Tin thế giới sáng thứ Bảy

Liên Âu kêu gọi Cuba trả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ tùy tiện

Thùy Dương

image.png
Xô xát giữa những người biểu tình chống và ủng hộ chính phủ tại La Habana, Cuba, ngày 11/07/2021. REUTERS – ALEXANDRE MENEGHINI

Liên Hiệp Châu Âu hôm 29/07/2021 đề nghị La Habana trả tự do cho những người bị bắt giữ “một cách tùy tiện, vô cớ” trong cuộc biểu tình chưa từng có chống chính phủ, diễn ra cách nay 3 tuần và làm rung chuyển đất nước Cuba.

Lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu, Josep Borell, trong một thông cáo có sự ủng hộ của 27 nước thành viên, hôm qua 29/07 tuyên bố “lo ngại” về việc chính quyền Cuba “trấn áp các hoạt động phản kháng” cũng như về việc chính quyền cho “bắt giữ người biểu tình và nhà báo sau các cuộc biểu tình diễn ra ngày 11/07 trong cả nước” Cuba. Bruxelles kêu gọi chính phủ Cuba trả tự do cho tất cả những người biểu tình đang bị giam giữ một cách vô cớ, lắng nghe tiếng nói của các công dân cũng như đối thoại với người dân về những đòi hỏi của họ.

AFP nhắc lại trong cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tính từ khi Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959, người dân Cuba đã hô vang các khẩu hiệu “Tự do”, “Đả đảo chế độ độc tài” và “Chúng tôi đói”. Sau cuộc biểu tình, theo các nhà quan sát độc lập và nhà tranh đấu, có ít nhất 600 người bị bắt giữ, trong đó 60 người đã bị truy tố vì “phạm tội” trong các “vụ gây rối”.

Chính quyền thông báo bán thực phẩm bổ sung

Cũng trong ngày hôm qua, chính quyền La Habana thông báo bán thực phẩm bổ sung cho các khẩu phần mà Nhà nước phân phối theo giá trợ cấp, và sẽ từng bước trao miễn phí cho các gia đình những đồ viện trợ của nước ngoài.

Trên Twitter, bộ Thương Mại Cuba gọi đó là “ưu tiên của chính phủ” và thông báo hàng tháng, mỗi người sẽ được chính phủ phân phối thêm 1,5kg gạo, ngoài định mức được mua 460g/người/tháng như hiện nay. Biện pháp mới có hiệu lực từ tháng 08 đến tháng 12/2021. 

Vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic Philippines mặc áo phản đối chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Vận động viên cử tạ đạt huy chương vàng Olympic người Philippines Hidilyn Dia

Hidilyn Diaz, vận động viên cử tạ đạt huy chương vàng Olympic người Philippines đã đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ “Biển Tây Philippines” bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh (Việt Nam gọi là Biển Đông) nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc về về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này. 

Bức ảnh cô Diaz mặc chiếc áo phông trên đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nơi cô vừa giành huy chương vàng đầu tiên hôm 26/7. Nhưng dường như bức ảnh được chụp rất lâu trước Thế vận hội Olympic Tokyo.

Phát biểu một ngày sau khi giành chiến thắng trở về nhà từ Thế vận hội Tokyo, cô Diaz, 30 tuổi, nói với hãng tin Nam Hoa Tảo Báo của Hồng Kông rằng ai đó đã đưa cho cô ấy chiếc áo và cô đã mặc nó nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến người dân Philippines.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến do Hiệp hội phóng viên nước ngoài của Philippines tổ chức hôm 29/7, cô Diaz cho biết: “Người dân bình thường không biết nhiều về các tranh chấp [hàng hải], quốc tế và các vấn đề chính trị – tôi chỉ muốn nói với họ rằng, đây là những gì tôi biết. Biển Tây Philippines là của chúng tôi”.

Chính phủ Philippine dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III từng đặt ra thuật ngữ “Biển Tây Philippines” để xác định rõ các vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của nước này tại Biển Đông sau hàng loạt cuộc xâm nhập từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành chủ đề lan tỏa mạnh mẽ qua chiến thắng Olympic của Diaz, khi cô đánh bại nhà vô địch thế giới người Trung Quốc Liêu Khuê Vân để giành chức vô địch.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN news của Philippines, cô cho biết: “Tôi không thể tin được là mình đã làm được… cuối cùng thì tôi đã đánh bại Trung Quốc”.

Tổng thống Philippines duy trì với Mỹ một thỏa thuận quân sự quan trọng

Trọng Nghĩa

image.png
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte (áo trắng, bên phải) tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tại phủ tổng thống, Manila ngày 29/07/2021. via REUTERS – MALACANANG PRESIDENTIAL PHOTO

Tổng thống Philippines đã quyết định duy trì một thỏa thuận quân sự đã ký với Hoa Kỳ – Hiệp Ước về các Lực Lượng Thăm Viếng VFA – quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines. Hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Philippines hôm 30/07/2021 đã loan báo như trên. Quyết định của tổng thống Philippines có thể được coi là kết quả rõ nét nhất trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á vừa kết thúc của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định hủy bỏ thư thông báo chấm dứt thỏa thuận VFA, sau cuộc tiếp xúc vào hôm qua, 29/07, với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Ông Lorenzana khẳng định không biết vì sao tổng thống Duterte lại thay đổi hoàn toàn ý kiến như vậy.

Được hai bên ký kết vào năm 1998, VFA đề ra những quy định cho việc luân chuyển hàng ngàn binh sĩ Mỹ đến Philippines để tham gia các cuộc tập trận. Theo Reuters, Hiệp Ước VFA rất quan trọng vì được dùng làm cơ sở cho nhiều thỏa thuận quân sự khác.

Năm 2020, ông Duterte từng tuyên bố sẽ hủy bỏ Hiệp Ước VFA, nhưng sau đó đã gia hạn văn kiện này nhiều lần, lần cuối cùng là vào tháng 6 vừa qua, với việc triển hạn hiệp ước cho đến tháng 12/2021.

Theo quy đinh trong VFA, văn bản này hết hiệu lực sau 180 ngày kể từ khi một trong hai bên thông báo ý định chấm dứt thỏa thuận.

Do việc Hiệp Ước VFA vẫn có hiệu lực, quyết định hôm qua của tổng thống Philippines không làm thay đổi gì trong thực tế, nhưng đối với phía Mỹ, đây là một động thái quan trọng.

Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines, ông Lloyd Austin giải thích: “Điều này cho phép cả hai nước tiến về phía trước trong ổn định, có thể hoạch định các kế hoạch lâu dài và tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau”.

Theo Reuters, sự hiện diện, dù chỉ là tạm thời của lính Mỹ tại Philippines, quan trọng không chỉ đối với việc phòng thủ của quốc gia Đông Nam Á này, mà cả đối với Mỹ về mặt chiến lược, vào lúc Washington và đồng minh muốn đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông.

Trong tháng này, Hoa Kỳ đã lặp lại lời cảnh báo Trung Quốc rằng một cuộc tấn công vào các lực lượng Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt một hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines năm 1951.

Washington cũng đã gửi cho Philippines hàng triệu liều vac-xin Covid-19 để giúp chống đại dịch.

Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng Interpol để bắt người “ly khai”

Thu Hằng

image.png
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên họp đại hội đồng Interpol lần thứ 86, kéo dài từ ngày 26-29/09/2017, được tổ chức tại Bắc Kinh. AP

Bắc Kinh ráo riết bắt về nước những người Trung Quốc sống ở nước ngoại và bị coi là « ly khai », chống đối đảng Cộng Sản, kể cả những người sống ở Hoa Kỳ. Một nhóm luật sư Mỹ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng Interpol để triệt hạ các nhà bảo vệ dân chủ Trung Quốc buộc phải sống lưu vong.

Theo trang AP ngày 30/07/2021, nhóm luật sư đã yêu cầu chính quyền Biden bãi lệnh tạm giam một nhà bảo vệ dân chủ Trung Quốc có nguy cơ bị trục xuất về nước và phải đối mặt với những cáo buộc sai lệch. Người đàn ông này bị bắt vào tháng Sáu do hết thị thực và bị giam trong một trung tâm của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE). Hãng tin Mỹ không nêu tên của người bị bắt vì một người thân vẫn sống ở Trung Quốc và bị dọa cáo buộc hình sự trừ khi anh trai của họ về nước.

John Sandweg, thuộc nhóm luật sư bảo vệ người đàn ông trên, khẳng định Trung Quốc đang khai thác hệ thống di trú Mỹ và Cơ quan Di trú có nguy cơ trở thành « một công cụ để Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch trấn áp các nhà đấu tranh và ly khai tôn trọng luật pháp ».
Theo nhóm luật sư, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi Trung Quốc sử dụng thông báo đỏ (red notice) của Interpol để buộc những người trốn sang Hoa Kỳ về nước, do hai nước không có thỏa thuận dẫn độ. Washington thường xuyên lên án Bắc Kinh tiến hành các vụ bắt giữ tùy tiện để quấy rối và truy bắt các nhà bất đồng chính kiến.

Trước đó vài ngày, AP cũng đưa tin Trung Quốc đã lợi dụng Interpol để Maroc bắt Yidiresi Aishan, một nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong, khi từ Istanbul đến sân bay quốc tế Mohammed V ở Casablanca hôm 20/07.

Trước những hoạt động trấn áp và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, ngày 29/07, một ủy ban lưỡng đảng của Quốc Hội Mỹ đã yêu cầu Hilton Worldwide không tham gia dự án khách sạn được xây tại một địa điểm trước đây là một đền thờ Hồi Giáo bị phá năm 2018 ở địa khu Hòa Điền, Tân Cương.

Covid-19: Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nhiều địa phương

Thu Hằng

image.png
Ngày 30/07/2021, Nhật Bản mở rộng tình trạng khẩn cấp ở nhiều nơi do Covid-19 bệnh bùng phát mạnh. AP – Kiichiro Sato

Chỉ một tuần sau lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo, ngày 30/07/2021, chính phủ Nhật Bản quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại thủ đô và mở rộng sang bốn tỉnh khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng. Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao nhất, hơn 10.000 ca vào hôm 29/07, trong đó 1/3 số ca được ghi nhận ở thủ đô Tokyo.

Trong một cuộc họp, thủ tướng Yoshihide Suga thông báo « quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và Okinawa cho đến ngày 31/08 ». Tình trạng khẩn cấp cũng sẽ được áp dụng tại Osaka và ba tỉnh khác giáp với Tokyo là Kanawaga, Saitama và Chiba.

Còn theo thống kê của ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo, có 27 ca nhiễm mới được phát hiện ngày 30/08 trong đội ngũ tham gia sự kiện, trong đó có 3 vận động viên. Ủy Ban Thế Vận phản đối mọi suy diễn cho rằng việc duy trì sự kiện thể thao lớn có liên quan đến sự bùng phát dịch tại Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản lo ngại số ca nhiễm mới sẽ còn tăng do virus corona, đặc biệt là biến thể Delta, « lây nhiễm với tốc độ chưa từng có trước đây ». Do đó, số bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng theo và hệ thống bệnh viện có nguy cơ bị quá tải.

Theo AFP, hiện chỉ có 27,6% người dân Nhật Bản được tiêm chủng đầy đủ do nước này khởi động chiến dịch chậm hơn so với các nước công nghiệp khác.

Việt Nam tăng tốc tiêm chủng ở tâm dịch
Tại Việt Nam, trong sáng 30/07 đã có thêm gần 5.000 ca nhiễm mới, chủ yếu ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Theo Reuters, thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc tiêm chủng với việc lập thêm nhiều điểm tiêm phòng, mở rộng thời gian tiêm chủng (sau 18 giờ, hiện là giờ giới nghiêm) và lập thêm bệnh viện dã chiến.

Trong cuộc họp với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/07, bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu « đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng tất cả những liều vac-xin được giao ». Hiện tại, thành phố có thể tiêm được từ 70.000 đến 80.000 liều vac-xin mỗi ngày. Mục tiêu đề ra là tiêm chủng được cho ít nhất 70% trên tổng số 9 triệu dân thành phố vào tháng tới.

Ngày 29/07, gần 660.000 liều vac-xin AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lần giao tháng thứ 6 theo hợp đồng đặt mua giữa Công ty Cổ phần Vaccin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca Việt Nam.

Kinh tế Bắc Triều Tiên suy giảm ở mức mạnh nhất kể từ năm 1997

Thùy Dương

image.png
Kim Tok Hun (G) thủ tướng, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, đi thị sát các nông trang. Ảnh do KCNA công bố, không ghi ngày. © via REUTERS – KCNA

Kinh tế Bắc Triều Tiên trong năm 2020 đã suy giảm 4,5%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ sau năm 1997. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm nay 30/07/2021 thông báo như trên.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết báo cáo thường niên của Ngân hàng BOK dựa vào dữ liệu của các định chế Hàn Quốc đặc trách hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo báo cáo này, kinh tế Bắc Triều Tiên vốn đã bị tác động nặng nề do các biện pháp trừng phạt tăng cường của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, trong năm 2020 lại có thêm nhiều thiệt hại vì các biện pháp đóng cửa biên giới để chống dịch Covid-19.

So với năm 2019, ngoại thương năm 2020 của Bắc Triều Tiên giảm 73,4%, chỉ còn 860 triệu đô la, do các chuyến hàng đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, bị dịch bệnh Covid-19 cản trở. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên chỉ đạt 90 triệu đô la vào năm 2020, giảm 67,9% so với trước đó 1 năm. Còn nhập khẩu giảm 73,9% so với năm 2019. Tổng thu nhập quốc dân của Bắc Triều Tiên bằng 1,8% của Hàn Quốc.

Cũng trong ngày hôm nay, theo Yonhap, Liên Hiệp Quốc một lần nữa gia hạn thêm một năm biện pháp miễn trừ trừng phạt đối với viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới cho Bắc Triều Tiên.

Về quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay thông báo, thông qua kênh liên lạc mới được khôi phục, Seoul đã chuyển tới Bình Nhưỡng đề xuất để thảo luận về cách thiết lập một hệ thống hội nghị trực tuyến nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán liên Triều trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Related posts