Indonesia bên bờ vực thảm họa
Straitstimes – Biến chủng Delta đang đẩy Indonesia đến gần bờ vực thảm họa hơn khi số ca nhiễm và số ca tử vong vì virus corona liên tục lập kỷ lục.
Bộ Y tế Indonesia ngày 16/7 báo cáo thêm 1.205 ca tử vong vì COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay ở Indonesia.
Ngoài ra nước này cũng ghi nhận thêm 54.000 ca nhiễm mới. Với con số này, Indonesia vượt Brazil trở thành quốc gia có số ca nhiễm trong ngày cao nhất thế giới. Hiện nước này đã có tổng cộng hơn 2,78 triệu ca nhiễm, trong đó 71.397 người đã tử vong.
Indonesia hiện đang chật vật đối phó với làn sóng COVID-19 nghiêm trọng chưa từng có, nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan hơn và một phần do các lễ hội tập trung đông người.
Ông Yaqut Cholil Qoumas, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo Indonesia, cho biết chính phủ nước này sẽ cấm các lễ cầu nguyện tụ tập đông người vào dịp lễ Idul Adha vào đầu tuần tới ở tất cả các khu vực nằm trong “vùng đỏ” và “vùng cam”.
Số ca nhiễm tăng nhanh khiến các bệnh viện ở Indonesia quá tải, nhiều bệnh nhân tử vong tại nhà vì không thể nhập viện điều trị. Theo số liệu của tổ chức Lapor, ít nhất 625 bệnh nhân COVID-19, chủ yếu ở Java, đã chết ngoài bệnh viện kể từ tháng 6 đến nay, trong đó chủ yếu là người tự cách ly tại nhà.
Ngoài ra, tình trạng quá tải bệnh nhân, khiến các bệnh viện thiếu trầm trọng nguồn cung ôxy y tế. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Indonesia đã yêu cầu tăng năng suất ngành sản xuất ôxy nội địa, đồng thời tăng cường tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới.
WHO đề nghị cung cấp dữ liệu thô nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc đáp trả
Channel News Asia – Trung Quốc ngày 16/7 đã lên tiếng đáp trả đề nghị của WHO về việc cung cấp dữ liệu thô nguồn gốc COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Phía Trung Quốc nắm được kế hoạch của Tổng giám đốc WHO Tedros, Trung Quốc đang xem xét vấn đề này. Truy tìm nguồn gốc là một vấn đề khoa học. Tất cả các bên nên tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học và tránh chính trị hóa”.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/7 nói với các phóng viên rằng một trong những thách thức chính trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra là “dữ liệu thô không được chia sẻ”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “minh bạch, cởi mở và hợp tác” trong giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra.
Tuy nhiên, ông Triệu cho biết: “Trung Quốc đã cho nhóm chuyên gia (do WHO dẫn đầu) xem dữ liệu thô cần xem xét. Các chuyên gia cũng nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng họ đã tiếp cận được một lượng lớn dữ liệu và thông tin. Họ cũng thừa hiểu rằng một số thông tin liên quan đến quyền riêng tư cá nhân không thể sao chép hay đem ra khỏi Trung Quốc”.
Ông Triệu cũng bác bỏ nhận định của ông Tedros cho rằng đang có “sự thúc đẩy quá sớm” để loại bỏ giả thuyết virus gây ra đại dịch COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ông Triệu trích dẫn báo cáo hồi tháng 3 của nhóm chuyên gia do WHO nói rằng, các nhà điều tra đã đồng tình quan điểm giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra”.
Hiện một số nước trong đó có Mỹ vẫn để ngỏ nghi vấn virus corona mới thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bắc Kinh bác bỏ nghi vấn này và phản đối mở rộng điều tra ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chuyển hướng điều tra sang những nơi khác trên thế giới.
Hôm 15/7, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros nhấn mạnh cần phải điều tra thêm trước khi có thể loại trừ hoàn toàn các giả thuyết.
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Cuba trả tự do cho người biểu tình
Aljazeera – Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet ngày 16/7 đã kêu gọi chính quyền Cuba trả tự do cho những người dân và một số nhà báo bị bắt trong cuộc biểu tình vừa qua.
Người dân Cuba đã xuống đường biểu tình từ Chủ nhật tuần trước để phản đối tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản, hạn chế quyền tự do dân sự và việc chính phủ xử lý đại dịch COVID-19. Ít nhất một người đã thiệt mạng và 100 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình lớn bắt đầu vào Chủ nhật.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, bà Bachelet nói rằng: “Điều đặc biệt đáng lo ngại là những người này bao gồm cả các cá nhân bị cáo buộc có hành vi phạm pháp hiện không rõ tung tích. Tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền của họ phải được trả tự do ngay lập tức”.
Bà Bachelet cũng lên án việc nhân viên an ninh sử dụng vũ lực quá mức, kêu gọi “một cuộc điều tra độc lập, minh bạch, hiệu quả” về người biểu tình đã thiệt mạng, yêu cầu những bên liên quan phải chịu trách nhiệm.h
Bà còn kêu gọi các nhà chức trách Cuba bảo đảm Internet được khôi phục hoàn toàn sau khi Internet bị cắt trong vài ngày đầu tuần này.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có thể thăm Trung Quốc bàn về vấn đề Triều Tiên
Reuters – Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu cho biết, Mỹ sẽ phải làm việc với Trung Quốc để đạt được tiến bộ đối với Triều Tiên.
Thông tin này được đưa ra trước chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới khu vực châu Á. Bà Sherman sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ vào tuần tới, bà có thể thêm Trung Quốc vào hành trình để làm việc về vấn đề Triều Tiên
Washington muốn làm việc với Trung Quốc về một số lĩnh vực có lợi ích chồng chéo, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về các vấn đề bao gồm thương mại và nhân quyền.
Washington muốn kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng những nỗ lực thiết lập liên lạc ngoại giao kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi đầu năm đã không nhận được phản hồi.
Quan chức cấp cao cho biết “chắc chắn rằng bất kỳ con đường nào để tiến tới” với Triều Tiên, sẽ cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, cũng như các đồng minh khu vực của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vị quan chức nói: “CHDCND Triều Tiên là một khu vực mà chúng tôi có thể làm việc với (Trung Quốc) vì không thể đưa ra giải pháp (nếu không có họ)”. Vị quan chức giải thích rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên.
Các nghị sĩ Anh bỏ phiếu kêu gọi chính phủ tẩy chay Olympic Bắc Kinh
Nikkei – Các nghị sĩ Anh hôm thứ Năm đã bỏ phiếu ủng hộ một động thái kêu gọi chính phủ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào năm 2022 trừ khi những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương được chấm dứt và chính quyền Trung Quốc phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các công dân và thực thể của Vương quốc Anh.
Mặc dù các động thái này không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng các hành động thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà lập pháp ở phương Tây đối với cáo buộc vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương và cuộc đàn áp ở Hồng Kông. Hành động này này diễn ra sau một động thái tương tự của nghị viện châu Âu vào tuần trước.
Cuộc tranh luận ở Vương quốc Anh do ông Tim Loughton, một thành viên đảng Bảo thủ của quốc hội dẫn đầu. Ông Loughton là một trong số các nhà lập pháp Anh bị Bắc Kinh trừng phạt vào tháng Ba.
Sau cuộc tranh luận, ông cho biết: “Anh và các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh: chúng tôi sẽ không làm ngơ trước những vụ lạm dụng ở khu vực có người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Hồng Kông”.
Đảng Lao động đối lập cũng đã yêu cầu tẩy chay Thế vận hội trừ khi các nhà điều tra của Liên hợp quốc được phép vào Tân Cương. Ủy ban liên đảng gồm các nhà lập pháp chuyên xem xét chính sách đối ngoại cũng khuyến nghị các chức sắc tẩy chay, cũng như không khuyến khích các doanh nghiệp Anh tài trợ hoặc quảng cáo tại Thế vận hội.