Dịch bệnh COVID-19 ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô vẫn đang lây lan mạnh. Dương Châu đã trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 tại Trung Quốc, thành phố này đã rơi vào tình trạng “phong tỏa mềm”.
Cư dân tại các khu vực có nguy cơ cao ở Dương Châu cho biết, một số lượng lớn người dân trong cộng đồng đã được đưa đi cách ly. Lệnh phong tỏa chính thức đã gây thiệt hại nặng nề cho các tiểu thương và khiến giá cả tăng vọt. Người dân đã báo cáo vấn đề với đường dây nóng của chính phủ, nhưng không nhận được sự trợ giúp nào, trang Aboluowang cho hay.
Kể từ ngày 28/7 đến nay, thành phố Dương Châu đã ghi nhận 308 ca nhiễm COVID-19 ở địa phương.
Theo Nhật báo Tin Tức Dương Châu, ngày 7/8, Tỉnh trưởng Giang Tô Ngô Chính Long (Wu Zhenglong) cho biết “Dịch bệnh ở Dương Châu đang trong thời kỳ bùng phát tập trung, tình hình phòng chống dịch rất nghiêm trọng và phức tạp”.
Dương Châu đã rơi vào tình trạng “phong tỏa mềm”, và tất cả các khu vực công cộng như nhà hàng, cửa hàng, và các hoạt động thể dục văn hóa trong cộng đồng đã bị đóng cửa. Mặc dù ĐCSTQ cho biết việc khép kín cộng đồng là để đảm bảo [an toàn] dân sinh nhưng tình huống thực tế lại khác.
Sáng 6/8, thành phố thông báo, kể từ 12 giờ ngày 6/8, dịch vụ vận tải hành khách tại ga Dương Châu và ga Đông Dương Châu sẽ tạm ngừng hoạt động. Giao thông đối ngoại như sân bay quốc tế Dương Châu Thái Châu, tất cả các bến phà ô tô và bến phà liên tỉnh ở Dương Châu cũng được thông báo tạm thời đóng cửa.
Ông Lâm, một tiểu thương ở quận Hán Giang, thành phố Dương Châu cho biết: “Bây giờ chúng tôi mua thức ăn đều phải mua trên mạng… Hôm nay đặt hàng ngày mai đưa tới. Chúng tôi được yêu cầu không được bước chân ra khỏi nhà. Người dân thực sự khổ sở”.
Ông Lâm nói rằng dịch bệnh đã làm gián đoạn cuộc sống của người dân thành phố Dương Châu, và lệnh cấm chính thức đã gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp về mọi mặt. Trong khi gánh chịu những tổn thất này, người dân cũng phải đối mặt với giá cả tăng vọt.
Vị tiểu thương này cho biết thêm “Bây giờ tôi mất hơn 600 Nhân dân tệ lợi nhuận mỗi ngày và tôi phải trả hơn 10.000 Nhân dân tệ tiền vay mỗi tháng. Ai sẽ chịu những khoản lỗ này?… Trong mắt một số người, mấy trăm đồng một ngày không được coi là tiền, nhưng những ngày này tôi không có thu nhập!”.
Ông cho biết thêm, do thị trường rau địa phương bị hạn chế nên giá rau và giá trứng đều tăng. Ông nói “Dương Châu có chợ đầu mối lớn nhất, mỗi ngày chỉ mở cửa 3 tiếng. Bởi vì thực phẩm từ nơi khác không vào được, thực phẩm địa phương cũng không dám bán nên giá cả sẽ tăng lên.” Các mặt hàng như cà chua, trứng, bắp cải đều tăng giá.
Ông Lâm phàn nàn, “Một số cư dân đã gọi đến đường dây nóng của chính phủ và họ nhận được phản hồi rằng hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng. Nếu cộng đồng có thể giúp đỡ, thì thiết lập đường dây nóng của chính phủ có ích lợi gì?”.
Ông cũng chỉ ra vấn đề mấu chốt hiện nay là người dân ở thành phố không có tin tức gì về lãnh đạo địa phương. Các quan chức của ĐCSTQ không bao giờ làm những điều thực tế.