TQ: Đã tiêm 1,7 tỷ liều vắc-xin vẫn bùng dịch, chính phủ và khách sạn tận dụng cơ hội để kiếm tiền

Phụng Minh

Cả nước Trung Quốc đã tiêm 1,7 tỷ liều vắc-xin vẫn không ngăn được dịch (ảnh: Youtube/CCTV).

Trong tuần này, cả nước Trung Quốc có gần 100 trường hợp mắc Covid-19 mới được chẩn đoán mỗi ngày và thành phố Thụy Lệ, Vân Nam, tuần này đã thực hiện các biện pháp phong tỏa lần thứ ba trong năm nay. Cư dân địa phương phàn nàn rằng phí cách ly khách sạn là 7.000 NDT/người (tương đương 25 triệu đồng). 

Trong ba ngày qua, số trường hợp dương tính mới được công bố trên trang web của Ủy ban Y tế Trung Quốc là 98 ca nhiễm vào hôm Chủ nhật , 90 ca nhiễm vào hôm thứ Hai và 96 ca nhiễm vào hôm thứ Ba. Số ca mới được chẩn đoán ở các tỉnh, thành phố nhìn chung cao hơn tháng trước. Có 7 ca mới ở Vân Nam, 3 trong số đó là ở thành phố Thụy Lệ. Điều này khiến thành phố Thụy Lệ phải thực hiện các biện pháp đóng cửa một lần nữa.

Dịch bùng phát, chính phủ và khách sạn tận dụng cơ hội để kiếm tiền

Cư dân mạng Thụy Lệ viết trên Weibo: Thụy Lệ đã bị phong tỏa chưa đầy mười ngày sau khi được mở cửa trở lại. Tính đến nay, thành phố đã 5 lần bị đóng cửa. Lần thứ ba trong năm nay, 2 giờ chiều ngày mùng 3, bỗng có chỉ thị từ trên xuống cưỡng chế cách ly, dùng mỹ từ là “nghỉ ngơi ở nhà”, nhưng chẳng hề công bố quỹ đạo di chuyển của các trường hợp được xác nhận, và cũng chẳng biết làm thế nào họ bị nhiễm bệnh”.

Một người dùng mạng tên”Bạc Hà” viết trên Weibo rằng: Tất cả các trường hợp dương tính đều được đưa đến cách ly ở khách sạn Đảo Mặt Trăng, phí cách ly tự trả là 7000 NDT/người. Có người nói rằng họ không có tiền và phải chờ vay tiền để trả, người ở đó nói rằng nếu không trả thì sẽ không có thức ăn.

Tại tỉnh Hà Nam, có 3 ca nhiễm trong ngày qua, trong đó 2 trường hợp địa phương và 7 trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng. Sau khi các trường hợp được xác nhận xảy ra ở nhiều cộng đồng ở Trịnh Châu, việc quản lý khép kín đã được thực hiện và người dân không được phép ra ngoài. 

Anh Lý, một cư dân mạng Vân Nam, nói với trang RFI rằng kể từ khi dịch bùng phát, chính phủ và các khách sạn ở các cấp đã tận dụng cơ hội để kiếm tiền.

Anh nói: “Tôi nghĩ nó có thể liên quan nhiều đến nền kinh tế dịch bệnh. Phí sẽ mang lại lợi ích lớn cho chính phủ. Mặt khác, thông qua sự hoảng loạn, tạo không khí cho mọi người để có được lượt tiêm mũi nhắc lại thứ ba”.

Cả nước đã tiêm 1,7 tỷ liều vắc-xin vẫn không ngăn được dịch

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo vào hôm thứ Tư 4/8 rằng kể từ ngày 3/8, lượng tiêm chủng tích lũy của nước này chống COVID-19 đã vượt quá 1,7 tỷ liều. Tuy nhiên, ông Chu đến từ Nam Kinh đã chỉ ra rằng nhiều người vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của vắc-xin trong nước.

Ông Chu nói: Những người mà tôi quen biết, tất cả đều cảm thấy rằng vắc-xin bất hoạt mà chúng tôi đã tiêm không có tác dụng nhiều trong việc bảo vệ trước virus Delta, nó lây lan rất nhanh, và bạn sẽ có triệu chứng nặng sau hai hoặc ba ngày nhiễm bệnh. Vắc xin bất hoạt sản xuất trong nước chắc chắn không tốt bằng vắc xin Pfizer của Mỹ. Lần này các ca ở sân bay Nam Kinh Lục Khẩu chủ yếu đều là biến thể Delta”.

Cư dân mạng đặt câu hỏi với nhà chức trách rằng nếu virus xuất phát từ sân bay Nam Kinh và được nhập khẩu từ nước ngoài, thì điều kỳ lạ là sau khi đáp chuyến bay quốc tế, tất cả hành khách phải được tổ chức và buộc cách ly trong 14 ngày. Nếu họ bị nhiễm dịch từ một chuyến bay quốc tế, thì hành khách trên chuyến bay tương ứng phải có vấn đề. Và nếu hành khách gặp sự cố, xét nghiệm axit nucleic khi xuống máy bay và thời gian cách ly 14 ngày chắc chắn sẽ được tìm thấy. Nếu một vấn đề được tìm thấy, tại sao không có báo cáo? Tại sao không có biện pháp xử lý sớm? Tại sao chỉ có nhân viên vệ sinh bị nhiễm virus và chỉ được phát hiện sau khi phát bệnh?

Vào tháng 7, chủng đột biến Delta đã lây lan ở hơn mười tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, bao gồm Giang Tô, Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc và Bắc Kinh, và hầu hết chúng đều là ca nhiễm không có triệu chứng.

Related posts