Lý Hạo
Thế vận hội Tokyo được nhiều người mong đợi cuối cùng đã kết thúc suôn sẻ vào ngày 8/8. Có quá nhiều khoảnh khắc huy hoàng, vinh quang và tình tiết cảm động. Tổng kết lại Thế vận hội lần này, có một vài điểm nhấn đặc biệt đáng lưu ý.
Thế vận hội không có khán giả, có thể lật đổ mô hình đầu tư các sự kiện thể thao lớn trong tương lai
Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát, Thế vận hội Tokyo vốn được dự định tổ chức vào năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại cho đến năm nay. Lúc đầu, ban tổ chức muốn cho phép một số khán giả vào địa điểm tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, vì dịch bệnh ở Nhật Bản đang nóng lên, ban tổ chức cuối cùng đã quyết định không mở cửa cho khán giả thông thường. Việc này đã tạo ra kỳ quan “Thế vận hội không có khán giả” đầu tiên trong lịch sử.
Chi phí đầu tư đăng cai Thế vận hội tại Nhật Bản lần này đã vượt quá 15,4 tỷ đô la Mỹ, nhưng cuối cùng không chỉ mất đi doanh thu khổng lồ từ vé vào xem của khán giả mà còn mất đi tài trợ quảng cáo của một số công ty lớn. Vì vậy, sau lần Thế vận hội này, ước tính sẽ mang lại tổn thất tương đối lớn cho nước chủ nhà Nhật Bản.
Nếu dịch bệnh trên thế giới không thể được dập tắt một cách hiệu quả trong tương lai và loài người buộc phải chung sống với nó trong một thời gian dài, thì Thế vận hội trong tương lai và các sự kiện thể thao quốc tế khác rất có thể sẽ phải thay đổi mô hình “đầu tư lớn, vung tiền lớn” như hiện nay. Nếu không, khoản đầu tư khổng lồ cho sự kiện này sẽ không thể cân đối thu chi từ tiền vé và doanh thu quảng cáo. Điều này sẽ kéo tài chính quốc gia của nước chủ nhà đi xuống, cũng làm suy giảm ý nguyện đăng cai tổ chức các hoạt động thể thao quy mô lớn của các nước.
Kỳ thế vận hội đắt nhất lịch sử, Nhật Bản có thành tích tốt nhất trong lịch sử
Chi phí đăng cai Thế vận hội Tokyo được chính thức tuyên bố là 15,4 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, các kênh truyền thông về tài chính như Wall Street Journal đã ước tính rằng cùng với các khoản chi phí bị hoãn tổ chức, tổng chi phí của Thế vận hội có thể lên tới 20 tỷ đô la Mỹ.
Dù con số thực tế là bao nhiêu, nhưng theo Đại học Oxford tại Anh, nơi đã có thời gian dài nghiên cứu đầu tư cho Olympic, chỉ ra rằng đây là Thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mặc dù Thế vận hội khiến Nhật Bản thiệt hại về kinh tế, nhưng Nhật Bản cũng đạt được kết quả Olympic tốt nhất trong lịch sử, không chỉ đứng thứ ba về tổng số huy chương (chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc), Nhật Bản còn giành được 27 huy chương vàng, cũng là con số lịch sử mới.
Trên thực tế, đăng cai Thế vận hội Tokyo là mong muốn lớn của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông luôn hy vọng tổ chức sự kiện quốc tế lớn nhất này tại Nhật Bản để nâng cao vị thế và tìm lại vinh quang quốc gia của Nhật Bản. Năm 2016, ông cũng đặc biệt ngồi máy bay đến Rio (Brazil) để đóng vai nhân vật trò chơi điện tử Mario, tiếp quản cây gậy của nhà tổ chức Olympic. Hiện tại, theo kết quả của Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản đứng thứ ba thế giới, có thể nói là đã hoàn thành nguyện vọng của ông Abe.
Mỹ đảo ngược chiến thắng vào ngày cuối cùng, số huy chương đứng đầu trong 3 kỳ Thế vận hội liên tiếp
Trong bảng xếp hạng huy chương Thế vận hội lần này, Trung Quốc từ đầu luôn duy trì vị thế dẫn đầu, nhưng bất ngờ là trong ngày cuối cùng của sự kiện, Mỹ đã giành được liên tiếp 3 huy chương vàng. Cuối cùng, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc với tổng số 39 huy chương vàng (Trung Quốc giành được 38 huy chương vàng), thành tích này cũng giúp Mỹ lập kỷ lục huy chương vàng trong 3 kỳ Olympic liên tiếp.
Thể chế toàn trị của ĐCSTQ không địch nổi thể chế xã hội tự do
Như mọi người đã biết, ĐCSTQ đã sử dụng sức mạnh của quốc gia để đào tạo ra một lượng lớn các vận động viên nhằm cạnh tranh huy chương tại Thế vận hội và phấn đấu “đeo vàng đeo bạc”. Nhưng không ngờ, đội Trung Quốc luôn dẫn đầu đã bị “lật xe” ở ngày cuối và đội Mỹ đã lội ngược dòng. Dù về số huy chương vàng, bạc, đồng hay tổng số huy chương thì Mỹ đều đã dẫn đầu Trung Quốc, đảo ngược tình thế trở thành nước đứng đầu bảng xếp hạng.
Kết quả này khiến nhiều ‘tiểu phấn hồng’ (những thanh niên yêu nước mù quáng) và đội quân dư luận viên của ĐCSTQ bất mãn. Vì vậy, một số cư dân mạng đã công khai “thu nạp” huy chương của Đài Loan và Hồng Kông để khiến Trung Quốc dẫn trước Mỹ về số lượng huy chương. Tất nhiên, cách làm này cũng đã gây ra sự chế giễu, cười nhạo từ cư dân mạng Đài Loan và Hồng Kông, thậm chí có cư dân mạng Trung Quốc cũng không thể chịu đựng được và nói thẳng rằng nếu tính theo cách này thì EU là người chiến thắng lớn nhất thế giới.
Tình cảm dân tộc của các ‘tiểu phấn hồng’ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu nhìn vào số liệu khách quan, ĐCSTQ thực thi cả “hệ thống quốc gia” để giành được tổng cộng 88 huy chương. Chính quyền ĐCSTQ nói Trung Quốc có 1,41 tỷ dân, nếu quy đổi, trung bình cứ 16,02 triệu người thì mới giành được một huy chương. Mỹ đã giành được 113 huy chương. Dân số Mỹ vào khoảng 331 triệu người, trung bình cứ 2,93 triệu người thì có một huy chương, giá trị thành tích này gấp 5,4 lần so với ĐCSTQ. So sánh với Đài Loan, giành được 12 huy chương, Đài Loan hiện có dân số 23,487 triệu người, trung bình cứ 1,96 triệu người thì có một huy chương, giá trị thành tích này gấp 8 lần ĐCSTQ.
Tất nhiên, loại dữ liệu này chỉ là một cách tính toán hời hợt, không phải là một phân tích chuyên sâu chặt chẽ. Dù sao dân số Trung Quốc cũng nhiều, nhưng quá ít huy chương Olympic, số liệu này chỉ cung cấp cho chúng ta cơ sở để tham khảo.
Tuy nhiên, số liệu này dường như cho thấy rằng mặc dù ĐCSTQ đã giành được nhiều huy chương và đứng thứ hai trên thế giới, nhưng so với Mỹ, chi phí và hiệu quả giành huy chương của họ tương đối cao, và hiệu quả giống với “kinh tế kế hoạch” của chủ nghĩa cộng sản. Đầu tư vào sản xuất rất nhiều chi phí lao động nhưng lợi ích và năng suất lại rất thấp.
Ngược lại, nước Mỹ với hệ thống dân chủ và tự do, họ không dựa vào chính phủ để vận động cả nước và bắt buộc huấn luyện, nhưng lại tạo ra nhiều huy chương và huy chương vàng nhất thế giới, vượt qua cả ĐCSTQ. Ngay cả Đài Loan, một xã hội tự do, cũng tạo ra hiệu quả giành huy chương cao hơn. Nếu ngày nay Trung Quốc không có ĐCSTQ và cũng là một thể chế tự do, liệu Trung Quốc có giành được nhiều huy chương vàng hơn không? Tin rằng có thể.
Toàn Hồng Thuyền giành quán quân một cách đặc sắc, vạch trần sự thật “thoát nghèo” ở Trung Quốc
Ở Thế vận hội này, dù Trung Quốc giành được 38 huy chương vàng nhưng người giành huy chương vàng ấn tượng nhất trong số đó lại là nữ tuyển thủ nhảy cầu Toàn Hồng Thuyền (Quan Hongchan). Toàn Hồng Thuyền đã có thành thích phá vỡ kỷ lục thế giới, giành được huy chương vàng nội dung nhảy cầu 10 mét nữ. Nữ tuyển thủ này mới chỉ 14 tuổi, là người trẻ nhất trong đoàn Trung Quốc.
Quan trọng hơn, phát biểu khi trả lời phỏng vấn của Toàn Hồng Thuyền không những không có những câu “cảm ơn đảng”, “cảm ơn tổ quốc” cũ rích, cô bé này còn khá thẳng thắn nói về những khó khăn kinh tế của gia đình, nhưng sự thành thật này của cô cũng khiến cho ĐCSTQ lúng túng.
Nhà vô địch Olympic môn nhảy cầu Toàn Hồng Thuyền nói: “Tôi tên là Toàn Hồng Thuyền. Tôi năm nay 14 tuổi, đến từ Quảng Đông. Ngày nghỉ tôi chỉ có thể về nhà, về nhà cũng không đi đâu chơi, chỉ có thể ở nhà [vì] không có tiền. Tôi thậm chí còn chưa đến công viên giải trí, cũng chưa từng đến sở thú. (Tôi muốn) đi chơi trò chơi, chơi trò gắp búp bê, đi đến công viên giải trí.”
Toàn Hồng Thuyền cho biết, tham gia môn thể thao nhảy cầu là mong kiếm được tiền để chữa bệnh cho mẹ. Tấm lòng hiếu thảo này đã khiến nhiều người cảm động và kính phục, nhưng một lần nữa đã phá vỡ lời nói dối “toàn quốc đã thoát nghèo” của ĐCSTQ.
Hậu thế vận hội sẽ mang lại ít nhất 5 hiệu ứng:
Một câu hỏi được đặt ra nữa là, Olympic Tokyo lần này sẽ mang lại những ảnh hưởng gì hoặc hiệu ứng gì cho quốc tế thời kỳ hậu Thế vận hội? Nhà bình luận thời sự Đường Hạo đã đưa ra ít nhất 5 hiệu ứng sau:
- Ông Yoshihide Suga tái đắc cử hay không sẽ có ảnh hưởng cục diện đến tương lai Đông Á
Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng Mười. Việc Thủ tướng đương nhiệm Yoshihide Suga có thể tái đắc cử hay không đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Đặc biệt, kể từ khi ông Suga lên nắm quyền, ông đã kế thừa đường lối “thân Mỹ, thân thiện với Đài Loan và chống ĐCSTQ” của ông Shinzo Abe, đồng thời cũng đưa Nhật Bản trở thành tuyến phòng thủ quan trọng trước sự bành trướng quân sự của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương. Do đó, việc ông Suga có thể tái nhiệm hay không cũng sẽ có ảnh hưởng to lớn đến cục diện của châu Á trong tương lai.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ Tự do mà ông Suga là thành viên cũng dự kiến sẽ tổ chức bầu cử lại người đứng đầu vào cuối tháng Chín. Nếu Đảng Dân chủ Tự do có thể giành được vị trí đa số trong cuộc bầu cử quốc hội, vậy thì người đứng đầu của Đảng Dân chủ Tự do sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. Vì thế, nếu ông Suga muốn tái đắc cử chức thủ tướng, trước tiên ông phải vượt qua rào cản của cuộc bầu cử lại trong nội bộ đảng.
Việc dịch bệnh gần đây ở Nhật Bản tiếp tục nóng lên nhưng ông Suga vẫn kiên trì tổ chức Thế vận hội, điều này cũng khiến nhiều người phản ứng, khảo sát dân ý xuống mức thấp kỷ lục, mức độ ủng hộ ông Suga sau Thế vận hội đã giảm dưới 30%, chỉ còn 28%. Do đó, Thế vận hội lần này có khả năng ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Nhật Bản. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, cho đến mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục, đây cũng là điều rất đáng lưu ý.
- Nhật Bản và Đài Loan thắt chặt quan hệ, không gian quốc tế của Đài Loan được mở rộng
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Đài Loan vào cuối tháng Tư năm nay, cộng đồng quốc tế đã liên tiếp hỗ trợ cho Đài Loan bằng nhiều cách khác nhau. Tại lần Thế vận hội này, khi tuyển thủ Đài Loan vừa vào sân, người dẫn chương trình của Đài NHK Nhật Bản đã không nói “Đài Bắc Trung Hoa“, mà giới thiệu là “Đài Loan“. Người dẫn chương trình của các kênh truyền thông Hàn Quốc cũng sử dụng từ “Đài Loan” khi phát sóng, điều này tương đương với việc nâng cao vị thế và khả năng hiển diện của Đài Loan đối với các nước khác.
Không chỉ vậy, trong thời gian diễn ra Thế vận hội, có tới 28 thành phố của Nhật Bản đăng ký giúp Đài Loan làm cổ động viên và cổ vũ cho Đài Loan, đứng đầu thế giới. Động thái thân thiện này của người dân Nhật Bản còn được ví như tặng “tấm huy chương vàng Olympic thứ ba cho Đài Loan.”
Vì vậy, sau Thế vận hội, quan hệ Nhật Bản – Đài Loan sẽ trở nên chặt chẽ hơn, và không gian quốc tế của Đài Loan sẽ tiếp tục được mở rộng. Nếu thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm “thân Mỹ, thân thiện với Đài Loan và chống ĐCSTQ” hiện nay thì quan hệ hợp tác chiến lược và ngăn chặn ĐCSTQ trong tương lai giữa Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan sẽ trở lên sâu sắc hơn, và thậm chí còn thu hút nhiều hơn nữa các quốc gia tham gia.
- Đội quân ‘tiểu phấn hồng’ điên cuồng ‘ra trận’, ĐCSTQ càng bị cô lập, hai bờ eo biển càng xa hơn
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, sau khi xảy ra chuyện nhiều tuyển thủ Trung Quốc thua cuộc, ‘tiểu phấn hồng’ hoặc ‘ngũ mao’ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vào trang mạng xã hội của đối thủ để “tấn công” và điên cuồng tạo ra xung đột trên trên Internet. Thậm chí còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng giải trí và giới truyền thông cũng bị quấy nhiễu, khiến cho cộng đồng hải ngoại không thể chấp nhận được, cho rằng chủ nghĩa dân tộc quá cực đoan cùng ngôn từ hành vi bắt nạt quá khích của ‘tiểu phấn hồng’ đã tạo thành đe dọa và gây tổn hại cho đương sự.
Sự kiện ‘tiểu phấn hồng’ ‘xuất kích’ không chỉ được đưa ra bàn tán sôi nổi trong cộng đồng người Hoa, mà ngay cả CNN, BBC và các kênh truyền thông quốc tế khác cũng lần lượt đưa tin. Nói thẳng ra, những lời nói và hành vi mang tính bắt nạt của ‘tiểu phấn hồng’ không những không bảo vệ được vị thế và hình ảnh của một cường quốc lớn Trung Quốc, mà ngược lại khiến cộng đồng quốc tế hết lần này đến lần khác nhìn thấy những tin tức tiêu cực bất lợi cho Trung Quốc. Việc làm của họ cũng là đang hủy hoại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Hãy suy nghĩ theo cách khác, giả sử hôm nay tuyển thủ ‘tiểu phấn hồng’ giành được huy chương vàng và đối thủ người nước ngoài thua cuộc, kết quả là một lượng lớn cư dân mạng nước ngoài tràn vào Weibo của ‘tiểu phấn hồng’, không ngừng để lại những lời chửi bới, uy hiếp, dọa nạt, thử nghĩ xem, họ sẽ đối đãi với những cư dân mạng nước ngoài này thế nào, sẽ nghĩ gì về đất nước đó, ấn tượng về đất nước đó sẽ tốt chứ, vẫn muốn tương tác với đất nước đó chứ, còn muốn qua lại với quốc gia đó không?
Vì vậy, những ‘tiểu phấn hồng’ cấp tiến giống như ‘Hồng vệ binh’, họ ‘xuất kích’ khắp nơi trên mạng, nhưng không những không cải thiện được hình tượng của Trung Quốc, mà còn khiến Trung Quốc và ĐCSTQ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay và cô lập nhanh hơn. Đồng thời, sự bắt nạt và dọa nạt của các ‘tiểu phấn hồng’ đối với các cầu thủ và nghệ sĩ Đài Loan sẽ chỉ đẩy Đài Loan ngày càng xa với Đại Lục hơn, khiến quan hệ hai bờ eo biển ngày càng mịt mù. Vậy ai phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Chính là ‘phấn hồng vệ binh’ và kẻ đã đã đào tạo họ – ĐCSTQ.
- Kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh tiếp tục gia tăng
Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2/2022, nhưng hiện nay làn sóng cộng đồng quốc tế kêu gọi tẩy chay đang ngày càng gia tăng.
Trước và sau Thế vận hội Tokyo, ĐCSTQ tiếp tục phát động nhiều cuộc đàn áp Hồng Kông, không chỉ bắt giữ nhiều quản lý cấp cao của Apple Daily và buộc tờ báo này phải tuyên bố ngừng hoạt động, mà còn bắt giữ nhiều nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Hoàng Diệu Minh, v.v. Hành động bức hại nhân quyền và tự do của Hồng Kông đã dẫn đến sự phê bình mạnh mẽ của dư luận quốc tế.
Khi cộng đồng quốc tế liên tiếp tục sử dụng tên “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc Trung Hoa” để xưng hô trong Thế vận hội, cũng khiến cho chính quyền ĐCSTQ nổi giận, liên tiếp khẩu chiến với cộng đồng quốc tế, mắng nhiếc nước ngoài là “lợi dụng Thế vận hội để đạt được âm mưu chính trị”.
Ngoài ra, trước thềm Thế vận hội, lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở Hà Nam, chính quyền ĐCSTQ không những điều động quân đội phong tỏa đường hầm Kinh Quảng, nơi có khả năng có nhiều người thương vong, mà Đoàn thanh niên ĐCSTQ còn kêu gọi quần chúng quấy nhiễu phóng viên nước ngoài phỏng vấn đưa tin tại địa phương, tạo ra sự bất mãn và tiếc nuối trong cộng đồng quốc tế.
Cộng thêm việc ĐCSTQ che giấu sự thật về dịch bệnh, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đe dọa Đài Loan trong một thời gian dài, rất nhiều hành động của ĐCSTQ khiến quốc tế không thể chấp nhận được. Họ không đồng ý rằng ĐCSTQ là một quốc gia bình thường cùng chia sẻ các giá trị chung với thế giới. Do đó, cộng đồng quốc tế đang có làn sóng kêu gọi trừng phạt ĐCSTQ mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi tẩy chay ĐCSTQ đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông.
Hơn nữa, trong thời gian diễn ra Thế vận hội, một số lượng lớn ‘tiểu phấn hồng’ ‘cắn người’ tràn lan trên mạng, điều này cũng khiến các chính phủ và vận động viên lo lắng về việc ĐCSTQ đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông. Nếu các tuyển thủ nước ngoài đến Trung Quốc thi đấu, liệu có rủi ro về an toàn cá nhân hay không? Nếu một tuyển thủ nước ngoài “vô tình” thắng tuyển thủ Trung Quốc, thì liệu có bị đám đông quá khích tấn công hoặc không thể rời khỏi Trung Quốc hay không?
Hiện nay, ngày càng có nhiều cuộc thăm dò từ các quốc gia khác nhau cho thấy cộng đồng quốc tế đang tẩy chay Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông. Ví dụ, cuộc thăm dò mới nhất của Canada cho thấy 64% người dân ủng hộ tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh; 49% người dân tại Mỹ cũng ủng hộ tẩy chay Bắc Kinh. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi cũng công khai kêu gọi các nhà lãnh đạo của tất cả các nước từ chối tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và không cho ĐCSTQ thể diện.
Do đó, hàng loạt hành động ngoại giao sói chiến và các biện pháp tiêu cực khi đàn áp nhân quyền trong nước, cùng hành vi bắt nạt của các ‘tiểu phấn hồng’ gần đây của ĐCSTQ, sẽ càng làm gia tăng sự tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Điều tra nguồn gốc virus sắp công bố, quan hệ Mỹ – Trung đóng băng
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo điều tra nguồn gốc virus viêm phổi Vũ Hán mới nhất. Họ chỉ ra rằng virus đã bị rò rỉ từ Viện Virus Học Vũ Hán và tiếp tục lây lan thành đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo điều tra chính thức của chính quyền Biden sẽ sớm được công bố vào cuối tháng Tám. Nói cách khác, chính quyền Biden sẽ công khai bản tóm tắt định tính về nguồn gốc của dịch bệnh.
ĐCSTQ rất lo lắng về việc này, vì vậy, gần đây họ hầu như ngày nào cũng đăng tải các bài báo chỉ trích Mỹ trên các kênh truyền thông lớn nhỏ của mình. Tuyên truyền rằng Mỹ muốn đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus nhưng thực ra là phát tán “virus chính trị”, v.v. Tuy nhiên, ĐCSTQ càng ‘nhe nanh múa vuốt’ gấp rút phủ nhận và vội vã tấn công người khác, thì lại càng bộc lộ họ thiếu tự tin và lo lắng.
Chính vì vậy, quan hệ Mỹ – Trung hiện nay gần như rơi vào trạng thái “đóng băng”. Ngày nào cũng có thể thấy hai bên tranh cãi trên truyền thông. Quan hệ hai bên ngày càng trở nên căng thẳng khó giải quyết. Tiếp theo, từ khi Thế vận hội kết thúc cho đến trước khi Mỹ công bố báo cáo nguồn gốc virus, quan hệ Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ duy trì thế bế tắc đóng băng và hai bên thách thức lẫn nhau như hiện nay.
Điều đáng chú ý là Đài Loan có khả năng trở thành chiến trường đại diện của Mỹ và Trung Quốc, đây không phải là giao chiến quân sự thực sự, mà là một bàn cờ để hai bên đi nước cờ của mình. Hai bên sẽ liên tục tăng đặt cược, gây sức ép cho đối đối thủ, không ngừng tấn công và phòng thủ trên bàn cờ Đài Loan này. Quan hệ Mỹ – Trung – Đài sẽ duy trì một “tam giác cân bằng” ở mức độ căng thẳng rất lớn.
Lý Hạo, Epoch Times