Sài Gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi bốn

Đỗ Duy Ngọc

Mở đầu một ngày là cơn giận khi đọc tin lũ người táng tận lương tâm, tàn nhẫn tận cùng khi bóc lột, chặt chém người bệnh vướng dịch virus Vũ Hán. Lũ người này lợi dụng cấp cứu, sử dụng xe cứu thương dỏm chở người bệnh đi và đòi tiền rất cao. Xe dán thông tin là chạy tình nguyện, danh nghĩa là miễn phí nhưng đến nơi giở giọng thu tiền với giá trên trời.

Cũng có nhiều xe tử tỉnh lên thành phố đội mác vận chuyển cấp cứu kiếm ăn. Rất nhiều chiếc xe 16 chỗ được cải tạo thành xe cứu thương rồi đăng lên mạng, nhiều khi là đăng như của các đội tình nguyện. Khi có bệnh nhân cần cấp cứu, những người này chặt giá 3-4 triệu đồng một chuyến dù quãng đường có khi chỉ là một đoạn ngắn.

Khi người nhà nguy kịch, liên hệ cấp cứu khó khăn, ai cũng tìm đủ mọi cách để kiếm xe nên khi có xe đến là đã quá mừng. Do vậy, lợi dụng tâm lý này, những kẻ kiếm ăn trên nỗi đau của đồng loại, kêu giá bao nhiêu người ta cũng đồng ý. Sinh mạng là trên hết, thời giờ là sinh tử cho nên giữa giờ phút ấy, chẳng ai còn quan tâm đắt rẻ.

Trong lúc dịch bệnh tăng cao ở thành phố, các phương tiện lưu thông công cộng không được phép hoạt động. Nhu cầu vận chuyển người nhiễm dịch lẫn người bệnh là rất lớn. Trước tình hình này, nhà nước cho phép nhiều xe cứu thương từ nhiều đơn vị tư nhận được huy động vận chuyển cấp cứu và đều có logo và thẻ nhận dạng để phân biệt. Chủ trương của chính quyền là miễn phí và đội quân chạy cấp cứu là tự nguyện. Danh nghĩa là thế, nhưng đôi khi người nhà bệnh nhân bồi dưỡng một ít thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng đội lốt cấp cứu mà bóp cổ dân như thế thì quá bất nhẫn, ăn trên xác người.

Cái dở của bộ phận phụ trách trực điện thoại để dân có thể liên lạc khi cần là hầu như rất khó để liên hệ. Địa phương nào, ban bệ nào cũng có lực lượng túc trực nghe điện thoại để kịp thời tư vấn hướng dẫn cho người dân. Nhưng bộ phận này chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, có khi là do thiếu xe cấp cứu nhưng đa phần là chưa làm hết trách nhiệm được giao. Chưa kể số cuộc gọi đến quá đông, không thể giải quyết được. Đã có nhiều người chết vì xe cấp cứu không gọi được hay đến trễ nên bệnh nhân không qua khỏi.

Mùa dịch bệnh, rất nhiều cá nhân, nhiều hội đoàn đã hết mình hỗ trợ cho dân nghèo, giúp thêm thiết bị cho các bệnh viện, giúp cho nhiều gia đình có người mấy thuận tiện trong việc thiêu xác… Họ làm thiện nguyện từ lòng nhân đạo, tình đồng bào, bằng cái tâm sáng. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những con kền kền đợi dịp để ăn xác người, những con thú đội lốt hút máu người. Chúng lập ra những tổ chức từ thiện, chúng tạo ra những hoàn cảnh bi thương, chúng vẽ ra những tiếng kêu khẩn thiết để kêu gọi các nhà tài trợ, thu được tiền chúng không làm từ thiện bao nhiêu mà đa phần là bỏ vào túi riêng.

Ta cũng sẽ không làm ngạc nhiên khi nhiều kẻ chuyên làm từ thiện, từ thiện là nghề nghiệp chính của họ, ngoài ra họ chẳng làm gì khác nhưng rất giàu có, nhà cửa, xe cộ ngon lành. Tiền của bá tánh cả. Hút máu người nghèo, ăn trên xác đồng loại, không biết rồi họ có vui sướng gì trên những đồng tiền bất lương đó không nữa? Một xã hội mà kẻ có chức ăn không chừa thứ gì và kẻ đội lốt từ thiện làm giàu trên máu mủ của đồng loại. Xã hội đó nên gọi tên là gì nhỉ? Thời nay quả báo nhãn tiền, những loại người này cũng không tránh được tai ương đâu.

Từ hôm qua, đường phố Sài Gòn bất ngờ đông đúc, nhiều con đường lắm xe cộ, nhiều người đi. Hiện tượng này khiến nhiều người lo lắng cho thành quả phòng chống dịch trong suốt thời gian qua của Sài Gòn trở thành vô ích. Trên một số tuyến đường trung tâm TP HCM như Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Ngô Gia Tự, nút giao Lý Thái Tổ (quận 10), Hồng Bàng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương (quận 5), Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận)…, suốt từ trưa đến chiều 10.8, lượng xe cộ khá tấp nập.

Ngoài những phương tiện cấp cứu, chở hàng hóa thiết yếu, vẫn còn nhiều người đi lại như bình thường, nếu bị xét hỏi, chắc chắn sẽ vi phạm quy định phong toả. Có lẽ thời gian giãn cách quá dài, nhiều người bị tâm lý tù hãm nên cố tìm cách ra đường dù không có nhu cầu cần thiết.

Có những nhu cầu bình thường nhưng trong mùa dịch lại trở thành quan trọng như nhu cầu được thở của những người vướng virus, như nhu cầu được đi lại, nhu cầu được gặp gỡ, nhu cầu được ăn uống hàng quán, tập thể dục như là một thói quen của người bình thường. Giờ thì giam chân cuồng cẳng suốt hai tháng trời, các nhu cầu ấy trở nên cấp bách.

Cũng có thể một số người đã được chích ngừa, cứ nghĩ chích rồi là sẽ không nhiễm bệnh, sinh ra chủ quan, ra đường mà không còn sợ dính bệnh nên cứ rồ ga mà đi cho đỡ cuồng chân. Một suy nghĩ khá là nguy hiểm.

Với tình hình này, thời gian giãn cách có thể còn kéo dài và sẽ phát sinh những biểu hiện tâm lý bất lợi cho con người. Có thể gọi đó là Hội chứng tâm lý trong đại dịch. Không chỉ vì bị tù hãm trong thời gian dài, nhiều gia đình vướng bệnh cả gia đình từ ông bà, con cái và cả cháu, rồi có đến ba bốn người bị mất mạng trong mùa dịch. Rồi khó khăn trong đời sống, thiếu thốn gạo cơm, không có tiền để sinh hoạt mà tương lai thì mù mịt. Hỏi làm sao không bị sang chấn tâm lý?

Theo báo cáo, mấy hôm nay số người nhiễm dịch ở Sài Gòn đã có giảm dù không nhiều. Vẫn luẩn quẩn ở con số trên dưới 4000 ca/ ngày. Tuy nhiên con số tử vong vẫn chưa giảm và có thể tăng lên trong những ngày sắp tới. Số người tử vong hôm qua là 308 người. Chiều nay là 342. Riêng thành phố là 261 người.

Vừa rồi, chùa Vĩnh Nghiêm có chương trình Hỗ trợ áo quan để hoả táng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đợt đầu về kho ở chùa 1.000 cái, chỉ làm bằng cây và bìa cứng, ván ép. Nhìn thấy chất đống trong kho mà lạnh người. Con số cả ngàn đấy mà cấp cho hết số người chết thì chỉ cần ba, bốn hôm là hết. Ghê thật. Cứ nhìn cảnh ở lò thiêu Bình Hưng Hoà, cảnh bận rộn không nghỉ của các nhà đòn mới thấy sự tổn thất nhân mạng trong cơn dịch này ở Sài Gòn nó tang thương, mất mát biết chừng nào!

Cũng mấy hôm nay, trước tin thành phố đang trong tình trạng thiếu vaccine, rất nhiều người chưa được tiêm chủng rất lo âu vì sợ phải chích thuốc Sinopharm. Ngày 10.8, thành phố đã tiêm vaccine Vero Cell dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị, trong đó có Tập đoàn FPT. Vaccine này được Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM vào ngày 6.7 với 19.000 liều. Và hôm nay, thành phố đã triển khai tiêm 19.000 liều vaccine Vero Cell. Đây là vaccine nằm trong số lượng 500.000 liều được tài trợ trước đó. Tin này khiến nhiều người lo sợ phải chích Sinopharm.

Tuy nhiên, cũng theo tin của nhà nước, số lượng 19.000 liều vaccine Vero Cell được phân bổ từ nguồn tài trợ trước đó. Số vaccine này được tiêm cho 3 nhóm người gồm: Công dân nước CHND Trung Hoa làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại nước CHND Trung Hoa; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với nước CHND Trung Hoa. Như vậy, vẫn chưa có chủ trương chích phổ biến trong dân loại thuốc này.

Qua tin báo như trên, có lẽ người dân sẽ bớt ngại ngùng hơn khi đi chích ngừa, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn nên khi đến chích, đòi xem cho được lọ thuốc mới an tâm. Nhưng cũng theo phát biểu của người có trách nhiệm, vaccine Vero Cell cũng như các loại khác, người dân sẽ được chọn thuốc chích với tinh thần “tự nguyện và miễn phí, ai đồng ý mới thực hiện”. Nhưng nếu thiếu các loại Astra, Pfizer hay Moderna thì sao? Chỉ còn một loại thì chắc khỏi chọn lựa.

Trong cuộc họp hôm qua, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, báo cáo rằng, tình hình dịch tại Thành phố đã ở mức độ được kiểm soát và có xu hướng giảm dần, dao động ở mức 3.000 – 4.000 ca nhiễm/ngày; hệ số lây nhiễm chung giảm mạnh từ mức 3-3,5 xuống còn 0,78. Lãnh đạo nhìn nhận như thế, nhưng trong thực tế lượng F0 ở thành phố này vẫn đang quá tải. Các bệnh viện vẫn chật cứng người bệnh và con số tử vong hàng ngày vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm.

Trời Sài Gòn vẫn chưa sáng nổi.

_____

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

Related posts