Ông Tập muốn đảng viên trung thành, chuyên gia nói: Có thể phản tác dụng

Ngọc Ma

Ở Trung Quốc, nhiều người gia nhập đảng không phải vì họ là người cuồng tín với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà đơn giản là vì gia đình yêu cầu họ gia nhập hoặc vì lợi ích. Nhưng ông Tập Cận Bình đang cố gắng thay đổi tình hình này, yêu cầu các đảng viên tăng cường học tập lý luận và xây dựng lòng trung thành với đảng. Một số chuyên gia cảnh báo rằng, kiểu truyền bá tư tưởng cưỡng bách của ĐCSTQ có thể dẫn đến sự phẫn nộ, thậm chí còn lớn hơn.

Hãng truyền thông Mỹ CNN ngày 31/7 đã xuất bản một bài viết có tiêu đề “Tập Cận Bình chỉ muốn những đảng viên trung thành nhất. Các quy tắc hà khắc của ông có thể phản tác dụng”. 

Bài báo cho rằng ông Tập hiện nay quan tâm nhiều đến chất lượng đảng viên hơn là số lượng. Ông yêu cầu sự trung thành tuyệt đối từ các đảng viên, phát động phong trào tư tưởng để củng cố niềm tin của đảng viên vào ĐCSTQ, và gia tăng áp lực đối với những người bất đồng chính kiến ​​trong nội bộ.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều cán bộ của ĐCSTQ bị sa thải, đều được gán thêm [tội] “không trung thành, không trung thực với Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông Tập Cận Bình cũng liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải “trung thành” đối với đảng, chính phủ và quân đội .

Tẩy não trong thời gian dài có thể làm gia tăng sự oán giận

Tờ CNN trích dẫn về quá trình gia nhập ĐCSTQ của một người có bút danh là Kelly Hu. 

Vào tháng 9/2019, Kelly đã viết tay một lá đơn dài 5 trang, giải thích lý do tại sao cô ấy muốn gia nhập ĐCSTQ và giải thích rằng hành động của cô phù hợp với tư tưởng của ĐCSTQ. 

Sau đó, cô ấy phải tham dự các bài giảng về ĐCSTQ, cô được yêu cầu ghi chép về nội dung mình đã học. Mỗi ngày, cô dành nửa giờ để học tập tư tưởng Tập Cận Bình trên ứng dụng điện thoại. CNN cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang gia tăng sự sùng bái đối với cá nhân ông. 

Cứ vài tháng một lần, Kelly sẽ phải nộp bản kiểm điểm viết tay về việc cô ấy đã cải thiện bản thân là phục vụ nhân dân thế nào. Các đảng viên địa phương sẽ thông qua giáo viên, bạn học và thậm chí cả những người cô không quen để kiểm tra về Kelly. 

Kelly cũng cho biết, cô dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động do đảng bộ địa phương tổ chức.

Bruce Dickson, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Washington cho biết, mười năm trước, đảng viên bình thường chỉ có những yêu cầu cơ bản nhất như tham gia cuộc họp một năm một lần và đóng đảng phí. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, các đảng viên phải tham gia nhiều cuộc họp và làm nhiều công việc tình nguyện hơn. Họ phải nghiên cứu mọi bài phát biểu mới của ông Tập. 

Ông Dickson cho biết trong 5 năm qua, ngày càng ít người tham gia đảng, có lẽ vì mức độ muốn gia nhập đảng đã giảm xuống hoặc mức độ giám sát của ĐCSTQ đối với những đảng viên tiềm năng đã tăng lên.

Vị chuyên gia này cho hay, việc các đảng viên phải dành vài giờ mỗi tuần để nghiên cứu lý thuyết của ĐCSTQ có vẻ là một biện pháp không đúng lúc vì điều này chiếm nhiều thời gian của mọi người hơn và “rất khó chịu”.

Ông Dickson phân tích, khi mọi người bị ép buộc phải thấm nhuần theo quy ước thì không những không xây dựng được lòng trung thành [với ĐCSTQ] mà còn gây ra sự oán giận. Vì vậy, điều này có thể rất dễ phản tác dụng.

Gia nhập ĐCSTQ mang lại rắc rối

Trên bình diện quốc tế, việc gia nhập ĐCSTQ cũng sẽ mang lại nhiều rắc rối. Ở nước ngoài, đảng viên ĐCSTQ thường bị kỳ thị. Năm ngoái, chính quyền Trump ban hành chính sách hạn chế các đảng viên ĐCSTQ nhập cảnh Mỹ với lý do “bảo vệ Hoa Kỳ khỏi ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ”. Những cáo buộc gần đây của Hoa Kỳ về hoạt động gián điệp của các quan chức ĐCSTQ và các nhà nghiên cứu liên quan đến quân đội TQ đã làm trầm trọng thêm những lo ngại này.

CNN cũng trích dẫn một đảng viên khác với bút danh là Julian Li. Julian gia nhập đảng năm 18 tuổi không phải vì anh quan tâm đến việc trở thành đảng viên hay làm việc cho chính phủ, mà là để làm vui lòng cha mình. Anh ấy còn không tự mình viết đơn xin gia nhập đảng, mà do thư ký của cha anh đã chuẩn bị tài liệu cho. 

Cha mẹ của Julian hy vọng rằng gia nhập ĐCSTQ sẽ giúp anh ta thăng tiến trong sự nghiệp của. Đây là một lý do khá phổ biến để người Trung Quốc tham gia đảng. Bởi vì trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước, đảng viên thường giữ những chức vụ có thẩm quyền.

Nhưng Julian hiện đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ở London. Anh ấy nói rằng trở thành đảng viên ĐCSTQ không liên quan gì đến công việc hoặc cuộc sống của anh, chỉ là khiến anh khó khăn hơn khi xin thị thực tại nước Anh. 

Khi nộp đơn xin thị thực Anh, Julian cần khai báo mình có phải là đảng viên không và liệu anh có xử lý bất kỳ thông tin bí mật nào ở Trung Quốc không. Julian cho biết việc này thật rắc rối. 

Tháng 10 năm ngoái, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã ban hành một thông báo nhấn mạnh rằng các đơn xin điều chỉnh tình trạng nhập cư của đảng viên ĐCSTQ hoặc các Đảng chính trị độc tài khác hoặc thành viên của các tổ chức liên kết của chúng sẽ không được chấp nhận. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận vào tháng 12 năm ngoái rằng họ sẽ áp đặt các hạn chế mới đối với thị thực du lịch cho các đảng viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ. Theo đó, giới hạn thời hạn tối đa của thị thực du lịch cho các thành viên ĐCSTQ và người thân ruột thịt của họ giảm từ 10 năm xuống còn một tháng và là loại thị thực nhập cảnh một lần.

Yi Rong, Chủ tịch Trung tâm Thoái xuất khỏi ĐCSTQ Toàn cầu, từng tiết lộ rằng sau khi các quy định nhập cư mới của Mỹ được áp dụng, đường dây nóng về việc rút khỏi ĐCSTQ ngày càng phổ biến. Theo thống kê theo thời gian thực của Epochtimes, hiện có hơn 380 triệu người TQ đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên quan.

Related posts