Những câu chuyện kỳ dị của Trung Quốc ở Thế vận hội Tokyo

Phụng Minh

Đội tuyển Trung Quốc tại Thế vận hội Tokyo (ảnh: Youtube/CCTV).

Thế vận hội Tokyo đang diễn ra sôi nổi, nhưng năm nay đội tuyển quốc gia Trung Quốc có vẻ không gặp may. Đội tuyển bóng chuyền nữ không đoạt huy chương vàng, bóng bàn thua Nhật Bản và cầu lông đôi nam cũng thua Đài Loan. Tuy nhiên, chuyên gia bình luận các vấn đề thời sự Lưu Duệ Thiệu đã chỉ ra Thế vận hội vẫn tràn ngập cái gọi là “mục tiêu chính trị” được ĐCSTQ quảng bá xuyên suốt.

Lưu Duệ Thiệu, một nhà phê bình thời sự nổi tiếng của Hồng Kông, người đã tham gia đưa tin về Thế vận hội Seoul, Barcelona và Bắc Kinh, nói rằng người yêu thể thao hay người văn minh bình thường sẽ quan sát Thế vận hội từ ba khía cạnh: nỗ lực thi đấu, khả năng và sức mạnh, thì chính quyền Trung Quốc lại tung ra một loạt các động thái khiến Thế vận hội bị chính trị hóa đến nản lòng.

Ví dụ, ông trích dẫn một bài báo của Reuters về việc vận động viên cử tạ nữ Trung Quốc Hầu Chí Tuệ giành huy chương vàng, Trung Quốc đã chỉ trích Reuters cố tình chọn một bức ảnh nữ vận động viên có biểu cảm méo mó làm ảnh bìa, xúc phạm vận động viên Trung Quốc.

Ông Lưu nói: “Cái này thực ra có thể phản ánh văn hóa của ĐCSTQ. Ông chỉ ra rằng bản thân ĐCSTQ đã thực hiện việc lựa chọn có chủ đích rất nhiều bức ảnh nội bộ, như việc năm đó tưởng niệm Mao Trạch Đông, hình ảnh của Giang Trạch Dân đã bị sửa cho biến mất. Lúc trước bên phải là Hồ Cẩm Đào, ở giữa là Giang Trạch Dân, bên trái là Đặng Tiểu Bình, nhưng sau khi sửa ảnh xong thì Giang biến mất. Đó là khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền. Bạn có thể thấy rằng tình huống này thực sự phản ánh văn hóa của ĐCSTQ. Điều quan trọng nhất là mục tiêu chính trị, vì vậy có nhiều điều để nói”.

Ngoài ra còn có một trường hợp liên quan đến vận động viên cầu lông Hồng Kông Ngũ Gia Lãng, chỉ vì anh mặc áo thi đấu màu đen mà bị thành viên Mục Gia Tuấn và những người khác của Liên minh Dân chủ vì Sự tốt đẹp và Tiến bộ của Hồng Kông (DAB) – một đảng chính trị bảo thủ thân Bắc Kinh ở Hồng Kông chỉ trích. Nguyên nhân là bởi màu đen là màu trang phục đại diện của những người biểu tình vì dân chủ của Hồng Kông.

Đám người thân Bắc Kinh đã đặt câu hỏi: “Anh không muốn làm đại diện cho người Hồng Kông phải không, đừng có thi đấu nữa”. Một số người nói rằng không nên mặc đồ đen. Theo sau có rất nhiều người dùng ngòi bút làm vũ khí tấn công anh. Có người đã nói đề nghị không mặc đồ màu đen, lập tức người dân Hồng Kông đã đặt ra câu hỏi trên mạng rằng: “Quần áo của thẩm phán màu gì? Nó chả phải là màu đen à”. Nhà bình luận Lưu Duệ Thiệu cho rằng đây là kiểu não trạng điển hình của những người chỉ biết tới mục tiêu chính trị.

Ngoài ra, xạ thủ Trung Quốc Vương Lộ Dao đã không thể lọt vào trận chung kết nội dung bắn súng 10 mét, sau đó cô tự thừa nhận trên báo rằng bản thân thật “yếu đuối vô năng”, kết quả là cư dân mạng Trung Quốc đã liên tiếp tấn công cô, nói rằng tinh thần mềm yếu như vậy sao có thể chiến thắng, chưa gì đã sụp đổ thừa nhận mình kém. Ông Lưu cho rằng đây chính là người Trung Quốc tự gây áp lực, tự vùi dập nhau.

Không như Vương Lộ Dao, vì không có huy chương nên bị mắng, tới cả vận động viên đã có được huy chương vàng danh giá cũng bị dân Trung Quốc mắng mỏ.

Ví dụ, sau khi vận động viên bắn súng 21 tuổi Dương Sanh giành được huy chương vàng Olympic đầu tiên, cư dân mạng đã lật lại bức ảnh chụp đôi giày Nike của cô vào tháng 12. Năm ngoái, Nike đã bị dân Trung Quốc tảy chay khi nhắc tới việc dừng sử dụng vải bông được sản xuất ở Tân Cương. Hóa ra nữ vận động viên không “yêu nước’ theo kiểu vậy, và cô ấy đã bị mắng là “hãy cút ra khỏi Trung Quốc”. Sự việc tương tự cũng xảy ra với đội bóng chuyền nữ Trung Quốc khi mặc áo đấu do Adidas tài trợ thay vì nhãn hiệu thể thao Trung Quốc Li Ning hay Anta.

Lưu Duệ Thiệu nói: “Ở Trung Quốc, hơi một tí là dư luận liền làm căng lên, đem mọi vấn đề chính trị hóa nó, kỳ thực nó chính là văn hóa đấu tranh của ĐCSTQ. Trong thực tế, điều này phản ánh ý thức đấu tranh mà văn hóa chính trị Trung Quốc đã thâm nhập vào trong nhân dân. Mà cái văn hóa đấu tranh này thật ra chính là ý thức phòng thủ quá trớn, rồi dẫn đến nhiều việc tự hủy hoại bản thân mình”.

Related posts