Sài Gòn giữa đại dịch Covid-19

Ngày 18-5-2021, Sài Gòn có ca mắc Covid-19 đầu tiên. Đó là một thanh niên làm việc ở quận 3, ngụ tại chung cư Sunview Town (Thủ Đức). Từ đó tới nay (giữa tháng 7-2021), chỉ 2 tháng nhưng thống kê từ chính quyền cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại “Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa” đã tăng lên gần 16 ngàn trường hợp và đang là địa phương có số người mắc Covid-19 cao nhất nước!

Sài Gòn bị rào chắn phong tỏa đêm ngày vắng lặng. Photo: tác giả cung cấp. 

Theo thông tin của chính quyền Sài Gòn, tại đây trải qua 2 cơn dịch bệnh đáng chú ý: Cơn đầu tiên bắt đầu từ 18-5-2021 đến 14-6-2021 với tâm điểm là chuỗi lây nhiễm tại Hội nhóm truyền giáo Phục Hưng (Gò Vấp). Sau khi bùng phát, ổ dịch này đã lan rộng khắp 21/22 quận, huyện và đến nay ghi nhận gần 1,000 ca mắc Covid-19. Cơn dịch tiếp sau từ 15-6-2021, xuất phát bởi vài ca rồi dần dần xâm nhập vào các khu nhà trọ, tòa nhà văn phòng, chung cư… từ đó lan ra các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện riêng Sài Gòn đã có gần 1,500 điểm, khu vực bị nhà chức trách đặt barie, giăng dây rào chắn phong tỏa và cử người canh gác 24/24 theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Người dân đang hết sức hoang mang lo sợ, không biết lúc nào mình sẽ bị công an và xe của ngành y tế tới nhà gõ cửa, điểm mặt, yêu cầu thu xếp các thứ vật dụng cần thiết để đưa vào “tạm trú” trong các khu cách ly!

Phần lớn người dân Sài Gòn hiện được yêu cầu đến các điểm tập trung để test nhanh (xét nghiệm kháng nguyên) nhằm sớm tìm ca F0 lây nhiễm. Tuy nhiên, ông Trần Công Kiệt, 54 tuổi, bác sĩ đa khoa, ngụ Thủ Ðức, nhận xét: “Tôi cho rằng quyết định chính quyền bắt dân chúng đi test Covid-19 hàng loạt để sàng lọc F0 kiểu này chưa ổn lắm. Lý do vì nó càng khiến nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn, nhất là khi quá đông người tập trung tụ tập một chỗ chờ đến phiên mình được test, rồi cảnh chen lấn nhau. Nếu không may có ca F0 nào đó chưa bị phát hiện đang cùng xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm kia thì điều gì xảy ra? Một mặt người ta bắt dân giãn cách xã hội, một mặt ép dân đi test sàng lọc Covid-19 thế này cho thấy rõ sự mâu thuẫn trong điều hành! Ðiều minh chứng là hiện giờ số ca nhiễm Covid-19 ở Sài Gòn không giảm, ban đầu một ngày có chừng năm, ba trăm ca nhiễm, còn hiện thời ngày nào ca nhiễm cũng lên 4 con số!”.

Những nơi lấy mẩu test nhanh lại tập trung quá đông người. Photo: tác giả cung cấp.

Từ giữa tháng 6-2021, chính quyền Sài Gòn ra lệnh giải tán tất cả các chợ tự phát, chợ tạm, chợ “chồm hổm”. Ðiều này đã đẩy một bộ phận không nhỏ dân nghèo trước nay chuyên mua bán lặt vặt ở các vỉa hè, đường phố vào cảnh mất việc. Ðầu tháng 7-2021, đến phiên các chợ truyền thống cùng chung số phận. Ðã có gần 150 chợ truyền thống bị đóng cửa, rào chắn, cấm không cho mua bán, dù đây là một trong những nguồn thu thuế khá lớn của nhiều địa phương. Ba chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn là Hốc Môn, Bình Ðiền, Thủ Ðức hàng ngày luân chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng hóa đủ loại, từ rau củ quả, thủy hải sản, thịt cá, các mặt hàng thiết yếu cũng lần lượt bị đóng cửa sau ngày 5-7-2021.Xem thêm:   Tưới nước mùa hè

Chị Thu, ngày ngày chuyên đánh xe tải đi lấy rau quả ở chợ đầu mối Thủ Ðức về bán sỉ ở các chợ nhỏ khác, buồn rầu nói: “Khổ quá các chú ơi! Chợ đầu mối, chợ truyền thống giờ đóng cửa hết. Không riêng tôi mà còn bao nhiêu bà con tiểu thương, buôn gánh bán bưng khác đang rơi vào cảnh khốn khó. Biết làm sao đây? Chỉ cầu Trời khấn Phật phù hộ dịch bệnh chóng qua cho bà con mua bán kiếm chén cơm ăn!”.

Kiểm tra “giấy thông hành” tại cửa ngõ giữa Sài Gòn và các tỉnh. Photo: tác giả cung cấp.

Quay trở lại chuyện lấy mẫu xét nghiệm dương tính, việc chính quyền thúc đẩy phần lớn người dân phải đi test Covid-19 tập trung nhưng lại không cấp giấy xác nhận đã test. Trong khi ấy, một số địa phương lân cận Sài Gòn như Ðồng Nai, Bình Dương, Long An… đã nhanh chóng ra thông báo yêu cầu người dân nếu có việc đi lại, làm việc, giao lưu, kinh doanh, mua bán ở những nơi này buộc phải trình “giấy xác nhận đã test Covid-19 âm tính” mới được vào địa bàn tỉnh. Vậy là nhiều người phải kéo nhau đến các bệnh viện để xét nghiệm lại hòng kiếm cho mình mảnh “giấy thông hành”.

Tuy nhiên, để lấy cho được mảnh giấy này người dân phải móc ví tự trả tiền và mỗi nơi giá cả cũng không giống nhau. Cụ thể, với một ca test nhanh kháng nguyên, người dân phải trả từ 240 – 500 ngàn đồng/lần, còn với ca test xét nghiệm realtime RT-PCR, phải trả từ 1.3 – đến 2.5 triệu đồng/lần! Chưa hết, một số địa phương còn làm khó bằng cách yêu cầu giấy xác nhận test Covid-19 phải có thời hạn hiệu lực từ 3-7 ngày (tùy nơi) tính từ ngày giấy được ký công nhận (?). Anh Lê Minh Quang, một người dân ở quận 9, hàng ngày đi làm tại khu công nghiệp AMATA (Ðồng Nai), than vãn: “Mình làm công nhân, ngày lương chỉ 220 ngàn. Nay họ đòi giấy xét nghiệm mà thời hạn hiệu lực trên giấy chỉ 3 ngày. Vậy cứ sau 3 ngày lại phải tốn tiền đi xét nghiệm lần nữa để có giấy khác? Tiền nào chịu nổi trong khi công ty cũng không đồng ý chi trả khoản này”.

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người dân trong các khu phong tỏa không được ra ngoài mua thức ăn, phải nhờ người bên ngoài gửi vào tiếp tế. Photo: tác giả cung cấp.

Ðó là trường hợp các công nhân đi làm việc cho các công ty, xí nghiệp. Còn người dân bình thường tiếp tục gánh chịu những “đày ải” khác. Theo đó, từ đầu tháng 6-2021, người dân Sài Gòn có việc đi về các tỉnh thành như Ðồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Lâm Ðồng, Bạc Liêu, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Nghệ An, Thanh Hóa và một số nơi khác còn phải chịu cách ly. Có tỉnh, thành khoanh vùng, phân định thành phần, tùy theo mức độ chỉ yêu cầu đối phương phải tự cách ly tại nhà 7 ngày. Song lại có những tỉnh, thành quyết tâm “thà cách ly nhầm chứ không bỏ sót” kiểu Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Ðồng… đã ra lệnh bất cứ ai về từ Sài Gòn phải cách ly y tế đúng 21 ngày! Ai cũng biết “chống dịch như chống giặc” nhưng chống như thế nào để người dân ít bị ảnh hưởng nhất. Không thể chống bằng cách cứ “ra lệnh”, mặc kệ người dân ra sao thì ra như đã nêu trên.Xem thêm:   Tameichi Hara – Khu trục hạm xứ mặt trời mọc (kỳ 21)

Hiện thời, đâu đâu ở Sài Gòn giờ cũng thấy những con hẻm, tòa nhà, khu chợ… bị phong tỏa. Thành phố nhuốm một màu u buồn, không còn nhộn nhịp như trước, chỉ trừ một bộ phận người dân đổ xô tranh giành, chen lấn mua thực phẩm với giá cắt cổ bởi tâm ý hoang mang lo sợ “rồi sẽ không có gì ăn”. Có lẽ hành động phong tỏa là cách làm “automatic” dễ dàng nhất của chính quyền nhằm thể hiện quyết tâm của họ (?). Song vấn đề là một bộ phận không nhỏ người lao động đâm đầu vào đâu khi chưa thấy tăm hơi gói cứu trợ nào mà theo nhiều người “thì lên… ti vi mà lãnh!”.

Xem ra, việc phòng chống dịch Covid-19 của Sài Gòn là theo kiểu không quản được thì cấm, trước mắt chỉ khổ cho dân. Không chỉ với dân Sài Gòn mà cả với mấy triệu bà con các tỉnh đang mưu sinh ở thành phố này. Người nghèo vốn ngắc ngứ giữa vòng xoáy cơn bão dịch giờ càng khốn đốn tận cùng khi không thể ra đường bán vé số, hàng rong để lo miếng cơm hàng ngày. Họ đang ở thế kẹt cứng: không việc làm, muốn về quê cho đỡ tốn kém thì bị cách ly, tự trả tiền; còn ráng trụ lại thì không được làm ăn. Lấy đâu ra tiền ăn, tiền đâu trả nhà thuê trọ…?

Bất kể điều gì những người nghèo khổ vẫn cố gắng kiếm bát cơm, chén cháo qua ngày. Photo: tác giả cung cấp.

Nguyễn Sinh

29/7/2021

Related posts