Khoe ăn, khoe ưu tiên sống khi dân đang khó: Nhẫn tâm

Khoe mẽ, phô trương trong bối cảnh cả người dân nhiều nơi khốn cùng, khó khăn là thiếu văn hóa, bất nhẫn, nhẫn tâm với chính đồng bào mình

Khoe ăn, khỏe của khi người dân thiếu đói là vô cảm, nhẫn tâm

Khoe ăn, khỏe của khi người dân thiếu đói là vô cảm

Câu chuyện khoe của, khoe ăn, khoe được ưu tiên sống của một số Á hậu, doanh nhân, ca sĩ, nghệ sĩ vẫn khiến dư luận bất bình, bức xúc. Bình luận thêm về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, bất kể hành vi khoe mẽ nào trong bối cảnh người dân đang khốn khổ chống chọi với dịch bệnh đều rất phản cảm, không thể chấp nhận được.

Dẫn lại câu tục ngữ: “Tốt khoe, xấu che”, ông Đực cho hay, quan điểm này đã ăn khá sâu vào trong nhận thức của đa số người Việt từ những năm 60-70 về trước, khi đời sống của người dân còn nhiếu khốn khó. Từ việc ăn một con gà cũng phải giấu giếm, chặt nhẹ nhàng, sợ hàng xóm biết. Có được một lượng vàng cũng phải đào chân giường, chôn giấu, không để ai biết mình giàu. Họ che tới việc giấu công việc, che cả tiền lương, thu nhập, che giấu tới cả lòng dạ và tham vọng. Vì điều này, có nhiều người đã mang theo cái mặt nạ ra ngoài xã hội để ứng xử, đối đãi với nhau.

Những năm gần đây khi nền kinh tế thị trường mở cửa, nhiều người bắt đầu giàu lên nhanh chóng, có nhiều tài sản, tiền của… thì họ bắt đầu muốn khoe. Lối sống huênh hoang tự đại, hiếu thắng, muốn mình phải là trung tâm, phải được nhận đặc quyền, đặc lợi, phải được ưu tiên sống, được sử dụng dịch vụ tốt, thuốc tiêm tốt nhất… ngày càng nặng.

Cán bộ, công chức thì khoe chức quyền, khoe nhà cao cửa rộng tới khoe vợ là ca sĩ, người mẫu.

Nhà giàu thì khoe lăng mộ, biệt điện trăm tỉ. Giới nghệ sĩ lại khoe xe đắt tiền, khoe đồ hàng hiệu, khoe tới vợ giỏi, con khôn, chồng giàu, chồng chiều. Thậm chí còn có người tự phong thánh cho con khi mới ở cái tuổi 2-3, khi còn chưa biết gì.

Nguy hiểm hơn cả là những việc làm trái với đạo đức lương tâm cũng được người ta mang ra khoe như một chiến tích, một niềm tự hào. Hành động này vô tình đã đang cổ xúy cho một số hành vi sai trái, không trung thực.

Ví dụ như việc con gái giám đốc Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận khoe được bố cấp giấy thông hành ngay cả khi không là thành viên. 

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chiến lược vaccine phải cân lên, đặt xuống, xem xét, lựa chọn nhóm đối tượng ưu tiên đó là: những đối tượng không có khả năng né tránh virus bằng những biện pháp khác, những người dễ bị tổn thương như người già, người cao tuổi, là công nhân lao động trong nhà máy, xí nghiệp… đều đang ngóng chờ được phân phối từng liều, từng ngày thì lại có những người khoe được hưởng đặc quyền tiêm vaccine mà không cần đăng ký hoặc qua mối quan hệ của người ông, người anh, người chồng là không thể chấp nhận được. Nói thẳng đó là sai luật, là đáng bị lên án, cần phải bị xử lý.

Cần xây dựng hệ quy chuẩn ứng xử

Ông Đực cho hay, có chuyện nhiều người ngày càng làm những việc lố bịch, phản cảm là do chúng ta đang thiếu một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội. Bộ quy tắc là để mỗi con người tự soi chiếu, tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù họp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.

Nếu có được hệ thống quy tắc này thì ai cũng hiểu, cũng biết những hành vi sai trái, thiếu văn hóa đó phải bị lên án, bị xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, xã hội lại có nhiều người tiếp tay, thậm chí vào hùa, tung hê cho những thói khoe mẽ, phô trương lố bịch khiến những kẻ cơ hội lợi dụng tâm lý đám đông, biến những trò lố lăng thành công cụ câu view, kinh doanh, kiếm tiền.

Khi đồng tiền, chức quyền, quan hệ lên ngôi nhưng lại thiếu vắng một hệ quy tắc chuẩn mực xã hội thì văn hóa, đạo đức xuống cấp, suy thoái là dễ hiểu.

Chính điều này mới có cảnh một ngôi sao, nghệ sĩ khoe ăn nguyên một mâm đồ ngon, vật lạ, thừa mứa, lãng phí trong khi người dân vùng dịch đói, khát, mỏi mòn chờ cứu tế.

Hay lại có người khoe mới mua xe sang tiền tỷ trong khi nền kinh tế điêu đứng, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, người dân thất nghiệp phải bán nhà, bán xe để trả nợ.

“”Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Khoe mẽ, phô trương trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch, người dân nhiều nơi khốn cùng, khó khăn vì dịch bệnh là cách ứng xử thiếu văn hóa, bất nhẫn, nhẫn tâm với chính đồng bào mình, bà con mình”, ông Đực nói.

Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, ông Đực cho rằng, là một người có văn hóa, có đạo đức, có tình người thì không nên khoe khoang bất cứ một cái gì, thay vào đó hãy biết chung tay, chia sẻ, giúp đỡ người dân, nhà nước, như vậy mới hợp với lẽ đời.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới các công cụ: luật pháp, chính quyền và cả truyền thông phải cùng vào cuộc chấn chỉnh lại văn hóa, đạo đức, ứng xử trong xã hội. Cùng xây dựng lối sống thiện, lối sống nhân bản, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trong những lúc khó khăn, biết trăn trở với nỗi đau chung của đồng loại.

“Vai trò của luật pháp, giáo dục và cả truyền thông là rất quan trọng. Có lẽ đã đến lúc Quốc hội cần nghiên cứu nghiêm túc về hội chứng khoe mẽ này, qua đó để có nhìn nhận đúng đắn, nghiêm túc về những hiện tượng lố lăng, trái với luân thường đạo lý vẫn đang diễn ra. Qua đó, xây dựng các khung hành lang pháp lý nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi này”, ông Đực kiến nghị.

Lam Lam

Related posts