Tin thế giới sáng thứ Năm

Afghanistan: Taliban chiếm 9 thủ phủ, người dân ồ ạt di tản

Thụy My

image.png
Một nơi sống tạm bợ của những người Afghanistan lánh nạn khỏi các vùng chiến sự Kunduz và Takhar, do những cuộc giao tranh giữa phe Taliban và quân đội chính phủ, ngày 09/08/2021. AFP – WAKIL KOHSAR


Đến sáng 11/08/2021, tại Afghanistan, đã có 9 thủ phủ các tỉnh rơi vào tay phe Taliban, gây thêm lo ngại tại Kabul và trên toàn quốc.

Mỗi ngày hàng trăm người cố gắng ra khỏi nước. Đại sứ quán các nước ở Kabul tràn ngập hồ sơ xin visa, các đường dây vượt biên tăng giá đưa người sang Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, trong khi 6 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đòi Bruxelles tiếp tục trục xuất người tị nạn Afghanistan.

Thông tín viên RFI tại Kabul, Sonia Ghezali mô tả tình trạng hiện nay ở thủ đô Afghanistan :

« Cư dân tuyệt vọng và sợ hãi. Người dân Kabul dán mắt vào chiếc điện thoại và tivi, họ bàng hoàng dõi theo đà tiến như vũ bão của phe Taliban. Và họ nhìn thấy ngay tại Kabul hậu quả bi thảm của việc Taliban chiếm được một phần lớn lãnh thổ, vì hàng ngàn gia đình phải tạm ngụ trên các đường phố thủ đô.

Nhiều phụ nữ và trẻ em trú ẩn tại một công viên ở trung tâm Kabul, gần ‘vùng xanh’, nơi có trụ sở tất cả đại sứ quán các nước và dinh tổng thống. Hàng trăm gia đình cắm dùi trên một bãi đất trống phía bắc thủ đô. Họ đến từ miền bắc Afghanistan, một số từ miền đông, trốn khỏi các vùng chiến sự. Các nạn nhân chiến cuộc sống hết sức tạm bợ, dù người dân thủ đô Kabul đã hết lòng trợ giúp.

Không khí thật nặng nề. Các nhà báo Afghanistan, nhân viên chính phủ kể lại họ bị đe dọa qua điện thoại, còn dân cư lo sợ điều tệ hại nhất sẽ diễn ra ».

Từ năm 2015 đến nay, đã có 570.000 người Afghanistan xin tị nạn tại Liên Hiệp Châu Âu. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong cuộc họp các ngoại trưởng EU ngày 18/08, ban đầu là nhằm bàn về tình hình Litva, đang bị tràn ngập di dân Irak qua ngả Belarus.

Thủ tướng Trudeau tố cáo bản án bất công của Trung Quốc cho công dân Canada Spavor

Thụy My

image.png
Ảnh hai công dân Canada Michael Kovrig (T) và Michael Spavor, bị Bắc Kinh bắt giữ từ hơn hai năm qua, trên màn hình tại đại sứ quán Canada ở Trung Quốc, ngày 11/08/2021. AP – Mark Schiefelbein

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 11/08/2021 tuyên bố bản án 11 năm tù mà Trung Quốc dành cho công dân Canada Michael Spavor vì cáo buộc gián điệp là « bất công, hoàn toàn không thể chấp nhận được ».

Trong thông cáo, thủ tướng Trudeau tố cáo: « Bản án hôm nay cho ông Spavor sau hơn hai năm rưỡi giam cầm tùy tiện rất thiếu minh bạch trong tiến trình tố tụng, và đây là một phiên tòa thậm chí không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của luật quốc tế ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Liu Zhifan cho biết thêm chi tiết :

« Năm tháng sau một phiên tòa vội vã, doanh nhân Canada Michael Spavor đã biết được số phận của mình. Sáng thứ Tư, 11/08, ông bị tòa án Trung Quốc kết án 11 năm tù vì cáo buộc « làm gián điệp », « đánh cắp bí mật Nhà nước ».

Bản án được tuyên cùng thời điểm với một phiên tòa khác đang diễn ra ở Canada, xử bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Việc bà Mạnh bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018 đánh dấu sự xuống cấp trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa. Chế độ cộng sản tố cáo vụ bắt giữ này mang tính chính trị, trong khi Mạnh Vãn Châu có nguy cơ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ vì nghi ngờ gian lận ngân hàng.

Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc liền bắt giam ông Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig. Ông Kovrig cũng bị cáo buộc tội gián điệp và đang chờ bản án. Từ hai năm qua chịu cảnh tù tội và không có cơ hội lên tiếng, hai công dân Canada này đều được xử kín. »

Trung Quốc chuẩn bị đầu tư phát triển tại Miến Điện

Thụy My

image.png
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hậu thuẫn tập đoàn quân sự Miến Điện tại Rangun, ngày 07/04/2021. AP

Bộ Ngoại Giao Miến Điện hôm 11/08/2021, loan báo Trung Quốc sẽ chuyển trên 6 triệu đô la cho chính phủ Miến Điện để tài trợ cho các dự án phát triển tại nước này. Một thỏa thuận đã được ký kết với đại sứ Trung Quốc ở Miến Điện.

Bộ Ngoại Giao Miến Điện cho biết số tiền được Trung Quốc chuyển đến sẽ được sử dụng vào lãnh vực văn hóa, nông nghiệp, khoa học, du lịch và đối phó thiên tai.

Reuters ghi nhận, ngược với các nước phương Tây vốn lên án vụ đảo chính ngày 01/02/2020, Trung Quốc tuyên bố ưu tiên đối với họ là sự ổn định và không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước láng giềng.

Những người chống đối tập đoàn quân sự tố cáo Bắc Kinh hỗ trợ cho việc quân đội thâu tóm quyền hành từ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi hiện đang bị cầm tù. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc đó và nói rằng họ ủng hộ các giải pháp ngoại giao khu vực để giải quyết khủng hoảng.

Em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ trích thái độ « phản trắc » của Seoul

Thùy Dương

image.png
Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tại thượng đỉnh Trump – Kim, Hà Nội, Việt Nam, ngày 02/03/2019. AP – Jorge Silva

Bà Kim Yo Jong, người em gái rất có ảnh hưởng và cũng là một trong những cố vấn thân cận nhất của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hôm qua, 10/08/2021, chỉ trích thái độ « phản trắc » của Seoul về cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ và cảnh báo Seoul và Washington sẽ phải đối mặt với “các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng”.

AFP dẫn thông cáo được hãng tin nhà nước KNCA đăng tải, theo đó bà Kim Yo Jong tố cáo các cuộc tập trận mà Seoul và Washington phối hợp thực hiện vào tuần tới, với kịch bản đánh chiếm Bắc Triều Tiên, là « nguy hiểm ». Em gái lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công phủ đầu.

Còn theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, hôm nay 11/08/2021, ông Kim Yong-chol, trưởng ban Mặt trận thống nhất của đảng Lao Động Triều Tiên, dọa là Bình Nhưỡng sẽ khiến Hàn Quốc và Hoa Kỳ lúc nào cũng cảm thấy một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng, do Seoul và Washington vẫn tiến hành tập trận chung.

Những tuyên bố trên của các quan chức cấp cao của chế độ Bình Nhưỡng được đưa ra trong bối cảnh đang có sự « tan băng bất ngờ » giữa hai miền Triều Tiên nhờ hàng loạt bức thư trao đổi giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Trong khi đó, tại một diễn đàn nhân kỷ niệm 29 năm Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Seoul, Hình Hải Minh (Xing Haiming) hôm nay đề nghị Hàn Quốc « có những nỗ lực vì hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh phức tạp » và Trung Quốc sẽ « tiếp tục vai trò xây dựng », ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc để cải thiện quan hệ liên Triều.

WHO muốn 20 nhân vật quyền lực giúp chấm dứt bất bình đẳng vac-xin

Thụy My

image.png
Bruce Aylward, viên chức WHO phụ trách về phương tiện chống đại dịch, trong một cuộc họp báo ngày 25/02/2020. AFP – FABRICE COFFRINI

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/08/2021 khuyến khích 20 nhà lãnh đạo có quyền lực can thiệp để thay đổi sự mất cân bằng « đáng xấu hổ » trên thế giới về vac-xin ngừa Covid, làm sao đảo ngược được tình thế trước tháng 10.

Ông Bruce Aylward, viên chức WHO phụ trách về phương tiện chống đại dịch, trong một cuộc trao đổi trực tuyến trên mạng xã hội, tuyên bố : « Có khoảng 20 nhân vật trên thế giới rất quan trọng để giải quyết vấn đề công bằng. Họ đứng đầu các công ty lớn phụ trách việc này, họ lãnh đạo các nước mua hầu hết vac-xin trên thế giới, lãnh đạo các nước sản xuất vac-xin. Chúng ta cần 20 nhân vật này nói rằng : ‘Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề từ nay đến cuối tháng Chín, làm thế nào để 10% dân số mỗi nước được tiêm chủng’ ».

Tổ chức Y tế Thế giới ngày càng bất bình trước tình trạng được coi là « xì-căng-đan về đạo đức ». Các nước giàu thâu tóm lượng vac-xin hiện có, trong khi các quốc gia đang phát triển khó có thể tiêm chủng cho những người dễ tổn thương.

Theo AFP, gần 4,5 tỉ liều vac-xin đã được tiêm trên thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, 104 liều được tiêm cho 100 người, còn tại 29 nước thu nhập thấp nhất, chỉ có 2 liều cho 100 người. Ông Aylward cho rằng « chúng ta phải tự cảm thấy ghê tởm ».

Tổ chức Y tế Thế giới mong muốn mỗi nước có thể chích ngừa cho ít nhất 10% dân số từ nay đến cuối tháng Chín, ít nhất 40% dân số đến cuối năm và 70% đến giữa năm 2022.
Facebook phá chiến dịch bóp méo thông tin về vac-xin ngừa Covid-19

image.png

Facebook cho biết sẽ nỗ lực ngăn chặn việc loan truyền các thông tin sai lệch về tiêm ngừa Covid-19. AP – Jenny Kane
Thùy Dương
Mạng xã hội Facebook đã phá được một chiến dịch bóp méo thông tin nhằm làm mất uy tín các loại vac-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech, bao gồm cả việc tìm cách khiến công chúng tin rằng vac-xin AstraZeneca “biến những người được tiêm phòng thành tinh tinh.”

Trong một cuộc họp báo ngày 10/08/2021, ông Ben Nimmo, giám đốc một trong những ban an ninh mạng của Facebook, nhận xét một cách mỉa mai : « Việc làm sai lệch thông tin không phải lúc nào cũng tinh tế, tế nhị ».

Theo giải thích của Facebook, Fazze, một công ty truyền thông ở Anh, chịu trách nhiệm phổ biến rộng rãi nhất có thể các bài báo đánh lừa, gây hiểu lầm, cũng như những kiến nghị trên các diễn đàn và mạng xã hội (trong đó có Reddit, Medium, Change.org, Facebook, Instagram …), thông qua những tài khoản giả mạo và cả những người có ảnh hưởng.

Chẳng hạn, hồi tháng 05/2021, một số người có ảnh hưởng tại Pháp và Đức, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế và khoa học, cho biết họ nhận được những lời đề nghị bôi nhọ vac-xin Pfizer đổi lại sẽ được nhận các khoản biếu tặng.

AFP trích dẫn một nhà phổ biến kiến thức khoa học có kênh Youtube được 1,17 triệu người theo dõi, theo đó những người làm việc cho Fazze trước đây đều từng làm việc ở Nga. Công ty Fazze hiện giờ đã bị cấm trên Facebook.

Nathaniel Gleicher, giám đốc chuyên trách các quy định bảo mật của Facebook, nhận định đó là một quy trình bóp méo thông tin rất tinh vi. Có thư rác, những người có ảnh hưởng, việc đánh cắp tài liệu … vì thế sẽ rất khó để hiểu toàn bộ chiến dịch này nếu mạng xã hội chỉ đối phó một mình. Nathaniel Gleicher kêu gọi toàn thể xã hội dân sự, các học giả, nhà báo, nhà chức trách cùng tham gia với các mạng xã hội trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống tin giả.

AFP nhắc lại, tập đoàn có trụ sở tại California, Mỹ, thường xuyên bị cáo buộc góp phần vào việc phổ biến ồ ạt thông tin bị bóp méo. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí từng phát biểu, Facebook và các mạng xã hội khác « giết hại » người dân bằng cách làm lan truyền tin giả về tiêm ngừa Covid-19.

Nhiêt độ không tăng quá 1,5°C : Mục tiêu gần như bất khả, nhưng vẫn phải giữ

Trọng Thành

image.png
Cháy rừng ở Palermo, Sicilia, Ý, ngày 10/08/2021. Trong tương lại, các đại thảm họa được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều. AFP – STRINGER

GIEC – nhóm nghiên cứu liên chính phủ của LHQ – vừa công bố bản báo cáo gây sốc, dự báo chỉ ít năm tới, mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá 1,5°C, kéo theo hàng loạt thiên tai chưa từng có ».  Các đại thảm họa – dự kiến kinh khủng gấp nhiều lần đại dịch Covid – là điều gần như không thể tránh khỏi với nền kinh tế toàn cầu dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch hiện nay.

Tại sao đặt ra mục tiêu gần như không tưởng này ? Mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất từ đây đến 2100 tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, và tốt nhất là không quá 1,5°C, là điều được cộng đồng quốc tế thống nhất trong Hiệp định Khí hậu Paris (COP 21), ký kết năm 2015. Vào thời điểm đó, các nhà đàm phán phải hết sức vất vả mới đưa được mục tiêu 1,5°C vào văn bản Hiệp định. Các đại gia xuất khẩu năng lượng hóa thạch và các khách hàng lớn đã chống lại đến cùng mục tiêu vốn bị cho là phi thực tế này.

Nỗ lực đưa « 1,5°C » vào Hiệp định Paris
Hiệp định Khí hậu Paris 2015 chính thức thừa nhận mức tăng nhiệt độ vượt quá 1,5°C là mức gây đại họa mà nhân loại cần cố tránh. Sáu năm sau Thượng đỉnh Paris, theo báo cáo của GIEC, công bố hôm 09/08/2021, với tất cả các kịch bản – từ lạc quan nhất đến bi quan nhất – mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt ngưỡng 1,5°C ngay vào năm 2030, tức sớm hơn 10 năm so với dự báo trước đó (năm 2018). GIEC cũng nhấn mạnh là, nếu toàn bộ các cam kết cắt giảm khí thải của 195 quốc gia được thực hiện, thế giới cũng đang trên lộ trình hướng đến mức tăng 3°C. Còn nếu như mức khí thải tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, tương lai Trái đất nóng lên từ 4 đến 5°C đang đón chờ nhân loại.

Điều tra của Cơ quan Khí tượng Anh Quốc cho Tổ chức Khí tượng Thế giới, công bố đầu tháng 8/2021, còn đưa ra dự báo bi quan hơn nhiều : « Trong vòng 5 năm tới, xác suất lên đến 40% là sẽ có một năm nhiệt độ trung bình của Trái đất cao hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp », và xác suất này sẽ gia tăng với thời gian. Lãnh đạo Cơ quan Khí tượng Thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh : Nghiên cứu với độ tin cậy khoa học cao này cho thấy rõ là chúng ta đang tiến dần đến cái mốc giới hạn nhiệt độ được ấn định trong Hiệp định Paris.

Thái độ buông xuôi của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc
AFP ghi nhận : Nội bộ cộng đồng khoa học quốc tế có thái độ rất khác nhau về mục tiêu 1,5°C. Cách đây vài tháng, Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc công bố Sách trắng về « các hiểm họa với một thế giới mà nhiệt độ tăng quá 3°C », được nhiều nhà khí hậu học nổi tiếng, trong đó có nhiều thành viên của nhóm GIEC ký tên. Sách Trắng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc khẳng định : « Trên thực tế, giới hạn biến đổi khí hậu không quá 1,5°C hiện nay là điều bất khả ». Sách Trắng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc cũng nhấn mạnh là mục tiêu không tăng quá 2°C đã đòi hỏi những nỗ lực khổng lồ hoàn toàn không dễ thực hiện.

Nhiều chuyên gia khác ngay lập tức đã phản bác lập trường của Viện Hàn Lâm Khoa Học Úc. Theo họ, về mặt khoa học, nhân loại vẫn luôn còn có khả năng giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C trong thế kỷ 21. Chuyên gia về chính sách khí hậu quốc tế Alden Meyer (một thành viên ban lãnh đạo E3G, trung tâm tư vấn độc lập về khí hậu châu Âu) lưu ý là con đường hướng tới một thế giới có nhiệt độ dao động ở mức không tăng quá 1,5°C là « vô cùng hiểm trở, gian nan ». Nhưng theo ông, « điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận buông tay ».

Theo kịch bản lạc quan nhất trong báo cáo GIEC, nếu nhân loại toàn tâm toàn ý, đoàn kết hướng tới mục tiêu này, thì mức tăng cao nhất sẽ là 1,5°C vào ngưỡng 2050, và các nỗ lực hướng tới một thế giới « phát thải âm », tức mức hấp thu khí thải cao hơn mức phát ra, với việc cắt giảm triệt để các nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mở rộng gấp bội diện tích rừng, khiến mức tăng nhiệt độ Trái đất có thể được rút xuống còn 1,4°C. Mức tăng giúp cho các thế hệ con cháu chúng ta có được một môi trường khả dĩ yên bình.

1,5°C : Mục tiêu « địa chính trị »
Nhà khí hậu học Peter Thorne, đồng tác giả báo cáo GIEC, giải thích : mục tiêu 1,5°C là một mục tiêu « địa chính trị », một định hướng chung cho phép nhiều quốc gia phối hợp nỗ lực. Xét theo nghĩa này, đây là một động lực có nghĩa hệ trọng. Theo đồng tác giả báo cáo GIEC, nếu đã rất nỗ lực, nhưng không thành công với mục tiêu 1,5°C, thì đạt được 1,7°C dù sao cũng còn tốt hơn nhiều là coi việc vượt quá 1,5°C là thất bại, rồi phó mặc cho số phận. Theo một thành viên của tổ chức CARE, một trong những mạng lưới nhân đạo hàng đầu thế giới, nỗ lực để giữ cho nhiệt độ « không tăng quá mỗi một phần mười độ » là điều hệ trọng.

Khác biệt một phần mười độ có thể là không lớn đối với nhiều nước giàu, nhưng đối với các quốc gia nghèo và các cộng đồng dễ tổn thương là vô cùng ghê gớm. Khô hạn, bão lũ, nước biển dâng cao… hàng loạt tai ương gần như không phương chống đỡ. Hơn bao giờ hết, những năm, những tháng, những tuần lễ sắp tới có ý nghĩa sống còn với nhân loại. Thách thức rất khó vượt qua trước mắt là cộng đồng quốc tế phải nâng đủ mức cam kết cắt giảm khí thải tại thượng đỉnh COP 26 Glasgow, để bảo đảm về nguyên tắc, nhiệt độ thế giới không tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp.

Related posts