Covid-19: Miến Điện có nguy cơ trở thành quốc gia “siêu phát tán” virus gây dịch

Trọng Nghĩa

image.png
Các nhân viên y tế tìm cách di chuyển một bệnh nhân nhiễm Covid-19 do tình trạng ngập lụt tại Myawaddy, bang Karen, Miến Điện ngày 26/07/2021. via REUTERS – KAREN INFORMATION CENTER

Tình hình dịch bệnh tại Miến Điện phải chăng đã đến mức cực kỳ nguy hiểm? Câu hỏi này đang được đặt ra sau lời báo động hôm qua, 29/07/2021 từ một quan chức Liên Hiệp Quốc, một hôm sau khi chính quyền quân sự tại Naypyidaw lên tiếng kêu gọi quốc tế khẩn cấp giúp Miến Điện chống dich.

Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Anh The Guardian, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã không ngần ngại cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành một nước “siêu phát tán” virus gây dịch Covid-19 – tiếng Anh gọi là “super-spreader”, làm bùng phát dịch bệnh trên toàn khu vực.

Về số liệu tuyệt đối, Miến Điện không phải là nước bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với gần 300.000 ca nhiễm được thống kê tính đến hôm nay (30/07/2021), và hơn 8.500 ca tử vong được ghi nhận, Miến Điện vẫn thua xa Indonesia, với hơn 3,3 triệu ca nhiễm, hơn 92.000 người chết, hay là Philippines, với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 27.000 người thiệt mạng.

Dù vậy, Miến Điện đang phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh đất nước đang gánh chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc do cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai, với những hệ quả nặng nề trên một nền y tế vốn đã không vững mạnh lắm. Chương trình tiêm chủng đã bị đình trệ, việc xét nghiệm đã sụp đổ và các bệnh viện công hầu như tê liệt.

Các bác sĩ, những người đi đầu trong cuộc đình công chống chế độ quân sự và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước, đã bị buộc phải điều trị bí mật cho bệnh nhân vì họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị quân đội tấn công hoặc bắt giữ.

Theo ông Tom Andrews, số liệu về ca nhiễm và tử vong ở Miến Điện không thể chính xác do việc các nhà báo và bác sĩ bị chính quyền đàn áp, khiến cho việc thu thập thông tin chính xác trở nên khó khăn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là dịch bệnh tại Miến Điện đã lan mạnh một cách đột biến, với tốc độ cực nhanh.

Theo số liệu của Bộ Y Tế và Thể Thao do quân đội kiểm soát, chỉ riêng từ ngày 01/06 đến nay, tức là trong không đầy 2 tháng, đã có hơn 4.600 người chết vì Covid-19, một con số cao hơn gấp đôi số người chết trong gần 18 tháng kể từ đầu dịch. Và các số liệu chính thức được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.

Có rất nhiều chi tiết cho thấy tình hình rất nguy cấp. Trang mạng nhật báo độc lập Irrawaddy đã trích dẫn các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/07 vừa qua cho biết là sẽ có thêm 10 lò hỏa táng mới tại các nghĩa trang ở Rangoon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, để xử lý những ca tử vong.

Còn theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Andrews, ở Rangoon, người ta thường thấy ba loại dòng người xếp hàng, một trước máy rút tiền ATM, một để được cung cấp oxy (rất cần cho bệnh nhân Covid), và một trước các lò thiêu và nhà xác.

Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho rằng các chính phủ, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng, nếu không họ sẽ thấy hậu quả của một đợt bùng phát không kiểm soát được ở biên giới của họ.

Theo ông, Miến Điện đang trở thành nơi siêu lây lan Covid-19 với những biến thể rất độc hại – Delta và các dạng khác – cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ dễ lây lan, với nguy cơ gây tử vong cực cao. Miến Điện có thể trở thành mối nguy cho toàn khu vực vì virus “không hề biết đến quốc tịch, biên giới, ý thức hệ hay đảng phái”.

Đối với với các nước Đông Nam Á lục địa, cũng như các láng giềng của Miến Điện, từ Trung Quốc đến Bangladesh, Ấn Độ, nguy cơ còn gần gũi hơn so với tác hại từ các nước Đông Nam Á hải đảo như Philippines, hay Indonesia.

Related posts