donald Trump, ít ra là vào đầu nhiệm kỳ, hay Anh Quốc, một nước có “quan hệ đặc biệt” với Mỹ.

Trả lời cho câu hỏi này, một số nhà quan sát đã nhấn mạnh trước tiên đến ý nghĩa biểu tượng của việc ông Biden chọn bà Merkel làm khách mời danh dự đầu tiên đến Nhà Trắng.

Quan điểm xuyên suốt của ông Biden là phải hàn gắn mối quan hệ Mỹ-châu Âu từng bị người tiền nhiệm phá hoại, mà nạn nhân lại chính là bà Merkel, thường xuyên là đối tượng bị ông Trump làm bẽ mặt hay đả kích. Tôn cao vai trò của Đức chính là một cách hàn gắn tốt.

Trước đó, chính quyền Biden đã có một loạt cử chỉ thiện chí hướng về nước Đức, từ việc tăng cường lực lượng Mỹ đóng tại Đức, đảo ngược hoàn toàn quyết định của người tiền nhiệm về việc giảm sự hiện diện của lính Mỹ, cho đến việc tránh chỉ trích Berlin vì không tôn trọng quy tắc 2% ngân sách dành cho quốc phòng mà NATO yêu cầu đối với các nước thành viên.

Ngoài vấn đề biểu tượng, so với Pháp chẳng hạn, Đức được coi là đồng minh vững chắc nhất của Hoa Kỳ tại châu Âu, một người bạn không ai sánh bằng theo như lời ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nhắc lại tháng 6 vừa qua tại Berlin.

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro, Đức, cùng với nhiều nước Trung và Đông Âu, đã hăng hái chấp nhận việc được Hoa Kỳ bảo đảm an ninh trở lại sau thời kỳ bị Donald Trump lơ là.

Yêu tố quan trọng hơn cả giải thích thái độ trân trọng của Washington đối với Berlin chính là trọng lượng đáng kể của Đức trong các tính toán chiến lược của Hoa Kỳ.

Theo Le Figaro, nếu Joe Biden muốn đoàn kết châu Âu chống lại Trung Quốc, thì điều hợp lý là ông phải dựa trước tiên vào Đức, cường quốc kinh tế số một của châu Âu, đồng thời là nước có trọng lượng nặng hơn hết trong mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu với Bắc Kinh.

Ngoài ra, trong đối sách cứng rắn với Nga, ông Biden rất cần đến Đức, và nhanh chóng giải quyết với bà Angela Merkel vấn đề đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối liền Nga với Đức. Giống như các nước Đông và Trung Âu, tổng thống Mỹ coi dự án này, mà Đức quyết tâm bảo vệ, là một “thỏa thuận tồi tệ đối với châu Âu”.

Theo Le Figaro, dự án Nord Stream 2 chính là bất đồng quan trọng nhất hiện nay giữa Washington và Berlin, và tương lai của đường ống này sẽ là chủ đề của một thỏa thuận dứt khoát hơn trước tháng 8, khi chính quyền Hoa Kỳ đưa ra lại trước Quốc Hội trường hợp này và các biện pháp trừng phạt liên quan.

Trung Quốc triển khai máy bay có thể xuất kích từ các tiền đồn quân sự ở Biển Đông

image.png
Máy bay vận tải A Y-9 và chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc biểu diễn trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật, tổ chức tại Bắc Kinh ngày 03/09/2015. AP – Mark Schiefelbein

Thu Hằng
Quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay trực thăng và máy bay cảnh báo sớm trên hai hòn đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Biển Đông. Một số chuyên gia, được trang Washington Times trích dẫn ngày 13/07/2021, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đã bắt đầu những hoạt động bay thường lệ từ những căn cứ này.

Theo nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh mà Washington Times có được, máy bay tuần tra và cảnh báo sớm KJ-500 đã được triển khai vào tháng Năm và tháng Sáu tại đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Còn máy bay vận tải Y-9 và một máy bay trực thăng Z-8 được triển khai tại đá Xu Bi (Subi Reef) vào tháng Sáu và tháng Bẩy. Vào tháng 04/2020, Trung Quốc cũng đưa máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 đến đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).

Đá Vành Khăn và đá Xu Bi cùng với đá Chữ Thập tạo thanh tam giác quân sự được Trung Quốc trang bị nhiều tên lửa tối tân từ vào năm 2018 dù trước đó, tại Washington (Mỹ), chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa khu vực này.

Mỹ theo dõi hoạt động của tầu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoài các chiến dịch vì tự do lưu thông hàng hải, quân đội Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ hoạt động tầu ngầm của Trung Quốc. Trong báo cáo ngày 13/07, Tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết tầu tuần tra của Hoa Kỳ hoạt động ở Biển Đông gần như hàng ngày trong nửa đầu năm 2021 (cụ thể là 161 trên 181 ngày), đặc biệt ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nơi được cho là một điểm nóng.

Hoa Kỳ có 5 tầu giám sát đại dương USNS (Victorious, Able, Effective, Loyal và Impeccable) đóng tại Nhật Bản. Những tầu này lần lượt được điều đến Biển Đông và hoạt động ít nhất từ 10 đến 40 ngày. Trang South China Morning Post nhắc lại lập trường của Washington là những chiến dịch trên có ý nghĩa cần thiết để kiểm soát những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Biển Đông: Mỹ ủng hộ các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh

Trọng Thành

image.png
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một sự kiện tại Washington, DC, Hoa Kỳ ngày 13/07/2021. REUTERS – POOL

Hôm 14/07/2021, Hoa Kỳ và khối ASEAN có cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng đầu tiên thời Biden. Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken một lần nữa bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền « phi pháp » của Bắc Kinh tại Biển Đông và khẳng định rõ Washington đứng về phía các nước Đông Nam Á chống lại các « đe dọa » của Trung Quốc.

Thông báo của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price, đưa ra sau hội nghị, cho biết : « Ngoại trưởng (Blinken) nhấn mạnh là Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách trên biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định Hoa Kỳ đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền tại vùng biển này, chống lại các đe dọa từ phía Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ».

Việc đe dọa của Trung Quốc tại Biển Đông được nêu ra trong hội nghị Hoa Kỳ – ASEAN khiến Bắc Kinh bực tức. Theo Reuters, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Quân (Zhao Lijian), tuyên bố : « Hoa Kỳ đã hết sức vô trách nhiệm khi cố tình kích động các bất đồng về chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển ở Biển Đông, gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ».

Tại hội nghị ASEAN – Mỹ đầu tiên thời Biden, ngoại trưởng Blinken cũng « tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của khối ASEAN và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của khối trong cấu trúc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ». Ngoại trưởng Mỹ và các đồng nhiệm Đông Nam Á cam kết « tiếp tục xây dựng đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ dựa trên nhân quyền và các quyền tự do căn bản, thịnh vượng kinh tế, và tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai bên ».
Hối thúc ASEAN khẩn cấp khôi phục tiến trình dân chủ ở Miến Điện
Miến Điện là hồ sơ lớn thứ hai trong hội nghị ASEAN – Hoa Kỳ. Washington « bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính quân sự tại Miến Điện ». Ông Blinken kêu gọi khối các nước Đông Nam Á « hành động khẩn cấp để chấm dứt bạo lực, khôi phục tiến trình chuyển tiếp dân chủ của Miến Điện, trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ bất công ».

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh « Đồng thuận 5 điểm » của ASEAN về khủng hoảng Miến Điện là « một bước tiến quan trọng », đồng thời hối thúc ASEAN « hành động ngay lập tức » để buộc chính quyền quân sự Miến Điện « có trách nhiệm trong việc thực thi đồng thuận này », đặc biệt là việc cử đặc phái viên ASEAN tới Miến Điện.

Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập sản phẩm từ Tân Cương

Trọng Nghĩa

image.png
Trụ sở Quốc hội Mỹ – Điện Capitol – Washington © RFI Tiếng Việt

Nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về những hành vi bị gọi là “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi Giáo khác, Thượng Viện Mỹ ngày 14/07/2021 đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm Tân Cương.

Mang tên “Đạo Luật Ngăn Chặn Lao Động Cưỡng Bức người Duy Ngô Nhĩ” (The Uygur Forced Labour Prevention Act), dự luật do thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng Cộng Hòa, và thượng nghị sĩ Jeff Merkley, đảng Dân Chủ, đề xuất đã toàn thể Thượng Viện Mỹ nhất trí tán đồng.

Đối với Thượng Viện Mỹ, hàng hóa sản xuất ở Tân Cương được tạo ra từ lao động cưỡng bức, do đó phải bị cấm theo Đạo Luật Thuế Quan năm 1930, trừ phi có chứng nhận khác của các cơ quan chức năng Mỹ.

Dự luật cần phải được Hạ Viện thông qua trước khi được chuyển qua Nhà Trắng để tổng thống Joe Biden ký ban hành, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, giới chức tại Thượng Viện cho rằng văn bản này chắc chắn sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ vì Hạ Viện từng thông qua một dự luật tương tự vào năm ngoái 2020.

Trong một tuyên bố, thượng nghị sĩ Marco Rubio khẳng định: “Chúng ta sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác chống nhân loại đang diễn ra và sẽ không cho phép các công ty tự do kiếm lợi từ những hành vi lạm dụng khủng khiếp đó”.

Về phần mình, thượng nghị sĩ Jeff Merkley cũng nhấn mạnh: “Không một công ty Mỹ nào được phép hưởng lợi từ những lạm dụng đó. Không một khách hàng Mỹ nào sẽ bị vô tình mua phải những sản phẩm từ lao động nô lệ”.

Theo Reuters, dự luật vừa được thông qua là một bước tiến xa hơn của Mỹ so với các biện pháp từng được quyết định, ví dụ như các lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông và một số sản phẩm trong lãnh vực năng lượng mặt trời từ Tân Cương.

Chính quyền của tổng thống Biden đã gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc, và mới hôm 13/07, đã cảnh báo các doanh nghiệp là họ có thể vi phạm luật pháp nếu có các hoạt động, dù chỉ liên quan gián tiếp, với các mạng lưới giám sát ở Tân Cương.

Theo nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, nhà nghiên cứu, người từng sống tại Tân Cương, và nghị sĩ và quan chức Phương Tây, từ năm 2016, chính quyền vùng Tân Cương đã tạo điều kiện cho việc cưỡng bức lao động với chính sách giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác trong các trại lao cải ở Tân Cương.

Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đó là những trung tâm huấn nghệ để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.

Mike Pence kêu gọi Joe Biden “mạnh tay” hơn với Trung Quốc

Cũng liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào hôm qua, 14/07/2021 đã kêu gọi chính quyền đương nhiệm của tổng thống Joe Biden gia tăng hơn nữa áp lực lên Trung Quốc để kềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, phát biểu tại trung tâm tham vấn bảo thủ Heritage Foundation ở Washington, ông Pence đã kêu gọi chính quyền Biden “mạnh tay” hơn với Trung Quốc trên nhiều hồ sơ cụ thể.

Cựu phó tổng thống Mỹ, nổi tiếng là một chính khách “diều hâu”, đã cho rằng chính quyền Biden nên đòi Bắc Kinh làm rõ nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19, đẩy mạnh nỗ lực tách biệt nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc trong các ngành được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia. Ông cũng kêu gọi củng cố thêm quan hệ với Đài Loan với việc đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương, thậm chí có “yêu cầu rõ ràng và dứt khoát” về việc Thế Vận Hội mùa đông 2022 phải được chuyển khỏi Bắc Kinh.

Đối với ông Mike Pence, chính sách ngoại giao đa phương của chính quyền Biden chỉ có lợi cho Trung Quốc, cụ thể là với việc gia nhập trở lại Hiệp Định Khí Hậu Paris và Tổ Chức Y Tế Thế Giới mà Mỹ đã tẩy chay dưới thời Donald Trump.

Cuba: Chính phủ nới lỏng nhập khẩu thuốc và thực phẩm để xoa dịu dân

Thu Hằng

image.png
Một phố ở thủ đô La Habana, Cuba ngày 15/06/2021. REUTERS – ALEXANDRE MENEGHINI

Ba ngày sau cuộc biểu tình lịch sử ở Cuba, chính quyền La Habana đã có những biện pháp nới lỏng sau khi thừa nhận cần « rút ra bài học ». Ngày 14/07/2021, chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel kêu gọi toàn dân đoàn kết, đổ lỗi cho cấm vận Mỹ. Và như để xoa dịu người dân, chính phủ dỡ bỏ một số hạn chế hải quan liên quan đến thực phẩm và dược phẩm. Biện pháp này có hiệu lực đến ngày 31/12/2021.

Thông tín viên RFI Domitille Piron tường trình từ La Habana :

« Giờ là lúc giảng giải, chính phủ tìm cách trấn an và cam đoan với người dân sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn gây chấn động đất nước hôm Chủ Nhật (12/07).

Chính phủ đưa ra một biện pháp như để xoa dịu người dân : Chính phủ sẽ không đánh thuế hay hạn chế  nhập khẩu  thực phẩm và sản phẩm vệ sinh, thuốc men. Biện pháp được thông báo vào lúc việc xuất nhập cảnh Cuba đang rất khó khăn.

Chính phủ tiếp tục biện minh cho những khó khăn kinh tế bằng cách tố cáo các biện pháp trừng phạt và cấm vận của Mỹ. Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel lên án hành động phá hoại và  thù hằn của nhiều người biểu tình hôm Chủ Nhật. Đồng thời ông cũng phủ nhận có hàng nghìn người bị bắt giữ và lên án những hành vi vu khống, bóp méo thông tin.

Tuy nhiên, trong dân vẫn bao trùm thái độ hoài nghi. Người dân Cuba muốn thay đổi và có nhiều tự do hơn. Với việc lập lại mạng di động từ thứ Tư (14/07), thông tin sai lệch và video tràn ngập trên mạng xã hội. Những người Cuba còn dám nói, thì bị sốc vì những cảnh bạo lực trong nhiều đoạn video được quay lại hôm Chủ Nhật và đồng loạt phản đối lực lượng gìn giữ an ninh trấn áp người dân.

Nhiều gương mặt nổi tiếng, kể cả trong lĩnh vực văn hóa, không còn kín tiếng như thường lệ để ủng hộ người biểu tình và chỉ trích sự trấn áp của lực lượng an ninh ».

Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm gửi tiền về Cuba

Hai nguồn tin cho Reuters biết ngày 14/07 rằng Nhà Trắng có thể giảm bớt các hạn chế chuyển tiền liên quan đến người dân Mỹ gửi về cho gia đình ở Cuba. Mục tiêu chính của tổng thống Joe Biden là để giúp người dân Cuba, đang gặp khó khăn kinh tế do dịch gây ra.

Theo thẩm định, hàng năm có khoảng 2 đến 3 tỉ đô la được gửi về Cuba. Đây là một trong ba nguồn thu lớn của đảo quốc, sau lĩnh vực dịch vụ và du lịch.

Tiêm chủng Covid-19 tác động đến chiến lược tiêm phòng các bệnh cơ bản

Thu Hằng

image.png
Tiêm chủng phòng các bệnh cơ bản cho trẻ em ở thủ đô Kampala, Uganda, năm 2019. AFP – BADRU KATUMBA

Việc cả thế giới tập trung sản xuất vac-xin ngừa Covid-19 đã tác động mạnh đến chiến dịch tiêm chủng nhiều bệnh truyền nghiễm khác trên toàn cầu. Ngày 14/07/2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo trong năm 2020, đã có 23 triệu trẻ em đã không được chủng ngừa những bệnh cơ bản. Dịch sởi và bệnh bại liệt có nguy cơ tái bùng phát.

Thông tín viên Jérémie Lanche tường trình từ Geneve :

« Liên quan đến vac-xin DTP ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván và bại liệt, Tổ Chức Y Tế Thế Giới ghi nhận tỉ lệ tiêm chủng giảm từ 86% xuống còn 83%. Có nghĩa là khoảng 23 triệu trẻ em đã không được tiêm đủ ba liều và thậm chí trong số này có đến 17 triệu còn chưa được tiêm mũi nào. Đây là tình trạng giống như cách nay 10 năm, theo bà Kate O’Brien, đứng đầu bộ phận tiêm chủng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Bà nói : « Trong số những lý do giải thích cho sự sụt giảm này, có sự lo lắng của nhiều gia đình. Họ không muốn đến các trung tâm y tế vì sợ nhiễm Covid-19. Ngoài ra còn có những xáo trộn về dịch vụ chăm sóc y tế do đại dịch. Vì như mọi người biết khi một cơ sở y tế bị xáo trộn thì không biết khi nào mới hoạt động bình thường trở lại. Tiếp theo là sợ đi lại và vi phạm các biện pháp phong tỏa phòng dịch ».

Nhưng ngoài sự nghi ngại do đại dịch gây ra, thì phải kể đến tình trạng thiếu nguyên liệu, thường bị trưng dụng cho cuộc chiến chống Covid-19. Hiện tượng này có thể thấy ở Ấn Độ nơi tỉ lệ tiêm chủng đang ở 91% sụt xuống còn 85%. Hoặc ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo nơi công tác tiêm ngừa bệnh sởi đã bị ngừng. Bệnh sởi đã khiến 8.000 người chết, chủ yếu là trẻ em, từ năm 2018 đến 2020 ».

Covid-19 : Chính phủ Pháp dự trù nhiều biện pháp cứng rắn để đối phó biến thể Delta

Thu Hằng

image.png
Khách hàng và nhân viên một quán giải khát xem truyền hình tổng thống Emmanuel Macron phát biểu về dịch Covid-19, Cambrai, Pháp, 12/07/2021. REUTERS – PASCAL ROSSIGNOL

Nếu không có biện pháp cụ thể, Pháp có thể sẽ có đến 35.000 ca nhiễm Covid mới mỗi ngày ngay từ đầu tháng Tám. Để đối phó với biến thể Delta có độ lây lan nhanh, chính phủ muốn áp dụng nhiều biện pháp mạnh được nêu trong một dự thảo luật để triển khai đường lối chống dịch được tổng thống Emmanuel Macron thông báo tối 12/07/2021.

Văn bản có thể sẽ được Hội đồng Bộ trưởng thông qua vào thứ Hai 19/07 sau đó sẽ được đưa ra thảo luận ở Nghị Viện. Một trong những điểm được nêu trong văn bản, mà AFP có được, là kiểm tra việc tuân thủ cách ly của người nhiễm Covid-19. Người bệnh có thể phải cách ly 10 ngày, được phép ra khỏi nhà từ 10 giờ đến 12 giờ hoặc những khung giờ phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Cảnh sát và hiến binh được phép đến kiểm tra trong thời gian cách ly.

Văn bản này cũng đề cập đến việc áp dụng « giấy chứng nhận y tế » tại các địa điểm văn hóa, vui chơi giải trí kể từ ngày 21/07 và đến tháng Tám sẽ được mở rộng đến các quán cà phê, nhà hàng, trung tâm thương mại, tầu hỏa và máy bay. Những cơ sở không kiểm tra « chứng nhận y tế » của người muốn vào sẽ bị phạt tù 1 năm và 45.000 euro.

Dù không bắt buộc, nhưng chính phủ Pháp đang đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm chủng, trong bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng. Số ca nhiễm mới, gần 8.900 ca theo số liệu tối 14/07, đã tăng gấp đôi so với cách đây một tuần. Tuy nhiên, số ca nguy kịch vì Covid-19 đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.000. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 23/09/2020.

Tính đến ngày 12/07, đã có 41,6% người dân tại Pháp được chủng. Tuy nhiên, rất nhiều người kiên quyết không đi tiêm chủng. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra đúng ngày Quốc khánh 14/07 tại nhiều thành phố ở Pháp để phản đối áp dụng « giấy chứng nhận y tế ».

Related posts