Sunisa Lee từ cô bé nhà nghèo đến tân vô địch Olympic

Đinh Thảo Yên

Từ lực sĩ đấu kiếm Lee Keifer gốc Phi Luật Tân giành huy chương vàng, đến lực sĩ Jay Litherland gốc Nhật giành được huy chương bạc và rồi Sunisa Lee gốc H’Mong tiếp tục giành huy chương vàng môn nhào lộn toàn năng, những lực sĩ Mỹ gốc Á tiếp tục đóng góp và hãnh diện mang về những huy chương cho Hoa Kỳ. Tên tuổi họ đã trở thành câu chuyện thời sự khắp nước Mỹ trong tuần qua. Câu chuyện của Suni Lee phần nào cho thấy những cố gắng của nhóm lực sĩ này để được vinh dự chọn vào đội tuyển Olympic Hoa Kỳ ra sao.

Nguồn Sporting news

Theo thông báo từ Ủy Ban Thế Vận Hội Hoa Kỳ USOPC, những lực sĩ giành được huy chương vàng lần này tại Olympic Tokyo 2020 sẽ nhận được khoản tiền thưởng là $37,500, huy chương bạc là $22,500 và huy chương đồng là $15,000. Số tiền này sẽ chia đều cho các lực sĩ trong các môn thể thao đồng đội, tức mỗi lực sĩ sẽ nhận được rất ít nếu có hàng chục người như túc cầu.

Món tiền thưởng này khá nhỏ nhoi nếu so với một số quốc gia khác đã tặng thưởng từ vài trăm ngàn đến một triệu đô la. Nhưng tặng thưởng và danh dự lớn nhất của một nhà Olympic là vô giá và không dễ dàng đạt được.

Với hơn 600 lực sĩ đang đại diện nước Mỹ tham dự Olympic, cơ hội để được trở thành một nhà Olympic khá nhỏ, với tỉ lệ một trong hơn nửa triệu người, tính chung cho cả thế giới. Và cơ hội để giành huy chương thì lại càng hiếm hoi hơn, bởi hơn 11 ngàn Lực sĩ tài giỏi nhất thế giới đang tranh đua để giành được chỉ hơn 300 bộ huy chương, khoảng 1,000 huy chương các loại.

Suni Lee huy chương vàng môn nhào lộn cá nhân toàn năng – nguồn abc13

Ðiểm qua vài số liệu bên trên để thấy rằng, đàng sau mỗi một huy chương đạt được không chỉ là niềm hãnh diện cá nhân nhà Olympic mà còn cả cho quốc gia đại diện trong lãnh vực thể thao. Suni Lee làm được hơn thế nữa khi giành được đến ba huy chương: một huy chương vàng môn nhào lộn cá nhân toàn năng, một huy chương bạc đồng đội và huy chương đồng môn xà ngang.

Vinh quang này không đến qua đêm, nhất là với cô gái gốc Á Châu như Suni Lee, người xuất thân từ một gia đình và cộng đồng di dân nhỏ bé và bị xem là trong nhóm nghèo và học vấn thấp nhất nước Mỹ là H’Mong. Trong khi môn thể dục nhào lộn này được xem là môn thể thao rất tốn kém và đòi hỏi nhiều công sức lẫn thời gian của cả cha mẹ.

Sinh năm 2003 tại St. Paul tiểu bang Minnesota, “thủ phủ” của cộng đồng người H’Mong tại Mỹ, Suni Lee là con gái của một gia đình tị nạn H’Mong đến từ Lào sau chiến tranh Việt Nam. Cha mẹ Suni là những người lao động bình thường. Như nhiều trẻ em tại Mỹ, Suni cũng đã bắt đầu tập thể dục nhào lộn từ năm lên sáu và đã tỏ ra có năng khiếu lẫn đam mê với môn thể thao vốn đòi hỏi sự hy sinh rất lớn của những bậc cha mẹ, cả về tài chính, công sức và thời gian.

Lee năm 2013. Nguồn elle.com

Từ năm 12 tuổi, Suni đã được chọn vào đội tuyển thiếu niên của Mỹ để thi đấu quốc tế và giành được một vài thành tích thi đấu. 3 năm qua, được chọn vào đội tuyển thanh niên, tài năng và thành tích của Suni càng tỏa sáng hơn, khi Suni đem lại các thành tích cao cho đội Hoa Kỳ trong các thi đấu thế giới, chỉ đứng sau Simone Biles, một đồng đội đồng thời một tài năng hàng đầu thế giới trong môn thể dục nhào lộn này.

Dù có những thành tích cao như vậy, Suni phải thi đấu với tất cả những tài năng khác của nước Mỹ để được chọn vào đội tuyển Olympic Hoa Kỳ trong kỳ Olympic 2020 tại Nhật lần này. Suni không biết được tin chính thức sẽ được chọn cho đến tháng Sáu năm nay vì đội tuyển Mỹ chỉ chọn bốn nữ lực sĩ. Và câu chuyện còn lại như mọi người đã biết, ba huy chương Olympic với một huy chương vàng đã làm tên tuổi Suni Lee rực sáng, không chỉ tại Mỹ mà cả khắp thế giới.Xem thêm:   Lòng Dân…

Chiến thắng của Suni làm người ta chú ý đến cộng đồng H’Mong nhỏ bé bị bỏ quên và hầu như ít người Mỹ thông thường biết đến. Họ là một cộng đồng mặt nào đó bị xem là không có quốc gia. Bởi chỉ là một sắc tộc nhỏ, phần lớn sinh sống tại Lào, Thái Lan và Việt Nam, họ đã giúp cho tình báo Mỹ tại Lào trong cuộc chiến tranh Việt Nam và được may mắn chấp thuận là những người tị nạn, được nhận vào Mỹ vào cuối thập niên 70s, đồng thời với người tị nạn Việt Nam.

Suni Lee (thứ 2 từ phải qua) và gia đình – Nguồn twitter

Với khoảng hơn 300 ngàn dân, tập trung nhiều tại California và Minnesota, đây là một trong số các cộng đồng di dân nghèo và có học vấn thấp nhất nước Mỹ. Các thống kê dân số của chính phủ cho thấy khoảng 60% người H’Mong là có thu nhập thấp và một phần tư số họ là bị xem gia đình nghèo. Cũng vậy, đến 30% người H’Mong tại Mỹ chưa học hết trung học và tỉ lệ tốt nghiệp đại học cũng thấp tương tự các cộng đồng Lào, Campuchia, kế tiếp là Việt Nam trong số các cộng đồng Á Châu.

Chính vì vậy, chiến thắng và vinh quang của Suni Lee có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng H’Mong bởi họ khao khát được nhìn đến với sự khởi đầu của một thế hệ thứ nhì thành công thay vì một cộng đồng nghèo và chẳng mấy được để ý.

Họ không chỉ khao khát và trông chờ người khác sẽ làm thay cho mình. Vài năm qua, cộng đồng H’Mong đã chung tay đóng góp thêm ít tiền bạc, giúp cho gia đình Suni có thể trang trải thêm các phí tổn để Suni có thể tập luyện, đi thi đấu bởi chính gia đình Suni cũng không kham nổi các dụng cụ tập luyện, chính ba em phải tự tay làm các xà tập sau vườn cho em.

John Lee, cha của Sunisa Lee cùng đồng hương H’mong Oakdale, Minnesota cổ vũ Suni Lee. Stephen Maturen – Getty/images

Hàng năm, đã có vài trăm người cùng tham gia cắm trại với gia đình Suni để ủng hộ tinh thần em và gia đình, chia sẻ các lời thăm hỏi, khích lệ và chụp hình với em để bày tỏ sự ủng hộ của họ. Trong ngày thi đấu cho huy chương, cộng đồng H’Mong tại St. Paul đã cùng tụ tập để hồi hộp theo dõi em thi đấu và cùng mừng vui reo hò khi em được tuyên bố đã giành được huy chương vàng.

Trả lời phỏng vấn ngay sau giành được huy chương vàng, Suni Lee bảo rằng, “Ước gì có cha tôi ở đây. Cả hai chúng tôi đã cùng cố gắng cho huy chương này. Ông đã hy sinh mọi thứ để tôi được chơi nhào lộn. Cả cha mẹ tôi đã thật sự hy sinh cho nó”. Và cô cũng chẳng quên cảm tạ cộng đồng H’Mong bởi cô cho biết, nếu không nhờ cha mẹ và cộng đồng, có lẽ cô đã bỏ cuộc vì từng mang ý định như vậy.

Cộng đồng H’Mong xứng đáng hãnh diện nhận vinh dự đó vì họ đã thật sự đóng góp vào thành công của tân vô địch Olympic Suni Lee. Hennessy được xem là loại rượu đặc biệt khoái khẩu của cộng đồng H’Mong tại Mỹ. Vào cuối tuần qua, ắt Hennessy đã tràn đầy trên các bàn tiệc trong gia đình người H’Mong cùng cái tên Suni Lee.

Related posts