Chuyện Covid ở VN: Sợ phạt hơn sợ dịch

Lê Bá Vận

14-8-2021

Đại dịch Covid-19, Đảng và dân – “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai!”

Ngày 23/7/2020 là ngày Bộ Y tế thông báo dịch Covid-19 tái phát, đợt 2. Tại Đà Nẵng, trung tâm dịch, cụ NVY, 85 tuổi, trú ngụ tại tổ dân phố 25, phường Thanh Bình, quận Hải Châu và người con tên NVN, 61 tuổi, là hai người trong số những người bị lây nhiễm đầu tiên.

Cụ NVY tử vong ngày 28/7/2021 và NVN (BN418) qua đời ngày 18/8/2020 (1). Con trai cụ NVY là Tiến, sống ở Mỹ, đã lên chùa làm lễ cúng giỗ đầu (lễ Tiểu Tường) cho cha mình.

Năm 2021, dịch Covid-19 tái phát đợt 4. Bắt đầu từ cuối tháng 5/2021 là nghiêm trọng nhất, trung tâm dịch tại nhiều tỉnh thành: Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội… Như trước, Tiến lại gọi điện thoại về Đà Nẵng để biết tin nhà, nay thì cứ hai ba ngày một lần.

Trong đợt 4 dịch tái phát, Đà Nẵng làm chặt chẽ hơn. Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05, thông báo, kể từ ngày 31/7/2021 thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện.

Người dân đi ra ngoài phải có lý do chính đáng và xin giấy phép. Vi phạm sẽ bị phạt từ 2 đến 10 triệu đồng.

Dân Đà Nẵng từ Sài Gòn di tản về, nhiều người cho biết, ở Sài Gòn các biện pháp ngăn cấm và xử phạt còn khe khắt hơn. Hàng ngày đọc trên các trang mạng xã hội phản ánh, cho thấy hiện tại có tình trạng người dân bị một cổ hai tròng, sợ Nhà nước phạt tiền hơn sợ dịch!

***

Chính phủ các nước trên thế giới đều nêu cao quyết tâm đối phó với con virus Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc. Song mỗi nước có mỗi hoàn cảnh, có cách làm riêng.

Việt Nam có những thế mạnh về chính trị không thể chối cãi để khắc phục đại dịch. Lấy ví dụ nhà cầm quyền cộng sản dễ dàng ra lệnh buộc người dân ra ngoài phải mang khẩu trang và phải có lý do chính đáng, song điều này sẽ phải gặp thất bại ở các nước khác.

Chẳng hạn như, ở tỉnh bang Ontario (có diện tích gấp đôi Việt Nam) của Canada, thứ sáu ngày 16/4/2021, khi dịch lên đỉnh điểm, chính quyền Ontario ban hành lệnh trao cho cảnh sát quyền chặn người và xe cộ một cách ngẫu nhiên để xét hỏi lý do đi ra ngoài. Chỉ vài giờ sau nhiều cơ quan cảnh sát tại Ontario đưa lên mạng xã hội Twitter, nói rằng, họ sẽ không tuân thủ các chỉ thị mới, tăng cường quyền hạn cho cảnh sát.

Các mạng xã hội đầy lời chỉ trích và đòi hỏi chính quyền tỉnh bang từ chức. Các poll thăm dò công luận cho thấy, dân chúng không đồng ý, uy tín của thủ hiến tỉnh bang tuột dốc. Hôm sau, thứ bảy 17/4/2021, tỉnh bang thu hồi mệnh lệnh trên và vài hôm sau nữa, thủ hiến Dough Ford với giọng cảm xúc, công khai thừa nhận phạm sai lầm và ngỏ lời xin lỗi tỉnh bang đã nóng vội và độc đoán.

Việt Nam thành công ấy nhờ “Công an còn Đảng còn mình”. Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy! Mặt khác, thế mạnh của Việt Nam là có số lượng công an đông đảo từ 1,5 đến 1,8 triệu trên toàn quốc. Cứ 100.000 dân thì có 1.800 nhân viên công an, trong đó có nhiều tướng tá (2).

Canada có 185 cảnh sát viên (police officer) cho mỗi 100.000 dân. Tỉ lệ công an trên số dân ở Canada, chỉ khoảng 10% so với Việt Nam.

Ở Mỹ, cứ 100.000 dân trung bình có 248 cảnh sát (năm 2019), số liệu ở Anh Quốc cũng tương tự.

Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đưa ra số liệu, trung bình có 300 cảnh sát viên cho mỗi 100.000 dân, 400 được coi là cao. Như thế, với 1.800 nhân viên công an trên 100.000 dân ở Việt Nam là con số quá cao.

***

Ở Việt Nam, đợt 1 dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, kéo dài gần 3 tháng, không gây tổn thương sinh mạng; đợt 2 xảy ra từ giữa năm 2020, kéo dài 36 ngày, giết chết 35 người; đợt 3 bắt đầu từ đầu năm 2021, kéo dài gần 2 tháng, không ai chết. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, “có cứng mới đứng đầu gió”, là khắc tinh của con virus Covid-19.

Các biện pháp đàn áp: khoanh vùng, cách ly, truy vết, phong tỏa, cấm đoán và giới nghiêm, lập các chốt chặn để kiểm soát người đi đường… được công an người dân triển khai triệt để, nhiệt thành.

Lãnh đạo ra chỉ thị, nghị quyết nung nấu tinh thần chống dịch với những khẩu hiệu khích động: “Tinh thần chống dịch như chống giặc… mỗi nhà… khu phố là một pháo đài tử thủ chống dịch… bít chặt kẽ hở, không cho Covid-19 xuyên qua… toàn dân phải tổng tiến công toàn lực, toàn diện… Tăng cường giám sát và xử phạt thật nghiêm minh các đối tượng vi phạm…”. Là gói chiến lược để bao vây tiêu diệt con virus. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.

Các nước trên thế giới bày tỏ sự khâm phục thành công diệt dịch của Việt Nam. Tuy nhiên, họ không xem đó là khuôn mẫu và dù có muốn bắt chước cũng chẳng được. Dân trí họ khác, không thể độc đoán.

Các nước lại thiếu loại công an chỉ biết có Đảng. Họ quản lý dân không chặt chẽ, không đi sát với dân do thiếu chế độ công an trị, được thể hiện thông qua 3 cơ chế: công an khu vực, hộ khẩu, quản lý lương thực.

Ở các nước như Mỹ, Canada, về chính trị người dân cũng chỉ bầu ra 3 cấp chính quyền: 1) Chính quyền trung ương, 2) Chính quyền bang (hoặc tỉnh) và 3) Chính quyền địa phương, tức là các đô thị (municipality), lớn, nhỏ, có thị trưởng (mayor) đứng đầu.

Việt Nam thì cẩn thận rất mực, bầu ra gấp bội, từ chính quyền trung ương xuống tỉnh, thành phố, quận huyện, phường xã với các UBND và trưởng thôn. Lại còn tổ trưởng tổ dân phố… quan tâm bám sát dân đến hang cùng, ngõ hẻm, nhất cử nhất động, dân làm gì cũng biết.

***

Đại dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, xảy ra từ cuối tháng 5/2021, đầu tháng 6, kéo dài cho tới hôm nay, vẫn không biết khi nào thì các ca nhiễm sẽ giảm. Trong đợt 4 này, gây nhiễm chủ yếu là biến thể Delta, rất nguy hiểm, có độc lực cao, tốc độ lan nhiễm nhanh, theo Tổ chức Y tế Thế giới họp khẩn, cảnh báo ngày 30/7/2021.

Con virus biến thể Delta đã chứng tỏ là một “thế lực thù địch” thách thức nghiêm trọng sự lãnh đạo của đảng, đồng thời cũng tiết lộ bản chất của chế độ.

Hàng trăm ngàn bệnh nhân bị nhiễm virus, bệnh viện thiếu thuốc men, ô xy, máy thở… hàng chục ngàn ca tử vong, các lò thiêu quá tải. Dịch bệnh kéo dài, phố xá, xí nghiệp, chợ búa đóng cửa, dân nghèo bị bỏ đói trong nhà, dân các tỉnh ùn ùn, hỗn độn rời Sài Gòn, kéo về quê…

Để đối phó, nhà cầm quyền cộng sản chỉ biết xiết chặt các biện pháp vốn đã khắt khe. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Nhiều khu vực và đầu hẻm bị đặt chướng ngại vật hoặc chăng dây cách ly.

Đứa cháu của Tiến mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết này, cũng xin cầu may, được cấp một vé xe miễn phí về Đà Nẵng. Nhưng vợ chồng người dì ruột đang còn việc làm ở ngoài, tối về nhà, không vào được hẻm bị cách ly, nên phải ngủ nhờ nơi khác. Nếu đã vào thì không được ra. Họ phone dặn cháu thôi về Đà Nẵng, ở lại trông nhà và 2 đứa nhỏ; mỗi tối họ đem cơm đến, ra lấy ở đầu hẻm. Đứa cháu thì ngồi nhà, học đại học online.

Nhà nước gia tăng xử phạt. Nhiều shipper (người giao hàng) bị phạt mỗi lần 2 triệu, nhiều khi không có biên lai. Hàng trăm người viết trên facebook bị gọi làm việc, phạt tiền, bị bỏ tù. Bác sĩ và bệnh nhân bị truy tố nếu chụp hình quay phim, để đưa tin về tình hình trong bệnh viện.

Do hoảng loạn, trong khi các chợ truyền thống đang bị đóng cửa, các siêu thị bán thực phẩm mở cửa, người mua đổ xô vào tràn ngập, không giãn cách.

Ở Mỹ và Canada vào thời dịch cao điểm, các siêu thị mở cửa, nhưng chỉ cho vào một số ít khách, sau đó cứ một người mua xong, đi ra cửa thì một người khác đứng chờ ở ngoài mới được vào.

Theo lý thuyết, để tránh con virus lây nhiễm theo đường hô hấp, chỉ cần thực thi nghiêm túc mang khẩu trang, giãn cách 2m, thường xuyên rửa tay và không gãi mặt. Gia đình của Tiến ở quận Cam, Mỹ và người em của Tiến tên là Miên, ở Toronto, Canada tuân thủ triệt để, nên đều an toàn trong suốt thời kỳ dịch cho đến ngày được chích ngừa đầy đủ.

Nếu ai nhà ở chật chội thì càng phải lưu ý. Cẩn thận thêm thì tránh tụ tập đông người và tự cách ly tại nhà trong 2 tuần lễ, nếu xét nghiệm dương tính; bệnh nặng mới xin vào bệnh viện.

Ở Mỹ, Canada đều làm như thế. Nhà nước chỉ dẫn những điều nên làm, chứ không ngăn chặn đường sá, cách ly khu vực và điều thiết yếu là hỗ trợ tiền bạc, thực phẩm đầy đủ, nhanh chóng gửi séc cho người dân bị thiệt hại về kinh tế do dịch, đồng thời dành nỗ lực thúc đẩy việc bào chế vaccine.

Trong thời gian dịch bùng phát mạnh, nhà cầm quyền luôn xuất hiện hàng ngày bên cạnh các giới chức y tế, để báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh cho công chúng và trả lời các câu hỏi của báo chí.

Các thành tựu hiện nay thấy rõ. Tại Bắc Mỹ và châu Âu, đa số dân chúng đã được chích ngừa nên sinh hoạt đời sống đang trở lại mức bình thường. Tháng 7, có giải bóng đá vô địch châu Âu và giải vô địch tennis Wimbledon ở Anh, tháng 8 giải tennis Canada, khán giả đa số không đeo khẩu trang, ngồi sát cạnh nhau, đầy chật khán đài. Thế vận hội Olympics tại Tokyo, Nhật Bản bế mạc hôm chủ nhật 8/8/2021. Buổi sáng hôm đó trong giải chạy bộ marathon 42km, hai bên đường phố dân chúng Nhật mang khẩu trang chen chúc đứng xem.

Khoanh vùng, phong tỏa… lợi ích chẳng bao nhiêu, nhưng di hại vô kể. Và chỉ có những chế độ độc tài như CSVN mới áp dụng kiểu này, bởi người dân không có tiếng nói gì.

Điều đáng lên án nhất là, nhà cầm quyền không dự hoạch một ngân sách đủ và đền bù cấp tốc cho người dân lao động mất việc, do những cấm đoán kéo dài mà chính mình áp đặt. Dân bị giam trong nhà rồi nhẫn tâm bỏ mặc dân đói, “sống chết mặc bay, trời sinh trời dưỡng”!

Cho dù nhà cầm quyền khôn khéo động viên được người dân thi đua đóng góp tiền mua vaccine, nhưng không phải dân nào cũng được chích, dù họ thuộc diện ưu tiên. Con Delta dữ tợn, song có chết là dân chết, chứ lãnh đạo đã có vaccine tốt và bệnh viện cán bộ lo rồi.

Đây là cuộc đọ sức hết sức khốc liệt giữa đảng CSVN “bách chiến bách thắng” với “giặc Covid-19” bất bại (chỉ ngại vũ khí vaccine). Rốt cuộc người dân mang vạ, “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.

Điện Biên Phủ, dãy Trường Sơn, lò nướng quân mà đảng ta đã thực hiện. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Thắng được con Covid-19, dân hy sinh, Đảng quang vinh.

_____

Chú Thích

(1) LBV – “Chờ Được Vạ (Vaccine) Má Đã Sưng”.

(2) Ngày 17/11/2020 vừa rồi, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò nói với Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng: “Xin lỗi đồng chí, nhưng các đồng chí đông quá”. Phát biểu của ông Sùng Thìn Cò phản ánh một thực trạng là ngành công an ngày càng đông thêm cả quân lẫn tướng.

Một số hình ảnh:

Cảnh ở Sài Gòn. Khu vực cách ly trên đường phố, tháng 7/2021. Ảnh trên mạng
Người dân Mỹ ngồi chờ chích ngừa tại điểm tiêm công cộng hồi tháng 3/2021. Ngồi cách xa 2 m. Có điêm chích công cộng cần lấy hẹn online, có nơi đến không cần lấy hẹn (walk-in), có điểm chích một số bác sĩ gia đình và hiệu thuốc tây… Hiện nay nhiều nơi chính phủ khuyến khích người dân đi chích ngừa, bằng cách biếu tiền, tặng phẩm…
Khu vực cách ly đầu hẻm, tại một khu vực ở Sài Gòn trong tháng 7/2021. Ảnh trên mạng
Từ Sài Gòn, dân mất việc, trốn Covid, chạy bát nháo về quê, đường xa kiệt sức, nằm nghỉ la liệt bên đường, chen chúc, nhưng có đeo khẩu trang. Ảnh trên mạng

Related posts