Cập nhật tin COVID tại VN sáng thứ Ba: Thêm 2.764 ca COVID-19

Hiểu Minh

Thêm 2.764 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 27/7 ghi nhận 2 ca nhập cảnh và 2.762 ca ở 21 tỉnh thành, trong đó có 538 ca cộng đồng.

2.762 ca ghi nhận tại: TP.HCM (1.849), Đồng Tháp (149), Tây Ninh (144), Đồng Nai (119), Bình Dương (87), Vĩnh Long (73), Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (52), An Giang (43), Phú Yên (37), Khánh Hòa (26), Cần Thơ (17), Đăk Lăk (11), Kiên Giang (11), Hậu Giang (7), Hà Nội (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Huế (2), Cà Mau (1).

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 68.271, Bình Dương 8.830, Đồng Nai 2.594, Đồng Tháp 2.243, Tiền Giang 1.825, Phú Yên 1.068, Khánh Hòa 993, Hà Nội 988, Tây Ninh 938, Vĩnh Long 708, Bà Rịa – Vũng Tàu 607, Bến Tre 551, Cần Thơ 393, An Giang 226, Kiên Giang 159, Trà Vinh 145, Đăk Lăk 128, Bình Định 103, Hậu Giang 99, Cà Mau 25, Thừa Thiên Huế 18.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 105.287, ghi nhận ở 62 tỉnh thành.

Người Khánh Hoà phản ánh hết hạn vẫn không được rời khu cách ly, giới chức lên tiếng lý giải?

Báo tuoitre cho biết, nhiều người dân ở Khánh Hòa đã gọi điện cho phản ánh khu dân cư của họ đã hết thời hạn phong tỏa công bố nhưng vẫn chưa tháo dỡ. Nhiều người diện F1 bức xúc đã quá thời gian cách ly tập trung quy định nhưng họ vẫn chưa được cho về.

Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ Tôn Thất Toàn – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa lên tiếng lý giải.

Ông Toàn cho biết, có nhiều người F1 khi gần đủ thời gian cách ly tập trung theo quy định chung (21 hoặc 14 ngày) nhưng do mẫu xét nghiệm COVID-19 theo mẫu gộp với những người khác (tức lấy mẫu của 5 người làm chung một mẫu xét nghiệm gộp) có kết quả dương tính. Họ phải tiếp tục ở lại cách ly để được lấy mẫu xét nghiệm riêng, khi có kết quả âm tính, an toàn thì mới được giải quyết rời khu cách ly tập trung.

Còn đối với nhiều khu vực dân cư đã phong tỏa, cách ly y tế có thời hạn đã công bố, sau đó có người trong khu vực đó có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 thì bắt buộc phải kéo dài thời gian phong tỏa, cách ly để tiếp tục kiểm tra, truy vết, xét nghiệm lại. 

Theo ông Toàn, trong quyết định phong tỏa, cách ly y tế ngoài thời hạn đã nêu ban đầu còn quy định có thể gia hạn, kéo dài nhằm bảo đảm an toàn về dịch bệnh COVID-19.

Ông Toàn cũng lưu ý thời gian vừa qua, do số ca nhiễm ở Khánh Hòa phát hiện mỗi ngày còn nhiều, nên việc xét nghiệm, trả kết quả có khi cũng bị chậm, liên quan đến các trường hợp như người dân đã phản ánh. Hoặc có khi có sự chậm trễ làm các thủ tục liên quan của các đơn vị khác cũng dẫn đến chậm trễ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, tính đến 16h chiều 26-7  tỉnh này có 1.242 ca nhiễm virus corona. Số trường hợp F1 là 3.987 người.

TP.HCM: Shipper muốn lưu thông phải có bảng tên, mã QR Code, băng đeo tay…

Nld – Theo đó, TP.HCM chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn TP trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Các công ty giao hàng thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 12 ngày 22/7.

Bên cạnh đó, ngoài các giải pháp nhận diện shipper thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng…các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho shipper. 

Đồng thời, xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20m, in chữ “shipper” màu trắng.

Về địa bàn hoạt động, các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Riêng với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ, ví dụ nhân viên giao hàng của siêu thị, các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.

TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh theo định kỳ cho đội ngũ tài xế giao hàng; thường xuyên nhắc nhở shipper tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch; định kỳ hằng ngày, đăng ký danh sách đội ngũ shipper, địa bàn hoạt động về Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý.

Hà Nội xuất hiện ổ dịch mới

VnExpress – Bước sang ngày thứ ba giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thành phố Hà Nội ghi nhận ổ dịch mới tại Bệnh viện Phổi Hà Nội với ít nhất 20 ca dương tính. Ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc bệnh viện, cho biết Khoa Nội 3, nơi phát hiện các ca dương tính, đang điều trị bệnh về phổi, nằm giữa các khu vực điều trị của viện. Vì vậy, ngoài các ca F0, “gần như toàn bộ bệnh viện đã trở thành F1”. Nguồn lây bệnh chưa được xác định, nên công tác truy vết, điều tra dịch tễ được tiến hành khẩn trương.

Hiện, không chỉ Khoa Nội 3 mà tất cả các khoa trong bệnh viện được cách ly y tế “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bệnh viện cũng đã được phong tỏa ngay tối 25/7.

Tổng số người có mặt tại bệnh viện là 323, trong đó 214 bệnh nhân đang điều trị, đều đã được lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, bệnh viện xét nghiệm cho tất cả người nhà và các cán bộ nhân viên y tế đang nghỉ cuối tuần.

Theo Vietnamnet, cũng tại Hà Nội, tối 26/7, một lãnh đạo UBND phường Mộ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn xuất hiện ca dương tính COVID-19.

Đây là cư dân sinh sống tại tòa nhà S1 chung cư Seasons Avenue thuộc khu CT09, khu đô thị Mỗ Lao.

Người này có triệu chứng ho, sốt từ ngày 19/7, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính COVID-19 vào tối 26/7.

Vị lãnh đạo cho biết thêm, toà nhà nơi ca bệnh trên sinh sống có khoảng 400 căn hộ với hơn 1.000 cư dân. Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tạm thời phong tỏa toàn bộ tòa S1 để khử khuẩn, điều tra dịch tễ. Sau khi có kết quả truy vết, chính quyền sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo.

Trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29/4, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 794 trường hợp nhiễm COVID-19, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương.

Related posts