Chính sách chống dịch sai lầm huỷ hoại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Lương Hoà Bình

Công nhân tại một nhà máy may xuất khẩu ở Hưng Yên đang làm việc (hình chụp tháng 12/2020) Reuters

Vai trò của Trung Quốc suy giảm

Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm đến hơn 28% sản lượng toàn cầu. Đại dịch COVID 19 khiến các quốc gia trên thế giới phải xem xét lại về quan điểm của họ đối với chuỗi giá trị toàn cầu và những rủi ro liên quan. Nhiều quốc gia đang xem xét lại các hoạt động sản xuất của họ, bằng cách chuyển từ Trung Quốc về trong nước hoặc sang các quốc gia khác có chi phí thấp khác. Trường hợp Nhật Bản khuyến khích các công ty nước này rút khỏi Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Kết quả là một số nước và tập đoàn xuyên quốc gia đang cân nhắc việc tái cơ cấu sau thời kỳ dịch bệnh – chẳng hạn như chuyển đổi sang tách rời kinh tế và tập trung vào chuỗi giá trị tự phát triển. Xu hướng này sẽ dẫn đến sự bất ổn của chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu đang phải đối mặt với hai thách thức: Cuộc thương chiến với Mỹ và đại dịch COVID-19. Cuối cùng, xu hướng này sẽ làm giảm sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với việc chuỗi giá trị toàn cầu “hồi hương” hoặc chuyển sang các quốc gia có chi phí thấp khác ở châu Á, khiến xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng bị ảnh hưởng trong dài hạn. Theo một nghiên cứu của Trường Kinh tế Thiên Tân (Trung Quốc), nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa tư bản và hàng hóa trung gian của Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể. Tác động ban đầu của đợt bùng phát dịch bệnh khiến xuất khẩu giảm mạnh và phá vỡ chuỗi giá trị của Trung Quốc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, Trung Quốc đang bị sa lầy ở mức trung bình và thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đại dịch COVID 19 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với sự phân chia của chuỗi giá trị. 

Vai trò của Việt Nam đang nổi lên

Việt Nam nổi lên như “nơi hút vốn” trên thế giới. Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng, nhiều nhà nhập khẩu ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã chuyển sang chuỗi cung ứng thay thế. Theo Cục Thống kê Mỹ, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 33% vào đầu năm 2019. Chi phí lao động thấp đã tạo động lực tốt hơn để các nhà đầu tư Mỹ chuyển sang Việt Nam. 

Trong những năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển ít nhất một số chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc đến những nơi như Việt Nam, điểm đến có chi phí nhân công rẻ hơn và cơ sở hạ tầng tương đối đủ.

Ví dụ như trường hợp Ấn Độ. Trước đây, hơn 1/3 hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ là từ Trung Quốc bao gồm các thiết bị, linh kiện và bộ phận điện tử và viễn thông. Khi dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc, Ấn Độ dần chuyển hướng sang các nước có chi phí thấp khác như Việt Nam. 

Nhu cầu thiết lập nhà máy ở miền Nam Việt Nam tăng vọt, với tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Bình Dương – tỉnh công nghiệp liền kề Tp. Hồ Chí Minh – được ghi nhận là 97%.

2016-10-13T120000Z_683692519_S1BEUGQVZJAB_RTRMADP_3_SAMSUNG-ELEC-SMARTPHONES-VIETNAM.JPG
Nhà máy Samsung ở Thái Nguyên. Reuters

Năm 2019, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chiếm gần 1/5 trong tổng số 38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Việt Nam. Tiếp theo là Hong Kong, Nhật Bản và Trung Quốc.

Tháng 5/2021, truyền thông khu vực đưa tin “gã khổng lồ” công nghệ Apple của Mỹ đã sản xuất từ 3 đến 4 triệu tai nghe AirPod tại Việt Nam trong tháng 4 – tương đương khoảng 30% trong cả quý – dấu hiệu cho thấy một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Các báo cáo cũng lưu ý rằng nhiều nhà cung cấp của Apple, gồm Foxconn và Pegatron và nhà sản xuất iPad Compal Electronics, cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Inventec, một nhà lắp ráp AirPod, được cho là đang xây dựng một nhà máy tại Việt Nam.

Pegatron có kế hoạch đầu tư một tỷ USD vào Hải Phòng sau các nhà cung cấp khác cho công ty Cupertino, California, cũng di dời sang Việt Nam. Các nhà sản xuất đang “gõ cửa” các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và cam kết đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập các cơ sở. Trong số này phải kể đến Samsung Electronics với khoảng một nửa số điện thoại thông minh của hãng sản xuất tại Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đe doạ

Nhiều hãng thông tấn khu vực và quốc tế cho rằng đợt bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam đang tiếp tục gây ra các hậu quả kinh tế khi các công ty công nghệ cao và nhà máy xuất khẩu lớn buộc phải tạm ngừng hoạt động, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” của chính quyền địa phương. Các chuyên gia lo ngại rằng việc này có thể tác động sâu rộng đến tiêu dùng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu.

TP. Hồ Chí Minh, “tâm dịch” lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, vừa bắt đầu áp dụng quy định “3 tại chỗ” từ ngày 15/7. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được yêu cầu phải thực hiện phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”, nghĩa là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân, có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo các yêu cầu trên, họ buộc phải dừng hoạt động kể từ 0h ngày 15/7.

Trước những yêu cầu trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất và công nghệ hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh đã thông báo tạm đóng cửa vì không thể thực hiện các yêu cầu. Công ty PouYuen Việt Nam (doanh nghiệp giày dép lớn nhất thế giới chuyên sản xuất cho các nhãn hiệu như Nike và Adidas, với với hơn 56.000 công nhân đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết công ty sẽ đóng cửa trong vòng 10 ngày vì không thể thực hiện yêu cầu lo liệu cho tất cả nhân viên ở lại nhà máy và làm các xét nghiệm thường xuyên cho họ.

Khu công nghệ cao Sài Gòn, nơi tập trung nhiều công ty hàng đầu về công nghệ như tập đoàn Nidec của Nhật Bản (chuyên sản xuất các sản phẩm motor và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chế tạo động cơ công nghệ cao), hay tập đoàn Intel của Mỹ (với nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip), tập đoàn Samsung Electronics (chuyên sản xuất hàng điện tử gia dụng của Hàn Quốc) cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nhà máy tại khu công nghệ này đã phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, hãng Intel được phép tiếp tục hoạt động sau khi thực hiện quy định “3 tại chỗ” và giảm bớt một số hoạt động sản xuất.

khucongnghecao.jpeg
Một góc Khu công nghệ cao Sài Gòn. Hình: Sài Gòn Giải Phóng

Vấn đề là tất cả những yêu cầu đó, các doanh nghiệp phải thực hiện chỉ trong 24 giờ khi văn bản được công bố. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhưng mấy ngày qua, con số lây nhiễm vẫn cứ tăng lên. Điều đó cho thấy cách thức chống dịch của chính quyền TPHCM không thực sự hiệu quả.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn – Một bác sĩ có chuyên môn cao và tâm huyết đã viết trên FB của ông ta: “Việc chính quyền Việt nam phải thay đổi triệt để cách chống dịch là tất yếu. Muốn vậy, lãnh đạo của Việt nam phải bỏ hết những tư duy ngạo nghễ, những trò chơi chữ hay lấp liếm sự yếu kém của mình, và làm theo kinh nghiệm của những nước đi trước, có tính toán đến những thuận lợi mà chúng ta đang có (mà trước đây họ không có), đó là vắc-xin. Chỉ có thay đổi triệt để, song song với việc nới lỏng cách li, phong tỏa, giải phóng cho lưu thông hàng hóa, duy trì công ăn việc làm, an sinh cho người dân, đồng thời với việc bảo vệ và duy trì hoạt động của hệ thống y tế ở mức tối đa, thì mới có thể vượt qua cơn dịch này với thiệt hại ít nhất.”

Một số chuyên gia cho rằng việc xuất khẩu công nghệ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam và Khu Công nghệ cao Sài Gòn chiếm 30% xuất khẩu, do đó, việc đóng cửa các nhà máy tại đây có khả năng gây ra sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi tuần qua người dân Việt Nam đã chứng kiến tình trạng hỗn loạn ở các cửa hàng tạp hoá, siêu thị sau khi lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thắt chặt, thậm chí cấm giao thực phẩm.

Chuyên gia phân tích thị trường tài chính của BIDV Securities tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đức cho rằng việc nhà máy bắt buộc phải đóng cửa có thể làm đình trệ chuỗi cung ứng hàng hóa và nguyên liệu thương mại toàn cầu trong quý 3/2021 và sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ông Nguyễn Tiến Đức lưu ý, các đợt lây nhiễm ở Việt Nam hiện nay khác với trước đây với tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao chưa từng có và 15 ngày tới sẽ là “bản lề” để xem liệu Tp. Hồ Chí Minh có thể ngăn chặn thành công đợt bùng phát COVID-19 lần này hay không.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn có nhận xét: “Những câu chuyện như giấy thông hành xét nghiệm, bánh mì không phải lương thực thực phẩm, không được đi xe máy hay đi bộ đi làm… phản ánh trình độ của một bộ phận của đội ngũ đắc lực của đảng đang được huy động ra chống dịch. Những quyết định ngăn sông cấm chợ, những kế hoạch kiểu như chở rau bằng máy bay từ Bắc vô Nam, bộc lộ trình độ thật của nhiều quan chức cấp cao của đảng và nhà nước.”

Chính năng lực của các lãnh đạo Việt Nam đã dẫn tới các chính sách chống dịch “thảm hại” như trên. Và chính điều đó mới dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ đánh mất vai trò quan trọng đang lên của mình trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Related posts