Thanh Hải
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã gửi hàng chục ngàn binh sĩ tới biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ ở Ladakh, nằm trên cao của dãy Himalaya, Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện vào lãnh thổ Ấn Độ. Về điều này, Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Gordon Chang, một viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, ông cho rằng ông Tập Cận Bình đang vận động Trung Quốc tham chiến.
Theo lời của Nhật báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, việc khai triển này diễn ra trong khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có một “bài diễn văn ủng hộ hòa bình, ủng hộ phát triển, và ủng hộ hợp tác” để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.
“Người dân Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức, hay nô dịch người dân của bất kỳ quốc gia nào khác, và chúng ta sẽ không bao giờ làm như vậy”, ông Tập cho biết hôm 01/07.
Hồi tháng Năm năm ngoái, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chuyển quân xuống phía nam Đường Kiểm soát Thực tế ở Ladakh, nói cách khác là, tiến vào lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Một tháng sau, vào đêm ngày 15/06, binh lính Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ và làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn Độ.
Ấn Độ đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng và mở một cuộc phản công vào tháng 08/2020. Sau đó, Trung Quốc đã bổ sung quân số, tăng số lượng binh lính từ 15,000 của một năm trước lên thành 50,000 vào thời điểm hiện tại. Bắc Kinh cũng đã mang các vũ khí tối tân tới khu vực này và bắt đầu xây dựng các căn cứ.
Ladakh không phải là điểm nóng duy nhất trên dãy Himalaya, Trung Quốc còn xâm chiếm ở Sikkim của Ấn Độ cũng như những cuộc xâm lược ở các nước láng giềng Bhutan và Nepal.
Chiến dịch chống Ấn Độ của Bắc Kinh là đa phương diện. Bà Cleo Paskal thuộc Tổ chức Bảo vệ các Nền Dân Chủ nói với Viện Gatestone rằng, “Kể từ tháng Sáu năm ngoái, có một cuộc tấn công được cho là của Trung Quốc vào lưới điện Mumbai, những kẻ khủng bố theo chủ nghĩa Mao có liên hệ với Trung Quốc đã sát hại 20 thành viên lực lượng an ninh khác của Ấn Độ, và chúng ta đã chứng kiến một cuộc tấn công hủy diệt vào một nhà máy sản xuất linh kiện iPhone mà trông giống như một phần của một hoạt động chiến tranh chính trị của Bắc Kinh nhằm ngăn cản việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng sang Ấn Độ”.
Do đó, nhiều người ở Ấn Độ hiện đang nhìn Trung Quốc với quan niệm xấu nhất có thể. Như bà Paskal giải thích rằng, “Bề rộng và chiều sâu của cuộc chiến tranh xâm lược không hạn chế của Đảng Cộng sản này đối với Ấn Độ khiến người ta nghĩ rằng không có rào cản nào đối với hành vi xấu xa của Bắc Kinh”.
Người dân Ấn Độ có lý khi lo ngại. Trung Quốc đã thay đổi định nghĩa về “chiến tranh,” và một trong những công cụ của họ là bệnh dịch. Nếu SARS-CoV-2, mầm bệnh gây ra COVID-19, không khởi điểm là một vũ khí sinh học, thì giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến nó thành một loại vũ khí, bằng cách nói dối về sự lây lan [của căn bệnh] và gây áp lực buộc các quốc gia khác phải tiếp nhận những người bị nhiễm bệnh đến từ Trung Quốc.
Bà Paskal lưu ý rằng, “Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Ấn Độ nghĩ rằng làn sóng virus corona thứ hai của họ là do Trung Quốc cố ý phát tán để làm suy yếu họ hơn nữa”.
Có vẻ như Bắc Kinh thậm chí đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử để chiến đấu trong cuộc chiến tiếp theo.
Tờ Washington Post đã báo cáo rằng trong một khu vực bao phủ hơn 700 dặm vuông ở sa mạc Gansu, Trung Quốc có vẻ đang xây dựng 119 hầm chứa hỏa tiễn dành cho hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa với 10 đầu đạn DF-41. Khi cộng thêm 26 hầm chứa nữa mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng ở nơi khác, thì từ những khu vực cố định này Trung Quốc có thể sớm có được sức mạnh hỏa lực ngang với kho vũ khí nguyên tử hiện có của Hoa Kỳ. Khi mà hỏa tiễn của Trung Quốc được mang trên các bệ phóng di động và cộng thêm các tàu ngầm, thì những đầu đạn của Trung Quốc có thể vượt quá cả của Hoa Kỳ.
Bởi vì Bắc Kinh đã có đủ số lượng vũ khí nguyên tử để răn đe những quốc gia khác rồi—Trung Quốc từ lâu đã có đủ vũ khí cho cái gọi là “sức uy hiếp răn đe tối thiểu”—có vẻ như các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử cho khả năng tấn công. Các sĩ quan chỉ huy và giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đã công khai đe dọa sử dụng kho vũ khí của họ theo cách này.
Trong bất kỳ trường hợp nào, ông Tập Cận Bình trong bài diễn văn hiếu chiến hôm 01/07 của mình đã hứa sẽ “làm nứt đầu và đổ máu” những kẻ đang cản đường những gì, về bản chất, là các kế hoạch của ông ta nhằm giành lấy lãnh thổ đang nằm trong sự kiểm soát của quốc gia khác.
Đáng chú ý hơn, ông ta đe dọa sẽ hạ bệ hệ thống các quốc gia có chủ quyền quốc tế Westphalia hiện thời, được thành lập vào năm 1648. “Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, với sự dũng cảm và ngoan cường của mình, long trọng tuyên bố với thế giới rằng nhân dân Trung Quốc không chỉ giỏi trong việc phá hủy thế giới cũ, mà còn giỏi trong việc xây dựng một thế giới mới”, ông Tập nói.
Một thế giới mới ư? Trong suốt thế kỷ này, ông Tập đã đề cập gián tiếp đến thiên hạ (tianxia), hay “toàn bộ dưới gầm Trời.” Trong hai thiên niên kỷ, những vị hoàng đế Trung Hoa đều tin rằng họ vừa có Thiên Mệnh trị vì thiên hạ vừa có nghĩa vụ phải làm như vậy.
Gần đây, những lời đề cập của ông Tập trong các tuyên bố công khai đã trở nên có thể nhận ra rõ ràng, và những cấp dưới của ông ta cũng rõ ràng việc ông Tập tin rằng tất cả mọi người bên ngoài Trung Quốc đều phải phục tùng ông ta.
Theo chuyên gia Gordon Chang, trong lúc tuôn ra lời nói như thiên hạ và những lời lẽ hiếu chiến, thì ông Tập đã đang chuẩn bị cho người dân Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh. Hôm 1/07, ông Tập nói về việc những người ngoại quốc đang đụng phải một “bức tường thép được xây bằng thịt và máu của 1,4 tỷ người Trung Quốc”.
Ngoài ra, ông ta đang có những chuẩn bị để sử dụng đội quân sáng bóng của mình. Các sửa đổi đối với Luật Quốc phòng của Trung Quốc, có hiệu lực vào đầu năm nay, chuyển quyền lực từ các quan chức dân sự sang quan chức quân sự.
Các sửa đổi đó làm giảm vai trò của Quốc vụ Viện của chính quyền trung ương và chuyển giao quyền lực cho Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản. Cụ thể, Quốc Vụ viện sẽ không còn giám sát việc huy động Quân đội Giải phóng Nhân dân nữa. Nhiều nhất là chính quyền trung ương chỉ đơn thuần sẽ thực hiện các chỉ thị của Đảng.
Thực ra thì bộ luật này có thể chẳng qua là làm điệu bộ thôi-Đảng Cộng sản luôn nắm quyền kiểm soát – nhưng dù sao thì tín hiệu này cũng là đáng ngại. Xét cho cùng, bộ luật mới này dự tính việc vận động quần chúng nhân dân cho chiến tranh.
Những thay đổi đó báo hiệu sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân bên trong Đảng và làm nổi bật việc quân sự hóa các mối quan hệ ngoại giao của quốc gia này. Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một quốc gia quân sự.
Ông Chang nhận định, hôm 01/07, ông Tập Cận Bình đã nói với thế giới những gì ông ta sẽ làm. Chúng ta rất có khả năng đang ở trong những thời khắc cuối cùng của nền hòa bình.