Từ Tịnh
Tasha Tudor là một cụ bà sống ở vùng núi sâu Vermont, Hoa Kỳ. Cuộc đời của bà đã được quay thành một bộ phim tài liệu nổi tiếng trên thế giới. Tại Nhật Bản bà được mệnh danh là “Người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất trên thế giới”. Bà qua đời ở tuổi 92 vào năm 2008, và được biết đến là bậc thầy của lối sống dân dã điền viên.
Tasha Tudor (1915-2008) là một nhà văn và họa sĩ vẽ tranh minh họa cho sách ảnh thiếu nhi nổi tiếng của Mỹ, đồng thời là người nhận được giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của Nữ hoàng Anh.
Bà đã viết hơn một trăm cuốn sách và nhận được “Giải thưởng Catic”, được trao đặc biệt cho các nhà văn viết sách ảnh xuất sắc. Dù vậy, bà đã làm việc không mệt mỏi trong suốt cuộc đời mình, và tạo ra cuốn sách minh họa cuối cùng cho đến năm 87 tuổi.
‘Cuộc sống tươi đẹp’
Người phụ nữ quá cố này rất nổi tiếng, bà có nhiều người hâm mộ ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và nhiều nước khác. Bà còn có một bộ sách ảnh ghi lại cuộc sống của bà tên là “Cuộc sống tươi đẹp của Tasha” – được đánh giá là cuốn sách hạnh phúc nhất trong năm.
Tasha qua đời ở tuổi 92 vào năm 2008. Bộ phim tài liệu được quay vài năm trước khi bà qua đời không chỉ thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, mà còn tạo ra một làn sóng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bà thậm chí được giới truyền thông Nhật Bản bình chọn là “Nhân vật nữ được mong đợi nhất”.
Vì sao bà lại được nhiều bầu chọn đến vậy?
Câu trả lời nằm trong chính thái độ sống của bà, đó là một điều tuyệt vời đáng kinh ngạc.
Sinh ra ở Boston vào năm 1915, bà Tasha được nuôi dưỡng trong trang trại – là nhà một người bạn của cha bà – do cuộc ly hôn của cha mẹ bà vào năm bà 9 tuổi, điều này khiến bà yêu cuộc sống dân dã ở nông thôn. Ngoài tài năng, năng khiếu vẽ bà còn được thừa hưởng tài năng từ cha là một nhà thiết kế máy bay và mẹ là một họa sĩ vẽ chân dung.
Bà kết hôn năm 23 tuổi, khi đó bà đã rất nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Pumpkin Moonlight”. Bà sinh được 4 người con gồm 2 trai, 2 gái. Đến năm 43 tuổi bà ly hôn và một mình nuôi con bằng tiền bản quyền bán sách, vẽ tranh và tiền bán búp bê do chính bà làm.
Sau khi các con của bà kết hôn, bà chuyển đến vùng núi Vermont của Hoa Kỳ và mua 300.000 m2 đất bằng tiền bản quyền. Với sự giúp đỡ của người con trai cả – người thành thạo nghề mộc, và đã xây dựng cho bà ngôi nhà, chuồng trại và khu vườn theo phong cách thế kỷ 19. Từ đây, bà bắt đầu sống cuộc đời vui thú điền viên một mình.
Thế giới cổ tích của Tasha
Bà từng bước tự tay lên kế hoạch và khai khẩn trong khu rừng, từng bước tạo nên khu vườn mơ ước của mình. 35 năm sau, những gì người ta thấy trên phim là thành quả lao động và sức sáng tạo tuyệt vời của bà. Một vùng quê đẹp như truyện cổ tích, khu vườn nghệ thuật theo phong cách tự nhiên của Tasha. Bà trở thành nghệ sĩ được mọi người ngưỡng mộ.
Nhưng để có được những gì mọi người ngưỡng mộ, bà Tasha đã lao động chăm chỉ và hoàn toàn thực hiện mọi thứ một mình, ở nơi thiếu thốn điều kiện như vùng núi sâu này.
Nơi không có nước, không có điện, bà đã làm tất cả những công việc nặng nhọc như một người đàn ông và tự mình lo liệu mọi thứ. Từ những việc gánh nước, tưới hoa, chăn gà, chăn cừu, cuốc đất trồng rau, đào khoai, chặt củi, vắt sữa dê… và các công việc nhà như dệt vải, đan áo len, hái táo, ép nước hoa quả, đốt lửa nấu ăn, làm nến, đèn dầu và xà phòng…
Nhưng nếu theo dõi bộ phim về bà, chúng ta sẽ thấy cử chỉ thanh lịch và duyên dáng của bà trong đời sống hàng ngày, bởi bà tin rằng là phụ nữ phải luôn giữ được sự nữ tính.
Bà Tasha mặc một chiếc váy cổ điển do chính bà may, với những chiếc khăn trùm đầu màu sắc do bà tự phối kết hợp. Khi nhìn bà đi lại tự do giữa những bông hoa trên cánh đồng, người ta nói rằng bà Tasha trông đẹp như bức tranh vẽ theo ý mình.
Lối sống của bà Tasha đã và đang truyền cảm hứng cho rất nhiều người phụ nữ trên thế giới, không bị phụ thuộc vào cuộc sống mệt mỏi chỉ chạy theo vật chất và những năm tháng dài đằng đẵng. Tâm hồn của bà Tasha giống như trái tim trong sáng của trẻ thơ, được bồi đắp bằng những điều giản dị và thuần khiết.
Từ Tịnh