Nữ doanh nhân, nhà văn và diễn giả người Mỹ Helen Raleigh đã có bài bình luận với tiêu đề “Tesla và lời cảnh báo với các công ty nước ngoài muốn ‘làm ăn’ với ĐCSTQ” đăng trên trang The Federalist. Trong bài viết của mình, bà Helen đã phân tích tình hình của Tesla tại Trung Quốc như một tài liệu tham khảo cho các công ty đa quốc gia đang muốn bắt tay hợp tác với ĐCSTQ.
Dưới đây là bài bình luận của bà.
Trong bối cảnh ĐCSTQ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, nhiều người dân quốc tế đã phản ứng với sự châm biếm và đặt câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ. Tuy nhiên, CEO Tesla Elon Musk đã đăng trên Twitter và Weibo ca ngợi sự thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc.
Trang Bloomberg đưa tin, hãng xe điện Tesla đang gặp khó khăn ở Trung Quốc. Do đó, Musk rõ ràng muốn làm hài lòng ĐCSTQ để cứu công ty của mình.
Đừng bao giờ thỏa thuận với ma quỷ
Bà Helen cho biết, cách đây không lâu, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ cho Musk để thu hút hãng xe Tesla đến Trung Quốc đại lục. Chính quyền Trung Quốc đã đồng ý biến Tesla trở thành công ty ô tô nước ngoài đầu tiên có công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn tại Trung Quốc.
Ngược lại, tất cả các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác, bao gồm Ford và General Motors, phải chọn hợp tác với các công ty địa phương của Trung Quốc và thành lập liên doanh trước khi có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc. Năm 2018, Tesla đã mở một nhà máy ở Thượng Hải. Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản giảm thuế và cho vay giá rẻ. Vì vậy, xe Tesla đủ điều kiện nhận trợ cấp hào phóng “Made in China” từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái, khi hầu hết các khu vực của Trung Quốc đang phải phong tỏa, thì ĐCSTQ lại cho phép chi nhánh Tesla trong nước nhanh chóng mở cửa trở lại vào tháng 2 và cung cấp “hỗ trợ hào phóng” cho nhà máy.
Theo báo cáo của Bloomberg, các nhân viên Trung Quốc của Tesla đã được hỗ trợ đi lại bằng xe bus do chính phủ cung cấp. Công nhân Tesla có đủ khẩu trang N95. Không giống như nhiều công ty, Tesla đã nhận được một số lượng lớn các thiết bị và dụng cụ bảo hộ y tế do chính phủ cấp phát. Nhà máy của Tesla cũng được phun khử khuẩn.
Tác giả cho hay, trong khi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác ở Trung Quốc, từ BMW đến Ford đều không được phép khởi động lại dây chuyền sản xuất trong thời gian dịch bệnh thì Tesla đã âm thầm bắt đầu hoạt động lại. Trong báo cáo thu nhập năm 2020 của Tesla, công ty con ở Trung Quốc chiếm 20% doanh thu toàn cầu và giúp Musk trở thành người giàu nhất thế giới.
Nhử mồi rồi đàn áp
Bà Helen cho biết, sự nhiệt tình của ĐCSTQ đối với Tesla dường như đã đột ngột dừng lại trong năm nay.
Bloomberg đưa tin, vào tháng 2, cơ quan quản lý của Bắc Kinh đã triệu tập các giám đốc điều hành của Tesla tại Trung Quốc để bày tỏ quan ngại về chất lượng và độ an toàn của xe hơi Tesla. Sau cuộc họp, Tesla đã đưa ra một tuyên bố xin lỗi đáng xấu hổ, nói rằng họ “chân thành chấp nhận những lời chỉ trích và hướng dẫn từ các cơ quan chính phủ” và [sẽ] “phản tỉnh sâu sắc về những thiếu sót của mình”.
Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã cấm xe Tesla đi vào khu quân sự và khu nhà ở của họ, vì cho rằng camera trên xe Tesla sẽ gây ra rủi ro về bảo mật dữ liệu. Tỷ phú Musk đã hứa với các quan chức rằng, tất cả dữ liệu do Tesla thu thập ở Trung Quốc đại lục sẽ được lưu trữ tại nước này.
Vào tháng 4, video một chủ sở hữu xe Tesla người Trung Quốc tuyên bố “hệ thống phanh của Tesla bị lỗi” đã lan truyền ở Trung Quốc và được xem hơn 200 triệu lần. Cần phải biết rằng đôi khi ĐCSTQ sẽ tuyên truyền hoặc thúc đẩy các vụ phản đối trên mạng để đạt được các mục tiêu chính trị của mình.
“Mặc dù không có dữ liệu đáng tin cậy nào để chứng minh cho tuyên bố của chủ sở hữu chiếc xe [rằng hệ thống phanh bị lỗi], nhưng Tesla một lần nữa đưa ra lời xin lỗi công khai và đã tự hạ nhục mình trong bối cảnh cơn giận dữ trên mạng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Tân Hoa xã của ĐCSTQ vẫn chỉ trích lời xin lỗi của Tesla là không chân thành”. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu JL Warren Capital, các đơn đặt hàng mới đã giảm 50% kể từ thời điểm bôi nhọ video của Tesla xuất hiện trên mạng.
ĐCSTQ dạy Tesla thế nào là chế độ độc tài?
Bà Helen nói, để ngăn chặn doanh số sụt giảm hơn nữa, chi nhánh Tesla tại Trung Quốc đã làm một điều không tưởng tại Mỹ. Theo Bloomberg, Tesla phàn nàn rằng, họ tin mình đã bị tấn công vô cớ trên mạng xã hội và yêu cầu chính phủ Trung Quốc sử dụng quyền kiểm duyệt để chặn một số bài đăng. Việc một công ty Mỹ nhờ chính quyền độc tài giúp kiểm duyệt ngôn luận đánh dấu một mức thấp mới trong nhân cách của Tesla và ban lãnh đạo của công ty này.
Vào tháng 6, chính phủ Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh nhất vào chi nhánh Trung Quốc của Tesla, ra lệnh cho công ty thu hồi gần như toàn bộ số xe đã bán tại Trung Quốc để “sửa chữa” một vấn đề gọi là phần mềm. Trong khi Tesla đang thu hồi xe điện thì các nhà sản xuất ô tô điện khác của Trung Quốc như Nio đang vượt qua Tesla với các lựa chọn thay thế rẻ hơn và thiết kế độc đáo.
Tác giả phân tích, đây là một ví dụ điển hình về chiến lược “Nhử mồi rồi đàn áp” của ĐCSTQ. Cựu quan chức ĐCSTQ, bà Thái Hà (Cai Xia) giải thích cách thức hoạt động của chiến lược này: “Họ [ĐCSTQ] sẽ sử dụng ngôn ngữ hấp dẫn để lừa các công ty đa quốc gia vào Trung Quốc, nhưng sau đó các công ty này sẽ sớm nhận ra rằng họ đã rơi vào bẫy: Họ phải chuyển giao công nghệ của mình hoặc họ sẽ phải đối mặt với việc đóng cửa. Sau khi có được công nghệ nước ngoài, ĐCSTQ thường sẽ tìm ra cách để buộc các công ty này rời khỏi thị trường Trung Quốc”.
Chính phủ Trung Quốc đã dụ Tesla đến Trung Quốc với một mục đích đặc biệt: Giúp kích thích và phát triển ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Trong kế hoạch công nghiệp Made in China 2025, chính phủ Trung Quốc đã liệt kê xe điện là một trong 10 lĩnh vực sản xuất và công nghệ chiến lược mà quốc gia này nên thống trị. Mặc dù Trung Quốc có thị trường xe điện lớn nhất thế giới, nhưng trước khi Tesla mở nhà máy ở Trung Quốc, công nghệ và thiết kế của các hãng xe điện nội địa tụt hậu rất xa so với các đối thủ quốc tế.
Bà Helen phân tích, chi nhánh Tesla tại Trung Quốc không chỉ là một nhà máy. Nó thuê và đào tạo nhân tài địa phương tham gia vào công việc nghiên cứu và phát triển tiên tiến. Kể từ khi Tesla mở nhà máy ở Trung Quốc, công nghệ và thiết kế của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
ĐCSTQ đã có những gì mà nó muốn
Có hai cách giải thích cho sự thay đổi thái độ của ĐCSTQ đối với Tesla. Tác giả phân tích, thứ nhất, như mô tả của bà Thái Hà về chiến lược “Nhử mồi rồi đàn áp”, ĐCSTQ có thể đã lấy được những gì nó muốn từ Tesla, chẳng hạn như quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến xe điện. Do đó, ĐCSTQ đã lợi chủ nghĩa dân tộc và tình cảm chống Mỹ đang trỗi dậy của người Trung Quốc để phát động chiến dịch phá hủy hình ảnh của Tesla và thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc mua ô tô điện sản xuất trong nước bởi các hãng xe do chính phủ hỗ trợ.
Thứ hai, Musk cũng sở hữu SpaceX, một thương hiệu sản xuất hàng không vũ trụ của Mỹ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ để đưa tên lửa, tàu vũ trụ và phi hành gia vào không gian. ĐCSTQ chưa bao giờ né tránh việc thể hiện ước mơ về không gian đầy tham vọng của mình.
Tuần trước, ba phi hành gia Trung Quốc đã đi bộ ngoài không gian bên ngoài trạm vũ trụ mới của Trung Quốc, đây là lần thứ hai trong lịch sử Trung Quốc. Bởi vậy, bà Helen lập luận, thật hợp lý nếu cho rằng ĐCSTQ buộc Musk phải chia sẻ công nghệ cao cấp của SpaceX bằng cách siết chặt chi nhánh Tesla tại Trung Quốc.
Bài học cho những công ty nước ngoài muốn bắt tay với ĐCSTQ
Tác giả cho rằng kinh nghiệm của chi nhánh Tesla tại Trung Quốc sẽ là lời cảnh báo cho các công ty Mỹ khác đang bị ám ảnh bởi quy mô và tiềm năng của thị trường Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có xu hướng xây dựng luật và quy định theo cách mà nó cho là phù hợp [với lợi ích bản thân] và áp dụng các quy định này theo ý muốn của đảng cầm quyền. Sự giàu có của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc không được bảo đảm và có thể thay đổi nhanh chóng.
Chính phủ Trung Quốc chỉ chấp nhận các công ty nước ngoài phát triển đủ lâu để “nuôi lớn” ngành công nghiệp trong nước. Một khi ĐCSTQ đạt được những gì họ muốn, các công ty nước ngoài sẽ thấy rằng điều kiện thị trường đột nhiên trở nên khó khắn. Các đối thủ địa phương bắt đầu sử dụng công nghệ tương tự để sản xuất sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn và nhanh hơn. Cơ quan quản lý của ĐCSTQ sẽ khiến môi trường kinh doanh của các công ty nước ngoài trở thành địa ngục, và sự tồn tại lâu dài của các công ty này sẽ đứng trên bờ vực nguy hiểm.
Ngoài ra, đầu tư vào Trung Quốc không còn là một quyết định thương mại thuần túy, nó còn là một lựa chọn chính trị. Bà Helen khuyên, Giám đốc điều hành của mọi công ty Mỹ phải nhận ra rằng bằng cách đầu tư vào Trung Quốc, họ đang bơm máu cho một chế độ độc tài xấu xa. Một chế độ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chống lại chính người dân của mình và vẫn là thù địch của tự do và dân chủ trên thế giới, và bất kỳ sự hợp tác hoặc thỏa hiệp nào với ĐCSTQ tà ác cũng là sự tổn hại nghiêm trọng cho công ty và quốc gia của họ.