Tân thủ tướng Samoa xác nhận bãi bỏ dự án cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn

Tân Thủ tướng Samoa, bà Fiamē Naomi Mataʻafa, mới đây đã xác nhận bà sẽ hủy một dự án cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn.

Bà Mataafa khẳng định rằng bà sẽ chỉ phê duyệt các khoản đầu tư đem lại lợi ích rõ ràng cho Samoa, quốc đảo nhỏ bé tại Thái Bình Dương.

Tân Thủ tướng Samoa nói rằng sự quan tâm của Trung Quốc đối với vùng biển Thái Bình Dương ngày càng tăng lên khi Mỹ có dấu hiệu rời bỏ khu vực này.

Trao đổi với The Epoch Times qua email hôm 28/7, vài ngày sau khi chính thức nhậm chức thủ tướng Samoa, bà Mataafa cho hay: “Dường có sự quan tâm trở lại tại Thái Bình Dương, đó có thể là một điều tốt, nhưng không nhất định [là tốt]”.

Samoa là một quốc đảo nhỏ với chỉ khoảng 200.000 dân. Quốc đảo này hiện nay tự thấy rằng họ đang chịu tác động từ sự ganh đua địa chính trị bên ngoài khi Mỹ cùng đồng minh phản ứng với việc Trung Quốc ngày càng hung hăng tại vùng biển Thái Bình Dương vốn chưa xảy ra bất kỳ cuộc tranh chấp lớn nào kể từ Thế chiến II.

Với vị trí địa lý như vậy, bất kỳ sự liên quan nào của nước ngoài đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu của Samoa, chẳng hạn như cảng biển và đường băng, đều là đặc biệt nhạy cảm. Vậy nên, đề xuất xây dựng một cầu tàu tại Vịnh Vaiusu do Trung Quốc cấp vốn đã trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận chính trị trước bầu cử Samoa hồi tháng Tư và cũng là yếu tố quyết định đến thắng lợi sau cùng của ứng viên.

Cựu thủ tướng Samoa, Tuilaepa Sailele Malielegaoi – người cầm quyền tại quốc đảo Thái Bình Dương 22 năm, trong chiến dịch tranh cử đã hứa xây cảng biển tại Vịnh Vaiusu từ nguồn vốn 100 triệu USD do Trung Quốc cung cấp. Trước đó, một dự án tương tự đã không được Ngân hàng Phát triển châu Á duyệt cấp vốn.

Bà Mataafa là người phản đối dự án nêu trên và hồi tháng Năm sau khi đắc cử nhưng chưa chính thức tuyên thệ nhậm chức, bà đã nói với Reuters rằng bà sẽ hủy bỏ dự án cảng biển tại Vịnh Vaiusu. Bà cho rằng dự án này là quá lớn đối với một quốc gia nhỏ bé như Samoa vốn đã nợ Trung Quốc quá nhiều.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Samoa với khoảng 160 triệu USD, chiếm 40% nợ nước ngoài của quốc đảo Thái Bình Dương.

Trao đổi với Reuters hôm 28/7, bà Mataafa nói: “Chúng tôi đã nói rõ rằng thời điểm này dự án đó không phải là ưu tiên của chúng tôi và có những lĩnh vực khác chúng tôi quan tâm hơn”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 30/7 phát đi tuyên bố cho biết Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc đối thoại sơ bộ với Samoa về tính khả thi của việc xây dựng cảng biển theo yêu cầu của chính quyền cũ của cựu thủ tướng Malielegaoi. Hai bên chưa chính thức ký bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến xây dựng cảng biển tại Vịnh Vaiusu.

Mặc dù tuyên bố hủy bỏ dự án cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng bà Mataafa cũng nhấn mạnh Samoa không đóng cửa hoàn toàn mối quan hệ đối tác với Bắc Kinh.

Nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa nói Trung Quốc là một đối tác lâu năm và chính phủ của bà sẽ đánh giá mối quan hệ này theo cách giống như họ đánh giá tất cả các mối quan hệ song phương khác.

“Tôi nghĩ rằng khi một chính quyền mới bước vào nhiệm sở, thì chúng tôi sẽ phải đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc và đánh giá bất kỳ đối tác nào khác mà chúng tôi đang có”, bà Mataafa nói.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Related posts