10-8-2021
May còn là hư cấu, song câu chuyện của một bác sĩ Khoa nào đó báo hiệu một kịch bản hoàn toàn có thể trở thành hiện thực cho hệ thống y tế Việt Nam: Khi các bệnh viện phải đứng trước lựa chọn sàng lọc tàn nhẫn (triage), quyết định ai được ưu tiên sống, như đã từng xảy ra ở Ý trong đợt dịch đầu tiên năm ngoái.
Nhân phẩm không cho phép đem sinh mệnh của mỗi con người ra so hơn kém. Trước luật pháp, quyền sống và giá trị sinh mệnh của cụ già 100 tuổi và em bé mới ra đời là ngang nhau. Luật pháp ở Đức cấm hành vi lấy mạng người này thay thế mạng người khác, vì bất cứ động cơ nào (cho nên cũng loại trừ tư duy “công lý” kiểu mạng đổi mạng, ân trả ân oán trả oán). Vậy phải làm gì trong những tình huống mà hệ thống y tế buộc phải phân biệt, sàng lọc và ưu tiên sinh mệnh này bằng cách từ chối sinh mệnh kia?
Mỗi xã hội, quốc gia hay cộng đồng chỉ có thể trả lời câu hỏi đó trong điều kiện và khuôn khổ phù hợp với mình. Kẹt giữa một bên là nguyên lý về giá trị bình đẳng của mọi sinh mệnh cũng như bổn phận y đức là cứu mọi mạng sống không phân biệt, và bên kia là thực tế không thể không sàng lọc khi hệ thống quá tải, nhiều chuyên gia luật và triết học đạo đức cho rằng cuối cùng chỉ có đấng ngẫu nhiên là thẩm quyền công bằng nhất để phán bản án tử khi sàng lọc. First come first serve, hay trâu chậm uống nước đục trong tiếng Việt, như trong mọi tình huống cung ít hơn cầu, hay đơn giản là rút thăm. Song muốn thế nào cũng không thể lấy cảm xúc và những quan niệm lý tưởng – hay đúng hơn: những hình dung lãng mạn – về đạo đức làm cơ sở.
Ngay cả trong ba đợt dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm gấp 20 lần Việt Nam, hệ thống y tế ở Đức vẫn may mắn không bị quá tải tới mức phải áp dụng triage, song chủ đề này đã được truyền thông rộng rãi và đạt được một số đồng thuận căn bản. Chẳng hạn, nguyên tắc lấy triển vọng hồi phục của bệnh nhân làm tiêu chí quyết định: Một bệnh nhân cao tuổi nhưng khỏe mạnh, nhiều khả năng hồi phục, sẽ được ưu tiên so với một bệnh nhân trẻ nhưng nhiều bệnh nền trầm trọng, ít hy vọng hồi phục hơn.
Trong trường hợp triển vọng hồi phục tương đương thì ưu tiên thời lượng sống cao hơn: Hai bệnh nhân nặng như nhau thì bệnh nhân trẻ được ưu tiên, vì nếu hồi phục thì một thời lượng sống cao hơn được cứu. Các tiêu chí không được phép áp dụng là sắc tộc, quốc tịch, địa vị xã hội, thu nhập, chế độ bảo hiểm y tế, trình độ học vấn, nghề nghiệp, giới tính và tuổi tác.
Các bác sĩ rất cần một giàn giáo đạo đức, song không phải để trở thành anh hùng lương tri, mà để không bị sụp đổ dưới gánh nặng lương tri khi buộc phải quyết định khước từ một số sự sống vì lợi ích sống còn tối ưu trong điều kiện giới hạn của cộng đồng. Nhưng họ còn cần một bệ đỡ khác quan trọng hơn: một giàn giáo pháp lý. Hành động như bác sĩ Khoa, theo luật pháp ở Đức là phạm tội làm chết người, luật hình sự.
Chưa kể việc vi phạm quy trình bệnh viện và hợp đồng điều trị giữa bệnh viện và bệnh nhân (một mình tự tiện rút ống thở của bệnh nhân), đó là hành vi chủ động chấm dứt sinh mệnh một con người, thuộc thực tiễn sàng lọc sau (ex post triage), không thể được miễn tố như hành vi thụ động, không thể cứu vì không còn phương tiện, như ở sàng lọc trước (ex ante triage). Sàng lọc dự phòng (preventive triage), từ chối một số bệnh nhân “không đáng cứu” để dành nguồn lực dự trữ cho những bệnh nhân “đáng cứu” hơn sắp tới là thực tiễn tuyệt đối không được chấp nhận.
Mấy ngày trước có bài thơ ưu tiên vaccine xuất hiện trên mạng: “Pfizer là của vua quan/ Moderna là của trung gian, nịnh thần/ Astra là của thương nhân/ Sino là của nhân dân anh hùng”.
“Ưu tiên” là một trong những khái niệm đáng ngờ nhất trong từ vựng tiếng Việt. Nếu chẳng may thực sự cần sàng lọc ưu tiên trong đại dịch, câu hỏi không phải là bác sĩ nào sẽ hy sinh máu mủ để ưu tiên người dưng, khiến người Việt một lần nữa ngây ngất về nhân cách cao cả của người Việt, như thể đạo đức đi vay có thể bù cho vắc-xin hay vắc-mượn. Mà câu hỏi là: Việt Nam đã chuẩn bị gì cho kịch bản triage?