Phụng Minh
Sau khi Trung Quốc ra một loạt quy định tự hạn chế nhiều ngành công nghiệp trong nước, các nhà đầu tư cổ phiếu bị chấn động, giờ đang suy đoán xem ngành nào sẽ là mục tiêu tiếp theo của một đợt đàn áp mới? Nhưng ngoại giới cũng đang nghĩ về một câu hỏi khác: Tại sao ông Tập lại chọn bắt đầu vào lúc này?
Trong năm qua, ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh kiểm soát khu vực tư nhân của nước mình, những gã khổng lồ công nghệ, giáo dục đều dính phải “thất thương quyền” (tên môn võ trong tiểu thuyết Kim Dung, Tạ Tốn muốn nóng vội dùng chiêu này nên tự gây thương tích cho mình trước khi làm thương kẻ thù). Đòn này của ông Tập đã khiến Phố Wall choáng váng. Các mục tiêu bao gồm các công ty công nghệ lớn, các công ty niêm yết ở nước ngoài, cũng như giáo dục ngoại khóa, trò chơi kỹ thuật số và thậm chí cả thuốc lá điện tử, bất động sản hay ngành công nghiệp sữa bột cho trẻ em.
Vậy, tại sao ông Tập Cận Bình không thẳng tay đàn áp trong hai nhiệm kỳ đầu? Hãng tin Bloomberg ngày 10/8 đưa tin, một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng có hai lý do nổi bật: một là khoảng cách ý thức hệ giữa quốc gia do ĐCSTQ cầm quyền và Hoa Kỳ ngày càng lớn, và thứ hai là ông Tập muốn triệt hạ kẻ thù chính trị và bất kỳ tiếng nói chống đối nào mở đường cho sự cai trị vô thời hạn của ông trước Đại hội toàn quốc năm 2022.
Bloomberg dẫn lời một giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải nói rằng ông Tập Cận Bình tin rằng tình hình hiện tại đang là “Đông thăng Tây giáng” (nghĩa là phương Đông trỗi dậy và phương Tây suy tàn), vì vậy bây giờ là thời điểm tốt nhất để ông phát động một cuộc đàn áp.
Phân tích cho rằng trong 5 năm qua, một loạt chính sách của ông Trump đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến Tập Cận Bình khó thở, chẳng hạn như chiến tranh thương mại, đàn áp Huawei, bắn tỉa TikTok và trừng phạt các quan chức ĐCSTQ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng “chiến dịch trấn áp” của ông Tập Cận Bình mới chỉ là bước khởi đầu, phía sau có thể sẽ có những cơn bão dữ dội. Phùng Sở, đối tác của Plenum, một công ty nghiên cứu ở Bắc Kinh, cho biết: “Cuộc trấn áp mới chỉ là bắt đầu, khúc dạo đầu mới bắt đầu”.
Học giả viện nghiên cứu người Úc Richard McGregor đã đăng một bình luận trên tờ Nikkei vào ngày 9/8, chỉ ra rằng ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình là bảo vệ đảng và xây dựng “quốc gia xã hội chủ nghĩa”, chứ không phải bảo vệ các nhà đầu tư quốc tế.
Ông cho biết, sau khi quan sát kỹ, người ta phát hiện ra rằng các công ty Trung Quốc bị thanh trừng đều được hỗ trợ đắc lực sau khi ông Tập lên nắm quyền (ý chỉ được sự hậu thuẫn của phe đối lập với ông Tập trong đảng). Do đó, để bảo đảm không xảy ra các tình huống tương tự, ông Tập Cận Bình cần duy trì nắm đấm sắt đối với nền kinh tế.
Sự xáo trộn quy định gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ tăng cường quản lý cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, sức hấp dẫn của cổ phiếu Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm. Theo dữ liệu của FactSet, một nhà cung cấp ứng dụng phân tích và thông tin tài chính toàn cầu, kể từ tháng 7, giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã bốc hơi hơn 400 tỷ USD.