Thụy My
Biden cùng Merkel đoàn kết chống Nga và Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc gặp hôm 15/07/2021 tại Nhà Trắng, đã cam đoan đoàn kết chống Nga và Trung Quốc. Tuy bất đồng về dự án ống dẫn khí Nord Stream 2, nhưng hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga không nên sử dụng năng lượng làm vũ khí, và đôi bên đồng thuận bảo vệ các nguyên tắc dân chủ nếu Trung Quốc phá hoại.
Reuters dẫn lời tổng thống Biden trong cuộc họp báo chung, rằng Hoa Kỳ và Đức đoàn kết nhằm bảo vệ các đồng minh NATO chống lại sự tấn công của Nga. Hai nước cũng đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ và các quyền phổ cập, một khi thấy Trung Quốc hay nước nào khác muốn phá hoại một xã hội tự do, cởi mở.
Bà Merkel cầm quyền từ năm 2005, đã nhiều lần được tiếp đón ở Phòng Bầu dục, Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ tư mà bà gặp gỡ.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
« Bà thủ tướng biết Phòng Bầu dục còn rõ hơn tôi » – ông Joe Biden nói đùa, trước khi ca ngợi sự nghiệp kiệt xuất của Angela Merkel. Còn bà Merkel thì nói lên nỗi xúc động sau trận lụt gây tang tóc cho đất nước mình. Sau đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ tình đoàn kết, nhấn mạnh đến các chủ đề muốn tăng cường hợp tác, nhất là trong việc phân phối vac-xin chống Covid và đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Điểm bất đồng duy nhất mà ai cũng biết, là dự án ống dẫn khí Nord Stream 2.
Ông Biden tuyên bố : « Bạn bè tốt vẫn có thể có những bất đồng, nhưng thủ tướng Đức và tôi đã yêu cầu nhóm cộng tác nghiên cứu các biện pháp thực tiễn mà chúng tôi có thể cùng thực hiện, để an ninh năng lượng của Ukraina không bị yếu đi vì các hành động của Nga. Để xem… ».
Thủ tướng Đức nhìn nhận bất đồng với tổng thống Mỹ về ống dẫn khí. Nhưng Angela Merkel nói rằng bà an tâm, nêu ra khả năng châu Âu trừng phạt Nga nếu Matxcơva không tôn trọng các cam kết đối với Ukraina ».
Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và đồng minh NATO, có thể là nhịp cầu kết nối quan hệ với Nga, Trung Đông, Bắc Phi. Hiện có 36.000 quân nhân Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Đức.
Covid-19: WHO cảnh báo rất nhiều khả năng xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn
Thụy My
Ủy ban khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/07/2021 cảnh báo rằng có rất nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới « nguy hiểm hơn » của virus corona.
Thông cáo của nhóm chuyên gia cố vấn cho tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo « đại dịch còn lâu mới kết thúc. Có rất nhiều khả năng xuất hiện và lây lan các biến chủng mới, có thể là nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn » so với các virus corona đã được ghi nhận.
Chủ tịch ủy ban, giáo sư Didier Houssin nhấn mạnh trong cuộc họp báo : « Xu hướng hiện nay rất đáng lo lắng. Mười tám tháng sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch tễ quốc tế, chúng ta tiếp tục chạy theo sau con virus, và virus tiếp tục đuổi theo chúng ta ».
Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 4 biến chủng đáng ngại : Alpha, Beta, Gamma và Delta. Riêng biến chủng Delta, nhận biết đầu tiên tại Ấn Độ, đang lây nhiễm rất nhanh chóng trên thế giới, gây ra những đợt dịch lớn. Lây nhanh hơn các loại khác, biến chủng Delta còn kháng lại vac-xin nhiều hơn, cho dù việc tiêm chủng vẫn giúp tránh được nhiễm Covid thể nặng và tử vong.
Ủy ban nhấn mạnh hai khuyến cáo chính : phân bổ vac-xin công bằng và không đưa ra những sáng kiến ít căn cứ khoa học như tiêm thêm mũi vac-xin chống Covid thứ ba – chủ yếu từ tập đoàn Pfizer/BioNTech.
Giáo sư Houssin nêu rõ, cần tiếp tục đấu tranh cho việc phân phối vac-xin hợp lý trên thế giới, khuyến khích việc chia sẻ các liều, sản xuất tại địa phương, bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, gia tăng năng lực sản xuất cũng như nguồn tài chánh cần thiết để thực hiện tất cả các hoạt động trên.
Tình trạng bất bình đẳng về vac-xin từ nhiều tháng qua đã bị Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức phi chính phủ và các quốc gia đang phát triển tố cáo. Trong khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu nhắm đến việc tiêm chủng đại đa số dân chúng trong những tuần lễ tới, các nước nghèo nhất chỉ mới tiêm ngừa được khoảng 1% dân số.
Ông Didier Houssin cũng cho rằng không nên nghe theo các ý kiến có thể làm tăng nặng tình trạng bất bình đẳng này, như khuyến cáo chích thêm liều thứ ba, khi các dữ liệu khoa học không thực sự chứng minh điều này ở tầm thế giới.
APEC họp thượng đỉnh không chính thức bàn về Covid-19
Thanh Phương
Hôm 16/07/2021, lãnh đạo của 21 quốc gia thành viên diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC dự cuộc họp thượng đỉnh không chính thức, trực tuyến, do thủ tướng New Zealand chủ trì để bàn về phòng chống đại dịch Covid-19.
Theo hãng tin AFP, tham dự cuộc họp trực tuyến có tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt, lần đầu tiên được thêm vào trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến chính thức vào tháng 11 do New Zealand, chủ tịch của APEC năm nay, tổ chức.
Cuộc họp hôm nay cho thấy các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương ngày càng lo ngại trước việc Covid-19 bùng phát mạnh trở lại trong khu vực, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta xuất phát từ Ấn Độ. Một số nước thành viên của APEC như Indonesia, Thái Lan và Úc đang đối phó với một đợt lây nhiễm mới.
Ngoài việc tăng cường phòng chống dịch, cuộc họp trực tuyến do New Zealand tổ chức còn nhằm bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, theo lời thủ tướng của nước chủ nhà Jacinda Ardern nói với báo chí hôm qua.
Cụ thể, các lãnh đạo APEC sẽ bàn về nguồn cung cấp vac-xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh Trung Quốc đang cấp thuốc tiêm chủng cho nhiều nước châu Á, còn Hoa Kỳ cũng muốn đóng vai trò tích cực hơn về cung ứng vac-xin cho khu vực
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các căng thẳng giữa các quốc gia thành viên APEC, đặc biệt là giữa phương Tây với Trung Quốc về nguồn gốc virus corona, thương mại, Tân Cương và Biển Đông, có thể làm xáo trộn nghị trình cuộc họp. Một quan chức cao cấp của chính quyền Biden cho biết tổng thống Mỹ có thể nhân cuộc họp hôm nay nhấn mạnh đến cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Diễn đàn APEC quy tụ các nước có trình độ kinh tế rất khác biệt, trong đó có 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và cả những nước rất nghèo như Papua New Guinea, cho nên thường rất khó đạt được đồng thuận.
Reuters nhắc lại là cuộc họp thượng đỉnh APEC năm 2019 ở Chilê đã bị hủy do các cuộc biểu tình phản đối tại nước này, còn thượng đỉnh APEC 2020 ở Malaysia đã được tổ chức trực tuyến một cách vội vã trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phong tỏa chống dịch Covid-19.
Covid-19: Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vac-xin Johnson&Johnson
Thanh Phương
Hôm 15/07/2021, Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp vac-xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson&Johnson trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày liên tục phá kỷ lục.
Đây là loại vac-xin thứ 6 được Việt Nam phê duyệt « có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch ». Năm loại vac-xin đã được cấp phép sử dụng trước đó ở Việt Nam là Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna, Sputnik-V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn quốc đã vượt qua ngưỡng 3.000 ca, tạo thêm áp lực cho các nhân viên y tế. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, hôm qua đã có thêm 2.691 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Theo báo Nhật Bản Nikkei Asia, thành phố Hồ Chí Minh đang bên bờ vực của « sụp đổ y tế ». Chính quyền của thành phố đang chuẩn bị xây thêm 5 bệnh viện dã chiến với tổng cộng 50.000 giường, trong khi 19 bệnh viện dã chiến hiện có đang thiếu nhân viên y tế và trang thiết bị.
Hôm qua, thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương triển khai « một số biện pháp cấp bách » để hỗ trợ cho thành phố Sài Gòn và một số tỉnh, thành phố phía Nam để chống dịch.
Theo Nikkei Asia, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là đầu tầu kinh tế của Việt Nam, trong năm 2020 đóng góp đến 22,3% GDP của quốc gia và đóng góp đến 27,5% ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2019.
Tác hại đến sản xuất
Do tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, hôm qua, hãng sản xuất giày của Hàn Quốc Changshin đã phải đóng cửa ba nhà máy của họ gần thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nhà cung cấp lớn thứ hai của hãng Nike phải tạm dừng sản xuất tại Việt Nam. Hôm thứ tư, hãng Pou Chen của Đài Loan sản xuất giày cho Nike Adidas cũng đã phải đóng cửa các nhà máy ở Sài Gòn cho đến ngày 23/07.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Cuba trả tự do cho những người bị bắt trong các cuộc biểu tình
Thanh Phương
Hôm 16/07/2021, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Cuba khẩn cấp trả tự do cho những người bị bắt trong các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 11/07, đồng thời yêu cầu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Cuba.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ 30 năm qua, hôm Chủ Nhật vừa qua, nhiều cuộc biểu tình với tầm mức chưa từng có kể từ cuộc Cách mạng 1959, đã nổ ra tại nhiều nơi ở Cuba. Hơn 100 người đã bị bắt và một người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình này.
Trong một thông cáo, bà Michèle Bachelet thúc giục chính quyền La Habana « đáp ứng các yêu cầu của những người biểu tình thông qua đối thoại, đồng thời tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền tự do tập hợp ôn hòa và quyền tự do ngôn luận ». Bà Bachelet, cựu tổng thống Chilê cũng nhắc lại lời kêu gọi bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, do tác động tiêu cực của các biện pháp này đối với các quyền của con người, kể cả quyền được chăm sóc y tế.
Một mặt trấn áp biểu tình, mặt khác, chính quyền La Habana đã cố xoa dịu nỗi bất mãn của người dân với thông báo là kể từ nay các nhu yếu phẩm và thuốc men mà các cá nhân nhập vào Cuba sẽ không còn hạn chế về số lượng và sẽ không còn bị đánh thuế.
Nhưng người Cuba vẫn chưa thỏa mãn với biện pháp đó, theo tường trình của thông tín viên Domitille Piron từ La Habana :
« Chúng tôi không muốn nhận ít như thế » và « Không thể bỏ tự do vào trong một chiếc va-li ». Đó là một số trong các phản ứng tức thì của người dân Cuba trên các mạng xã hội, sau khi chính phủ thông báo kể từ nay không đánh thuế và không hạn chế số lượng các thực phẩm và thuốc men mà các cá nhân nhập vào Cuba.
Trên đường phố La Habana, các phản ứng cũng không hứng khởi chút nào, bởi vì trong lúc này rất ít người dân Cuba ra nước ngoài. Gabriela cho rằng chính quyền đã không đáp ứng bất cứ yêu sách nào mà người dân đã đưa ra trong cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật. Cô nói : « Theo tôi, làm như thế chẳng có ích gì, lẽ ra họ đã phải thi hành biện pháp này từ lâu, bởi vì từ lâu chúng tôi đã thiếu thực phẩm và thuốc men, cho nên đối với tôi thông báo đó chẳng mang lại thay đổi gì. Đa số những người ra nước ngoài bây giờ sẽ lợi dụng để mua hàng về và bán lại. »
Nhưng nói chung, dân Cuba đồng ý rằng dù gì đi chăng nữa, đó cũng là một biện pháp cần thiết. Là một hướng dẫn viên du lịch và thông dịch viên tại Viện Cuba hữu nghị giữa các dân tộc, Marcelo Care cho rằng, đấy là một cách để nhập thêm thuốc men mà người dân đang cần. Anh cũng bày tỏ sự ủng hộ chính phủ : « Chúng tôi đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn do lệnh cấm vận của Mỹ. Những gì xảy ra hôm nọ là không đúng lúc vì chúng tôi đang hứng chịu đại dịch. »
Đảng viên Cộng Sản Cuba này, cũng giống như chính quyền, nay cũng lên tiếng bài bác những người biểu tình hôm Chủ Nhật. Với cử chỉ đầu tiên này, chính quyền La Habana hy vọng sẽ xoa dịu được người dân.
Lụt lội làm 1,300 người mất tích tại châu Âu
Thụy My
Mưa lớn gây lụt lội trong những ngày qua tại châu Âu, đặc biệt tại Đức. Hôm 17/07/2021 lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm khoảng 1.300 người bị mất tích. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 93 người thiệt mạng.
AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Đức cho biết tại miền tây, nơi bị lụt nhiều nhất, số nạn nhân thiệt mạng đã lên đến ít nhất 81 người. Nhật báo Bild hôm nay chạy tựa « Trận lụt tử thần », sau khi những trận mưa lớn đổ xuống nhiều vùng khiến nước sông bất ngờ dâng lên, gây hoảng loạn cho người dân.
Tại bang Rheinland-Pfalz, số tử vong ghi nhận đến sáng nay từ 28 đã lên đến 50 người. Con số này có thể còn tăng lên vì vẫn còn nhiều người mất tích tại bang này và bang Nordrhein-Westfalen. Chỉ riêng thành phố Bad Neuenahr-Ahrweiler thuộc bang Rheinland-Pfalz, đã có 1.300 người đến nay không có tin tức. Dù vậy chính quyền cho rằng có thể do đường điện thoại bị rối loạn, và bộ trưởng Nội Vụ Roger Lewentz ước tính khoảng 40 đến 60 người không liên lạc được trong thời gian dài có thể đã thiệt mạng.
Mưa tiếp tục trút xuống nhiều vùng ở miền tây, mực nước sông Rhin và và nhiều phụ lưu dâng lên một cách nguy hiểm. Gần 1.000 quân nhân được huy động để trợ giúp lực lượng cứu hộ ở những thành phố, làng mạc đang bị ngập nước, cây cối ngã đổ, xe cộ bị lật, nhà sập, nhiều khu phố hôm nay vẫn bị cô lập.
Thiên tai này khiến vấn đề biến đổi khí hậu trở thành trung tâm chiến dịch tranh cử tại Đức, các ứng cử viên đều hứa hẹn có những biện pháp để đối phó.
Các nước láng giềng của Đức như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg cũng bị ảnh hưởng. Tại Bỉ có ít nhất 12 người chết và nhiều người mất tích, quân đội được điều đến bốn tỉnh để cứu hộ và giúp di tản dân. Còn tại Hà Lan, nhiều khu phố của thành phố Maastricht phải sơ tán.