Có thể bắt buộc người dân tiêm vaccine không?

Luật pháp có thể bắt buộc, nhưng đạo đức thì bảo không.

Võ Văn Quản

Thiết kế: Luật Khoa. Ảnh: Reuters, Texas Monthly.

Tại Việt Nam, những tranh cãi về khả năng ép buộc người dân tiêm vaccine bắt đầu khi năm triệu liều vaccine xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về nước.

Theo sau đó là hàng loạt các chiến dịch tuyên truyền, bao gồm cả những bài viết sai lệch lộ liễu và cũng bị bóc trần ngay sau đó, như câu chuyện VnExpress dùng hình ảnh tiêm vaccine Pfizer tại Hoa Kỳ để nói về sự tín nhiệm vaccine Trung Quốc ở các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. [1]

Các thảo luận này tạm thời chấm dứt với giải thích chính thức từ chính quyền thành phố Hồ Chí Minh rằng “chính sách của nhà nước Việt Nam đối với vaccine COVID-19 là tiêm miễn phí và tự nguyện cho người dân”. [2] Cần lưu ý, lời giải thích này xác nhận rằng người dân có thể từ chối tiêm loại vaccine mình không muốn, nhưng không nhắc đến khả năng họ được lựa chọn vaccine.

Một người cao tuổi được tiêm vaccine tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Các thảo luận pháp lý liên quan đến vấn đề tiêm chủng bắt buộc và xử phạt hành chính đều dẫn đến sự đồng thuận rằng vaccine COVID-19 chưa nằm trong nhóm bắt buộc tiêm chủng theo quy định của Luật Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm 2007 và Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. [3]

Tuy nhiên, nhiều tranh cãi khác nổ ra về việc liệu chính quyền có thể xử phạt hành chính đối với những công dân từ chối tiêm theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP (Điều 9, Khoản 2) hay không, hay quy định này chỉ dành cho đối tượng điều chỉnh là cán bộ y tế? [4] Những vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Bài viết này sẽ không lặp lại những thảo luận đã có. Thay vào đó, người viết so sánh quan điểm của các hệ thống pháp luật trên thế giới về việc tiêm chủng bắt buộc, từ đó tìm hiểu phương án tiệm cận nhất với đường tiêu chuẩn chung của thế giới.

Tiêm chủng bắt buộc từ góc nhìn pháp lý: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể

Trước khi bắt đầu, có lẽ chúng ta cần làm rõ sự khác biệt giữa tiêm chủng bắt buộc (mandatory vaccination/ compulsory vaccination) và tiêm chủng cưỡng chế (forced vaccination).

Tiêm chủng cưỡng chế là một thuật ngữ chỉ chính sách ép buộc người dân tiêm chủng, đi kèm với các lực lượng vũ trang và khả năng sử dụng vũ lực khi cần thiết. Tiêm chủng cưỡng chế hoàn toàn trái với mục tiêu quản lý công, lợi ích lâu dài của cộng đồng lẫn đạo đức ngành y tế. Vì vậy, nó không phải là đối tượng mà chúng ta cần xem xét ở bất kỳ góc độ nào.

Tiêm chủng bắt buộc, dù nghe có vẻ khá tương đồng với tiêm chủng cưỡng chế, lại nói về các chính sách khuyến nghị, các chế tài hợp lý đi kèm để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt mức an toàn cho cả xã hội. Những biện pháp bắt buộc như xử phạt hành chính hay yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng để tham gia vào các hoạt động công cộng liệu có thực sự đúng đắn? Đó là những vấn đề thật sự đáng quan tâm.

Như một truyền thống của Luật Khoa, chúng ta bắt đầu thảo luận bằng trường hợp pháp luật Hoa Kỳ. Đây cũng là một lựa chọn hợp lý, vì không hệ thống pháp luật nào trên thế giới ám ảnh với quyền tự do cá nhân như Hoa Kỳ. Những gì mà hệ thống pháp luật này phán quyết về mối quan hệ giữa quyền tự do cá nhân và nghĩa vụ tiêm chủng đều rất đáng tham khảo.

Điều này dẫn chúng ta đến án lệ kinh điển Jacobson v. Massachusetts (1905). Dù đã hơn 100 năm tuổi, đây tiếp tục là án lệ gốc được sử dụng trong các thảo luận về tiêm chủng bắt buộc tại Hoa Kỳ. [5]

Tranh minh họa việc tiêm chủng bắt buộc tại bang New Jersey vào thập niên 1880. Nguồn: National Library of Medicine.

Trong một đợt dịch thủy đậu nặng nề gây ảnh hưởng đến vùng Northeast và Cambridge thuộc tiểu bang Massachusetts, chính quyền bang đã đưa ra quy định tiêm chủng bắt buộc và xử phạt năm đô-la Mỹ đối với bất kỳ ai từ chối tiêm chủng.

Mục sư Henning Jacobson không chấp nhận quy định này. Với lý do mình và con trai đã từng bị ảnh hưởng xấu trong các lần tiêm vaccine trước, ông từ chối cả việc tiêm chủng lẫn việc chi trả khoản phạt. Ông cũng khởi kiện chính quyền bang Massachusetts lên hệ thống tòa án tiểu bang và cuối cùng vụ việc lên đến tận tay Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Trước Tối cao Pháp viện, Jacobson đưa ra các luận điểm cho đến nay vẫn còn được sử dụng để phản đối tiêm chủng bắt buộc, như “tiêm mầm bệnh vào người” là vi phạm quyền tự do cá nhân (a violation of liberty). Ngoài ra, Jacobson còn viện dẫn một lập luận có tính kỹ thuật cao liên quan đến Tu chính án thứ 14 về chuẩn mực thủ tục (due process).

Tuy nhiên, cả hai lập luận đều bị Tối cao Pháp viện bác bỏ.

Những luận điểm mà Tối cao Pháp viện đưa ra không quá phức tạp. Trước tiên, họ cho rằng quyền năng giám sát (police power) của các tiểu bang là thứ quyền không trái với Hiến pháp Hoa Kỳ. Các thẩm phán khẳng định thêm, con người và tài sản của họ luôn có thể bị đặt vào tình thế bị hạn chế, kiểm soát hay các gánh nặng quản lý khác nhằm bảo vệ sự hòa hợp, thịnh vượng và sức khỏe chung của toàn tiểu bang. Vì vậy, thẩm quyền của công chúng để bảo vệ chính họ khỏi các nguy hiểm cận kề, dù có thể đi ngược lại ý chí và quyền tự do thân thể của một cá nhân, là hiển nhiên.

Thẩm phán Harlan, người viết ý kiến đa số, không quên nghĩa vụ nhắc nhở về trình tự và hạn chế của thẩm quyền hành pháp. Ông cho rằng các quy định về miễn dịch cộng đồng hay tiêm chủng bắt buộc vẫn phải được xây dựng và sử dụng một cách hợp lý (reasonable regulations), do một cơ quan có thẩm quyền ban hành (constituted authorities), với sự ủy quyền hoặc cho phép của nhà nước, và nhằm mục tiêu duy nhất là nhằm bảo vệ tập thể công cộng khỏi các nguy hiểm y tế khi cần thiết.

Thẩm phán John Marshall Harlan. Ảnh: Corbis/ Getty Images.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, các chương trình tiêm chủng bắt buộc, đi kèm với các biện pháp chế tài hợp lý như phạt tiền đều được cho là phù hợp với các nguyên tắc trong hiến pháp và quy định về quyền tự do thân thể của nhà nước này.

***

Đi qua bên kia bờ Đại Tây Dương trở về Cựu Lục địa, ta cũng bắt gặp không ít các án lệ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) về tranh chấp liên quan đến các chương trình tiêm chủng bắt buộc dù chúng không có tuổi đời cao như tại Hoa Kỳ.

Trong số đó, đáng kể nhất là vụ án Vavricka v. Czech Republic, đến tay ECtHR vào năm 2015. [6]

Trong tranh chấp, luật pháp Cộng hòa Czech quy định rằng bất kỳ công dân, thường trú nhân, hay người nước nào sinh sống tại quốc gia này đều buộc phải tham gia vào các chương trình tiêm phòng bắt buộc được quy định theo từng thời kỳ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với trẻ em dưới 15 tuổi, trách nhiệm tuân thủ thuộc về người giám hộ hợp pháp của trẻ.

Vào năm 2003, người cha có tên Vavricka bị xử phạt vì không mang hai con của mình (lần lượt 13 và 15 tuổi) đến các cơ sở y tế quy định để chích ngừa ba loại bệnh là bại liệt, viêm gan B và uốn ván. Các con của ông bị từ chối cho tham gia vào các hoạt động học thuật tại địa phương.

Phiên điều trần về vụ án Vavricka v. Czech Republic tại Tòa án Nhân quyền châu Âu vào tháng 7/2020. Ảnh: ECtHR.

Thoạt đầu, ông cho rằng hành vi của cơ quan chức năng Cộng hòa Czech vi phạm quyền từ chối can thiệp y tế được ghi nhận trong pháp luật của quốc gia này. Ông cũng lý luận chắc chắn rằng việc từ chối tiêm ngừa của mình không hề gây nguy hiểm cho cộng đồng: các ca bệnh bại liệt tại Czech đã không còn xuất hiện từ thập niên 1960, viêm gan B chỉ nguy hiểm đối với các nhóm có rủi ro y tế cao, và uốn ván thì không truyền nhiễm từ người sang người. Các đương sự khởi kiện được gộp chung trong vụ án này cũng có những câu chuyện và lập luận mang màu sắc tương tự.

Trước ECtHR, họ đều sử dụng Điều 8 của Công ước Nhân quyền Châu Âu (ECHR), cho rằng những can thiệp nói trên của nhà nước nơi họ sinh sống là xâm phạm quyền về đời sống riêng tư của họ (right to private life).

Để giải quyết câu hỏi giữa chính sách tiêm chủng bắt buộc và quyền về đời sống riêng tư, ECtHR vận dụng hàng loạt chuẩn mực để cân đo đong đếm giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng. Các chuẩn mực này rất đáng cho Việt Nam học hỏi. Chúng bao gồm:

  1. Tuân thủ theo quy định pháp luật của quốc gia sở tại
  2. Chính sách đó theo đuổi các mục tiêu chính danh (legitimate aim)
  3. Cần thiết và hợp lý trong một xã hội dân chủ (necessity in a democratic society): trong tiêu chuẩn này, các yếu tố như nhu cầu cấp bách của xã hội (pressing social need) và tính cân xứng giữa chính sách và nhu cầu (proportionality) thường được xem xét.

Sự xem xét cẩn trọng này vẫn đi đến một kết luận chung: các chương trình tiêm chủng bắt buộc, dù bị thách thức về mặt pháp lý, là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật nhân quyền châu Âu.

Bắt buộc tiêm chủng từ góc nhìn đạo đức

Với những bằng chứng pháp lý tương đối phổ biến và có tầm ảnh hưởng nói trên, liệu chúng ta có thể kết thúc các tranh cãi về tính hợp lý của chính sách miễn dịch cộng đồng và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc của một nhà nước?

Chưa hẳn.

Có một sự thật là cho đến nay, chưa quốc gia nào dám đưa việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trở thành một nghĩa vụ pháp.

Tại Hoa Kỳ, dù lượng vaccine đã đến ngưỡng đủ cho các chương trình phòng chống dịch phổ quát toàn liên bang, Nhà Trắng vẫn khẳng định sẽ không có nghị trình nào xem xét chính sách vaccine bắt buộc trên cả nước. [7] Và điều tương tự cũng diễn ra với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ngoại trừ lực lượng y tế vốn phải sử dụng vaccine, ngay cả các viên chức nhà nước cũng có quyền từ chối tiêm ngừa (với điều kiện họ phải mang khẩu trang và xét nghiệm COVID-19 thường xuyên). [8]

Tại Mỹ, quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 chỉ mới được áp dụng trong quân đội, áp dụng từ giữa tháng 9/2021. Ảnh: ABC News.

Ngay cả các nhà dịch tễ học lẫn các nhà nghiên cứu chính sách trên thế giới đều chưa tìm thấy nền tảng đạo đức nào đủ mạnh để bắt buộc tiêm chủng các loại vaccine COVID-19. [9]

Ví dụ, một trong những nền tảng đạo đức cơ bản nhất để lý giải quy trình bắt buộc tiêm chủng là việc tiêm chủng đạt được mục tiêu sức khỏe cộng đồng đề ra, mà ở đây là khống chế hoàn toàn COVID-19, tương tự với những gì mà nhân loại làm được với đậu mùa. Song chưa ai dám chắc chắn về một tương lai không còn virus corona hay đạt đến miễn dịch cộng đồng, ngay cả khi vaccine trở nên phổ biến.

Nhiều nghiên cứu và thống kê đồng thuận rằng các loại vaccine COVID-19 rất tốt, thậm chí là tốt ngoài mong đợi so với kinh nghiệm sản xuất vaccine trước đó của con người. [10] Song bấy nhiêu vẫn chưa đủ để làm giảm khả năng lây nhiễm của loại virus này. Việc lây lan virus lại sinh ra các biến chủng mới mạnh mẽ hơn trước, như chủng Delta. Điều này khiến nền tảng đạo đức của việc tiêm chủng bắt buộc, đi kèm với các biện pháp chế tài như phạt tiền, trở nên rất mù mờ.

Ở một khía cạnh đạo đức khác, theo các nghiên cứu như của Dorit Rubinstein Reiss và Y. Tony Yang đăng trên tạp chí Harvard Law chuyên về quyền y tế, tự thân chương trình bắt buộc tiêm chủng không thể giải quyết triệt để COVID-19. [11] Trong khi đó, nó thổi bùng thái độ hoài nghi, khả năng chính trị hóa và gây ra tranh chấp liên quan đến các thảo luận về vaccine.

Qua đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, việc xây dựng một chương trình truyền thông về vaccine minh bạch, rõ ràng và sâu rộng, cho phép công dân tham gia thảo luận và tìm kiếm thông tin ở mức tối đa, là những giải pháp quan trọng hơn cả việc dùng “con đường tắt” tiêm chủng bắt buộc.

***

Tại Việt Nam, không khó để nhận thấy chương trình tiêm chủng vaccine hiện nay có đầy sai phạm trong phân phối, mập mờ trong ưu tiên, cùng với các chính sách thu mua khó hiểu. Đấy là vẫn chưa kể đến những “phốt” tuyên truyền sai lệch liên quan đến các loại vaccine khác nhau và bầu không khí “công an trị” bao trùm khi bất kỳ ai đặt câu hỏi liên quan đến chúng.

Trong một không gian như thế, trừ khi người dân tự nguyện, những nỗ lực ép buộc tiêm chủng sẽ càng làm dấy lên nghi ngờ về sự minh bạch và tính chính danh của chính quyền trung ương lẫn địa phương.


Chú thích:

1.  Facebook Kiểm Tin. (2021). https://www.facebook.com/webkiemtin/photos/a.114036900074982/381565023322167/

2.  Sơn, V. (2021, August 3). Người dân không tiêm vắc xin COVID-19 có bị xử phạt không? Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/nguoi-dan-khong-tiem-vac-xin-covid-19-co-bi-xu-phat-khong-post1362047.tpo

3.  Thư viện Pháp luật. (2021). Từ chối tiêm vắc xin COVID-19 có bị phạt tiền?. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/36861/tu-choi-tiem-vac-xin-covid-19-co-bi-phat-tien

4.  BBC News Tiếng Việt. (2021, August 4). Covid-19: “Dân có quyền từ chối tiêm nhưng không được chọn vaccine mình thích.” https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58067375

5.  Jacobson v. Massachusetts. (2021). Oyez. https://www.oyez.org/cases/1900-1940/197us11

6.  Echr. (n.d.). European court of human rights. HUDOC. https://hudoc.echr.coe.int/fre#{%22itemid%22:[%22001-209039%22]}

7.  Samuels, B. (2021, July 30). White House: National vaccine mandate “not under consideration at this time.” TheHill. https://thehill.com/homenews/administration/565692-white-house-national-vaccine-mandate-not-under-consideration-at-this?rl=1

8.  MacLellan, L. (2021, August 5). Are Covid-19 vaccine mandates legal in the US? Quartz. https://qz.com/2043301/are-covid-19-vaccine-mandates-legal-in-the-us/

9.  Renaud, J. (2021, April 26). Ethics of mandatory vaccinations: benefits may not outweigh challenges. Western News. https://news.westernu.ca/2021/04/mandatory-vaccination/

10.  Zhang, S. (2021, July 31). COVID-19 Vaccines Might Never Get Us to Herd Immunity. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/health/archive/2021/02/herd-immunity-might-be-impossible-even-vaccines/617973/

11.  Reiss, D. (2020, September 15). Why a COVID-19 Vaccine Shouldn’t be Mandatory. Bill of Health. https://blog.petrieflom.law.harvard.edu/2020/09/15/covid19-vaccine-mandate-compulsory/

Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2021/08/untitled/

Related posts