Đỗ Quân
Hai năm sau khi cảnh sát Wichita, Kansas bắn chết một thanh niên vô tội 28 tuổi ở thành phố này, Tyler Rai Barriss, 26 tuổi, cư dân Los Angeles, California, nhận bản án 20 năm tù giam. Bản án được tuyên tại một tòa án ở Los Angeles vào cuối tháng 3 năm 2019.
Los Angeles ở bờ Tây nước Mỹ. Wichita ở miền trung nước Mỹ. Hai thành phố cách nhau 1,379 dặm, 22 giờ lái xe nếu đi theo xa lộ I-40 E và US-54 E, và 5 giờ bay nếu dùng đường hàng không.
Thật có nhiều điều khó hiểu.
Can phạm và nạn nhân ở cách nhau quá xa, và can phạm không phải là người bóp cò súng.
Cảnh sát cũng không thể khơi khơi bắn chết một người vô tội, cho dù đó là cảnh sát Mỹ, nhất là nạn nhân lại là một người da trắng.
Hai mươi năm tù là một bản án rất nặng.
Nhưng tòa phải có lý do mới buộc được tội và tuyên xử một hình phạt nặng như thế.
Trước đó, khi bị bắt và bị truy tố, Barriss đã nhận tội.
Và sự việc chỉ có thể diễn ra ở thời đại kỹ thật cao ngày nay.
Hãy nói về nạn nhân và cái chết bởi tay cảnh sát của nạn nhân trước đã.
Đó là buổi tối Thứ Năm 28 tháng 12, vài ngày sau Lễ Giáng sinh năm 2017. Tòa thị chánh Wichita nhận được điện thoại của một người đàn ông. Cú điện thoại được chuyển đến một nhân viên điều phối 911. Người này nói rằng vừa có một tai nạn khủng khiếp xảy ra. Chuyện là anh ta cãi nhau với cha và lỡ tay bắn vào đầu ông. Người đàn ông đó cho hay anh ta đang chĩa súng vào mẹ và em trai. Anh ta dọa sẽ đốt nhà, và sau đó hỏi người điều hành 911: “Ông ghi đúng địa chỉ của tôi chứ?”
Cảnh sát cho biết lúc xẩm tối, khi họ đã đến địa chỉ được cung cấp và bao vây ngôi nhà, cuộc điện đàm giữa người gọi và 911 vẫn tiếp tục.
Ngôi nhà hai tầng đó nằm trên đường McCormick. Trong nhà có 4 người, Andrew Finch, một thanh niên 28 tuổi, mẹ anh và hai người nữa. Không có ai trong số đó là “con tin” như tình hình đã được báo trong cuộc gọi 911.
Không biết chuyện gì đang diễn ra, Andrew Finch ra mở cửa và cảnh sát nổ súng.
Bà Lisa Finch kể lại: “Tôi nhìn thấy ánh sáng xanh đỏ nhấp nháy trên cửa sổ của mình, rồi tôi nghe thấy tiếng con trai tôi hét lên, tôi đứng dậy và sau đó nghe thấy một tiếng súng… Họ đã không gọi xe cấp cứu cho đến khi nó chết.”
Cảnh sát sau đó nói rằng khi thấy một người đàn ông bước ra họ đã liên tục ra lệnh cho anh ta giơ tay lên. Nhưng một cảnh sát viên cho rằng đã thấy người đó đang đưa tay lấy vũ khí, thế là ông ta nổ súng.
Tại một cuộc họp báo, một phó cảnh sát trưởng cho biết viên cảnh sát nổ súng đã được cho nghỉ việc có lương. Ông ta đổ tội gây ra cái chết của Finch cho “hành động của một ‘prankster’”, tên đùa dại.
Khi các phóng viên vây quanh hiên nhà đầy máu của Finch vào thứ Năm, trên mạng xã hội Twitter người mang tên @SWAuTistic đăng lên thông tin này: “Đang có tin về ngôi nhà của thằng nhóc mà tao đã swat”. Account Twitter của hắn ta có 18.000 người theo dõi.
Swat là động từ, có nghĩa là lừa cho lực lượng SWAT của cảnh sát đến trấn áp một ai đó. Từ này đã được FBI sử dụng từ năm 2008 và đã đi vào tự điển Oxford Dictionaries Online năm 2015. Một vụ lừa như thế được gọi là “swatting” và thủ phạm là “swatter”.
Những tay swatter dùng nhiều kỹ thuật, như giả mạo số nhận diện người gọi (Caller ID), lừa để nạn nhân tiết lộ thông tin mật của cá nhân (social engineering), gọi điện thoại chơi ác (prank call) và hack hệ thống điện thoại (phreaking). Với các vụ swatting, thường là các hệ thống 911 – cả tự động lẫn có điện thoại viên, nhận được cuộc gọi từ các thành phố cách xa tổng đài hàng trăm cây số, có khi từ một nước khác. Các swatter dùng một số điện thoại giả – để giấu vị trí của mình, để lừa cho các cơ quan đáp ứng khẩn cấp điều động một toán SWAT đến địa chỉ của người mà chúng muốn hại.
SWAT
Như những cái tên được chọn lọc kỹ càng để khi viết tắt trở thành một từ có ý nghĩa trong tiếng Anh, Special Weapon and Tactics Team (Toán Vũ khí và Chiến thuật Đặc biệt) khi viết tắt là S.W.A.T. là không tình cờ.
Động từ Swat trong tiếng Anh chỉ hành động đập, như đập ruồi. Phải nhanh và mạnh.
Đó là những đơn vị công lực (law enforcement) được trang bị và sử dụng các thiết bị, chiến thuật đặc dụng hoặc của quân đội để đối phó với những trường hợp đặc biệt.
Cảnh sát là lực lượng dân sự trực thuộc Bộ Nội vụ được tổ chức để giữ gìn an ninh trật tự. Thoạt đầu, lực lượng này thường được võ trang nhẹ với các công vụ trấn áp kẻ gian như dùi cui, súng ngắn. Khi bọn gian ngày càng hung bạo hơn và có những vũ khí mạnh hơn, cảnh sát cũng được trang bị nặng hơn, nhưng cao lắm cũng chỉ đến súng dài.
Xem những phim hành động, như kiểu các vụ cướp ngân hàng, bắt con tin, tranh giành đất giữa các băng đảng ma túy, các vụ xả súng hàng loạt, v.v… người ta dễ dàng thấy rằng cảnh sát với những khẩu súng ngắn và bộ đồng phục đẹp nhưng mỏng manh và vướng víu quả thật đã bị lép vế.
Đơn vị SWAT đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ trong thập niên 1960 tại Sở Cảnh sát Los Angeles. Tình trạng hỗn loạn chính trị và xã hội ở Hoa Kỳ trong thập niên đó khiến cảnh sát quyết định rằng họ không được trang bị đủ để đối phó với một số tình huống bạo lực nhất định. Daryl Gates, một cảnh sát viên của LAPD, người sau này trở thành cảnh sát trưởng, cho rằng rằng L.A. cần những cảnh sát viên ưu tú với súng trường, súng ngắn và xe bọc thép, được đào tạo về chiến thuật kiểu quân đội.
Các đơn vị SWAT đầu tiên lần lượt ra đời ở các Sở Cảnh sát lớn ở Hoa Kỳ. Con số các đơn vị SWAT tăng dần từ khi Tổng thống Nixon phát động cuộc chiến tranh chống ma túy, rồi vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001.
Cùng với số lượng, trang bị cho các đơn vị SWAT ngày càng nặng hơn: vũ khí tự động và chuyên dụng như tiểu liên, súng trường tấn công, shotgun chống bạo động, súng bắn tỉa, súng chống bạo động, các hóa chất chống bạo động, lựu đạn khói và lựu đạn gây choáng. Ngoài ra, họ có thể sử dụng thiết bị chuyên dụng bao gồm áo giáp hạng nặng, khiên chắn đạn, dụng cụ phá cửa, xe bọc thép, thiết bị nhìn ban đêm và tầm nhiệt, và máy dò chuyển động để bí mật xác định vị trí của con tin hoặc những kẻ bắt con tin bên trong các cấu trúc kín. Thành viên các toán SWAT được lực chọn trong số các cảnh sát viên ưu tú và được huấn luyện như binh sĩ các lực lượng đặc biệt của quân đội
Ban đầu, đơn vị SWAT bị các giới chức cảnh sát, chính trị gia và thậm chí cả các cảnh sát viên hoài nghi. “Special Weapons Attack Team” (đội tấn công với vũ khí đặc biệt) cái tên ban đầu do Gates đặt ra bị xem là quá đáng sợ, nên ông Gates đã đổi nó thành “Special Weapons and Tactics” (Vũ khí và chiến thuật đặc biệt”.
Năm 1995, một loạt phim truyền hình mạng mang tên “SWAT” ra đời, in sâu hơn nữa ý tưởng về đội cảnh sát đặc biệt này vào đầu người Mỹ. Các đơn vị cảnh sát sử dụng chiến thuật bán quân sự nhanh chóng lan rộng khắp đất nước, đầu tiên là ở các thành phố lớn những nơi nhiều băng nhóm bạo lực, sau đó lọc xuống các thành phố nhỏ hơn.
Lần lượt, các đơn vị cảnh sát ở các địa phương nhỏ hơn tổ chức những đội SWAT cơ hữu để có thể nhanh chóng đáp ứng với những tình huống bất ngờ, khỏi chờ lâu lắc. Ngày nay, khoảng 90% lực lượng cảnh sát ở các thành phố của Hoa Kỳ với dân số 50.000 người trở lên có một số loại đơn vị SWAT, trong khi 70% các thành phố nhỏ hơn cũng có. Như thế, hiện ở Hoa Kỳ có khoảng 1.200 đội SWAT.
Để thấy được hình ảnh về hoạt động của SWAT, bạn có thể xem loạt phim truyền hình mang cùng tên SWAT của Hoa kỳ hiện đang chiếu trên các đài TV, hôi cường điệu nhưng không khác thực tế bao nhiêu. Ở Canada có loạt phim truyền hình tương tự mang tên Flashpoint, tuy đội SWAT của Toronto được trình bày ít hung hăng và máu lửa hơn.
Những tên “serial swatter”
Hãy trở lại với vụ swatting dẫn đến cái chết của Andrew Finch.
@SWAuTistic viết trên Twitter: “Đang có tin về ngôi nhà của thằng nhóc mà tao đã swat”. Account Twitter của hắn ta có 18.000 người theo (follower).
Cú điện thoại gọi đến 911 ở Wichita được Tyler Rai Barriss thực hiện từ Los Angeles. Hắn bị bắt chỉ vài giờ sau khi vụ swatting diễn ra.
@SWAuTistic là tên người sử dụng (username) của Barriss trênTwitter. Hắn ta không hề quan biết và cũng chẳng thù oán gì với nạn nhân Andrew Finch. Barriss khai với nhà chức trách rằng hắn ta chỉ “làm giùm” cho Casey Viner, một cậu thanh niên 19 tuổi sống ở Ohio là một tay chơi game trên mạng “Call of Duty”.
Thực ra thì Viner đã nhờ Barris “swat” Shane Gaskill, đối thủ game trên mạng của cậu này. Nghe nói lý do khiến Viner và Gaskill thù hằn nhau chỉ là một vụ cá cược một đô la rưởi về một trận đấu game Call of Duty: WWII trên mạng. Nhưng khi biết mình sẽ bị swat, Gaskill đã thách Barriss làm tới đi, và cung cấp cho Barriss địa chỉ cư trú cũ của mình. Đó là căn nhà trên đường McCormick mà mẹ con bà Lisa Finch đang cư ngụ.
Andrew Finch khi ngã xuống không biết là mình vì sao lại chết. Anh hoàn toàn không biết Viner, Gaskill và Barriss. Thậm chí, anh còn không chơi game điện tử, bà Lisa Finch nói con trai của bà “dùng thời giờ vào những việc tốt hơn.”
Gaskill và Viner cũng đã bị bắt.
Barriss cũng bị truy tố ở Washington, D.C. và California, nơi các công tố viên nói rằng hắn cũng là kẻ chủ mưu đằng sau “hàng tá” vụ swatting khác.
Các cuộc gọi sai khác có liên quan đến Barriss từ năm 2015 đến 2017 đã xảy ra ở Ohio, Nevada, Illinois, Indiana, Virginia, Texas, Arizona, Massachusetts, Missouri, Maine, Pennsylvania, New Mexico, Indiana, Michigan, Florida, Connecticut và New York.
Barris chỉ mới ta khỏi tù trước vụ ở Wichita ít lâu. Anh ta được thả khỏi nhà tù quận Los Angeles county sau khi thụ hình chưa đầy một nửa bản án gần 3 năm vì hai lần gọi điện thoại trình báo hai vụ đe dọa đánh bom vào trụ sở FBI và Ủy ban Truyền thông Liên bang.
Hắn “đánh” sang tận Canada. Nhà của một phụ nữ ở thành phố Calgary (Alberta) bị cảnh sát bao vây sau khi 911 nhận được một cú điện thoại báo cáo có một người đàn ông đã bị bắn và hai người khác đang bị bắt làm con tin đó.
Bên cạnh các vụ swatting, Barriss còn thực hiện cả chục cú điện thoại đe dọa hay báo động (giả) có bom, chất nổ gọi đến các trường đại học và các hãng thông tấn.
Theo văn phòng Công tố viên Liên bang, bản án 20 năm – 150 tháng tù cho các cáo buộc ở Kansas và 90 tháng cho các cáo buộc ở California, của Barriss được cho là bản án dài nhất dành cho tội “swatting hoặc đưa tin thất thiệt”. Sáu tháng sau, Viner bị kết án 15 tháng tù và hồi cuối năm 2020, một thẩm phán ở Kansas đã cho hoãn phiên xử Gaskill thêm một năm để tên này hoàn tất chương trình trung học.
Công tố viên Liên bang Stephen McAllister nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về swatting, đó là một hành vi của trẻ vị thành niên và vô nghĩa. Swatting, như tôi đã nói trước đây, không phải là một trò quấy đảo.”
Swatting đã diễn ra khắp nơi.
Ở thời điểm của vụ anh Finch chết oan tại Wichita, cơ quan điều tra liên bang FBI ước tính có khoảng 400 trường hợp swatting hàng năm, riêng Sở Cảnh sát Seattle đã phải đối phó với “hàng chục vụ swatting” mỗi tháng.
Bản án 20 năm của Barriss đã chẳng có tác dụng gì để ngăn chặn các vụ swatting.
Hồi tháng 4 năm 2020, lại có thêm một người nữa chết oan vì một vụ swatting. Lần này, may mắn cảnh sát chỉ liên quan, và ân hận nhưng không phải là những người nổ súng.
Ông Mark Herring ở Bethpage, tiểu bang Tennessee chết vì không chịu nhượng cái tên độc đáo và quý giá của ông trên mạng xã hội Twitter.
Như với vụ của Andrew Finch, ông già 60 tuổi này là nạn nhân của một vụ swatting “liên lục địa”.
Hôm 27 tháng 4 năm 2020, Cảnh sát ở Sumner county, Tennessee nhận được điện thoại của một người tự nhận đã giết người. “Tên sát nhân” báo rằng hắn đã bắn chết một phụ nữ và nếu cảnh sát đến, hắn sẽ đối phó bằng những quả bom làm bằng ống nước đặt ở cả cửa trước và cửa sau ngôi nhà nơi nội vụ đang diễn ra. Hắn cho cảnh sát địa chỉ.
Cú điện thoại gọi cảnh sát phát xuất từ Vương quốc Anh, và từ một thiếu niên.
Trước đó trong ngày, nhà ông Herring đã nhận được nhiều cú điện thoại và tin nhắn quấy nhiễu, hăm dọa, cả nhiều lần giao pizza mà họ không hề gọi.
Cậu con trai của ông Herring kể lại rằng hàng xóm gọi cho họ, bảo rằng cảnh sát đang bao vây nhà vì hiện trong nhà đang có một kẻ giết người, quý vị phải nấp đi.
Ông Herring lấy súng bước ra cửa. Cảnh sát dùng loa hỏi ông có phải là Mark Herring không, “giơ tay lên”. Ông ném súng đi để cho cảnh sát thấy mình không còn vũ khí và giơ hai tay lên rồi …ngã xuống.
Ông chết tại một bệnh viện địa phương; nguyên nhân cái chết được xác định là do lên cơn đau tim.
Shane Sonderman, một thiếu niên ở Tennessee, đã bị bắt sau đó và bị cáo buộc chủ mưu vụ swatting dẫn đến cái chết của ông Mark Herring.
Lý do để một ông già 60 tuổi lại bị bọn con nít thù oán và hãm hại chỉ là cái handle (tên trên mạng xã hội Twitter) của ông: @tennessee, mà ông đã chọn từ lâu lắm. Ông nhất định không nhường hay bán vì đó là nơi ông sinh sống và vì ông yêu mến đội bóng bầu dục Volunteers của đại học Tennesee.
Với những tay chơi trên các mạng xã hội, nhiều cái handle, hoặc username thật quý giá. Các tên của mạng điểm (domain name) trên internet cũng vậy. Nghĩ được cái tên thích hợp hay hấp dẫn nhưng vì đã có người chọn trước, người ta chỉ còn có cách duy nhất là mua lại, hoặc yêu cầu chủ nhân cái tên đó nhường lại.
Chú Shane Sonderman đòi mua lại cái tên @tennessee, nhưng ông Herring nhất định không nhường. Thế là chú quậy phá ông, rồi toa rập với một đồng lõa ở Anh quốc, cũng là một thiếu niên để swat ông.
Hôm 21 tháng 7 vừa qua. chú nhóc Shane Sonderman bị kết án 5 năm tù giam, kèm với buộc giới hạn sử dụng internet và điều trị tâm lý.
Chú cũng có thể trở thành một serial swatter nếu không bị bắt. Sonderman từng quậy phá một thiếu niên khác ở Ohio bằng cách gọi điện thoại đặt giao thức ăn đến địa chỉ nhà nạn nhân, và gọi xe cứu hỏa đến chữa cháy ở địa chỉ này hồi tháng 4, 2020. Sau vụ đó, chú gửi message cho nạn nhân, hỏi: “Hỏi mẹ mày xem có vui với mấy cái xe chữa lửa đó không? Nếu mày không giao cho tao cái username (của mày) trên instagram, lần sau, tao sẽ giết bố mẹ mày.”
Ngoài nạn nhân ở Ohio, còn có những nạn nhân khác ở New York, Virginia và Michigan của chú nhỏ này.
Ở Canada có swatting không?
Văn hóa Mỹ và văn hóa Canada có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là những điểm không tốt lắm. Swatting là một.
Cả đến những serial swatter, Canada cũng có. Và phần lớn các swatter Canada cũng là thanh thiếu niên.
Năm 2014, bốn thanh thiếu niên, hai ở Ontario, một Quebec và một ở British Columbia đã bị buộc tội sau cuộc điều tra về các vụ swatting trên khắp Canada và Hoa Kỳ.
Cùng năm, ở Milton (Ontario) một thiếu niên đã bị bắt sau khi cảnh sát – gồm cả lực lượng chiến thuật, ở Halton (Ontario) đã đổ đến một địa chỉ ở Milton sau khi một người đàn ông gọi vào nói hắn ta vừa giết người ở đó. Hai trường học gần bên bị lock down.
Một thiếu niên Ottawa vừa bị tòa án ở Ontario bỏ vào một cơ sở giáo hóa dành cho thiếu niên với bản án tháng tù. Cậu này, “swat từ năm 2014, lúc mới 16 tuổi, và swat từ Canada sang Hoa Kỳ. Bằng tài khoản Skype mang tên “Anonymouse Official”, cậu ta gọi báo đã đặt bom hoặc chuẩn bị súng ống để bắn, hay bắt con tin. Tất cả các lời dọa đều nhắm vào các trường học, nhà riêng hoặc trung tâm mua sắm.
Một cậu bé 15 tuổi ở Laval, Que., Bắc Montreal, đã bị bắt và bị buộc tội sử dụng điện thoại hoặc máy tính để nhắm mục tiêu vào một trung tâm mua sắm, hai nhà riêng và cùng một trường học hai lần.
Năm 2019, Zachary James Jakeman, 25 tuổi, ở Calgary (tỉnh bang Alberta) đã lừa cho cảnh sát phải hối hả đổ về khu vực East Village của thành phố này đến 23 lần với những cú điện thoại trình báo đã thấy một vụ phạm tội có vũ khí hoặc trường hợp khẩn cấp y tế. Cảnh sát Calgary cho rằng anh đã là người thực hiện 8 cuộc gọi cùng kiểu ở phía tây nam Calgary trong vòng một tháng trước đó, và khoảng 55 cuộc gọi khác cho 911 từ năm 2018 đến 2019.
Tháng 11 cùng năm, swatting đã làm cho hệ thống Thư viện Công cộng ở Ottawa đã phải tạm đóng cửa gần một ngày.
Tháng 2, 2020, một thiếu niên ở Oakville (Ontario) bị bắt sau hai vụ swatting khiến cảnh sát mất công đổ đến một địa chỉ ở thành phố này đến vì tin báo có hoạt động tội phạm.
Hồi tháng 3 năm nay, một thiếu niên ở Saskatoon (tỉnh bang Saskatchewan) đã bị bắt trong một cuộc điều tra liên hợp của lực lượng liên hợp chống khủng bố gồm Cảnh sát Edmonton, FBI và Sở Mật vụ Hoa Kỳ. Thông cáo của Cảnh sát Saskatoon về vụ bắt giữ cho hay “Người này đã có nhiều lần gọi đến các cơ quan thực thi pháp luật, trường học, trường đại học, sân bay, doanh nghiệp và nhà riêng, báo rằng đã có bạo lực bằng vũ khí và nhiều người bị thương nặng. Tất cả các sự việc do người này gây ra đều không có thật nhưng vẫn kích động sự hoảng hốt và sợ hãi, và gây hao tốn hàng chục ngàn đô la để đáp ứng khẩn cấp ở cả Canada và Hoa Kỳ.”
Cảnh sát Canada được coi là hiền hơn cảnh sát Mỹ, nhưng sớm muộn rồi cũng sẽ có người bỏ mạng vì các vụ swatting. Chỉ vì những thứ rất nhỏ nhoi, như một cuộc đánh cá về một trận đấu game với tiền cá chừng vài đô la, hoặc một cái tên trang web, tên trên Twitter, Instagram, Facebook, TikTok.
Đỗ Quân