Bắc Kinh đang gây hấn với phương Tây, và đồng minh Nhật Bản của Mỹ đã lâm vào tình thế như đi trên dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo bài phân tích đăng trên trang SCMP.
Trung Quốc, Nhật Bản là những người khổng lồ châu Á và cũng là những láng giềng không mấy dễ chịu của nhau. Trong khi họ gạt bỏ hiềm khích lịch sử và sự ngờ vực trong những ngày đầu đại dịch – Nhật Bản đã gửi đến Trung Quốc những thùng khẩu trang trên đó có dòng thơ cổ với ý nghĩa “cùng chung gió và trăng dưới một bầu trời” – thì nay, căng thẳng lại gia tăng.
Bắc Kinh đang gây hấn với phương Tây, và đồng minh Nhật Bản của Mỹ đã lâm vào tình thế như đi trên dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Nhưng trong những tuần gần đây, sau khi một số quan chức cấp cao của Nhật Bản phá vỡ quan điểm trung lập truyền thống của Tokyo để thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan, khiến Bắc Kinh tức giận.
Các nhà quan sát Trung Quốc đang đặt câu hỏi liệu Nhật Bản có chọn một bên hay không.
“Định hướng chiến lược của Nhật Bản đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức”, ông Hu Jiping, Phó chủ tịch Viện quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho biết tại một hội thảo gần đây ở Bắc Kinh.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường được mô tả là “kinh tế nóng, chính trị lạnh”, phản ánh thực tế rằng quan hệ kinh tế ngày càng tăng đã không chuyển thành quan hệ chính trị chặt chẽ hơn.
Theo ông Hu, việc Tokyo chống lại Bắc Kinh gần đây cho thấy Nhật Bản có thể sẵn sàng hy sinh các quan hệ kinh tế đó để có lợi cho hợp tác an ninh với Mỹ.
“Quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản dường như đang ở ngã ba đường. Đây là một sự phát triển đáng lo ngại”, ông Hu nói.
Giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã tồn tại căng thẳng về nhóm đảo không có người ở do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, phía Nhật gọi là Senkaku.
Ngoài ra, Trung Quốc đã ban hành một luật tuần duyên vào tháng Một, cho phép các lực lượng tuần duyên của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, làm dấy lên lo ngại ở Nhật Bản.
Và khi Bắc Kinh gia tăng sức ép lên Đài Loan, bao gồm việc thường xuyên đưa máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, các quan chức Nhật Bản ngày càng lên tiếng ủng hộ hòn đảo.
Vào cuối tháng 6, Thứ trưởng quốc phòng Nhật Bản, Yasuhide Nakayama, nói rằng các nước dân chủ “phải bảo vệ Đài Loan như một nước dân chủ”.
Trong tháng này, phó thủ tướng Taro Aso tuyên bố Nhật Bản và Mỹ sẽ phải cần cùng nhau bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị xâm lược và Nhật Bản nên coi xung đột trên eo biển Đài Loan là đe dọa hiện hữu đối với an ninh của mình.
Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden coi an ninh của Đài Loan là ưu tiên của liên minh, kêu gọi “hòa bình và ổn định”.
Nhật Bản cũng nêu quan ngại về Đài Loan trong sách trắng quốc phòng hàng năm được công bố hôm thứ Ba. Sách trắng viết: “Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Do đó, điều nhất thiết là chúng ta phải chú ý đến tình hình với một ý thức về khủng hoảng hơn bao giờ hết”.
“Các cán cân quân sự tổng thể giữa Trung Quốc và Đài Loan đang nghiêng về phía Trung Quốc và khoảng cách dường như đang tăng lên qua từng năm. Cần chú ý đến các xu hướng như sự tăng cường của các lực lượng Trung Quốc và Đài Loan, việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và việc Đài Loan tự phát triển các thiết bị quân sự của chính họ”.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định không có thay đổi nào về chính sách đối với Đài Loan.
Một quan chức quốc phòng đưa ra thông tin tóm tắt rằng, không giống như Mỹ và các đồng minh châu Âu, Nhật Bản sẽ không công nhận Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh nhưng lo ngại về việc xây dựng quân đội của họ.
Ông nói: “Chúng tôi đã tiến hành phân tích mạnh mẽ về khả năng của Trung Quốc trong sách trắng, đặc biệt là về tên lửa đạn đạo, năng lực hạt nhân và tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Trước những phát biểu gần đây của Tokyo, Bắc Kinh cáo buộc Nhật Bản là “chư hầu chiến lược” của Mỹ, và tập trung vào chỉ trích quyết định của Tokyo về việc xả thải nước phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima không còn hoạt động ra biển.
Một quan chức Nhật Bản giấu tên cho biết: “Trung Quốc đã triệu tập các nhà ngoại giao của chúng tôi ngay sau khi chúng tôi công bố quyết định về nước thải ở Fukushima. Nhưng kỳ lạ là họ đã không làm điều đó sau khi Đài Loan được đề cập trong thông cáo chung từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật”.
“Người Nhật nổi tiếng với sự mơ hồ và gián tiếp, vì vậy rất hiếm khi thấy những biểu hiện thẳng thừng như vậy đối với các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương”, Liu Jiangyong, một chuyên gia về vấn đề Nhật Bản tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết.