Tin COVID-19 tại VN sáng thứ Sáu: Thêm 3,416 người nhiễm COVID-19 trong 24 giờ

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Thêm 3.416 ca mới chỉ trong 24 giờ

VnExpress – Bộ Y tế tối 15/7 ghi nhận 1.922 ca dương tính, gồm 1.889 ca trong nước và 33 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Các ca mới từ số 38240-40850, gồm 1.922 ca trong ngày và TP.HCM đăng ký bổ sung 689 ca đã được phát hiện trước đó tại các khu cách ly.

Như vậy, trong ngày 15/7, Việt Nam ghi nhận 3.416 ca mới, gồm 37 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 3.379 ca ghi nhận ở 29 tỉnh thành, chủ yếu tại TP.HCM (2.691 ca). Trong đó, 3.099 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đang phong tỏa, 280 ca đang điều tra dịch tễ (ít hơn 135 ca so với hôm trước).

Hôm nay ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao nhất theo ngày kể từ đầu dịch (3.379 ca). Ngày cao thứ hai là 14/7 (2.924), ngày cao thứ ba là 12/7 (2.367).

Sáng 16/7: Thêm 1.438 ca COVID-19, riêng Sài Gòn 1.071 ca

VnExpress – Bộ Y tế sáng 16/7 ghi nhận 1.438 ca dương tính trong nước, gồm 1.274 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

1.438 ca mắc mới từ số 40851-42288, gồm tại: Sài Gòn (1.071), Đồng Nai (72), Đồng Tháp (66), Khánh Hòa (57), Bình Dương (53), Vĩnh Long (36), Phú Yên (22), Bến Tre (15), Bình Phước (10), Kiên Giang (8), Cần Thơ (8 ), Hậu Giang (7), Nghệ An (6), Hà Nội (3), Đăk Nông, Lạng Sơn, An Giang và Lâm Đồng (1).

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Sài Gòn lên 22.564, Bình Dương 2.062, Đồng Tháp 947, Phú Yên 594, Đồng Nai 575, Hà Nội 567, Khánh Hòa 338, Vĩnh Long 245, Nghệ An 143, Lạng Sơn 114, Bến Tre 113, An Giang 105, Bình Phước 54, Cần Thơ 40, Hậu Giang 29, Kiên Giang 26, Lâm Đồng 15, Đăk Nông 5

Duyệt khẩn cấp vắc-xin COVID-19 chỉ tiêm 1 mũi

Nld – Bộ Y tế ngày 15/7 đã phê duyệt khẩn cấp có điều kiện đối với vắc-xin Covid-19 Janssen của Johnson & Johnson cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19. 

Đây là vắc-xin của Mỹ được sản xuất tại Bỉ và Hà Lan, sử dụng công nghệ virus vector, mỗi liều chứa 0,5 ml và chỉ tiêm 1 mũi. 

Vắc-xin Johnson & Johnson đạt hiệu quả 66,3% trong các thử nghiệm lâm sàng (tính hiệu lực) phòng ngừa bệnh Covid-19. Mọi người có bảo vệ tốt nhất 2 tuần sau khi tiêm chủng.

Như vậy, đến nay đã có 6 loại vắc-xin COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gồm: Astra Zeneca; Sputnik; Pfizer; Vero Cell, Moderna và Janssen.

Chủ tịch TP.HCM: ‘Không loại trừ lây chéo trong khu cách ly’

Vtc – Trước việc phần lớn ca nhiễm mới thời gian qua là từ khu cách ly, phong toả, chiều 15/7, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng “không loại trừ khả năng lây chéo”.

Ông Phong nói: “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận với nhau ràng không loại trừ khả năng lây chéo tại các khu cách ly và khu phong toả. Do đó trong 7 ngày tới cần đặt mục tiêu giảm dần số ca F0 tăng mới từ khu vực này”.

Theo ông Phong, có khoảng 38% số ca nhiễm COVID-19 tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo: “Theo phân tích dữ liệu, các ca nhiễm phát sinh lớn nhất ở khu phong tỏa. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đã xảy ra lây nhiễm chéo, phải giảm dần ca nhiễm tại nơi phong tỏa”.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong công tác xét nghiệm, vừa qua vẫn còn vài nơi tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách tại nơi lấy mẫu, đôi lúc trả mẫu PCR còn chậm, dẫn đến việc chậm chuyển số F0 đến nơi điều trị. 

Các khu cách ly, khu phong toả còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc với nhau, không đảm bảo giãn cách. Quy trình xử lý F0 còn nhiều bất cập, thời gian điều chuyển F0 từ địa phương đến các bệnh viện điều trị còn chậm, lúng túng. Quận huyện còn mất nhiều thời gian chờ giường bệnh, tìm bệnh viện có đủ năng lực tiếp nhận, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.

“Tối qua, khoảng 7-8 giờ, Chủ tịch quận 7 gọi tôi giúp cho có một ca F0 rất nguy cấp, em gọi BV nào cũng không tiếp nhận, tôi gọi cho anh Bỉnh giải quyết là xong”, ông Phong kể và thừa nhận quy trình xử lý với F0 còn rất lúng túng, bất cập.

Nguy cơ dịch lan rộng trong KCN, hơn 60.000 công nhân Đồng Nai phải tạm nghỉ việc

Baodongnai – Hơn 60.000 công nhân tại một số công ty tại tỉnh Đồng Nai phải tạm nghỉ việc sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm virus corona mới. 

Ngày 15/7, đại diện Công ty Cổ phần Taekwang Vina Industrial (TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), cho biết công ty vừa thông báo tạm ngừng hoạt động 2 nhà máy với gần 14.000 công nhân để phòng dịch.

Trước đó, công ty này đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại 2 nhà máy nói trên và phát hiện một số ca dương tính.

Ngoài công ty trên,  ngày 14 tháng 7, công ty TNHH Changshin Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) đã cho toàn bộ 42.000 công nhân đang làm việc tại 3 nhà máy tạm nghỉ để phòng dịch, do có ca nhiễm.

Bên cạnh đó, công ty TNHH dệt may Eclat (huyện Nhơn Trạch) cũng đã tạm ngừng sản xuất từ ngày 14/7 và cho gần 5.000 công nhân nghỉ việc.

Công ty TNHH Nam Yang Sông Mây (huyện Trảng Bom) đã tổ chức xét nghiệm cho 2.400 công nhân khi phát hiện có ca nghi mắc COVID-19 tại công ty. Hiện công nhân toàn bộ xưởng có ca nhiễm đã được nghỉ làm.

Sáng 15/7, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phan Huy Anh Vũ cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 177 ca dương tính với virus corona, nâng tổng số ca dương tính trong đợt dịch lần thứ 4 lên 697 ca (2 ca đã tử vong).

TP.HCM: Phó chủ tịch Phan Thị Thắng thay ông Võ Văn Hoan phụ trách việc phòng dịch COVID-19

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng (trái), thay Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan (ảnh: Tuổi Trẻ/Tiền Phong).

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn, phân công Phó chủ tịch UBND TP. Phan Thị Thắng thay Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phụ trách các công tác liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 15/7.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo đó ,bắt đầu từ ngày 15/7, Phó chủ tịch Phan Thị Thắng sẽ phụ trách các công tác liên quan đến cung cấp suất ăn cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh đó, bà Thắng sẽ phụ trách tổ hậu cần cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đồng thời, bà Thắng cũng phụ trách luôn công tác tiếp nhận và tổ chức lực lượng do bộ, ngành trung ương tăng cường phòng, chống dịch cho TP; công tác tiếp nhận và tổ chức các nguồn lực hỗ trợ từ các tỉnh, thành cho TP; phụ trách nhiệm vụ trưởng Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trong thời gian đại dịch COVID-19 đang diễn ra và các công tác khác về phòng, chống dịch COVID-19 theo phân công.

Bộ Y tế sáng 15/7 ghi nhận 805 ca dương tính COVID-19, trong đó, riêng TP.HCM là 603 ca. Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 19.405.

Theo báo cáo về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của UBND TP.HCM, từ 1/7 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 1.140 ca bệnh.

Người phụ nữ livestream nói về việc đi siêu thị mua mớ rau héo 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng

Quang Minh

Người phụ nữ livestream bức xúc việc đi siêu thị mua mớ rau răm héo giá 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng...

‘Tại sao một doanh nghiệp lớn, giữa lúc người dân đang khó khăn mà nỡ lòng nâng giá lên như vậy!’, người phụ nữ này nói trên livestream.

Hàng hóa, thực phẩm khan hiếm và tăng giá đột biến đang trở thành câu chuyện nóng tại TP.HCM trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Trao đổi với Pháp luật & Bạn đọc trước đó, chị H.B ở quận Bình Thạnh cho biết hành lá mua ngoài chợ 80.000/kg. Giá trên ứng dụng đi chợ online có nơi lên đến 100.000/kg nhưng vẫn khan hiếm. “Xếp hàng cả giờ đồng hồ vô được siêu thị thì cũng không còn gì để mua”, chị nói. Còn theo anh P.T ở Thanh Đa, rau gia vị như hành, tỏi, gừng… thường được dùng trong những bữa ăn hàng ngày nay đã tăng giá chóng mặt. 

Mới đây, một người phụ nữ khác phát trực tiếp trên Facebook để phản ánh bức xúc của mình sau khi mua hàng tại một siêu thị ở TP.HCM. Theo đó, người phụ nữ này đang ở trong vùng dịch lớn tại Quận 2, một tháng rưỡi nay không có việc làm và phải chắt chiu từng đồng để mua hàng. 

Mình chưa bao giờ lên đây (Facebook) để nói những gì mình bức xúc hay về cuộc đời hết. Nhưng mà hôm nay, mùa này là mùa Covid-19, mùa vất vả của tất cả mọi người trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Sáng nay mình có đi ra siêu thị B để mua một ít đồ dùng, mà họ làm cho mình rất bức xúc. Lý do bởi giá cả siêu thị đưa ra không hợp lý với người dân ngay thời điểm này một tí nào.

Người dân đang khốn khổ, vừa không có công ăn việc làm, vừa phải lo chống dịch mà bây giờ nhà nước cho họ mở cửa để buôn bán, giúp cho dân trong thời khắc khó khăn, lại còn là doanh nghiệp lớn. Tại sao người dân đang khó khăn như vậy mà nỡ lòng nâng giá lên”, người phụ nữ bộ lộ rõ thái độ bức xúc.

Sau đó, người phụ nữ công khai hóa đơn mua một vài món hàng tại siêu thị B: “Nghĩ sao thời buổi khó khăn, họ bán rau răm vừa héo, vừa ít mà bán 14.994 đồng, tăng giá lên gấp 3-4 lần. Bằng từng này tôi ra chợ mua chỉ 1.000 đồng thôi, 1.000 đồng còn nhiều hơn thế. Còn củ gừng này giá 21.912 đồng, các bạn thấy có xứng đáng không, có thương dân không? Rồi đây vài củ sả giá 9.688 đồng, từng này bên ngoài tôi mua chỉ có 3.000 đồng. Món cuối cùng là nấm ngọc châm nâu, 2 hộp giá 54.000 đồng.

Con người những lúc này người ta phải biết thương dân, ghi điểm với dân, phải buôn bán ít nhất là bằng giá như mọi lần để ghi điểm. Tại sao một doanh nghiệp lớn lại bán cho dân với mức giá như vậy? Tôi không đồng tình chút nào.

Theo báo Doanh Nhân, đoạn clip khi đăng tải đã thu hút sự được lượng lớn sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng. Sau 2 hôm clip thu hút tới 2,9 triệu lượt xem, theo đó hơn 41.000 bình luận, dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng, việc tăng giá như thế là không hợp lý, các doanh nghiệp nên giúp đỡ, cùng người dân vượt qua thời điểm khó khăn này.

Related posts