Nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại Châu Á cảnh báo rằng, khi quân đội Trung Quốc ngày càng tự tin có thể chống lại phản ứng của các cường quốc phương Tây như Úc và Mỹ, thì “rất có khả năng” một cuộc xung đột quân sự sẽ nổ ra trên hòn đảo tranh chấp Đài Loan trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Theo tờ Daily Mail đưa tin hôm 8/8, Tổng bí thư Tập Cận Bình và những người ủng hộ trung thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bày tỏ tham vọng thôn tính Đài Loan – một hòn đảo dân chủ được Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ, và tuyên bố “không có chỗ cho Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức”.
Mỹ sẽ tham gia vào cuộc chiến trên eo biển Đài Loan?
Tuy nhiên, một vị giáo sư của Đại học Stanford (Mỹ) nói rằng, chắc chắn 100% Hoa Kỳ sẽ can thiệp trước hành vi hung hăng mang tính xâm lược này của Trung Quốc. Đồng thời kêu gọi Lực lượng Vũ trang Úc hưởng ứng cuộc chiến này.
Tiến sĩ Oriana Skylar Mastro của Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford, nói với nhóm chuyên gia Úc của Đại học La Trobe rằng:
“Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc sử dụng lực lượng vũ trang. Rất nhiều người cho rằng, người Trung Quốc thích những thứ kiểu như vùng xám, đe dọa cưỡng bức, chiến tranh chính trị. Tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng với vấn đề Đài Loan thì lại khác”.
“Họ (ĐCSTQ) không thể thông qua những cách này để giành quyền kiểm soát chính trị hoàn toàn đối với Đài Loan. Người dân Đài Loan sẽ không tự nguyện thống nhất với Trung Quốc Đại lục nếu quân đội Trung Quốc không đóng quân trên đảo”.
Đây là lý do tại sao Tiến sĩ Mastro cho rằng, “cuộc đổ bộ toàn diện” vào Đài Loan sẽ xảy ra trong 6 năm tới.
Bà Mastro nói: “Một số người Úc đặt câu hỏi Mỹ sẽ làm gì – Mỹ chắc chắn 100% muốn đánh cuộc chiến này. Nhưng vấn đề lớn nhất là, cán cân quyền lực đã có sự thay đổi. Lý do khiến ĐCSTQ có thể sẽ đổ bộ (Đài Loan) bởi vì họ cho rằng, họ có thể giành chiến thắng… ngay cả khi Mỹ can thiệp”.
Tiến sĩ Mastro giải thích rằng, mặc dù lực lượng quân đội Hoa Kỳ “vượt xa” quân đội ĐCSTQ, nhưng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể nhanh chóng vượt qua eo biển dài 130 km trước khi Hoa Kỳ có thời gian phản ứng.
Ông Nick Bisley, Giáo sư Quan hệ quốc tế, Trưởng Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học La Trobe Melbourne, Úc nói rằng, quan điểm một cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc có thể nổ ra trong vòng 5 đến 10 năm tới “khiến nhiều người kinh ngạc”.
Giáo sư Bisley nói: “Ông Tập Cận Bình đã gửi đi một tín hiệu rất công khai và rõ ràng rằng, Đài Loan không phải là một vấn đề để lại cho thế hệ tiếp theo”.
“Tất nhiên hiện tại nhiệm kỳ của ông Tập không có giới hạn. Ông ta sẽ nắm quyền trong thời gian rất dài. Chúng ta không biết khung thời gian cụ thể là bao lâu, nhưng dường như xác thực là có. Vì vậy, chúng ta không ở bên bờ vực xung đột giữa các cường quốc như năm 1914. Nhưng chúng ta đang tiến gần đến điều này hơn trước”.
Guy Boekenstein: Gần như chắc chắn Úc sẽ bị kéo vào cuộc chiến
Ông Guy Boekenstein, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Châu Á Bắc Úc (Northern Australia Asia Society) nói rằng, một cuộc xung đột như vậy có thể không phải là một cuộc chiến tranh truyền thống toàn diện, nhưng tình thế căng thẳng có thể sẽ sôi lên nhanh chóng do “những đánh giá sai lầm về mặt chiến lược”. Gần như chắc chắn rằng, Úc sẽ bị kéo vào cuộc xung đột để hỗ trợ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngừng cố gắng khẳng định sức mạnh toàn trị của họ bằng cách gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã làm xói mòn nền độc lập chính trị của Hong Kong, tiến hành các cuộc hỗn chiến biên giới đẫm máu với Ấn Độ, đồng thời tiếp tục đàn áp những người Hồi giáo ở Tân Cương. Trong đó, ĐCSTQ đã giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các “trại cải tạo”.
Trung Quốc cũng không ngừng xâm chiếm vùng Biển Đông của Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei khi cố gắng xây dựng các hòn đảo quân sự vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Boekenstein nói: “Nếu chúng ta nhìn vào Lực lượng Quốc phòng Úc một cách thực tế và khả năng xuất quân hoặc bảo vệ Úc của chúng ta, bạn biết đấy, chúng ta không nên tự lừa dối mình. Chúng ta có một đội quân nhỏ nhưng có năng lực. Ngoài ra, các liên minh và đối tác sẽ luôn hỗ trợ chúng ta về mặt quốc phòng và an ninh từ căn bản”.
Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Nhật Bản, kể từ khi thành lập chính phủ độc lập trên đảo sau cuộc Nội chiến Trung Quốc năm 1949, Đài Loan đã luôn phải chịu đựng một cuộc xung đột lâu dài với Bắc Kinh. Sau khi chứng kiến các nhà dân chủ Hong Kong bị đàn áp dã man, người dân Đài Loan đã lo lắng hơn bao giờ hết.
Đài Loan có nhà lãnh đạo dân chủ – Tổng thống Thái Anh Văn – người luôn phản đối quyết liệt việc thống nhất với Bắc Kinh. Nhưng luận điệu của ĐCSTQ ngày càng trở nên hung hăng khi nói đến việc thôn tính hòn đảo này.
Dù vậy, quốc đảo này vẫn là đồng minh quan trọng của các nước dân chủ phương Tây, bởi vì nó rất gần với Trung Quốc và là nước sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Cùng với sự leo thang căng thẳng, Úc và Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong khi kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.
Đồng thời, mối quan hệ của Úc với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đã bắt đầu xấu đi vào tháng 4 năm ngoái, khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Động thái này của chính phủ Úc đã khiến ĐCSTQ rất tức giận. ĐCSTQ đã trả đũa bằng cách áp đặt các lệnh cấm tùy tiện và thuế quan cao ngất ngưởng đối với các mặt hàng trị giá hàng tỷ USD của Úc, bao gồm lúa mạch, rượu, bông, hải sản, thịt bò, đồng và than đá.